Bài viết này cơ bản không phải để nhận xét việc biên soạn bài HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ (phần II- LUYỆN TẬP) [1]. Nêu tiêu đề “Một cố gắng diễn giải”, tác giả bài viết chỉ muốn đặt mình trong địa vị người dạy và người học để thực hiện công việc quen gọi là chuẩn bị bài – tức cố gắng đọc hiểu bài học, giả định các câu hỏi có thể có trong giờ học nhằm mục đích giúp ích ít nhiều cho việc dạy học trong thực tế. Trình tự trình bày của bài viết này từ đầu đến cuối luôn tuân theo định hướng như thế.

Như ta thấy – toàn bộ bài học được biên soạn theo cách lần lượt nêu dẫn liệu kèm theo các câu hỏi với dụng ý dắt dẫn tiếp cận và diễn giải dẫn liệu theo chủ đích chung  của bài học. Vậy ta hãy xem xét lần theo trình tự dẫn dụng dẫn liệu của SGK.

1. Dẫn liệu đầu tiên của bài học là một câu ca dao.

Trình bày của bài học như sau [1]:

1. Phân tích các nhân tố giao tiếp thể hiện trong câu ca dao dưới đây theo câu hỏi.

                            Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng:

                            – Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?

a) Nhân vật giao tiếp ở đây là những người như thế nào? (về lứa tuổi, giới tính)

b) Hoạt động giao tiếp này diễn ra vào thời điểm nào? Thời điểm đó thường
thích hợp với những cuộc trò chuyện như thế nào?

c) Nhân vật “anh” nói về điều gì? Nhằm mục đích gì?

d) Cách nói của “anh” có phù hợp với nội dung và mục đích giao tiếp không?

Hình ảnh đôi lứa trong ca dao Việt Nam. Ảnh: Sưu tầm.

Có vẻ như dẫn liệu 1 (và cả dẫn liệu 2) phần II –  LUYỆN TẬP này là một sự tiếp tục minh họa thêm cho dẫn liệu 1 đoạn trích “Hội nghị Diên Hồng” ở phần lí thuyết I – THẾ NÀO LÀ HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ. Nói cách khác câu ca dao, đoạn đối thoại giữa một em nhỏ  tên A Cổ với một ông già, vua nhà Trần với các bô lão đều là những “văn bản” mà SGK dùng làm dẫn liệu minh họa cho cùng một dạng thức hoạt động giao tiếp nói năng của con người trong cuộc sống. Tất nhiên ở đây ta phải chấp nhận giả định (không tránh khỏi việc đơn giản hóa) rằng các “văn bản” (thực tế là truyện và ca dao) đó “ghi lại” [2] được những đối thoại chuyện trò hỏi han có thể dẫn làm ví dụ minh họa cho sự khái quát lí thuyết một dạng thức “hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ” mà người biên soạn (NBS) muốn trình bày. Để có thể yên nhiên soạn các câu hỏi a), b), c), d) trên ta cần mặc định: 1) “Câu ca dao” dẫn ra đó là một phần của hội thoại hỏi đáp. Ở đó người hỏi tự xưng là “anh” (ngôi thứ nhất) chứ không phải là trần thuật của một tác giả – “nhà thơ” dân gian (tính chất trần thuật sẽ nổi bật lên nếu “anh” được thay bằng “chàng”); 2) Có thể có một giao tiếp nói năng hỏi đáp dạng lục bát như thế trong thực tế.

