1. Thay lời mở đầu – Giải thích nhan đề bài viết

Nhan đề của bài viết này là “Về câu chuyện phê bình gọi là “nói ngọng” L/N ở Hà Nội thời gian qua”. Gọi là câu chuyện vì việc tiểu phương ngữ (thổ ngữ) một số nơi ở Hà Nội nói riêng, vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung nói lẫn L/N bỗng trở thành một việc được bàn luận lúc nhặt lúc thưa nhưng gần liên tục trên báo-đài và dư luận trong vòng mươi năm qua. Nói cách khác giả sử việc gọi là “nói ngọng” đó nếu không được nói ra thì đã chẳng nên/thành chuyện. Khi nói “câu chuyện gọi là “nói ngọng” L/N ở Hà Nội”, ý của người viết bài chủ yếu không phải là nói “việc nói ngọng diễn ra ở Hà Nội” – cách nói gợi ý hiểu thành “người Hà Nội nói ngọng”, dù thực tế ta đều thấy “việc nói ngọng” đó mà không diễn ra nổi bật đến thế ở Hà Nội thì hẳn cũng đã không thành chuyện để mà tốn nhiều bút mực đến thế. Thanh minh trước như thế là vì người viết muốn tránh phải đương đầu với cái định nghĩa khái niệm “người Hà Nội” rất dễ ngay lập tức lại gây thành câu chuyện nữa. Vả chăng, như vừa xác định – việc “nói ngọng” đó là câu chuyện chung của nhiều tiểu phương ngôn đồng bằng Bắc Bộ, thành chuyện ở Hà Nội có lẽ kể từ chiến dịch “sửa ngọng” cho giáo viên và học sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đầu năm 2009, lên đến đỉnh cao với việc trở thành vấn đề nghị sự trong phiên họp Quốc Hội (8/11/2018). Lược thuật này cơ bản cũng đã xác định nghĩa của cụm từ “thời gian qua” dùng cuối nhan đề bài viết. Đến nay như vậy cũng đã là “Sự này đã ngoại mười niên” (Truyện Kiều, câu 2887). Vì vậy, trước hết chúng tôi xin có một tóm thuật đại lược diễn biến câu chuyện.

