1. Đặt vấn đề

NHÂN VẬT GIAO TIẾP trong Ngữ Văn 12 [1] là một bài tiếp nối bài HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ (Ngữ Văn 10). Cách trình bày của bài học này chủ yếu theo lối nêu dẫn liệu kèm hệ thống câu hỏi gợi ý tiếp cận dẫn liệu nhắm tới một định hướng và minh họa tổng kết vấn đề lí luận nhất định. Bài viết gọi là “cùng giáo viên và học sinh chuẩn bị bài” đối bài học này trên thực tế cũng là một cố gắng đối thoại cùng tác giả biên soạn về bản thân cách nêu và dẫn giải vấn đề “nhân vật giao tiếp” trong khuôn khổ một bài học của chương trình dạy học Ngữ văn lớp 12. Bài viết cũng nhân tiện chỉ rõ chút bất cập của tình trạng “mượn ngữ liệu-văn bản” tác phẩm văn chương thay thế cho thực liệu đối tượng tiếp cận thực sự (của/cho một chủ đề của chương trình giáo dục – chuỗi bài phần Ngữ trong sách giáo khoa Ngữ Văn qua các năm học). Như ta thấy – toàn bộ bài học được biên soạn theo cách lần lượt nêu dẫn liệu kèm theo các câu hỏi với dụng ý dắt dẫn tiếp cận và diễn giải dẫn liệu theo chủ đích chung của bài học. Vậy ta hãy xem xét lần theo trình tự dẫn dụng dẫn liệu của sách giáo khoa (SGK).

2. Dẫn giải và xử lý ngữ liệu của bài học

2.1. Dẫn liệu 1 – Đoạn trích Vợ nhặt

Câu hỏi a)

 a) Trong hoạt động giao tiếp trên, các nhân vật giao tiếp có đặc điểm như thế nào về lứa tuổi, giới tính, tầng lớp xã hội?

Ta thử xét “đặc điểm lứa tuổi”: Chắc “mấy cô gái” này sàn sàn tuổi nhau? Còn “hắn” như lời các cô (“- Kìa anh ấy gọi”) cho thấy có lẽ cũng nên là người hơn tuổi họ? Và đến khi “thị” nói “- Đã thật thì đẩy chứ sợ gì, đằng ấy nhỉ.” thì ta cũng có thể nghĩ “hắn” chắc cũng không cách biệt về tuổi tác lắm với cô này. Phải chăng những phán đoán lối đó thực sự là một sự chuẩn bị để trả lời câu hỏi Trong hoạt động giao tiếp trên, các nhân vật giao tiếp có đặc điểm như thế nào về lứa tuổi? Còn về vấn đề tầng lớp xã hội ta có thể nói gì? Điều rõ ràng là mỗi người (tức một nhân vật giao tiếp) thuộc về một tầng lớp xã hội cụ thể nhất định. Ta cứ thử tưởng tượng tình huống hay tình thế hai kẻ thuộc hai tng lớp xã hội khác nhau mà giao tiếp với nhau [nói theo cách nói bài học SGK là 2 nhân vật giao tiếp cùng tiến hành một “hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ” thì có xảy ra điều gọi là sự “chi phối lời nói của các nhân vật” và nếu có chi phối thì chi phối như thế nào? Bên cạnh cụm từ “tầng lớp xã hội” đến câu d) ta còn thấy có thêm cụm từ “vị thế xã hội”. Vậy có lẽ đây phải là khái niệm bé hơn “tầng lớp xã hội”: Người cùng một tầng lớp xã hội không hẳn đều bình đẳng về vị thế xã hội?

Hẳn giáo viên và học sinh (GV-HS) đều cảm thấy “… các nhân vật giao tiếp có đặc điểm như thế nào về lứa tuổi, giới tính, tầng lớp xã hội?” là kiểu hỏi khó (trừ hỏi về giới tính). Về yếu tố “giới tính” ta có thể nhận định và phân tích rằng một cô/cậu học sinh với kinh nghiệm bản ngữ hẳn cũng đã “tự biết” một cách tự nhiên đại ngôi thứ ba hắn thường để chỉ người nam. Trần thuật đầu đoạn “gò lưng kéo cái xe bò” (thường do đàn ông làm) rồi lượt lời của “mấy cô gái” (Kìa anh ấy gọi!) cũng như lượt lời của nhân vật “thị” (Này, nhà tôi ơi) giúp HS xác định giới tính nhân vật giao tiếp này (giới tính được người biên soạn bài học sách giáo khoa (NBS) xem là một đặc điểm và có tác dụng chi phối lời nói của các nhân vật)[1].

Nhưng điều quan trọng là sao phải hỏi điều này (các đặc điểm lứa tuổi, giới tính, tầng lớp xã hội chi phối ra sao đến lời nói của người giao tiếp)? Phải chăng là có chuyện những người nào đó khác lứa tuổi và tầng lớp xã hội thì sẽ nói khác ra sao? Vả chăng đã nêu ra cụm từ “tầng lớp xã hội” thì hẳn cũng phải tính đến việc phải có “đáp án” cho người phải trả lời. Muốn trả lời cho rành mạch thì giáo viên cũng như học sinh cũng phải biết sẵn sự phân chia các “tầng lớp xã hội” (xưa và nay) chứ![2]. Cả cụm từ “vị thế xã hội” (xem câu hỏi c) tiếp theo) cũng vậy (SGK xem đó là hai phương diện khi tìm hiểu đặc điểm của nhân vật giao tiếp và đến bài TỔNG KẾT PHẦN TIẾNG VIỆT: HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ cuối sách còn nhắc lại 2 cụm từ này)[3]

Câu hỏi b):

b) Các nhân vật giao tiếp chuyển đổi vai người nói, vai người nghe và luân phiên lượt lời ra sao? Lượt lời đầu tiên của nhân vật “thị” hướng tới ai?