Tiếp theo, người dạy cũng phải lường trước tình huống học sinh có thể sẽ tập trung sự chú ý vào cụm từ  “thể hiện trong…” và nêu câu hỏi – “Có thể đề cập đến trường hợp các nhân tố giao tiếp thể hiện ngoài… được không?”. Dĩ nhiên đây chính là lúc người dạy thực sự đối diện với việc phải giới thuyết vấn đề thế nào là một “văn bản”. Trả lời hay không thì người dạy cũng nên nhớ rằng theo cách hiểu của sách giáo khoa (SGK) nói chung tất cả các dẫn liệu được dẫn dụng đều là “văn bản”. Theo diễn đạt trong các câu hỏi trong bài này ta thấy các nhân tố giao tiếp có lúc thể hiện trong nhưng cũng có lúc cũng hiện diện “bên ngoài” văn bản. Ví dụ câu hỏi c) dẫn liệu I.1 – Hoạt động giao tiếp trên diễn ra trong hoàn cảnh nào? (Ở đâu? Vào lúc nào? Khi đó ở nước ta có sự kiện lịch sử gì? Thực vậy, nhân tố hoàn cảnh giao tiếp (đất nước đứng trước cuộc xâm lăng lần thứ hai của quân Nguyên, cuộc gặp mặt giữa vua nhà Trần với các bô lão ở Điện Diên Hồng mùa đông 1284) là không thể hiện trong văn bản dẫn liệu “Đối thoại Diên Hồng”. Tất nhiên cũng có trường hợp câu hỏi cho thấy dường như nhân tố giao tiếp vừa thể hiện trong mà cũng tồn tại bên ngoài “văn bản”. Ví dụ câu hỏi a) dẫn liệu I.2 – Thông qua văn bản đó [bài Tổng quan văn học Việt Nam], hoạt động giao tiếp diễn ra giữa các nhân vật giao tiếp nào? (Ai viết? Ai đọc? Đặc điểm của các nhân vật đó về lứa tuổi, vốn sống, trình độ hiểu biết, nghề nghiệp,…?). Dĩ nhiên nhân tố nhân vật giao tiếp người đọc-học sinh này là một sự khái quát hóa “lứa học sinh lớp 10” đông đảo chứ không phải là một nhóm các bô lão, một em bé A Cổ hay một cô gái đêm trăng thanh… Dù sao “lứa học sinh lớp 10” này tuy đông nhưng chắc chắn không đông bằng số độc giả bài thơ Hồ Xuân Hương (dẫn liệu 3 phần LUYỆN TẬP). Và trường hợp dẫn liệu giao tiếp Hồ Xuân Hương với người đọc này lại cho thấy có lúc có thể nói đến nhân tố giao tiếp “thể hiện trong” văn bản nhưng thay vì hỏi về nhân vật giao tiếp “em” (bánh trôi [3]) thì NBS lại hỏi đến nhân vật giao tiếp là tác giả bài thơ – Hồ Xuân Hương (người mà trong bài thơ khác từng trực tiếp xưng “chị”!). Và  như ta thấy ở trường hợp hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ – “làm thơ” này SGK không đặt các câu hỏi trực tiếp về những nhân tố giao tiếp như hoàn cảnh-nội dung giao tiếp.

Khi so dẫn liệu II.1 này với dẫn liệu I.1 ta thấy ở I.1 nhân tố giao tiếp thực ra phải được “nhận diện” một cách gián tiếp (qua lời của chủ thể trần thuật, qua nhiều “văn bản” mà người đọc có thể đã biết từ trước (Đại Việt sử kí toàn thư, truyện kể lịch sử, sự phổ cập từ “hội nghị” hình thành cụm từ “Hội nghị Diên Hồng”,…) mà cũng có thể được nhận diện một cách trực tiếp từ chính lời của nhân vật giao tiếp (“bệ hạ”, “thưa…”). Trong lúc ở II.1 văn bản câu ca dao chỉ có mỗi lời trực tiếp. Đó có lẽ là nguyên do tại sao mà NBS khi nêu dẫn liệu này lại dùng cụm từ “các nhân tố giao tiếp thể hiện trong câu ca dao”. Gạt qua một bên tâm lí cho rằng những giả định trên đây là quá ư chi li cũng như việc có sẵn lòng đối phó với các câu hỏi đó hay không, các thầy cô dạy bài này đều thấy chúng ta cần tham khảo nhiều hơn lí thuyết về “văn bản” và tăng cường cho mình các tri thức ngữ dụng học.

