1. Khởi dẫn

Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005 /NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ [1] và kế đó Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2006 của UBND thành phố Hà Nội [2] có đề cập đến vấn đề “Tên danh nhân nước ngoài được xem xét đặt cho đường, phố và công trình công cộng”.  Nhưng ở cả hai tài liệu vừa dẫn cũng như ở Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT Hướng dẫn thực hiện một số điều của quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ và Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND của UBND TPHN ngày 27/04/2015 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND ngày 27/11/2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đều không nói đến vấn đề – tạm gọi là cách viết các tên riêng danh nhân người nước ngoài đó. Trong bài viết này, chúng tôi xin tập trung bàn sâu vào vấn đề này dựa trên cứ liệu vài trường hợp biển bảng như ĐƯỜNG YEC XANH và DỐC LAPHO thấy ở Hà Nội.

2.1. YEC XANH hay là YERSIN

Trước hết xin mời xem hình ảnh biển đặt tên phố này (ảnh lấy từ https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/giai-ma-nhung-dia-danh-tay-it-nguoi-biet-o-ha-noi-c46a890633.html):

Trên biển trong ảnh tên danh nhân người Pháp này đã được phiên âm – tức cái tên “Yersin” tiếng Pháp đã phải tuân theo luật ghép vần của tiếng Việt. Không thể không thừa nhận là ngữ âm tiếng Việt với đặc điểm riêng của nó không phải lúc nào cũng có thể giúp đọc hoặc nói “phiên âm” đúng tên nước ngoài (như vốn đã được bản ngữ nước đó ghi/phiên âm với luật chính tả của nó). Kết quả là trong trường hợp cố gắng lắm, ta cũng chỉ thực hiện được một phiên âm lơ lớ, na ná. YEC XANH (viết in hoa như trên biển, và viết thường sẽ là Yec Xanh?) hẳn phải là một ví dụ “lơ lớ-na ná” như vậy. Dĩ nhiên, “phiên âm” ở đây gắn liền với việc viết/in ra. Thành ra lại phải nêu rõ việc dùng dấu cách đánh dấu việc tách âm tiết cũng như việc đánh dấu thanh mà như trong trường hợp biển đường trên ta cũng đã thấy là không dùng. Người đọc biển này có thể hỏi tại sao không viết YEC-XANH? Viết Y-EC-XANH thì sao? Trong trường hợp viết thường thì viết Yec Xanh hay Y-Ec-Xanh hay Yec-xanh,… Tại sao trên biển trên lại bỏ dấu thanh ở chỗ mà chính tả tiếng Việt bắt buộc phải có: vần éc?

Thực ra, tên Yersin có thể được phiên âm thành Y-éc-xanh (với vài “lưu ý” đi kèm như: 1) đọc liền mạch Yécxanh, 2) “xanh” đọc lướt nhẹ vì “sin” trong tiếng Pháp là âm mũi không phát rõ). Dĩ nhiên, vì không biết cách đọc tên Yersin nên người ta có thể phiên lơ lớ thành “I-ơ-xin” hay “Dơ-xin”, “Éc-san” hay “Ẹc-xanh”. Tương tự như việc “Tên Reagan bị phiên thành Ri-gơn (lẽ ra phải phiên là Rêi-gân), tên Engels bị phiên thành Ăng-ghen (lẽ ra phải phiên là En-ghen hay Eng-gơn), tên Diessl bị phiên thành Đi-ê-den (lẽ ra phải phiên là Đi-dơn), v.v…” (xem Cao Xuân Hạo, “Về cách viết và cách đọc tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt” đăng lần đầu trên Bán nguyệt san Kiến thức ngày nay số 220, năm 1996) [4, tr.96].