Chúng tôi cũng không rõ vì sao mà cái sự thể hoặc nói quang cảnh giao tiếp kiểu hỏi đáp trò chuyện thông thường tự nhiên mà ta vẫn thấy và có thể tham gia đó lại cứ nhất định phải được “lý thuyết hóa” thành vấn đề gọi là “chuyển đổi vai người nói, vai người nghe và luân phiên lượt lời” đến mức long trọng và đĩnh đạc như vậy. Hãy thử đọc thật chậm – nhất là ở chỗ mà người dẫn cố tình tô đậm trong câu dẫn ra từ khung GHI NHỚ của bài học này: “Trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, các nhân vật xuất hiện trong vai người nói (người viết), hoặc vai người nghe (người đọc)”.

Như đã thấy, bài NHÂN VẬT GIAO TIẾP học ở năm cuối chương trình giáo dục phổ thông này chính là bài tiếp nối bài HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ dạy học ở lớp 10. Cả hai bài đều cho thấy cùng một cách cung cách đặt vấn đề gần như là xa rời hoàn toàn với cuộc sống thực của học sinh hiện tại. Chúng tôi đã từng có dịp nói rõ về điều này trong một bài viết phản biện lại bài học trên. Không ngại trích lại đây phần kết thúc của bài viết đó: “Tiếp cận một cách thích đáng hơn đối tượng thực tồn giúp tránh được việc phải soạn những bài học gây cảm giác cho rằng NBS đang cố dẫn giải các dẫn chứng thực liệu vì một “lí thuyết tiên thiên” nào đó. Việc tiếp cận thích đáng vừa nói cũng sẽ giúp tránh được những gượng gạo trong việc đặt các câu hỏi diễn giải dẫn liệu phục vụ bài học cụ thể.” [3][4]

Thực ra như ta thấy, cái gọi là “hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ” “chuyển đổi vai người nói, vai người nghe và luân phiên lượt lời” xuất hiện như là một bài học Ngữ giữa SGK này là “nương mượn” vào Văn (cắt một đoạn truyện ngắn) nhưng nó mặc nhiên tiếp cận một sự thể dụng ngữ cứ như là đối với thực liệu “nguyên sinh” [4]. Thực tế ta đều thấy, sở dĩ các câu hỏi và yêu cầu tiếp cận ngữ liệu trong bài học SGK này trả lời được hay không phần lớn là nhờ vào thông tin có được từ lời trần thuật (lời trần thuật này là lời nói của một hình tượng người tự sự dù được viết ra bởi tác giả nhà văn và việc đọc nó lại là một giao tiếp ngôn ngữ ở cấp độ khác). Bây giờ chỉ cần lược sạch phần lời trần thuật đi, chỉ giữ lại thành một chuỗi lượt lời thoại của nhân vật giao tiếp là thấy ngay vấn đề. Thật vậy, như ở trường hợp này nếu làm thế thì thậm chí ngay như xác định lượt lời cũng như xác định lời đó “hướng tới ai” cũng không phải là có thể trả lời dứt khoát ngay được! Trong câu hỏi b) dẫn trên ta thấy có cụm từ “Lượt lời đầu tiên”. Kể ra với đoạn trích (văn bản tác phẩm văn chương) được kê dẫn ra đó thì nói chung việc tìm người “mở miệng” đầu tiên trong “cuộc giao tiếp” (giới hạn do trích đoạn thôi) cũng không khó. Vậy mà cụ thể như ở đoạn trích Vợ nhặt này phải chăng ta đã phải tính câu hò của một hắn này là lượt lời đầu tiên (của cuộc giao tiếp)? Ở đây ta tạm không liên hệ đến hình thức “khởi sự” bắt chuyện trong sinh hoạt dân gian trước đây (dù bột phát lúc làm lụng hay có tổ chức trong dịp hội hè thì cũng là một “hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ” đặc sắc) nhưng chi tiết này quả thực xứng đáng được chú ý ít nhiều nếu như ta không quên cái gọi là HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ dù mênh mông bất tận đó thực tế phải diễn ra với những “đơn vị” cuộc/lần của nó. Lẽ nào tiếng hò của một hắn trong ngữ liệu trên lại không gợi cho người muốn tìm hiểu thực sự “giao tiếp ngôn ngữ” liên hệ đến chẳng hạn – tiếng A-lô khi gọi điện hay thử míc mở đầu lời phát biểu, tiếng đằng hắng đánh tiếng, e hèm, tiếng ới gọi, lời chào,… v.v. có tác dụng khởi sự giao tiếp mà ta thường thấy? Tất nhiên như ta đọc thấy – hắn này thì cũng là “hò một câu chơi cho đỡ nhọc […] chủ tâm chẳng có ý chòng ghẹo cô nào”. Nhưng sự thể là dù gì thì hắn này cũng đã hò và các cô không thể không nghe thấy… Thêm một tiếng “Kìa” nữa đủ để “củng cố” sự khởi đầu của cuộc “cuộc giao tiếp” bên quãng dường dốc: “– Kìa anh ấy gọi!”.

Dĩ nhiên để có thể trả lời đúng ý câu hỏi ta phải hiểu đúng “Lượt lời đầu tiên của nhân vật “thị”” chỉ gì. Trong giới hạn đoạn trích, ta hiểu đó là nói “thị bắt đầu mở mồm” (đáp). Nhưng chúng ta cũng không hiểu vì sao lại NBS lại chú ý riêng đến “Lượt lời đầu tiên của nhân vật “thị”” này? Hay NBS muốn coi đó cũng là lời đầu tiên của kẻ mở đầu cuộc giao tiếp? Thực ra với ngữ liệu này, “cuộc giao tiếp” sẽ tính bắt đầu từ đâu? Chả phải là “mấy cô gái” – mấy cô mà vừa đẩy vai “thị” vừa “cười như nắc nẻ”  đó rõ là cũng đã tham gia giao tiếp (chí ít là với một “lượt lời”)? Bất kể là thế nào, lượt lời của nhân vật “thị”  vừa có phần hướng tới mấy cô “cười như nắc nẻ” kia và cũng có phần hướng tới anh chàng kéo xe. Và anh này có đáp lại: “– Thật đấy, có đẩy thì ra mau lên!”.