2.1. Tóm thuật câu chuyện – “Mười năm chuyện (chưa) cũ”

Câu chuyện phê bình “nói ngọng” L/N ở Hà Nội mười năm vừa qua dường như có thể lấy mốc tháng 9/2008 sau cuộc họp triển khai kế hoạch, nhiệm vụ đầu năm cấp tiểu học huyện Phú Xuyên do Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) chủ trì (năm học đầu tiên tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội). Lãnh đạo Sở chức năng sau buổi họp được nghe một cách tập trung việc “nói ngọng L/N” của ngay đội ngũ hiệu trưởng các trường tiểu học huyện sở tại đã tiến hành điều tra diện rộng và đi đến thực hiện chương trình “Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n” thí điểm tại Phú Xuyên từ tháng 4/2009. Đến đầu năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT Hà Nội đã lên kế hoạch “Luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu: l, n” đối với 13 huyện gồm: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn. Thông tin về việc thực hiện kế hoạch sửa ngọng cho giáo viên, học sinh này đã được VTV1 đưa tin trong bản tin một tối tháng 11/2011. Tường trình cụ thể hơn có thể đọc thấy ở bài báo “Ý tưởng sửa ngọng ‘l, n’ ở Hà Nội hình thành như thế nào?” [https://vnexpress.net/giao-duc/y-tuong-sua-ngong-l-n-o-ha-noi-hinh-thanh-nhu-the-nao-3836391.html, Thứ sáu, 9/11/2018, 01:00]. Bài báo kết thúc với thông tin như sau: “Từ năm 2015, Sở Giáo dục chỉ còn triển khai chương trình “Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n” với hình thức nhắc nhở Phòng Giáo dục các huyện tự thực hiện. Chính vì không sát sao, tỷ lệ học sinh bị ngọng ở nhiều huyện vẫn rất cao. Như Trường Tiểu học thị trấn Phú Xuyên, đến tháng 4/2018 còn 12 giáo viên (chiếm 25%), 338 học sinh (chiếm 30%) phát âm ngọng.”. Dĩ nhiên ta biết Bắc Bộ nhiều tỉnh từ Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đều có hiện tượng nhầm lẫn l và n khi nói-viết nhưng sự thể dường như là chỉ đến khi mở rộng địa giới thủ đô thì “lói ngọng” L/N mới có cơ được nói to lên như thế trên các diễn đàn. Đầu tiên chuyện được lên TV (VTV1 đưa tin Sở GD&ĐT Hà Nội tiến hành sửa ngọng cho giáo viên học sinh). Chuyện cũng trở nên “nóng” hơn khi nó xuất hiện cả ở nghị trường Quốc Hội. Ta có thể đọc thấy trên một trang mạng bài phỏng vấn của phóng viên Hoàng Đan dưới nhan đề “Ông Dương Trung Quốc: “Nói ngọng là ngôn ngữ địa phương nên cũng có thể coi là bình thường””. Phần đầu của bài báo cho biết hoàn cảnh phỏng vấn và gần như toàn bộ nội dung chính của cuộc phỏng vấn: “Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề nói ngọng, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, đây là một kỹ năng sống mà trong nhà trường của chúng ta chưa quan tâm đến. Tuy nhiên, theo ông Quốc, nguồn gốc của câu chuyện nói ngọng lại chính ở chỗ chúng ta chưa có Luật ngôn ngữ để có quy định ngôn ngữ nói, viết chuẩn quốc gia. “Hiện tượng nói ngọng, lẫn lộn giữa dấu, phụ âm như n và l… theo tôi, đây là các phương thức, ngôn ngữ, thậm chí văn hóa địa phương nên cũng có thể coi đây như một điều rất bình thường. Nhưng khi chúng ta có sự thống nhất ngôn ngữ quốc gia thì bên cạnh những cái bình thường đó thì ta phải có một chuẩn mực”, ông Quốc nói.” [1]. Lập tức lời dẫn “Nói ngọng là ngôn ngữ địa phương nên cũng có thể coi là bình thường” được cho là một phát ngôn ấn tượng dấy lên cả một cơn bão phản đối. Hai năm sau, câu chuyện từ bên ngoài hành lang đã đi hẳn vào trong phòng họp Quốc hội khi đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi chiều 8/11/2018 đã trực tiếp đề cập đến vấn đề này và “cho rằng phải giải quyết xong vấn đề nói ngọng khi học sinh hết tiểu học”. VTC News đưa tin “Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng nói ngọng sẽ ảnh hưởng tới viết, thuyết trình và ảnh hưởng cả uy tín một nền giáo dục và thậm chí có người bằng cấp cao nhưng nói ngọng, viết sai chính tả.” [2][1]. Có thể xem phát biểu của vị đại biểu quốc hội này đánh dấu cao trào của câu chuyện phê bình “nói ngọng” L/N ở Hà Nội mười năm vừa qua. Phát biểu của vị đại biểu Quốc hội cho thấy ông lo lắng cho uy tín ngành giáo dục và qua đó đến uy tín của lãnh đạo ngành, vì ai cũng biết uy tín của ngành làm nên uy tín của lãnh đạo ngành (chứ có lẽ không phải là ngược lại)! Có người còn lo xa vì chuyện nói ngọng này mà ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ – Còn ảnh hưởng về học ngoại ngữ thì đấy, chỉ đơn giản những từ như “hello, listen” mà anh nói là “henno, nisten thì thật buồn cười”. Có người lại nghĩ sâu đến nguyên do “ngọng”: “việc nói ngọng không chỉ đơn thuần là lỗi phát âm. Ngọng thực chất là từ trong suy nghĩ ngọng ra.” [3].