Phiên lơ lớ như thế thì nghe cũng không khác gì lắm với khi “đọc” – chẳng hạn vài cái tên không đến nỗi xa lạ hoàn toàn với người Việt thời hiện đại: Yeltsin/Eltsine (tên cố tổng thống Nga chuyển tự trong tiếng Anh, tiếng Pháp, phiên âm IPA: jelʲtsɨn) hay Yesil – cầu thủ Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ (Samed Yesil là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh tại Düsseldorf, đá cho các đội bóng trẻ của Đức. Nổi tiếng vì đã ghi được 22 bàn thắng chỉ sau 26 trận cho các đội U-16, U-17 và U-18). Ai đó biết phát âm tên cầu thủ này theo đúng tiếng Thổ jeʃil (Turkish pronunciation) có khi cũng khiến cho thính giả nhầm với tên Pháp Yersin. Mở Từ điển đường phố Hà Nội ta lại thấy viết Y-éc-sanh với mở ngoặc chua nguyên dạng Yersin [3 tr.234].

Thành ra mới có người sau khi “phiên âm” một tên Tây để đọc được bằng tiếng Việt còn cẩn thận mở đóng ngoặc viết nguyên dạng. Dĩ nhiên cũng không thiếu trường hợp viết nguyên dạng trước nhưng còn thêm “phiên âm” giúp đỡ “quần chúng” nói-đọc thêm phần thuận tiện:

Ở đây tạm không bàn đến ý kiến nói chủ trương phiên âm vì tinh thần dân tộc muốn tên riêng tiếng nước ngoài vào tiếng Việt phải “nhập gia tùy tục” chịu quy tắc đánh vần của tiếng Việt hay ngược lại ý kiến phiên âm là “chiếu cố” trình độ dân trí, giúp đỡ “quần chúng” nói nghe đọc viết được. Đến đây tưởng đã có thể nhắc lại lời nhận xét của GS Cao Xuân Hạo: “Như vậy, chủ trương phiên âm đưa đến một kết quả đáng buồn là người đọc sách báo bị bắt buộc phải vừa viết sai lại vừa đọc sai; chứ nếu viết nguyên dạng, ít ra ta cũng còn có được một mặt chắc chắn đúng: mặt chính tả, là mặt quan trọng nhất.” [4 tr.96]. Phản biện của ông thực khó mà bác bỏ: “Tên riêng nước ngoài, nhất là tên người, tuyệt nhiên không phải là một từ ngữ gì của tiếng Việt, vậy thì tại sao lại bắt nó phải tuân theo những quy tắc chính tả của các từ tiếng Việt?” [4 tr.97]. “Đó không phải là những từ của tiếng Việt. Người Việt không cần phải đọc cho đúng những tên ấy, chỉ cần biết cách viết và đọc bằng mắt là đủ” (tiếp đó Cao Xuân Hạo bàn tiếp chuyện đọc phát thanh “Duy chỉ có một số người, do nghề nghiệp, cần biết đọc cả tên nước ngoài cho đúng, hoặc ít ra cũng đừng quá sai: đó trước hết là các phát thanh viên.” [4 tr.99]. Nói “không cần phải đọc cho đúng” không phải thái độ cẩu thả mà là kinh nghiệm của một bậc thức giả biết rằng “không ai có thể biết hết cách đọc, nhất là cách đọc tên riêng, của hàng trăm thứ tiếng, chứ chưa nói gì đến mấy ngàn ngôn ngữ đang có mặt trên hành tinh” [3 tr.96], “Không có ai biết hết cách phát âm của các tên riêng thuộc mấy trăm ngôn ngữ quốc gia lớn nhất hiện nay. Hơn nữa chính người bản ngữ cũng không thể biết hết.” [4 tr.95]. Bậc thức giả đó thậm chí đã kể cả một câu chuyện để minh họa cho ý của ông: “Khi một đồng chí lãnh đạo của Viện chúng tôi hỏi nhà ngữ học Pháp M. Ferlus xem chữ Ferlus đọc là [ferlus] (như tên họ của đại úy Dreyfus) hay [ferl] (như tên họ của nhà văn Camus), ông trả lời: Tôi không biết. Tôi có hỏi cha tôi, nhưng cha tôi cũng không biết. Cha tôi nói là đã hỏi ông tôi nhiều lần, nhưng ông cũng không biết. Tôi nghĩ là đọc thế nào cũng được, nhưng khi viết thư và nhất là gửi tiền, thì nhớ viết cho đúng chính tả, chứ không thì không đến nơi đâu. Tôi sẽ mất tiền một cách oan uổng.” [4 tr- tr.95-96].