Tiếp theo ta thấy học sinh cũng có thể tập trung sự chú ý vào cụm từ “câu ca dao”. Người dạy đều biết ngay sau bài này là bài VĂN BẢN khái quát hóa các loại văn bản. Theo SGK, đối thoại nói năng là một HOẠT ĐÔNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ gồm hai quá trình tạo lập và lĩnh hội văn bản và bài học HOẠT ĐÔNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ đã dùng dẫn liệu câu ca dao như là một văn bản đã được tạo lập trong giao tiếp. Ở đây học sinh cũng có thể nêu câu hỏi “câu ca dao” này là văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt hay văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật? Và phân loại theo phương thức biểu đạt thì câu ca dao này phải chăng sẽ thuộc loại văn bản biểu cảm? Mặc dù toàn bài học không có ý trình bày HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ theo nhóm-loại và thực tế diễn giải dẫn liệu câu ca dao này của SGK cũng không công nhiên xác chỉ đây là hoạt động giao tiếp ngôn ngữ cụ thể nào nhưng căn cứ vào một số từ và cụm từ trong các câu hỏi a), b), c) ta có thể đoán định NBS muốn dẫn câu ca dao như là một ví dụ cho giao tiếp trò chuyện sinh hoạt. Nếu vậy thì người dạy dù sao cũng phải chuẩn bị đối diện với những câu hỏi kiểu trên của học sinh.[4] Câu hỏi b) Hoạt động giao tiếp này diễn ra vào thời điểm nào? Thời điểm đó thường thích hợp với những cuộc trò chuyện như thế nào? quả thực cho thấy NBS muốn xem câu ca dao là một trường hợp trò chuyện thực sự. Liên quan đến từ “trò chuyện” người dạy cũng nên dự tính trước về câu trả lời của người được hỏi (thiếp xin thưa). Dự tính này sẽ cho ta thấy ở đây SGK chỉ dẫn có một nửa “bài” ca dao (hoặc cũng có thể nói – SGK đã chỉ dùng ½ “văn bản”), tức cũng có nghĩa ở đây chỉ là hỏi còn để đợi đáp. Người dạy phải chú ý đến điều này vì khung GHI NHỚ đầu bài học có ghi: “Mỗi hoạt động giao tiếp gồm hai quá trình: tạo lập văn bản (do người nói, người viết thực hiện) và lĩnh hội văn bản (do người nghe, người đọc thực hiện). Hai quá trình này diễn ra trong quan hệ tương tác.”.

Bây giờ ta hãy thử giả định một câu trả lời chung cho tất cả các câu a) b) c) liệt ra dưới dẫn liệu câu ca dao này như sau:

“Thưa cô/thầy, Nhân vật giao tiếp ở đây là những người chắc chắn khác giới tính, cả hai có thể cùng lứa tuổi từ thiếu niên (ngày xưa lấy vợ lấy chồng sớm, cá biệt có trường hợp con trai bé tuổi hơn vợ) đến thanh niên… Nhưng cũng không loại trừ trường hợp “anh” ở đây tuổi trung niên thậm chí già, tức “anh” cũng không là tre non.[5]Hoạt động giao tiếp này diễn ra vào thời điểm “đêm trăng thanh”, chồng “ỡm ờ” với vợ một chút mà cũng có thể là đêm trăng thanh trai gái vừa làm việc chung vừa  hát đối – một chàng trai muốn đặt vấn đề yêu đương- hôn nhân với cô gái. Còn như vấn đề “nói về điều gì” và “nhằm mục đích gì” thì còn tùy vào việc tưởng tượng bối cảnh và cắt nghĩa thích đáng các hình tượng ẩn dụ. Riêng câu hỏi cuối d) Cách nói của “anh” có phù hợp với nội dung và mục đích giao tiếp không? thì chúng em biết cần trả lời là “có phù hợp”, nhưng thực sự chúng em không hiểu là với một nội dungmục đích giao tiếp như thế thì “nói thẳng” ra có bị xem là “không phù hợp” hay không?”.

Giả định câu trả lời như trên chắc hẳn sẽ khiến cho thực tế cuộc giao tiếp bằng ngôn ngữ giữa thầy cô và học sinh trong tiết học sẽ sinh động lên rất nhiều!

2. Dẫn liệu đoạn đối thoại hai người.

Trình bày dẫn liệu thứ 2 của bài là như sau:

2. Đọc đoạn đối thoại (giữa một em nhỏ A Cổ với một ông già) và trả lời
câu hỏi.A Cổ sung sướng chào: Cháu chào ông ạ! Ông vui vẻ nói: A Cổ hả? Lớn tướng rồi nhỉ? Bố cháu có gửi pin đài lên cho

ông không ?