Câu chuyện gọi là “nói ngọng” N/L ở Việt Nam còn có sức “lan tỏa quốc tế”: Đài RFI Tiếng Việt phát thanh chương trình “Tranh luận ở Việt Nam: Xóa bỏ nhầm lẫn trong cách phát âm L và N” ngày 23/11/2011 phỏng vấn “bàn tròn” một loạt các nhà nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, nhà văn và nhà giáo dục cùng khách mời người Việt trong ngoài nước. Ngay sau phiên thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi chiều 8/11/2018 tại Quốc hội, Đài VOA Chương trình Tiếng Việt cũng đã có bản tin “‘Nói ngọng’ được đem lên bàn nghị sự về giáo dục Việt Nam” [5]. Điều đáng chú ý là tiêu đề chương trình phát thanh cũng như trong hầu hết lời dẫn của kí giả dẫn chương trình chỉ dùng cách nói “nhầm lẫn trong cách phát âm L và N” trong lúc hầu hết các khách phỏng vấn thường vẫn gọi là “nói ngọng L/N”. Và rồi như ta lại thấy tường thuật lại chương trình “Tranh luận ở Việt Nam: Xóa bỏ nhầm lẫn trong cách phát âm L và N” này trên một trang mạng trong nước trong lúc không dẫn nhắc lại cho đúng tiêu đề lại giật thành tít “Đài Pháp bàn chuyện người ở Hà Nội ngọng L,N” [xem 24/11/2011 07:17 GMT+7, https://vietnamnet.vn › Giáo dục].

2.2. Không nên gọi đó là nói ngọng

Theo dõi một lượt câu chuyện phát âm L/N lược thuật trên ta thấy hầu như ngay từ đầu và trong suốt thời gian bàn luận, phần đông diễn giả đều mặc định đó là nói ngọng. Thậm chí như ngay trích dẫn trên cũng cho thấy – cả khi đã có diễn giả chủ ý nhất quán gọi là “nhầm lẫn trong cách phát âm L và N” thì người ta vẫn một cách cố ý hay vô tình gọi lại thành “nói ngọng”. Dĩ nhiên, như ta thấy trong số đó cũng có không ít người dường như cũng đã có ý ưu tư biểu thị ra ở cách dùng từ nói ngọng kèm dấu nháy nháy (“nói ngọng”). Về phần tác giả viết bài này, chúng tôi trước sau luôn giữ ý muốn hiện tượng đó phải được gọi bằng một cách nào đó khác – trừ cách gọi “nói ngọng”, “ngọng”.

Đọc một loạt tiêu đề bài tham luận câu chuyện phát âm L/N mà trong tiêu đề có để hai chữ nói ngọng trong dấu nháy nháy, chúng tôi dần thấu hiểu thêm về một điều có thể gọi là nỗi phân vân nhuốm đều hai sắc thái đạo đức xã hội và ý thức ngữ học. Hiện tại ta có thể xem cách gọi “nói ngọng” L/N như là một cách một cách (đành) tạm gọi như thế. Hiểu đúng tinh thần của việc gọi là đành tạm gọi thì khi viết tốt nhất chớ quên để hai tiếng nói ngọng trong dấu nháy nháy – “nói ngọng L/N”. Dĩ nhiên một khi đã không dùng từ “nói ngọng” để chỉ/gọi hiện tượng dù gì đi nữa thì cũng đáng để “xử lý riêng” này, chúng ta dù sao cũng cần một tên gọi hiện tượng đặng để xưng chỉ trong lúc bàn luận nghiên cứu đi tới thuật ngữ hóa nó. Chúng tôi mạo muội nghĩ là có một danh sách các cách nói sau đây đủ để chọn lấy một tên gọi: “nói nhịu”, “đọc sai”, “sai chính âm”, “phát âm lệch chuẩn”, “phát âm lẫn lộn”, “nhầm lẫn âm”, “đặc thù thổ ngữ”, “đặc trưng tiểu phương ngữ”, “hiện tượng phát âm tiêu cực của phương ngữ”, v.v…