Thực tiễn ngày càng cho thấy đúng như khẳng định của GS Cao Xuân Hạo – “Trong sinh hoạt văn hóa của một nước văn minh ngày nay, chữ viết quan trọng hơn cách phát âm rất nhiều.” [4 tr.95]. Ông cũng nói “Cách phiên âm như hiện nay không thể đưa đến sự thống nhất (giữa những người cầm bút)” [4 tr.96]. Nếu lời ông là xác đáng thì rõ ràng một cái biển ĐƯỜNG YEC XANH nói trên đâu có thể là chuẩn viết tên nhà bác học Pháp. Giữa đô thị thủ đô lớn, không ít khách quốc tế (đặc biệt là người Pháp), lại đã vào buổi chủ yếu viết trên bàn phím thì làm sao mà ta có thể thông cảm được với cái ý “tự tôn dân tộc” và “chiếu cố trình độ dân trí” để ghi phiên âm YEC XANH lên bảng tên đường như thế?

Bài viết của GS Cao Xuân Hạo mà chúng tôi nhiều lần trích dẫn trên nhan đề “Về cách viết và cách đọc tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt” (đăng lần đầu trên Bán nguyệt san Kiến thức ngày nay số 220, năm 1996, in lại trong sách Tiếng Việt-Văn Việt-Người Việt, Nxb. Trẻ, 2017). Chúng tôi nghĩ biển/bảng hẳn phải là những văn bản đặc biệt. Và nếu ta nhớ đến câu chuyện M. Ferlus dẫn trên thì hẳn cũng sẽ phải nói nên viết cho đúng chính tả Pháp ngữ Yersin để có thể quy chiếu đúng danh nhân mà ta đang vinh danh ông bằng việc ghi danh làm biển tên phố, tên đường (theo Từ điển đường phố Hà Nội (Nguyễn Hoài, Nguyễn Loan, Nguyễn Tuệ, Nxb. ĐHQGHN, 2002) ta biết thêm tên Yersin từng được đặt tên cho tuyến phố Nguyễn Công Trứ: “Từ sau năm 1945, tên phố được đổi là phố Yecxanh. Sang giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946-1954) tên phố đổi thành phố Nguyễn Công Trứ. (Yecxanh được dùng đặt tên cho một phố khác gần đó).” (trích dẫn giữ nguyên cách viết của ấn bản) [3]. Xin mời xem một biển ở thành phố thủ đô Pháp Paris (Ảnh lấy từ https://fr.wikipedia.org/wiki/Alexandre_Yersin):

Thực ra nhìn trên toàn cõi đất nước, có lẽ cũng chỉ ở Hà Nội (tuyến phố từ phố Nguyễn Cao đến phố Lò Đúc) thấy biển đề như thế, chứ các thành phố khác đều gắn biển viết nguyên dạng YERSIN. Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh có bốn “đường Tây” viết nguyên dạng Calmette, Pasteur, Yersin và Alexandre de Rhodes. Ba danh nhân kể trước đều là người cùng thời và đều có giao thiệp với nhau. Đường Alexandre de Rhodes giao với đường Pasteur. Thời Pháp thuộc, đường này gọi là Rue de Paracels (Đường Hoàng Sa). Năm 1945, đổi thành Đường Alexandre de Rhodes. Sau 1975 đổi thành Đường Thái Văn Lung. Hiện nay trở lại với tên cũ Đường Alexandre de Rhodes. Xin mời xem ảnh chụp biển đường Yersin ở thành phố Hồ Chí Minh:

 