Thưa ông có ạ!

(Bùi Nguyên Thiết, Người du kích trên núi chè tuyết)

a) Trong cuộc giao tiếp trên, các nhân vật đã thực hiện bằng ngôn ngữ những
hành động nói cụ thể nào? Nhằm mục đích gì? (Chọn trong các từ: chào,
chào đáp, hỏi, đáp lời, khen
 để gọi tên mỗi hành động cho phù hợp.)

b) Cả ba câu trong lời nói của ông già đều có hình thức của câu hỏi, nhưng có
phải các câu đều dùng để hỏi hay không, hay để thực hiện những mục đích giao tiếp khác? Nêu mục đích giao tiếp của mỗi câu.

c) Lời nói của các nhân vật bộc lộ tình cảm, thái độ và quan hệ trong giao tiếp
như thế nào?

Em nhỏ A Cổ và ông già. Ảnh: Sưu tầm.

Suy nghĩ đồng thời cả hai câu hỏi a)b) ta sẽ thấy: ở câu hỏi a) dường như NBS cho rằng chào, chào đáp, hỏi, đáp lời, khen là hành động nói cụ thể. Nhưng sang đến câu hỏi b) các hành động nói chào, chào đáp, hỏi, đáp lời, khen này lại cũng được coi là “mục đích giao tiếp”. Thực tế giáo án soạn bài của giáo viên thường vẫn trả lời câu hỏi b) này như sau: “Cả ba câu trong lời nói của ông già đều có hình thức của câu hỏi nhưng không phải đều dùng để hỏi. Cụ thể mục đích giao tiếp của câu A Cổ hả?chào đáp. Còn câu Lớn tướng rồi nhỉ? là để thực hiện mục đích giao tiếp khác là khen [6]”. Không biết trả lời như thế có đúng “đáp án” không, nhưng cách nói cho rằng chào đáp hay khenmục đích giao tiếp có lẽ là không ổn.

Ở đây, người dạy cũng phải dự trù trước một số câu hỏi mà học sinh có thể nêu lên. Chẳng hạn: SGK nhắc tới vấn đề “thực hiện bằng ngôn ngữ những
hành động nói cụ thể
” – Vậy có thể nêu “hành động viết” như là một đối lập tương đương với “hành động nói” hay không? Nếu có thì nên quy nạp chúng như thế nào vào trong cái gọi là HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ?

Vì rằng, một khi đã nêu vấn đề “hành động nói” thì lẽ tự nhiên cũng khiến cho học sinh đối lập “hành động” thực hiện bằng tay (trong đó có “hành động viết”?) với “hành động nói” thực hiện bằng “miệng”. Câu hỏi tiếp theo có thể là – các “hành động nói” vừa nhắc trong dẫn liệu trên có thể được gọi tên cụ thể là hành động nói chào, hành động nói khen, hành động nói trả lời-đáp, hành động nói hỏi hay không? Và rốt cuộc thì giao tiếp ngôn ngữ có tổng cộng bao nhiêu hành động nói cụ thể?

Việc trả lời rành mạch các câu hỏi đó là không dễ, nhưng nếu để tâm phân tích cách dẫn giải tiếp cận dẫn liệu của SGK người dạy ít nhiều đều cảm thấy ở đây các câu hỏi a) b) c) này dường như đã cùng lúc đề cập tới nhiều bình diện nghiên cứu ngôn ngữ quan trọng – hành vi tại lời (Speech act Theory) [2], ngữ dụng học (pragmatics), phân loại câu theo mục đích nói năng [3].[7] Và việc không “tách bạch” trong tiếp cận các bình diện này đã khiến cho người chuẩn bị bài trở nên lúng túng hơn bao giờ hết.