Nhìn kĩ ngữ liệu đoạn trích ta thấy có tình tiết khá đặc biệt (người đọc tiểu thuyết nhiều đều ít nhiều cảm nhận được cái ước lệ trần thuật lời kiểu như thế) – “…nhưng mấy cô gái lại cứ đẩy vai cô ả này ra với hắn, cười như nắc nẻ: -Kìa anh ấy gọi! Có ăn cơm trắng mấy giò thì ra đẩy xe bò với anh ấy!”. Thì ta cứ cho là đó là quang cảnh ba bốn người bỗng cùng nói một lời vậy (hoặc nói muôn người như một/chúng khẩu đồng từ)! Chắc cũng giống như cái tình huống mà SGK cũng đã dẫn ở bài HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ (NGỮ VĂN 10):

Nhà vua nhìn những khuôn mặt đẹp lồng lộng, hỏi lại một lần nữa:

– Nên hòa hay nên đánh?

Tức thì muôn miệng một lời:

– Đánh! Đánh!

Điện Diên Hồng như rung chuyển. Người người sục sôi.

(Theo Lê Vân, Hội nghị Diên Hồng)

Rõ ràng nếu để thực sự nhìn thẳng vào giao tiếp nói chuyện nhóm đông người thì ta còn phải chú ý tới các trường hợp “chen lời”, “cướp lời”, “nhại lặp”, “đồng thanh”,… – cái thực tế mà ta có thể bàng thính hay nghe-nhìn gián tiếp qua camera ghi quay. Đến đây hẳn là ta cũng đã thấy cái việc tiện chọn ngữ liệu “giao tiếp ngôn ngữ” từ văn xuôi tự sự (luôn không thể không “dích lời” hay “có lời kèm” – khung lời của một hình tượng chủ thể tự sự) để minh họa lí thuyết lượt lời, luân phiên, chuyển đổi vai người nói-nghe của SGK quả thực cũng là chuyện bất đắc dĩ! Sự thực là NBS đã buộc phải “đơn giản hóa” sự thể giao tiếp phản ánh nơi dẫn liệu chỉ để phục vụ cho một “nội dung dạy học” gần như là không giúp gì cho nhận thức của HS cả. Phân tích trở lại bản thân ngữ liệu mà chúng tôi thực hiện như trên rõ ràng cho thấy một quang cảnh giao tiếp sinh động, phối trộn tự nhiên như vốn thế (quang cảnh có thực của cuộc sống con người nói năng) đã bị tiếp cận đơn giản hóa đi với những thuật ngữ gượng gạo như thế nào! Các ngữ liệu dùng dạy-học vấn đề “GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ” dùng trong SGK như ta thấy thường là các đoạn trích tác phẩm truyện, tiểu thuyết “nhân vật nói chuyện với nhau”. Nếu đặt rõ vấn đề là giao tiếp hội thoại [thuộc khu vực dụng ngữ NÓI NĂNG/ NGÔN NGỮ NÓI] và việc dẫn ngữ liệu từ các văn bản truyện chẳng qua là tạm mượn nhờ trần thuật văn chương) để thay cho hay chỉ đến nói năng trong thực tế thì rõ ràng trước hết phải đặt vấn đề (đơn vị) cuộc giao tiếp (khung không-thời gian của giao tiếp cụ thể).[5]

Câu hỏi c) và d):

c) Các nhân vật giao tiếp trên có bình đẳng về vị thế xã hội không?

d) Họ có quan hệ xa lạ hay thân tình khi bắt đầu cuộc giao tiếp?

Ta không biết giáo viên và học sinh (GV-HS) suy nghĩ gì trước câu hỏi c) nhưng có lẽ những câu “phản vấn” sau đây từng xuất hiện trong đầu họ: Làm sao mà biết được? Ai nói cho biết trước sao? Hay cố căn cứ vào lời nói đó để phán đoán? Về câu hỏi d) thật cũng khó mà quả quyết một bề: Một “hắn” ngang đường hò chơi một câu và nhóm nhỏ “mấy cô gái” bắt chuyện. Có thể tất cả bọn họ không đến nỗi là lần đầu tiên trông thấy nhau nhưng vào cái hôm “gò lưng kéo xe bò thóc” đó bỗng có “cuộc giao tiếp (bằng ngôn ngữ)” này? Mà suy cho cùng “thân tình” hay không cũng không phải là điều gì quá quan trọng trong sự kiện giao tiếp này!

Câu hỏi e):

e) Những đặc điểm về vị thế xã hội, quan hệ thân sơ, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp,… chi phối lời nói của các nhân vật như thế nào? (Chú ý cách xưng hô, cách nói năng và những điệu bộ, cử chỉ phụ trợ cho lời nói của các nhân vật.)

Câu hỏi tên nhắc đến yếu tố nghề nghiệp của nhân vật giao tiếp. Ai trả lời được mấy người trong đoạn trích này làm nghề gì? Và thực ra như đã nói ở trên, tất cả đều được “thông tin” bởi lời trần thuật (có khách quan không thì không xét, vì cái chủ thể trần thuật đó cũng miêu thuật những điều đó theo nhãn quan của chính nó thôi, cái nhãn quan bộc lộ ngay từ đầu khi chọn cách gọi hắn/thị). Vả chăng đích thực các hành vi ngôn ngữ (gồm cả hành vi tại lời) luôn gắn liền những điệu bộ, cử chỉ thành một phản ứng “nhất thể” chứ cũng chẳng phải là thứ  “phụ trợ” lời nói.