2.3. LAPHO, LAFFO hay LA PHO (hoặc LAFORGE)?

Tác giả bài báo “Kỳ lạ Thủ đô: “Đường, phố, dốc” lẫn lộn” có viết: “Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có một số tuyến đường cùng tên gắn cả biển “phố” và “đường” một cách khó hiểu. Thậm chí có những tuyến đường trên biển tên, chỗ ghi “đường” hay “phố” được thay thế bằng từ “dốc”. Trong quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (được ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ – CP, ngày 11/7/2005 của Chính phủ) phân biệt rõ đường, phố, ngõ, ngách (đối với miền bắc) hay hẻm, kiệt (với miền nam). Tuy nhiên, hiện nay trên các tuyến đường Văn Cao (quận Ba Đình), Yên Phụ (quận Ba Đình, Tây Hồ), Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ), Nguyễn Đổng Chi (quận Nam Từ Liêm) không rõ vì lý do gì đang tồn tại cùng lúc hai loại biển tên ghi “đường” và “phố”. Ngoài ra, các tuyến đường Tam Đa, La Pho (quận Tây Hồ) trên biển tên không ghi “phố” hay “đường” mà là từ “dốc”, đây là cách gọi dân dã của người dân địa phương mà không hề có trong quy chế đặt đổi tên đường, phố và công trình công cộng.” [5].

Cứ như ý tác giả bài báo thì có hai tuyến đường cần được xác định là “đường” hay là “phố” để có thể ghi rõ một trong hai từ đó trên biển tên. Tác giả cũng nói từ “dốc” không có trong quy chế đặt đổi tên đường, phố và công trình công cộng (hiểu là quy chế không đề cập hay nêu vấn đề những “lối đi lại” trong một đô thị gọi là “dốc”) do vậy trên hai biển tên ở tuyến đường Tam Đa hay tuyến đường La Pho không nên dùng từ “dốc”. (ý này thể hiện rõ hơn ở dòng thuyết minh bức ảnh chụp biển DỐC LAPHO kèm bài viết của tác giả: “Dốc” cũng là từ không có trong quy chế về việc đặt tên “đường”, “phố” cũng xuất hiện tại tuyến đường La Pho). Vậy phải chăng nếu gắn lại biển tên thì sẽ đề “Đường Tam Đa”, “Đường La Pho”? Nhưng giả sử vốn cả nhóm từ “Dốc Tam Đa”, “Dốc La Pho” là nguyên một địa danh thì câu chuyện có lẽ không đơn giản chỉ là chuyển “dốc” thành “đường” (dĩ nhiên còn có một loạt “Dốc…” khác và nhìn cả biển phố và biển nhà lẫn biển hiệu ta sẽ thấy những “dùng giằng” giữa “phố” “dốc”, những “đan-chen” giữa dân gian, truyền thống và quan phương, hiện đại: Phố/Dốc Thọ Lão, Phố/Dốc Hòe Nhai, Dốc Phố Hàng Than). Một con dốc thì cũng như một con đèo, một ngã ba, một địa danh,… tên của nó có thể là từ một tiếng hay từ song tiết, ví dụ Đèo Cả, Đèo Ngang, Đèo Cù Mông, Ngã ba Đồng Lộc, Phố Nối, Phố Hiến,… Nếu thành phố quê hương muốn đặt tên để kỉ niệm thì hẳn không thể gọi Đường Cả, Đường Ngang, Phố Cù Mông. Nói cách khác các đại lộ/đường/phố/ngõ chỉ là những thuật ngữ quy hoạch hành chính đô thị, chúng có thể thay thế cho nhau (đường thành đại lộ, ngõ lên phố,…) nhưng một con dốc với tên gọi riêng thì lại là một địa danh. Và chuyện là giờ nó được dùng để đặt tên cho đường, phố, ngõ. Vậy tức phải viết chẳng hạn “Đường Dốc Tam Đa” “Đường Dốc La Pho” thay vì chỉ lấy phần định danh của dốc để đặt tên đường (hay phố/ngõ) với biển đề chẳng hạn “Đường Tam Đa” “Ngõ La Pho”? Như nhan đề “Kỳ lạ Thủ đô: “Đường, phố, dốc” lẫn lộn”” đã cho thấy – bài báo này chủ yếu nêu vấn đề “lẫn lộn” “đường, phố, dốc”. Nhưng câu chuyện của ta ở đây là – như ở trường hợp La Pho ngay cả khi thôi gọi là dốc để gọi thành đường hay phố thì vẫn còn đó vấn đề tại sao lại gọi “La Pho”? Một sự khảo sát rộng rãi dữ liệu danh xưng trong tiếng Việt cho thấy những dẫn chứng bàn luận trên chỉ là tiếp cận trường hợp. Dăm ba trường hợp khác kê thêm đây để thấy vấn đề: Phải chăng vì Hồ Hoàn Kiếm quá nổi tiếng lại nhân vì thuộc địa phận quận nên gọi được Quận Hoàn Kiếm? Gò đất gắn di tích lịch sử có tên Đống Đa nổi tiếng nên đặt tên Quận Đống Đa chứ không cần phải “dài dòng” Quận Gò Đống Đa? Hưng Đạo Đại Vương (Trần Quốc Tuấn) gọi thành Trần Hưng Đạo rồi các thành phố có Đường Trần Hưng Đạo? Có cách gọi “Hai Bà Trưng” rồi đặt tên Quận Hai Bà Trưng, Đường Hai Bà Trưng thay vì Đường Trưng Trắc – Trưng Nhị? Trường Sa là tên quần đảo rồi lấy đặt tên đường (Đường Trường Sa)? Hay như một trường đại học lớn là Trường Đại học Vinh thời kì còn là đại học sư phạm từng có một lần “đổi tên” – Trường Đại học Sư phạm Vinh mang tên J. Nehru. Cùng tên một vị thánh mà có Bệnh viện Xanh Pôn nhưng cũng còn có Nhà Thờ Thánh Phao Lô.