Đi vào cụ thể ta thấy – chẳng hạn Lớn tướng rồi nh trong “văn bản” thấy dùng dấu hỏi (hoặc nói như NBS là “có hình thức câu hỏi”). Nhưng rõ ràng là ta cũng không loại trừ khả năng nó sẽ được xem là một phát ngôn với ngữ điệu tán thán (khen). Thực ra, suy cho cũng vì đây là một lời “được” thuật dẫn (thuật dẫn “lời trực tiếp”) nên thậm chí sau nó cũng có thể không chỉ là dấu hỏi, dấu than mà cũng có thể là dấu chấm lửng biểu thị những sắc điệu nói tinh tế mà chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được. Tương tự, Bố cháu có gửi pin đài lên cho ông không dễ dàng được xem là câu hỏi nhưng A Cổ hả được xem là chào đáp mà cũng có thể vẫn được xem là câu hỏi thực sự. Và nếu A Cổ thấy ông già sau bao năm không gặp có ý ngờ ngợ về cậu thì cậu có thể đáp lời Vâng, đúng cháu – thằng A Cổ đây mà! Hoặc có khi – đơn giản hơn là chỉ vì ông già mắt kém lại chói nắng nên quả thực không nhận ra cậu bé!

Bây giờ ta hãy tiếp tục tìm hiểu riêng câu hỏi c) Lời nói của các nhân vật bc lộ tình cảm, thái độ và quan hệ trong giao tiếp như thế nào? Nói chung người dạy-học đều tìm cách trả lời câu hỏi này theo giả định tích cực rằng em bé thì lễ phép kính trọng còn người ông thì vui vẻ trìu mến. Giả định đó đương nhiên được củng cố thêm nhờ thông tin thuyết minh đọc thấy từ lời trần thuật “(A Cổ) sung sướng chào”  “(Ông) vui vẻ nói”. Nhưng thực ra, nếu chỉ từ mỗi bản thân “lời nói của các nhân vật” thì rất khó để nói chuyện “tình cảm, thái độ và quan hệ trong giao tiếp” này. Và một điều nữa là – mặc dù những yếu tố đặc trưng của kiểu lời thoại như “… ”, “thưa…” được coi là dùng để biểu thị sự lễ phép, kính trọng nhưng sự biểu hiện “tình cảm, thái độ và quan hệ” trong thực tế nói năng là hết sức cá biệt và tinh tế. Một câu trước “thưa” sau “” đầy đủ nhưng có thể được nói với đủ sắc thái tình cảm từ trang trọng cho tới châm biếm. Và đó mới chính là “sự thực” của HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP (BẰNG) NGÔN NGỮ. Nếu ý thức đầy đủ tới những điều như thế ta sẽ thấy suy cho cùng mượn dẫn một “đoạn đối thoại” từ một ngôn bản trần thuật như trên rồi nêu yêu cầu tìm hiểu “Lời nói của các nhân vật bộc lộ tình cảm, thái độ và quan hệ trong giao tiếp như thế nào?” kể cũng là một chuyện vạn bất đắc dĩ. Ở đây câu chuyện liên quan đến hạn chế tự thân của cách tiếp cận và dẫn dụng ngữ liệu (SGK thường vẫn gọi chung là “văn bản”).

3. Tiếp theo ta hãy nói sang dẫn liệu thứ ba của bài học.

Trình bày của SGK như sau:

3. Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi.

BÁNH TRÔI NƯỚC

Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kể nặn,

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

                                                                          (Hồ Xuân Hương)

a) Khi làm bài thơ này, Hồ Xuân Hương đã “giao tiếp” với người đọc về vấn đề gì? Nhằm mục đích gì? Bằng các phương tiện từ ngữ, hình ảnh như thế nào?

b) Người đọc căn cứ vào đâu (từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ; cuộc đời,
thân phận tác giả,…) để lĩnh hội (hiểu và cảm nhận) bài thơ?

Hồ Xuân Hương với tác phẩm “Bánh trôi nước”. Ảnh: Camelia Pham.