Dĩ nhiên, chứng minh tính không thỏa đáng của việc dùng “nói ngọng” như một thuật ngữ định danh hiện tượng chuyển đổi phát âm L/N nói trên là một công việc phải được tiến hành từ góc nhìn ngữ học và chắc chắn là rất tuế toái. Nhưng xét chỉ ở cách dùng từ theo nghĩa phổ thông chúng ta đã có thể thấy gọi “nói ngọng L/N” là không xác đáng. Ta thử tra vài bộ điển Việt ngữ cũ cũng như mới. Đại Nam Quấc âm Tự vị (Huình-Tịch Paulus Của, Tomme II M-X, Saigon, 1895) mục từ Ngọng: nói trong cổ, nói lịu, nói không thông [6, tr.104, Từ điển của Huỳnh Tịch Của có liệt kê mục từ Nói ngọng nhưng chú “Coi chữ ngọng”, tr.154]. Từ điển Tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học Viet Lex, ấn bản 2011 – Nxb. Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học) mục từ Ngọng: không phát âm được đúng một số âm do có tật hoặc do nói chưa sõi [7, tr.1073] (Từ điển này có mục từ “nói nhịu” nhưng không có mục từ “nói ngọng”).

Chúng tôi mạo muội nghĩ rằng công cuộc đại bàn luận (các nghiên cứu và trao đổi học thuật thật sự không tính vào đây) “nói ngọng L/N” mười năm vừa qua cho thấy sự lạm dụng đến nhàm chán từ “nói ngọng”. Mức độ lạm dụng đó có thể sánh được với sự lạm dụng thuật ngữ “văn hóa” hai ba mươi năm nay. Cho nên dễ hiểu là khi không may mà cả hai đồng thời được lạm dụng (hoặc nói dùng từ không xác đáng, tạm dùng, hoặc dùng chúng nhưng kèm hai tiếng gọi là phía trước?) thì sức gây bão của phát ngôn lớn đến cỡ nào. Chúng tôi muốn nói đến phát biểu được trích dẫn của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: “Nói ngọng là văn hóa địa phương nên cũng có thể coi là bình thường”.

Diễn giải về khác biệt và đặc thù phương ngôn, thổ ngữ trong cảnh huống đối chiếu tiếng Việt toàn dân và thực tiễn hành chức của tiếng Việt trong toàn xã hội quả thật buộc ta phải ít nhiều đồng tình với những người bác chuyện coi lẫn lộn N/L là ngọng và phải thanh toán tận gốc khi họ phản biện  “cả nước ai mà chả ngọng” “đố tìm được người không ngọng”. Từ góc nhìn này chúng tôi nghĩ chỉ cần trích dẫn ra đây phần đầu của bài viết mà nhan đề thuộc về số ít không dùng từ nói ngọng dù là nói ngọng để trong dấu nháy nháy[2] là đủ thấy vấn đề:

“Hiện trạng phát âm lẫn lộn giữa các âm đầu của cư dân một số vùng phương ngữ như L/N, S→X, Tr→Ch, R→D/Gi, V→D… hoàn toàn không thể gọi là nói ngọng; thực chất đó là sự phát âm chệch chuẩn chính âm tiếng Việt, mà cư dân ở bất kỳ vùng phương ngữ nào trên đất nước ta cũng đều mắc phải, không lỗi này thì lỗi kia, có thể điều chỉnh, rèn luyện nói và viết cho đúng chuẩn, và hoàn toàn có thể làm được. Không thể có hai loại nói ngọng là “nói ngọng bệnh lý” như nêu trên và nói ngọng mang tính xã hội do phát âm lệch chuẩn, vì chỉ khi nhìn dưới góc độ bệnh lý thì mới có khái niệm nói ngọng mà thôi. Tóm lại, lỗi phát âm nhầm lẫn L/N trong một bộ phận cư dân phía Bắc nước ta không phải do nói ngọng.” [8].[3]

Cơ chế phát âm “l” và “n”. Nguồn ảnh: Đoàn Thiện Thuật (2004), Ngữ âm tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, tr. 40.