Dưới dây là ảnh lấy từ bài báo:

Xin mời xem thêm một bài báo mà nhan đề “Giải mã những địa danh “Tây” ít người biết ở Hà Nội” của bài đã hứa hẹn cho thấy cách giải thích tên gọi này. Trước tiên ta có thể thấy vì nhận định là tên “Tây” nên ngay trong tiểu đề mục thứ nhất của bài viết tác giả đã chọn cách viết có sử dụng dấu gạch ngang cách âm tiết: Dốc La – Pho. Và cũng vì định hướng giải thích tên “tây” địa danh Dốc La Pho nên tác giả dẫn bức ảnh chụp biển nhà với cách viết chữ “Tây” – “Dốc LAFFO”:

Tác giả bài báo giới thiệu: “Dốc La Pho là một con dốc dài khoảng 300m, nối từ đường Hoàng Hoa Thám xuống dốc Thuỵ Khuê. Nằm sát vách Công viên Bách Thảo Hà Nội. Dốc La Pho nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội. Năm 1873, kể từ khi bắt đầu chiếm đóng Hà Nội, người Pháp không ngừng phát triển đô thị hoá nơi đây. Trong đó họ rất chú trọng đến cây xanh độ thị, để tìm kiếm các loại cây, hoa trồng trong đô thị thích hợp, năm 1888, người Pháp lập “Jardin d’essal” (Vườn thí nghiệm thực vật) rộng 33ha, ta thường gọi là vườn Bách Thảo. Vườn chia thành hai khu: Khu cao (bên đường Hoàng Hoa Thám) là vườn cây, nuôi thú là nơi đi dạo, giải trí,… Khu thấp (bên đường Thụy Khuê) làm vườn ươm – có tên là Laforge, ươm các giống cây bản địa, giống nhập từ Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Âu. Khi thành lập Vườn ươm cây thì giám đốc đầu tiên là người Pháp, tên Laforge. Thế nên còn gọi là vườn Laforge, từ đó có dốc Laforge,… Người dân sau này đọc chệch ra thành La – Pho, từ đó con dốc này được đặt tên là LAPHO và tồn tại cho đến ngày nay.” (Bên dưới bức ảnh tiếp theo chụp con dốc này tác giả đã thuyết minh lại sự đọc chệch này như sau “Thời Pháp thuộc, khi Hà Nội thành lập Vườn ươm cây nằm cạnh con dốc này thì giám đốc đầu tiên của vườn ươm tên là Laforge. Sau này người dân đọc chệch ra thành LAPHO hoặc LAFFO.” [6]