Điều dễ thấy trước tiên là tính chất “đặc biệt” của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ thể hiện ở dẫn liệu “bài thơ” này. Phần đông các giáo viên đều muốn biết dẫn liệu bài thơ Hồ Xuân Hương này là để minh họa hay đại diện cho kiểu/dạng/hình thức/loại HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ nào? Tất nhiên như ta thấy bài học này dường như chỉ đặt nhiệm vụ giới thuyết chung nhất về HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ nên việc người dạy muốn có một sự hệ thống hóa các loại hình “GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ” là điều vượt ra khỏi yêu cầu của chương trình SGK. Mặc dù vậy, ngay cả khi chỉ đặt vấn đề “THẾ NÀO LÀ HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ ”, với dẫn dụng bài thơ này ta vẫn muốn biết “trường hợp dẫn dụng bài thơ Hồ Xuân Hương này đã cho ta thêm một ví dụ ra sao về HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ? Câu hỏi đầu tiên mà SGK nêu ra là a) Khi làm bài thơ này, Hồ Xuân Hương đã “giao tiếp” với người đọc về vấn đề gì? Nhằm mục đích gì? Bằng các phương tiện từ ngữ, hình ảnh như thế nào? Chúng ta có thể nói thực ra nếu SGK đặt rõ vấn đề sáng tác văn chương như là một loại dụng ngữ đặc biệt, nêu rõ vấn đề tiếp nhận văn học và tìm cách quy nạp vào trong hệ thống gọi là HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ thì chắc ở đây NBS đã không phải đặt từ giao tiếp này vào trong dấu “” (chính việc đặt trong nháy này cho ta thấy tính chất “đặc biệt” của hoạt động giao tiếp tác giả-tác phẩm-bạn đọc. Thực tế thì ở các dẫn liệu đã nêu, chẳng phải là tác giả Lê Vân với Hội nghị Diên Hồng hay Bùi Nguyên Khiết với Người du kích trên núi chè tuyết và thậm chí cả tác giả dân gian bài ca dao “Đêm trăng thanhđan sàng” ấy cũng đang thực hiện cái hành động mà đến lượt bài thơ Hồ Xuân Hương SGK lại để trong nháy (“giao tiếp”) đó thôi? Như ta đã thấy ở dẫn liệu 2, SGK có nhắc tới vấn đề “hành động nói” (cũng là tên học ở Ngữ Văn 8). Vậy đến đây học sinh có thể hỏi có thể nêu vấn đề “hành động viết” như là một đối sánh song song với “hành động nói” hay không? Phải chăng là ta có thể nói là các tác giả Hội nghị Diên Hồng, Người du kích trên núi chè tuyết “đang viết” (truyện) cũng như  Hồ Xuân Hương thì đang “làm bài thơ”? Có thể chưa cần thiết phải đi sâu phân biệt “giao tiếp” thơ trữ tình với “giao tiếp” tự sự, nhưng ta hoàn toàn có thể và cũng phải sớm nêu vấn đề “viết” (thiên) truyện/(bài) thơ như là một cách tham gia hoạt động giao tiếp (bằng ngôn ngữ) với “viết” (bức) thư (e-mail)/(bản) thông báo khác nhau cơ bản ở chỗ nào? Không thực hiện sự đối lập này thì phân tích HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ rất dễ trở thành một sự mô tả chung chung.

Dẫn liệu 3 chỉ có hai câu hỏi. Câu hỏi b) Người đọc căn cứ vào đâu (từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ; cuộc đời, thân phận tác giả,…) để lĩnh hội (hiểu và cảm nhận) bài thơ? xứng đáng được quan tâm kĩ hơn một chút. Trong đối sánh với các dẫn liệu II.1, II.2 đã dẫn dụng ta có thể tự hỏi câu hỏi b) này có phải chỉ là câu hỏi dẫn giải riêng cho “giao tiếp” văn chương-tiếp nhận tác phẩm văn học không? Tại sao đối với giao tiếp chào hỏi sinh hoạt hay viết thư, viết thông báo thì không nêu câu hỏi như này?

4. Bài học này kết thúc với việc dẫn dụng dẫn liệu bức thư Bác Hồ gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

SGK diễn giải:

Viết thư là một hoạt động giao tiếp. Khi viết thư, dù ý thức rõ hay không, người viết vẫn cần để ý đến các nhân tố giao tiếp sau đây:

a) Thư viết cho ai, người viết có quan hệ như thế nào với người nhận?

b) Hoàn cảnh cụ thể của người viết và người nhận thư khi đó như thế nào?

c) Thư viết về vấn đề gì?

d) Thư viết để làm gì?

e) Nên viết như  thế nào?