Tranh minh họa tác phẩm Vợ nhặt (Kim Lân). Ảnh: Sưu tầm.

2.2. Dẫn liệu 2 – Đoạn trích Chí Phèo

Câu hỏi a):

a) Trong đoạn trích trên có những nhân vật giao tiếp nào? Trường hợp nào bá Kiến nói với một người nghe, trường hợp nào bá Kiến nói với nhiều người nghe?

Dĩ nhiên là ta có thể “phân biệt” ra được hai trường hợp “nói với một người nghe” (thêm trường hợp nói với một người nhưng cũng là để cho nhiều người nghe) và “nói với nhiều người nghe” này. Cũng như ta phân biệt ra ngay chỉ trong một câu “-Có khối cơm trắng mấy giò đấy! Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?” người đàn bà trong đám “mấy cô gái” đoạn trích Vợ nhặt kia một lúc là vừa nói với nhiều người nghe, tiếp liền là nói với một người nghe! Nhưng suy cho cùng phân biệt như thế có ý nghĩa gì (cho bài học)? Không phải là không thể và không có việc chỉ nói với/cho một người nghe hay ngược lại, nhưng quan trọng là sự “xác định” (số lượng một hay nhiều; có thực sự có thể và chỉ là nói với một nhưng cũng có nhiều người nghe cùng) này để làm gì? Phải chăng là bá Kiến khi quát mấy bà vợ (chắc đủ các bà ở đó) thì hoàn toàn không là để cho đám đông rất nhiều người nghe (bọn người làng) kia nghe thấy? Có vẻ như câu hỏi xác định “bá Kiến nói với một người nghe” ở đây là nhắm tới trường hợp nói với anh Chí? Vậy mà đọc kĩ ta thấy cũng nên chú ý tới một lí Cường đứng đó nữa!

Câu hỏi b):

b) Vị thế của bá Kiến so với từng người nghe như thế nào? Điều đó chi phối cách nói và lời nói của bá Kiến ra sao?

Có thể trả lời được câu hỏi này nhờ trích đoạn trích đến cả câu “Thoáng nhìn qua, cụ đã biết cơ sự rồi. Làm lí trưởng rồi chánh tổng, bây giờ lại đến lượt con cụ làm lí trưởng, những việc như thế này cụ không lạ gì.”. Dĩ nhiên, GV-HS sẽ phải biết (trong xã hội xưa) lí trưởng, chánh tổng có vị thế xã hội nhất định. Không biết trong câu hỏi b) dẫn trên có phải từ “vị thế” này là cách gọi gọn của cả cụm “vị thế xã hội” (dùng chung trong toàn bài học)? Dù sao, với sự gợi ý của lời trần thuật dẫn chuyện, GV-HS có thể trả lời “Bá Kiến có vị thế cao hơn so với những người nghe”. Hoặc nếu không muốn dùng từ “cao” thì người trả lời câu hỏi có thể dùng cách nói thấy ghi ở khung GHI NHỚ – “[Các nhân vật giao tiếp có thể có] vị thế ngang hàng hoặc cách biệt” (mặc dù cho đến đây – khung GHI NHỚ này, với chút thận trọng nên có trong lí giải, ta vẫn không quả quyết được liệu có nên hiểu NBS thực sự vẫn là đang nói “vị thế xã hội” (của nhân vật giao tiếp)?

Với câu hỏi trên, GV-HS hẳn cũng không thể không phân vân tại sao lại phải quá cụ thể đến mức “từng người nghe”! Như ta thấy cụ bá đầu tiên “hẵng quát mấy bà vợ”. Các bà này chắc có bà cũng chả sợ gì cái chức “chánh tổng” của cụ, mà cụ quát được cũng không hẳn là cụ ý thức mười mươi gì về “vị thế” của cụ đối với các bà (cụ oai quyền ngoài đình thôi, về nhà đây cụ có thể chỉ vỏn vẹn chút “nam quyền chủ nghĩa” tí thôi!). Còn với đám đông “bọn người làng” thì rõ là cụ đã không phát huy gì cái vị thế của cụ, chí ít thì cũng không như cái “ông Lí” trong đoạn trích ngữ liệu thứ 3 (quát anh Mịch thực hiện tinh thần thể dục) hay như “viên đội sếp Tây” đoạn trích ngữ liệu thứ 4 (vung ngọn roi gân bò). Đọc kĩ ngữ liệu, ta khó lòng thấy chút đích đáng gì trong việc cố minh họa liên hệ tất yếu giữa “vị thế” và “cách nói-lời nói” ở câu hỏi này cả. Một người có chút am tường giao tiếp bản ngữ thực ra sẽ chú ý đến chiều sâu ngữ dụng khác trong tình tiết ngữ liệu này hơn là phải chú ý đến cái “tri thức” “nhân tố vị thế xã hội chi phối ngôn ngữ giao tiếp ngôn ngữ” mà câu hỏi bài học này cố tình đặt ra cho học sinh như ở đây! Chúng tôi muốn nói đến những tinh tế trong cách phổ biến sử dụng từ xưng hô của người Việt. Một cô ả gọi anh con trai qua đường là “đằng ấy”, viên hào mục xưa xưng “tôi” và gọi một người trẻ bằng “anh”, trong lúc lại cũng một tay chức sắc xã khác cứ “tao/mày” với một anh dân trong xã, một bà lão gọi người chồng của người phụ nữ hàng xóm là “bác trai”. Chính sự vận dụng phổ biến cách dùng từ chỉ quan hệ gia đình-tuổi tác trong nói năng giao tiếp đó mới là điều đặc biệt đáng chú ý.  Điều mà tiếng Việt gọi là vai vế hay chuyện bằng vai phải lứa đó chứ không phải là cách gọi chức vụ thể hiện “vị thế xã hội” cụ thể mới làm nên đặc sắc cho hoạt động giao tiếp của người Việt. Đó là một đặc điểm của văn hóa xã hội dân tộc nói khái quát, của tiếng Việt nói cụ thể.[6]

Câu hỏi c):

c) Đối với Chí Phèo, bá Kiến đã thực hiện một chiến lược giao tiếp như thế nào? Hãy phân tích cụ thể chiến lược đó theo các bước dưới đây:

(1) Bá Kiến tìm cách đuổi hết mọi người về, chỉ đối thoại riêng với Chí Phèo.