Tác giả bài báo chủ yếu cắt nghĩa tên gọi “La Pho” nhưng không phải là không ý thức tới vấn đề gọi là chuyện “Thủ đô “Đường, phố, dốc” lẫn lộn”: “Một điểm thú vị nữa mà làm cho Dốc La Pho trở nên đặc biệt, đó là tên gọi “Dốc” được đặt theo cách gọi dân dã của người dân địa phương, không hề có trong quy chế đặt tên đường, phố và các công trình công cộng.” Bài báo có đoạn lời dưới tít, trong đó có câu “có những con phố được đặt theo tên của người nước ngoài và mỗi con đường đều mang trong mình câu chuyện lịch sử xoay quanh nó.” một mặt cho thấy ý cho rằng, tuy dùng lại “tên gọi “Dốc” được đặt theo cách gọi dân dã của người dân địa phương” nhưng vẫn được hiểu là “con phố”. Ấy vậy mà câu chuyện như nó được diễn giải ở bài viết cho thấy thật ra chuyện không thể được hiểu đơn giản là tuyến đường “được đặt theo tên của người nước ngoài”. Hoàn toàn khác với câu chuyện lấy tên A. Yersin đặt tên các đường hay phố ở các thành phố nói trên. Ở đây tuy nói “giải mã địa danh “Tây”” nhưng cụ thể đối trường hợp Dốc La Pho thì thực ra cũng chỉ là một cắt nghĩa từ nguyên cho biết biết gốc gác nguyên do của một cái tên gọi. Và cho dù tên gọi đó hình thành như là kết quả của của một sự nói-đọc chệch đi nữa thì cũng chẳng phải là lúc buộc đính chính vì “nói trệch sang âm khác so với âm gốc” là tên người giám đốc vườn ươm Laforge (trừ phi đang dạy học ngoại ngữ hoặc giả đã “phổ cập” được tiếng Pháp – ngay cả khi đó việc một người bản ngữ tiếng Việt nói câu tiếng Việt trong đó có tên Laforge phát âm đúng ngữ âm Pháp ngữ thì ta vẫn có thể nói người này thực ra đang cố tình chen xen song ngữ, còn không thì tồn tại của “nói trại”, “nói bồi” trong sinh hoạt nói năng là chuyện cũng tự nhiên mà thôi. Lối dè bỉu một người không phát âm cho đúng từ “Tây” trong khi nói tiếng mẹ đẻ suy cho cùng cũng chẳng tốt đẹp gì hơn việc quy lỗi “nói ngọng” hai âm L/N đối với một bộ phận người tiểu phương ngữ ở mấy vùng nhỏ ở Bắc Bộ. Đơn giản là giờ đây đối với phần đông mọi người đó là cũng chỉ là một từ hai tiếng – “la pho” và vì từ này nằm trong một ngữ định danh (con dốc) nên sẽ được viết hoa chữ cái đầu của mỗi tiếng: La Pho (không viết La-pho, như chẳng hạn Ăng-ghen, Pa-xtơ, La Phông-ten là những tên riêng phiên âm và viết theo quy định…). Thậm chí nếu không được “cắt nghĩa” La Pho là “phiên âm dân gian” hay cách gọi trại của dân chúng đối tên Laforge thì bản thân tên gọi con dốc này có lẽ cũng giống trường hợp tên (Phố) Ba La ở Hà Đông vậy (không giải thích được nghĩa là gì).

Nói như thế cũng có nghĩa là nếu không cần phải quá “hiếu cổ” hay giờ đây (bỗng có việc) phải vinh danh giám đốc vườn ươm người Pháp thời thuộc địa đó thì ta sẽ vẫn cứ gọi quãng đường khoảng 300 mét một bên phố một bên tường rào Công viên Bách Thảo Hà Nội nối từ đường Hoàng Hoa Thám xuống đường Thụy Khuê đó là “Dốc La Pho”. Chuyện chỉ là cái tên gọi xuất hiện trong sinh hoạt nói năng dân gian định danh con dốc này giờ đây cần ghi biển. Vậy thì giải pháp đơn giản có thể là – trên biển dùng chữ in hoa sẽ là LA PHO, còn trong viết tay hay viết qua bàn phím computer hay smartphone hay in ấn thông thường sẽ là La Pho (hiện tại trong tiếng Việt có thể cũng chỉ có một dạng La Pho như thế, khác với các từ la ghim/la-ghim/la gim – đều là những cách phiên-viết từ legume hay La-hay/La Hay – phiên-viết từ La Haye) chẳng hạn. Hiểu như vậy thì các cách “viết” LAFFO hay LAPHO như ta thấy trên biển trong các ảnh chụp dẫn kèm bài viết sẽ là “vô nghĩa” (coi là “vô nghĩa” vì tiếng Việt hiện không thấy nói hay viết được như thế). Đây đều là những cái sai ngẫu nhiên và có thể tiếp tục ngẫu nhiên sai thành “LA FO”, “LAFO” hay cũng có thể đọc không đúng thành “la phóc gơ” hay “lạp phô”.