Nhưng mặt khác cũng xin nói rõ, chúng tôi khi không dám/không muốn gọi lẫn lộn N/Lnói ngọng không có nghĩa là sẽ chia sẻ hoàn toàn với quan điểm của – chẳng hạn PGS.TS Phạm Văn Hảo – quan điểm tóm tắt bởi người phụ trách tiết mục phỏng vấn trên đài RFI dẫn trên: “Tuy đồng ý với chủ trương chuẩn hóa trong phát âm L/N, nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Hảo đưa ra một quan điểm rất bất ngờ. Ông cho rằng việc lẫn lộn L/N không phải là tàn dư của các phương ngữ hay thổ ngữ cổ xưa, mà ngược lại đây là một xu thế đang trong quá trình phát triển, trên phương diện khoa học không thể gọi là “nói ngọng” được.”. Đây là tóm tắt của người dẫn chương trình. Tới phiên phỏng vấn, nhà ngữ học phát biểu nguyên văn nói rõ hơn về xu thế đó: “Hai âm L/N tiến tới có thể chỉ là một âm thôi. Vì chữ viết tiếng Việt phân biệt hai âm L/N rất rõ, và có giá trị đánh dấu về mặt ngữ nghĩa, cho nên [sự phân biệt trong lời nói] vẫn còn đang được ngôn ngữ bác học, hay ngôn ngữ chuẩn chấp nhận, và đẩy xu thế kia xuống hàng phương ngữ Bắc, coi nó là tiêu cực. Quá trình đơn giản hóa cấu âm sẽ lâu dài trong hàng chục, hàng trăm năm.” [9].

2.3. Vài ý về thái độ nên có của người giáo viên trong câu chuyện này

Như ta đã thấy, rốt cuộc thì câu chuyện gọi là “nói ngọng L/N” qua một thập niên dường như cũng đã tới hồi lắng lại. “Hương âm vô cải mấn mao tồi” (đầu xanh thành tóc bạc, tiếng làng giọng vẫn xưa). Lớp những cô thầy trải qua chương trình, phong trào cùng tập huấn liên quan “xóa ngọng L/N” đó hẳn đã bình tâm để quay về với giờ dạy phát âm chính âm, rèn viết chính tả trong kế hoạch dạy học thường niên. Người giáo viên cần nhận thấy rèn phát âm chuẩn không phải là để xóa tiệt thổ ngữ mà việc chính là để nêu bật chính âm kèm theo chính tả – chức trách của giáo dục học đường trong quốc gia thống nhất lãnh thổ, là xóa bỏ cái trạng thái “bất tri”, tự đóng kín về ý thức trong một thế giới thổ ngữ (làng/vùng) đi đến phân biệt các âm một cách có ý thức, dùng đúng chúng trong những cảnh huống viết, đọc giao tiếp xã hội rộng lớn, chứ không phải thủ tiêu hay kì thị thổ ngữ – dù chỉ kì thị bằng cách gọi đó là “nói ngọng”. Dạy chính âm-chính tả là công việc bình thường trước hết của môn ngữ văn mà cũng là của mọi thầy cô trong trường học. Một việc thường xuyên với kết quả thấy được ở mỗi học sinh – những đứa trẻ sẽ là công dân của tổ quốc chung nhưng (cũng như thầy cô của chúng) mãi mãi vẫn người con của làng quê nhỏ. Người giáo viên cũng chả phải quá bận tậm với việc có thể hay không qua mươi lăm thế hệ nữa thổ ngữ có “tự diễn biến” đi đến chỗ “giản hóa cấu âm” hay không. Là vì nếu quả xu hướng đó đi đến hồi kết thì lẽ dĩ nhiên là tới ngày đó giáo viên còn đâu nữa việc phải phân biệt L/N. Công việc giáo dục chính âm-chính tả đòi hỏi người giáo viên phải có một nền tảng ngữ âm học tiếng Việt chắc chắn, sử dụng những phương pháp khoa học. Tránh việc – chẳng hạn dùng các “mẹo” nói phân biệt kiểu “lờ cao”/“lờ thấp”, “l ngắn”/“lờ dài”, “chung tre/chung chó”, v.v.