(2) Bá Kiến “hạ nhiệt” cơn tức giận của Chí Phèo bằng cả hành động và lời nói. (Chú ý cách nói, từ xưng hô, nội dung lời nói.)

(3) Bá Kiến nâng vị thế của Chí Phèo lên ngang hàng với mình (chú ý từ xưng hô, cách nói trống, cách dùng ngôi gộp) và nhận Chí Phèo là có họ hàng.

(4) Bá Kiến kết tội lí Cường và yêu cầu lí Cường phải tiếp đón Chí Phèo. (Kết tội như thế nào? Mục đích của việc làm này là gì?)

Để có thể nhận định được điều gọi là “chiến lược giao tiếp” này dĩ nhiên người được hỏi phải biết sự thể câu chuyện. Chắc NBS bài học mặc nhiên kì vọng học sinh (HS) vẫn còn nhớ đầy đủ tình tiết câu chuyện Chí Phèo nằm vạ trước nhà bá Kiến (Ngữ văn 11). Nếu không và chỉ với mỗi bản thân đoạn trích này, HS thậm chí còn không đủ thông tin để xác định sự thể (ứng phó vụ nằm vạ của một tay uống rượu) nói gì đến nhận định về “chiến lược giao tiếp” của cụ bá! Ở đây ta cũng không rõ tại sao lại có thể nói “cơn tức giận của Chí Phèo”? GV-HS nhớ lại tác phẩm này dạy-học hồi lớp 11 hẳn cũng đọc thấy thực ra trong trọn vẹn vụ việc Chí Phèo uống rượu rạch mặt nằm vạ này không chỗ nào cho thấy cơn tức giận gì cả. Thế nên, đúng như ở đoạn này cho thấy, bá Kiến chỉ là đang hóa giải cái tình thế nằm vạ của Chí Phèo.

Một người đọc tinh tế đều cảm nhận được sự lõi đời, xử thế cáo già của cụ bá trong việc “nâng vị thế” anh chàng nằm vạ này nhưng nếu nghĩ cái gọi là “vị thế ngang hàng” ấy là ở chỗ cụ bá gọi Chí Phèo bằng “anh”, xưng “tôi”, dùng “ngôi gộp” (ta nói chuyện tử tế với nhau) thì nghe không tránh được vẻ gượng gạo! Vì cứ như lập luận cách đó thì chả nhẽ khi Chí Phèo rên “-Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.” thì ta lại có thể nói Chí hạ vị thế của bá Kiến xuống ngang hàng mình!

Cuối cùng năng lực cảm nhận tinh tế ngôn từ giúp ta nhận rõ ở đây chẳng phải là chuyện “kết tội” và thuần túy “yêu cầu” gì thực sự. Làm sao mà lời mắng kèm cái nháy mắt này lại được hướng dẫn hiểu là “kết tội”!? Ghi nhớ “ở giao tiếp dạng nói, các nhân vật giao tiếp thường đổi vai và luân phiên lượt lời với nhau” có lẽ cũng chẳng giúp gì lắm cho việc “nghe-hiểu” tiếng quát “Lí Cường đâu! Tội mày đáng chết.” của cụ bá: cụ quát con nhưng cho anh Chí nghe, cũng chả phải là cụ “phụ trợ” thêm cho tiếng quát mắng ấy bằng cái nháy mắt, phải thấy cho rõ cụ nháy mắt trước cho lí Cường rồi mới quát (Cụ bá biết mình đã thắng, đưa mắt nháy con một cái, quát:…). Cụ sẽ “giao tiếp” kém đi một chút nếu làm ngược lại – quát to rồi mới nhìn lí Cường mà nháy mắt!

Câu hỏi d):

d) Với chiến lược giao tiếp như trên, bá Kiến có đạt được mục đích và hiệu quả giao tiếp không? Những người nghe trong cuộc hội thoại với bá Kiến có phản ứng như thế nào khi nghe những lời nói của bá Kiến?

Ta thử xét phản ứng của những người nghe trong cuộc hội thoại (!) với bá Kiến: sự thể là gần như chả ai lên tiếng gì với cụ bá cả (Chí Phèo bị lại gần lay mới rên đáp một lời). Gần như từ đầu đến cuối mình cụ nói… Nói chung không có “luân phiên lượt lời” gì cả!

Tranh minh họa tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao). Ảnh: Sưu tầm.