Sự thực là dù các tác giả của hài bài báo (dẫn trên) đã tự xác định cách hiểu tên La Pho nhưng trong suốt bài viết của mình vẫn không tỏ rõ được sự nhất quán trong phiên-viết tên này (khi viết La Pho khi viết Lapho, lại có khi viết La-Pho). Vả chăng, biểu đạt của tác giả cũng chỉ ở mức thuật việc chứ không phải nhằm phân tích khúc chiết vấn đề ngôn ngữ nên người đọc cũng khó lòng hiểu cho đến nơi đến chốn bản chất sự thể. Chẳng hạn đoạn đã dẫn trên (“Vườn chia thành hai khu … tồn tại cho đến ngày nay.”). Ý trong đoạn còn được nhắc lại ở dòng thuyết minh dưới bức ảnh chụp một quãng Dốc La Pho: “Thời Pháp thuộc, khi Hà Nội thành lập Vườn ươm cây nằm cạnh con dốc này thì giám đốc đầu tiên của vườn ươm tên là Laforge. Sau này người dân đọc chệch ra thành LAPHO hoặc LAFFO”. Rốt cuộc đọc các trần thuật trên ta cũng sẽ không hiểu “có tên là…” “còn gọi là vườn …” “từ đó có dốc…” “được đặt tên là…” sự thể thực tế là như thế nào: vườn ươm này được gọi tên như thế một cách tự phát hay đặt tên bằng một quyết định thông báo chính thức với cổng biển đề rõ ràng? Và vì vậy, nói “đọc chệch” phải chăng hàm ý đấy là nói đọc chệch từ chẳng hạn từ/tên Laforge này trên biển cổng vào? Còn như việc đã “đọc chệch” (cũng đồng nghĩa nói miệng như thế) ra thành la pho (khi ghi âm đọc chệch này sợ viết liền dẫn tới đọc sai thành lap ho nên dùng dấu cách lap-pho) thì viết La Pho (viết hoa ngụ ý tên riêng) chứ làm sao lại có thể viết là “đọc chệch ra thành LAPHO hoặc LAFFO” (viết LAPHO là một sự đọc chệch thì cũng khó hiểu như làm sao mà đọc được LAFFO)?