3. Tạm kết

Nói tóm lại, trước hết chúng ta không nên gọi hiện tượng nói lẫn L/N ở cộng đồng tiểu phương ngữ là “nói ngọng”. Vì cách gọi đó vô hình trung thể hiện một thái độ xúc phạm hay kỳ thị thiểu số, chí ít thì đó cũng là bất công (khi so với những “vi phạm” ngữ âm cùng cách diễn ra bởi một số lượng người nói đông hơn gấp bội) đối với cộng đồng/nhóm xã hội phương ngữ. Vì suy cho cùng họ là người “mang/gánh tội” chứ không phải là người “gây tội”.

Nhưng nói như thế cũng không đồng nghĩa với việc kích động tình trạng “phi chuẩn tắc”. Như trả lời phỏng vấn của PGS Nguyễn Hữu Đạt – ai cũng biết nói lẫn “l, n không những gây hiểu lầm, gây cười mà còn biến vấn đề nghiêm túc thành ra chuyện bông phèng.”[10]. Vấn đề cơ bản là người nói/viết/đọc phải biết mình đang ở/tham gia vào trong nhưng khu vực-phong cách giao tiếp nào. Một sự lẫn lộn L/N trong phát biểu hay thuyết trình trước Quốc Hội hẳn đã gây lên một cảm giác bông phèng dù vô tình được phát tác chứ diễn giả thì rõ ràng là chân thành, vẻ chân thành cho thấy đến cả căn cước quê hương của người đại biểu.

Như vậy thì, trách nhiệm của người phương ngữ sống trong đất nước đa miền vùng và giữa xã hội đồng bào văn minh, quốc gia thống nhất là phân biệt được trong chính nói-viết của mình L và N. Dĩ nhiên một khi nại cớ tập quán, thói quen thì cũng có thể gọi đó là việc khó (thay đổi một thói quen nhất là thói quen nhiều đời có bao giờ là dễ!). Nhưng tổ chức nền giáo dục “huấn dân chính âm”[4] lẽ tự nhiên phải gánh vác công việc giúp người phương ngữ không vì tiếng nói quê nhà mà làm lẫn lộn hay gây trở ngại không đáng có trong giao tiếp công dân, cũng như vận hành nền hành chính quốc gia. Suy cho cùng việc tập phát âm L/N có khó thì cũng chẳng khó hơn việc phải học một phụ âm “lạ” nào đó khi học ngoại ngữ chẳng hạn.

Chúng ta chấp nhận giọng, tiếng địa phương chứ không thể cấm đoán hay mưu tính một kế hoạch, phong trào gọi là “xóa”/“chống tái ngọng” phát âm phương ngữ nhân danh bất cứ điều gì. Trong câu chuyện này, cái ý thức chọn lựa và phân biệt cách dùng, sự bao dung và nhận chân bản chất câu chuyện, tầm nhìn văn hóa chỉnh thể,… quan trọng và cần thiết hơn nhiều so với những cách nói giật gân, xiên xẹo của truyền thông “câu view” hay ứng xử cực đoan, chủ trương duy ý chí, phù phiếm của nhóm cá nhân. Hơn bất cứ ai hết, trong công cuộc đó, khỏi phải nói – giáo viên có một vai trò và trách nhiệm hết sức to lớn.