2.3. Hai dẫn liệu ở phần LUYỆN TẬP

Dẫn liệu 3 – Đoạn trích Tinh thần thể dục:

Bắt đầu từ dẫn liệu thứ 3 này, thay vì nêu câu hỏi tiếp cận bên dưới dẫn liệu, SGK nêu yêu cầu cần phải thực hiện đối đoạn trích ngay từ đầu: “Phân tích sự chi phối của vị thế xã hội ở các nhân vật đối với lời nói của họ trong đoạn trích”. Như ta đọc thấy đoạn trích này có thể được xem là cuộc đôi co giữa một viên lí trưởng với một dân làng tên Mịch về việc anh ta thoái thác tham gia một sự kiện của nhà nước vì còn phải đi làm thuê cho một ông nghị. Đọc kĩ dẫn liệu ta cũng không thấy có gì đích đáng trong việc phải phân tích “sự chi phối của vị thế xã hội ở các nhân vật đối với lời nói của họ” cả. Suy cho cùng thì cũng chỉ là một bên có thể xưng ông gọi mày, một bên xưng con, thêm từ lạy vào. Dĩ nhiên là người dân đen kia đành xưng nhún thế. Nhưng chẳng phải là trong trường hợp khác một chị dân đen bỗng bất thần chuyển từ xưng cháu gọi ông thành gọi mày xưng (đoạn trích Tắt Đèn – Ngữ văn 8)?

Dẫn liệu 4 – Đoạn trích truyện ngắn Nguyễn Ái Quốc:

Yêu cầu đối đoạn trích này là “Phân tích quan hệ giữa đặc điểm về vị thế xã hội, nghề nghiệp, giới tính, văn hóa,… của các nhân vật giao tiếp với đặc điểm trong lời nói của từng người ở đoạn trích”. Hẳn là (với sự cố ý thấy rõ trong trần thuật) ta đều có thể thấy ra quan hệ giữa đặc điểm về vị thế xã hội, nghề nghiệp, giới tính, văn hóa,… của các nhân vật giao tiếp với đặc điểm trong lời nói của từng người ở đoạn trích này. Nhưng suy cho cùng đó không hẳn là một quan hệ tất yếu. Sự thể là đâu phải cứ làm lí trưởng hay viên đội thì mở miệng là quát dân? Chú bé con ngôn từ ngộ nghĩnh bảo quan Tây “có cái mũ hai sừng”, chị con gái quan tâm áo xống, anh sinh viên hiểu thời sự chính trị, bác cu-li quan tâm chân cẳng, nhà nho ưa quan sát nhân tướng,… Nhưng cũng chẳng có gì là không phù hợp khi (trần thuật rằng) chị con gái để ý khuôn mặt quan Tây, nhà nho hóng chuyện diễn thuyết, chú bé con nói đi ủng thành “bắp chân bọc ủng” còn bác cu-li cũng vì vốn từ kém và phơi đầu ngoài đường nên tán thán “cái mũ hai sừng trên chóp sọ” vị khách ngồi ô tô kia!

Thực ra, đoạn này cho ta thấy một sự thể “giao tiếp” khá đặc biệt. Dù dùng hình thức gạch đầu dòng biểu thị lượt lời nhưng đây không phải là lượt lời đối đáp, nói chuyện thực sự với nhau. Các lời này trình hiện lên như là một sự liệt kê chọn thuật. Trần thuật cho thấy một quang cảnh kiểu “người này thì nói, kẻ kia thì bảo” (không thể không chú ý lối dẫn thuật Một…, Một…, Một…; Thầm thì, thốt ra, kêu lên, thở dài, lẩm bẩm). Phải chăng dẫn liệu trên là cùng kiểu với một phần của dẫn liệu mà GV-HS đã được cung cấp khi dạy-học bài HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ (NGỮ VĂN 10):

Mọi người xôn xao tranh nhau nói:

– Xin bệ hạ cho đánh!

– Thưa chỉ có đánh!

[…]

(Theo Lê Vân, Hội nghị Diên Hồng)

Tất nhiên trong đoạn trích truyện Nguyễn Ái Quốc trên không chỉ có bốn nhân vật giao tiếp (dù thực tế như ta thấy họ cũng nói năng khá rời rạc). Đúng ra, chính cái kẻ tay cầm ngọn roi gân bò – viên đội sếp Tây mới quả là “giao tiếp” với toàn thể – hắn quát tất cả: “Cái giống tởm nhà mày! Có cút đi không, cái giống tởm!”. Tên đội này quả lạm dụng vị thế của nó quá (!). Đám đông ít ra có vài kẻ có chút địa vị xã hội như sinh viên và nhà nho kia rốt cuộc cũng đã ổn định trật tự. Và một giọng nói vang lên “Gì thế nhỉ? Xe ô tô quan Toàn quyền sắp đi qua đấy… Xe kia rồi! Lại cả ông Toàn quyền đây rồi!”. Thật là phiền phức nếu có HS nào hỏi rõ có cần phải để ý đến chúng khi thực hiện yêu cầu bài luyện tập này không!