3. Vài lời kết bài

Trước sự phức tạp của thực tế lịch sử (giao thoa văn hóa, từng dùng nhiều loại chữ viết) và những bất khả khách quan của ngôn ngữ (một thứ tiếng, không thể biết hết cách đọc một tên riêng trong thứ tiếng khác, không thể phiên âm đúng được chỉ với chữ viết bản ngữ – chữ viết bản ngữ đâu phải là hệ thống mẫu tự ngữ âm quốc tế IPA) nên cách tốt nhất là nên viết đúng nguyên ngữ các tên riêng như đề nghị của Cao Xuân Hạo. Tất nhiên ta biết Cao Xuân Hạo chỉ nói về “phiên âm” tên riêng trong ngôn ngữ “phương Tây”. Thế nên, nhân đây chúng ta cũng nên nhắc qua chuyện phiên âm tên riêng của vài ngôn ngữ như tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc hay tiếng Nhật. Chẳng hạn, ngày nay nhìn chung đã chẳng còn mấy ai băn khoăn gì lớn về phiên âm Hán Việt. Những tên riêng như Thiên An Môn, Mao Trạch Đông được viết gọi phổ cập. Mặc dù thế, dạo gần đây như ta thấy cũng đã xuất hiện lối bê nguyên phiên âm La tinh của Hán ngữ trong trường hợp chỉ tên người tên đất Trung Quốc vào trong tiếng Việt, ví dụ: Deng Xiaoping thay cho Đặng Tiểu Bình, Sanxia thay cho Tam Hiệp, Taiwan thay cho Đài Loan. Việc này có thể cũng đã gây khó chịu đối với người đọc chả kém gì khi đến lượt phải nghe cách đọc “áng chừng” phiên âm La tinh tên người tên đất Trung Quốc đó trên báo nói các kênh VTV hiện nay (tạm gọi đó là đọc “áng chừng” vì phát thanh viên đâu có tuân được theo luật phiên âm của họ). Thực tế Trung Quốc đại lục chế định “Phương án phiên âm Hán ngữ” (bắt đầu từ 1953, chính thức công bố năm 1958) là để phục vụ công cuộc phổ cập phổ thông thoại, dạy học Hán tự chứ không phải là để thay thế chữ viết của họ. Ta từng đọc thấy cách phiên âm cũ tên thủ đô của Trung Quốc Peking, phiên âm cũ tên một trường đại học Tsinghua (trước 1949 và hiện vẫn giữ nguyên trên huy hiệu trường đại học này) hay Tsing Hua (tại Đài Loan). Ngày nay quốc tế nhìn chung chấp nhận phương án phiên âm Hán ngữ của Đại lục đã phiên viết là Beijing, Qinghua. Nhưng có lẽ cũng không phải vì thế mà ta “tự dưng” thôi nói-viết Bắc Kinh, Thanh Hoa. [7 tr.29] Tất nhiên khi nói như thế chúng ta lại cũng đã thấy cũng hiện nay – chẳng hạn đã nói-viết Kim Nhật Thành vậy mà đến con và cháu ông lại viết Kim Jong-il và Kim Jong-un, thấy một bên gọi Bình Nhưỡng trong lúc một bên nói-viết Xơ-un/Seoul thay vì Hán Thành, Samsung thay vì Samseong hay Xam-xâng hay Tam Tinh, Tokyo thay vì Đông Kinh Đô, Minh Trị dùng song song với Meiji trong lúc bên cạnh việc phổ biến viết Kawabata Yasunari thay vì Xuyên Đan Khang Thành. Toàn bộ trình bày trong bài viết này cho thấy thấy vấn đề đã vượt ra khỏi khuôn khổ câu chuyện phiên âm tên riêng của ngôn ngữ học, trở thành vấn đề văn hóa thời đại, thời đại mà viết tay đổi sang dần cách viết bàn phím. Đã đến lúc cần phải có một điển chế tổng thể chứ không thể mãi dừng lại ở những ban bố quy định lẻ tẻ.

 Lê Thời Tân, Tạp chí Khoa học Trường ĐHTĐHN, số 58, ISSN 2354-1512, tháng 3/2022, tr.53-61.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Chính phủ (2005). Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005 /NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005.

[6] “Giải mã những địa danh “Tây” ít người biết ở Hà Nội”, https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/giai-ma-nhung-dia-danh-tay-it-nguoi-biet-o-ha-noi-c46a890633.html, 23/07/2017.

[3] Nguyễn Hoài, Nguyễn Loan, Nguyễn Tuệ (2002). Từ điển đường phố Hà Nội, Nxb. ĐHQGHN, Hà Nội.

[4] Cao Xuân Hạo (2017). “Về cách viết và cách đọc tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt” trong sách Tiếng Việt-Văn Việt-Người Việt, Nxb. Trẻ, TP Hồ Chí Minh.

[5] Lê Anh Dũng (2016). “Kỳ lạ Thủ đô: “Đường, phố, dốc” lẫn lộn”, https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/ky-la-thu-do-duong-pho-doc-lan-lon-304355.html, 13/5/2006.

[7] Lê Thời Tân (2014). “Chữ cái Latin: “pinyin” của Trung Quốc và chữ quốc ngữ Việt Nam”, Tạp chí Khoa học, Viện Đại học Mở Hà Nội (Journal of Science – Hanoi Open University), số 03 tháng 2/2014.

[2] UBNDTP Hà Nội (2006). Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2006.