Lê Thời Tân, Vũ Thị Thanh Vân, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia 65 năm giáo dục thủ đô và giá trị sống của người Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019, tr.445-461, Mã số: 2l – 170ĐH2019.

CHÚ THÍCH:

[1] Một bài trên Báo điện tử VTC News (https://vtc.vn) thậm chí còn cho ta biết con số “người ngọng” trong trường học ở Hà Nội thời điểm cuối năm 2011 – “Hơn 46.000 HS và giáo viên Hà Nội phải ‘chữa ngọng’” [4].

[2] Dấu này được nhan đề này dùng cho từ khác – từ “nỗi oan”. Nguyên nhan đề này như sau: “Lỗi phát âm phụ âm đầu và “nỗi oan” L/N”.

[3] Chúng tôi hoàn toàn đồng ý phát biểu này trừ cách trình bày [Hiện trạng phát âm lẫn lộn giữa các âm đầu của cư dân một số vùng phương ngữ như L/N, S→X, Tr→Ch, R→D/Gi, V→D…]. Phân tích thận trọng thực tiễn đòi hỏi cách viết L/N cũng phải được trình bày thành L→N, N→L (thậm chí L↔N) như các trường hợp liệt kê sau đó. Ý thức sâu sắc về điều này sẽ dẫn đến việc cũng phải cân nhắc lại cách dùng từ “lẫn lộn”. Vì mức độ phức tạp và sự tuế toái trong trình bày, vấn đề cần một bài viết riêng.

[4] Tạm mượn cụm từ này từ nhan đề công trình Hunminjeongeum (훈민정음 訓民正音) của vua Triều Tiên Lý Thế Tông (세종대왕 1397-1450).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] https://soha.vn/ong-duong-trung-quoc-noi-ngong-la-ngon-ngu-dia-phuong-nen-cung-co-the-coi-la-binh-thuong-20161122171027706.htm, 22/11/2016 19:26].

[2] https://vtc.vn/dai-bieu-truong-trong-nghia-noi-ngong-anh-huong-ca-uy-tin-mot-nen-giao-duc-d437883.html, Thứ Năm, 08/11/2018 18:38 PM

[3] Giáp Văn Dương, Nghĩ ngọng, https://nguoidothi.net.vn/nghi-ngong-16539.html, 16:59 Chủ nhật, 09/12/2018].

[4] Phạm Thịnh, https://vtc.vn/hon-46000-hs-va-giao-vien-ha-noi-phai-chua-ngong-d58316.html, Thứ Ba, 15/11/2011 06:52 AM GMT+7].

[5] https://www.voatiengviet.com/a/noi-ngong-duoc-dem-len-ban-nghi-su-ve-giao-duc-viet-nam/4650002.html].

[6] Huình-Tịch Paulus Của, Đại Nam Quấc âm Tự vị, Tomme II M-X, Saigon, 1895.

[7] Hoàng Phê chủ biên, Từ điển Tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học Viet Lex), Nxb. Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học, 2011.

[8] Đỗ Thành Dương, “Lỗi phát âm phụ âm đầu và “nỗi oan” L/N”, https://www.giaoduc.edu.vn/loi-phat-am-phu-am-dau-va-noi-oan-ln.htm Thứ năm, 3/1/2019, 21h09].

[9] Tranh luận ở Việt Nam: Xóa bỏ nhầm lẫn trong cách phát âm L/N, vi.rfi.fr › viet-nam › 20111123.

[10] Tất Định, Chuyên gia ngôn ngữ: “Phát âm chuẩn phải là quy định bắt buộc với giáo viên”, https://vnexpress.net/giao-duc/chuyen-gia-ngon-ngu-phat-am-chuan-phai-la-quy-dinh-bat-buoc-voi-giao-vien-3834165.html, Thứ bảy, 10/11/2018, 01:00 (GMT+7).