3. Vài lời tạm gọi kết bài

Bài học nhan đề NHÂN VẬT GIAO TIẾP. Tuy trong bài không định nghĩa “nhân vật giao tiếp” (khái niệm hóa cụm từ này), nhưng GV-HS đến bài TỔNG KẾT PHẦN TIẾNG VIỆT: HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ cuối sách có thể biết SGK xem nhân vật giao tiếp là một trong số các nhân tố của ngữ cảnh. Chúng ta hy vọng đến đấy GV-HS dựa vào câu tổng kết về nhân tố này – “Các nhân vật giao tiếp có những đặc điểm về các phương diện: vị thế xã hội, quan hệ thân sơ, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tầng lớp xã hội, vốn sống, văn hóa” mà có thể có được một nhận thức nhất định khái niệm nhân vật giao tiếp[7]. Vậy với nhan đề như thế, bài học này đề đạt một nội dung khái quát gì cho HS? Câu trả lời có thể tìm thấy ở ý ghi nhớ thứ 2 trong khung GHI NHỚ: “Các nhân vật giao tiếp có thể có vị thế ngang hàng hoặc cách biệt, có thể xa lạ hay có quan hệ thân tình. Những đặc điểm đó cùng với những đặc điểm riêng biệt khác của từng người (lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, vốn sống, văn hóa,…) luôn luôn chi phối lời nói của họ về nội dung và hình thức ngôn ngữ.[8]. Có thể nói ghi nhớ này chính là chủ đề trung tâm của bài học. Quả có thể xem “lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, vốn sống, văn hóa,…” là “những đặc điểm riêng biệt” của từng người nhưng đó là riêng biệt của cụ thể một nhân vật giao tiếp trong trường hợp giao tiếp nhất định. Còn từ góc độ khái quát hóa lý thuyết thì hẳn ta phải biết bản thân những là “lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, vốn sống, văn hóa,…” đó là chung cho rất nhiều người. Nhìn từ góc độ này, ta ít nhiều cảm thấy việc muốn đặt hẳn thành một bài học trong đó cố tìm dăm ba dẫn liệu giao tiếp lời nói với chủ đích chứng minh tác động chi phối lời nói giao tiếp của các yếu tố “đặc điểm nhân vật giao tiếp” nói trên để từ đó rút ra ghi nhớ hay nói khái quát hơn – nhằm tăng trưởng năng lực giao tiếp nói-viết cho HS kể cũng hơi “đa sự”! Vì thật khó nhìn ra một cách thuyết phục liên hệ  rõ rệt giữa thực liệu và sự khái quát lí thuyết. Suy cho cùng sự đề xuất điều gọi là “nhân vật giao tiếp” (trong “hoạt động giao tiếp”) có ý nghĩa thực tiễn gì đối sự trưởng thành năng lực ngôn ngữ có thật của HS? Thật là khó khăn nếu không nó là gượng gạo và xa vời khi cố tìm cách chứng minh cho luận điểm tự đặt (hoạt động nói viết chịu sự chi phối từ một số nhân tố được xem như là đặc điểm của nhân vật giao tiếp) từ những dẫn chứng “thực liệu” (vin mượn từ văn chương tự sự). Thực tế hai người cùng lứa tuổi, cùng giới tính, cùng một tầng lớp xã hội, bình đẳng về vị thế xã hội, cùng nghề nghiệp, vốn sống như nhau, văn hóa như nhau thì phải chăng giao tiếp ngôn ngữ sẽ cùng chịu một sự chi phối (từ các nhân tố mà SGK xem là thuộc về nhân vật giao tiếp) y đứt nhau? Hoàn toàn có thể hình dung cảnh tượng người dạy người học phải loay hoay ra sao với việc tìm cho ra quả đúng sự chi phối đó nơi những chỗ mà chính SGK đã nhắc sẵn cho đó – cách xưng hô, cách nói năng, cách nói trống, cách dùng ngôi gộp, cách nhận họ hàng với người nghe, các từ hỏi đáp, từ gọi đáp, nội dung lời nói, và cả những điệu bộ, cử chỉ phụ trợ cho lời nói của các nhân vật nữa (chuỗi liệt kê này không gì hơn là những cụm từ ngữ nhặt ra từ phần gợi ý trả lời câu hỏi tiếp cận ngữ liệu của NBS – câu hỏi dưới ngữ liệu đoạn trích hoặc yêu cầu nêu trước ngữ liệu đoạn trích). Như ta đã thấy, sau cùng ý này cũng đã được khái quát lại trong khung GHI NHỚ – “chi phối lời nói của họ về nội dung và hình thức ngôn ngữ” (biểu đạt chi phối lời nóivề nội dung và hình thức ngôn ngữ ở câu này là lạ). Dĩ nhiên, kể cả khi đồng ý với tổng kết GHI NHỚ trên thì câu hỏi có thể vẫn cần tiếp tục được nêu sẽ là – Đó sẽ một sự chi phối đồng đều, tất yếu và tự động đối với mọi nhân vật giao tiếp? Ngược lại, nếu các cá nhân tìm cách chống lại, khắc phục hay hóa giải hoặc điều hòa chi phối đó (ít ra là trong mỗi trường hợp giao tiếp nhất định) thì sự thể sẽ thế nào? Chắc chắn việc đó vẫn do yêu cầu của chiến lược giao tiếp.  Và nếu một HS nhận xét được đó là giả dối, lão luyện, trải đời hay ngược lại như thế là tinh tế, lịch thiệp, làm chủ được hoàn cảnh giao tiếp thì giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường đã không uổng công. Bài viết này gây cảm giác săm soi câu chữ đối bài học SGK Ngữ Văn. Vây mà chủ ý của chúng tôi trước sau cũng chỉ là để hướng tới việc dạy học HS “Có kĩ năng nói, viết thích hợp với vai giao tiếp trong từng ngữ cảnh nhất định” (ý ghi rõ trong khung KẾT QUẢ CẦN ĐẠT của bài học này) mà thôi.

Lê Thời Tân, Kỉ yếu Hội thảo Quốc gia Văn học và ngôn ngữ trong thế giới đương đại: Bản sắc và hội nhập, 22/7/2022, Khoa Ngữ Văn, Trường ĐHSPHN, Nxb Giáo dục Việt Nam, ISBN: 978-604-0-33262-2, tr.629-640.

CHÚ THÍCH:

[1] Sau bài học Ngữ NHÂN VẬT GIAO TIẾP NÀY là bài học Văn VỢ NHẶT. Có cần thiết nữa hay không nếu có HS đến lúc đó “phát hiện” hắn trong đoạn văn ngữ liệu của bài Ngữ đó tên Tràng? Tràng ở đây dĩ nhiên là nhân vật thiên truyện, và ta biết tên anh ta là nhờ trần thuật của một hình tượng chủ thể tự sự (thường được dạy học Văn quy thẳng vào người viết truyện Kim Lân). Chủ thể tự sự này có chỗ gọi “Tràng” nhưng phổ biến gọi “hắn”. Dĩ nhiên với bối cảnh tự sự đầy đủ trong thiên truyện, người đọc sẽ biết vào cái lần gần dốc tỉnh đó, thị này cũng có thể chưa biết anh kéo xe này tên Tràng. Vậy phải chăng đến lúc này HS có thể quay lại trả lời câu hỏi d) Họ có quan hệ xa lạ hay thân tình khi bắt đầu cuộc giao tiếp? ở bài Ngữ học trước đó là “Họ có quan hệ xa lạ khi bắt đầu cuộc giao tiếp”?