Bác Hồ viết thư gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Sưu tầm.

Hoàn toàn có thể gọi người nhận thưhoàn cảnh viết-nhận thư là hai “nhân tố giao tiếp”, nhưng một khi đã nói rõ “Khi viết thư, ý thức rõ hay không, người viết vẫn cần để ý đến các nhân tố giao tiếp sau đây” thì tiếp theo không nên diễn đạt như ta đọc thấy: a) Thư viết cho ai, người viết có quan hệ như thế nào với người nhận? b) Hoàn cảnh cụ thể của người viết và người nhận thư khi đó như thế nào? Thật khó tưởng tượng một người cầm bút viết thư mà lại còn suy nghĩ “người viết có quan hệ như thế nào với người nhận”, “hoàn cảnh cụ thể của người viết và người nhận thư khi đó như thế nào?” (!). Đúng ra ở đây, chính chúng ta (NBS và người học) mới là người đặt ra các vấn đề đó. Hoặc giả, NBS dường như đã không ý thức rõ rằng phía trước nói tới “người viết thư” nhưng liệt kê các câu hỏi tiếp theo thì chính là đang nêu vấn đề với người tìm hiểu việc viết thư như là một dẫn chứng cho hoạt đông giao tiếp bằng ngôn ngữ? Nhân tiện cũng nên thấy rõ rằng bức thư gửi học sinh cả nước của chủ tịch Hồ Chí Minh một khi đã dẫn dẫn dụng vào bài học SGK thì nó liền đã ở vào trong một thế tạm gọi là “giao tiếp kép”: giao tiếp giữa vị chủ tịch nước với “các em học sinh” cả nước mùa thu 1945 và giao tiếp giữa học sinh lớp 10 ngày hôm nay với bức thư từng gửi đi đó. Nói cách khác, ở đây ta cũng có thể tiếp cận với dẫn liệu bức thư như cách mà SGK đã tiếp cận dẫn liệu I.2 – bài Tổng quan văn học Việt Nam ở phần I – THẾ NÀO LÀ HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ của cùng bài học này vậy.

Vậy mà suy cho cùng với tư cách kẻ thứ ba (người tìm hiểu cái hoạt động giao tiếp thư từ), ở đây ta có thể trả lời ngay được câu hỏi a) và  b) nhờ vào những dữ liệu thông tin “thuyết minh” từ bên ngoài đã được công bố về bối cảnh giao thiệp (giới thiệu rõ đây là bức thư Bác Hồ gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa). Nhưng với câu hỏi c), d), e) thì trừ phi được người viết và người nhận thư nói cho biết còn thì dĩ nhiên là chỉ còn cách là được đọc bức thư (chắc chắn có những bức thư ta không hiểu được các nhân tố giao tiếp đó vì ta không phải là người trong cuộc). Chả trách NBS ở đây đã chọn dẫn liệu  bức thư “công khai” (gửi chung học sinh cả nước). Và như ta đều thấy, các “công thư” nên được xem là một trường hợp riêng, không tiêu biểu cho giao tiếp thư từ nói chung.[8]

HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ trong Ngữ Văn 10 là một bài dài và quan trọng. Bài đã được trình bày vào trong SGK thành hai đơn vị bài học (phần I – lí thuyết và phần II – luyện tập). Bài viết này như đã nói rõ từ đầu – chỉ giới hạn vào phần luyện tập và được viết trong tư thế giả định bản thân người viết cũng là người sẽ dạy học bài đó. Việc giả định đó yêu cầu một sự đọc hiểu toàn bộ bài học. Cái gọi là “diễn giải cụ thể đối bài học…” mà chúng tôi nêu rõ trong nhân đề chính là kết quả cụ thể của công việc đọc hiểu này. Chúng tôi tin rằng việc trình bày các kết quả đọc hiểu cụ thể thành bài viết với nhan đề như trên cũng chính là cách tham gia vào hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ trong ngữ cảnh đặc biệt – dạy học trong trường lớp cụ thể. Hi vọng những diễn giải đó có ích cho giáo viên và học sinh.

Lê Thời Tân, Nguyễn Đức Can, Tạp chí Khoa học (Nghiên cứu Giáo dục), Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 32, số 3, 10/2016, tr. 35-42, ISSN 0866-8612.