[2] Thời Vợ nhặt, Chí Phèo, Tắt đèn, Tinh thần thể dục, thời Va-ren làm toàn quyền Đông Dương (ngữ liệu cuối cùng dẫn từ truyện ngắn Nguyễn Ái Quốc). Run rủi làm sao đều toàn những “hoạt động giao tiếp ngôn ngữ” diễn ra cách đây cũng gần cả trăm năm rồi! Tất nhiên, xa xôi hơn nữa về mặt thời gian, GV và HS hẳn còn nhớ bài HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ (Ngữ Văn 10) phân tích cuộc giao tiếp giữa Trần Nhân Tông và các bô lão Đại Việt hỏi chuyện nên hòa hay nên đánh ngoại xâm. Cũng trong cùng bài này, GV-HS cũng được hướng dẫn dùng lí luận “hoạt động giao tiếp ngôn ngữ” phân tích cuộc giao tiếp “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng: – Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?” [2, tr.38].

[3] Chúng tôi không nghĩ là SGK phải luôn luôn định nghĩa các khái niệm-thuật ngữ nêu dùng trong các bài học, nhưng rất mong NBS khi đặt câu hỏi gợi ý tìm hiểu bài thì cố gắng nghĩ đến tình thế soạn bài, chuẩn bị bài của GV cũng như HS. Như trường hợp hỏi về “tầng lớp/vị thế xã hội” này chẳng hạn: Chắc GV và HS có tra từ điển tiếng Việt cũng không chắc đã có thể chuẩn bị được gì cho câu hỏi này!

[4] Làm sao mà những con người sống cuộc sống nói năng viết lách này – những chủ-đối thể giao tế sống động này bỗng phải thành “nhân vật giao tiếp trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ” giữa bài học SGK như này đây. Tương tự như việc cuộc sống vốn có việc đi lại – có việc ngồi xe bus, tàu điện ở đô thị mà cũng có đi bộ ngang qua cánh đồng cách xa tỉnh lộ hay men theo đường nối hai “cụm dân cư” nhất định, đó là đang đi lại như một phần của hoạt động cuộc sống tự nhiên vốn thế chứ đâu phải cứ nhất thiết phải “diễn đạt” thành “người và phương tiện tham gia giao thông”!

[5] Trong bài viết MỘT CỐ GẮNG DIỄN GIẢI SÂU HƠN BÀI HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ TRONG NGỮ VĂN 10 chúng tôi từng diễn giải rằng các tác phẩm văn chương nhất là văn chương tự sự cũng là những dụng ngữ đặc biệt. Chúng “mô phỏng” đời sống nói năng theo nhưng phương thức nhất định. Lẽ dĩ nhiên ta cũng có thể xem chúng là hoạt động giao tiếp bằng ngôn từ của con người (có điều gì liên quan đến ngôn ngữ mà lại không phải là giao tiếp!). Hoạt động đó sử dụng ngôn từ như là chất liệu phân biệt với giao tiếp lời nói sinh hoạt tự nhiên (được dùng như công cụ, văn chương sử dụng ngôn từ như là chất liệu tạo thành dụng ngữ “thứ sinh” trong lúc giao tiếp xã hội thường ngày sử dụng ngôn từ như công cụ và đó là dụng ngữ “nguyên sinh”). “Hội nghị Diên Hồng”, “Hỏi chuyện đan sàng đêm trăng” và “Cuộc gặp mặt giữa A Cổ với ông già” mà bài học này dẫn dụng dường như là để diễn giải cho giao tiếp lời nói sinh hoạt nói chung. Tương lai ứng dụng mạnh mẽ multimedia soạn SGK điện tử rất có thể học sinh sẽ được học bài này với những clip ghi âm ghi hình “hoạt động giao tiếp ngôn ngữ” thực tế.” [3, tr.40].

[6] Cứ nhìn vào giao tiếp giữa các nhân vật giao tiếp ngay trong khung cảnh gần gũi – học đường: một tập thể từ thầy hiệu trưởng cho đến bác bảo vệ và các bạn học sinh hàng ngày nói năng thưa gửi với nhau ra sao?

[7] Một giáo viên đọc kĩ SGK chắc phát hiện thấy ở đây (bài TỔNG KẾT PHẦN TIẾNG VIỆT: HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ này) có nêu thêm một “phương diện” nữa là vốn sống.

[8] Thế nào là “…chi phối lời nói của họ về nội dung và hình thức ngôn ngữ”?

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Bộ giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 12, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.

[2] Lê Thời Tân, Nguyễn Đức Can, “Một cố gắng diễn giải bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ (Chương trình Ngữ văn 10)”, Tạp chí Khoa học (Nghiên cứu Giáo dục), Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 32, số 3, 10/2016.

[3] Lê Thời Tân, “Một cố gắng diễn giải sâu hơn bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ trong Ngữ Văn 10”, Tạp chí Khoa học (Khoa học Xã hội&Nhân văn), Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Tập 14, Số 4b, 2017.

[4] Lê Thời Tân, “Tiếp cận diễn ngôn của các đại biểu tự sự học cấu trúc luận cùng chuyện phân biệt hai chiều đồng-lịch đại và tính cách nguyên-thứ sinh của dụng ngữ Nói-Viết”, 23/5/2013, http://phebinhvanhoc.com.vn