CHÚ THÍCH:

[1] Các đoạn trích dẫn bài học SGK đều được đặt trong khung để phân biệt với lời văn của bài viết này.

[2] Hãy nhớ lại cũng từ “ghi lại” này ở câu hỏi cho dẫn liệu đối thoại giữa vua nhà Trần với các bô lão: a) Hoạt động giao tiếp được văn bản trên ghi lại diễn ra giữa các nhân vật giao tiếp nào?

[3] “Bánh trôi” ở đây cũng như “mận”, “đào” trong cao dao vường hồng có lối… chẳng hạn đương nhiên – nói như tinh thần bài CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ (Ngữ văn 6) là được nhân hóa chứ không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ như “anh” và “nàng” trong dẫn liệu 1 phần II bài HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ này!

[4] Tất nhiên cách giải quyết tiện lợi là “rút” lại dẫn liệu này. Dù vậy câu hỏi cần nêu vẫn là – vậy phải tiếp cận thực liệu này như thế nào cho phù hợp? Khả năng xác đáng nhất là phải quan sát lại “đời sống” thực của câu ca dao: được hát ru, được hát đối đáp, được “lẩy” dùng vào trong sinh hoạt nói năng, được đọc hiểu như một tác phẩm văn chương “thơ” “trữ tình” dân gian (sưu biên thành văn bản trong một tổng tập, thành bài thành câu, in đọc)… Nói chung cần nhìn thấy câu ca dao “sinh tồn” trong những diễn ngôn, dụng ngữ, liên văn bản hết sức phức tạp,… Ta hoặc sẽ xem đây là câu chuyện sinh hoạt văn hóa dân gian (hát đối, lẩy lời ca dao nói chung) hoặc tạm coi đó là chuyện vợ chồng hay lứa đôi hỏi đáp với nhau bằng “mượn” ca dao. Vậy mà một khi muốn dẫn câu ca dao để minh họa “giao tiếp nói năng” – người dạy cũng có thể vấp phải phản ứng từ học sinh cho rằng – chả có đôi anh ả nào nói chuyện “văn vẻ” “dở hơi” thế.

[5] Chúng ta sẽ cố tránh câu hỏi “tri thức” thực tế kiểu thế nào là tre non đủ lá và có việc đan sàng bằng tre non đủ lá hay không (tương tự như chuyên tránh trả lời câu hỏi có việc bầu và bí chung một giàn hay không vậy!).

[6] Quả thực SGK không hiếm chỗ nêu những câu hỏi mà người trả lời càng “bám sát” vào câu chữ lời hỏi thì lại càng làm bộc lộ một cách sâu đậm cái cảm giác bất đắc dĩ trong việc soạn bài. Câu trả lời giả định trên đây có thể là không ổn nhưng cái cách mà nó cố gắng “đáp thẳng” vào câu hỏi ít nhiều cũng đã bộc lộ một vẻ “bất khả chấp” nào đó.

[7] Ví dụ, câu “Cháu chào ông ạ!” chứa động từ ngữ vi “chào” là một hành vi ngôn trung (Lí thuyết hành vi ngôn ngữ của J.L.Austin) trong lúc câu Lớn tướng rồi nhỉ? lại được xem là câu chuyện “phân loại câu theo mục đích phát ngôn” (“hình thức của câu hỏi” nhưng không phải là “dùng để hỏi”).

[8] “Nguồn” dẫn bức thư được ghi là “Theo văn bản trong Tiếng Việt 5, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006”. Một người quan tâm đến vấn đề “văn bản gốc” (hoặc gọi thủ cảo) của bức thư này hẳn cũng phải suy nghĩ lại những vấn đề mà SGK đã đề cập – “Thư viết về vấn đề gì?”/ “Nên viết như thế nào?”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Ngữ văn 10, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.

[2] John Lyons, Ngữ nghĩa học dẫn luận (Người dịch: Nguyễn Văn Hiệp), http://ngonngu.net

[3] Bùi Mạnh Hùng, “Bàn về vấn đề “Phân loại câu theo mục đích phát ngôn””, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2 năm 2003.