1. Nêu vấn đề

HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ trong Ngữ Văn 10 [1] là một bài rất khó. Cách trình bày của bài học này chủ yếu theo lối nêu dẫn liệu kèm hệ thống câu hỏi gợi ý tiếp cận dẫn liệu nhắm tới một định hướng và minh họa tổng kết vấn đề lí luận nhất định. Trong bài viết này chúng tập trung phân tích cách dẫn dụng ngữ liệu của tác giả biên soạn bài học, xét xem cách dẫn dụng ngữ liệu này phản ánh một cách nêu và dẫn giải vấn đề “hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ” như thế nào của chính người biên soạn bài học. Phân tích của chúng tôi tạm chỉ giới hạn ở dẫn liệu thứ nhất – một đoạn trích truyện ngắn.

2.1. Dẫn liệu của bài học SGK

Dẫn liệu 1 của bài là một đoạn trích truyện ngắn, được dẫn vào với yêu cầu như sau:[1]

1.Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi.

Vua nhà Trần trịnh trọng hỏi các bô lão:

– Nước Đại Việt ta tuy là một nước nhỏ ở phương Nam nhưng luôn bị nước ngoài nhòm ngó. Tự cổ xua đến giờ thật chưa có khi nào giặc mạnh và hung hãn như ngày nay. Chúng sẽ kéo sang năm mươi vạn quân, bảo rằng:“Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được ở chỗ ấy!”. Vậy nên liệu tính sao đây?

Mọi người xôn xao tranh nhau nói:

– Xin bệ hạ cho đánh!

– Thưa chỉ có đánh!

Nhà vua nhìn những khuôn mặt đẹp lồng lộng, hỏi lại một lần nữa:

– Nên hòa hay nên đánh?

Tức thì muôn miệng một lời:

– Đánh! Đánh!

Điện Diên Hồng như rung chuyển. Người người sục sôi.

(Theo Lê Vân, Hội nghị Diên Hồng)

Hội nghị Diên Hồng. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.

2.2. Phân tích cách dẫn dụng ngữ liệu của tác giả biên soạn bài học

2.2.1. “Văn bản sau” ở đây là văn bản nào

Trước hết ta hãy cố gắng nhận diện “văn bản sau” ở đây là văn bản nào. Có vẻ như “văn bản sau” này chủ ý chỉ phần chữ in nghiêng trên nền màu sẫm – một trích đoạn từ một “văn bản” lớn có nhan đề Hội nghị Diên Hồng của tác giả Lê Vân (thông tin nguồn dẫn này không bao gồm chi tiết xuất bản, nên ta sẽ không biết văn bản Hội nghị Diên Hồng của tác giả Lê Vân là từ đâu).[2] Như ta thấy, phần lời để trong ngoặc đơn thuyết minh xuất xứ nguồn trích dẫn này được SGK in ngay bên trong khuông có nền màu sẫm này. Nhìn từ một góc độ nhất định, có thể nói dòng này là một thành tố thuộc về cái mà nhà biên soạn (NBS) gọi là “văn bản sau”. Vậy mà dù sao đi nữa ta cũng phải thấy đó là một thành tố “dị chất” với phần in nghiêng cỡ chữ to hơn ở trên nó. Dòng trong ngoặc đơn này là lời của NBS – chủ thể đã thực hiện việc trích đoạn thiên truyện Hội nghị Diên Hồng của tác giả Lê Vân. Điều quan trọng cần nói ở đây là, bất luận như thế nào đi nữa cái gọi là “văn bản” trong cụm từ “Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi” dẫn trên chỉ là cái “văn bản” được tạo ra do hành động dẫn-trích vào bài học của SGK. [2][3] Nói rõ ra, cái gọi “văn bản sau” này chính là kết quả trích dẫn của NBS (xin để ý chữ “Theo” ở dòng trong ngoặc đơn để dưới cùng bên phải khung dẫn đoạn trích – “Theo Lê Vân, Hội nghị Diên Hồng”.[4]

2.2.2. Cách biểu đạt các yêu cầu học tập

Phân tích xoay quanh việc dùng từ “văn bản” như nói trên sẽ tạo điều kiện tìm hiểu cách biểu đạt các yêu cầu a) b) c) d) e) tiếp theo.

a) Hoạt động giao tiếp được văn bản trên ghi lại diễn ra giữa các nhân vật giao tiếp nào? Hai bên có cương vị và quan hệ với nhau như thế nào?

b) Trong hoạt động giao tiếp trên, các nhân vật giao tiếp lần lượt đổ vai (vai người nói, vai người nghe) cho nhau như thế nào? Người nói tiến hành những hành động cụ thể nào, còn người nghe thực hiện những hành động tương ứng nào?

c) Hoạt động giao tiếp trên diễn ra trong hoàn cảnh nào ? (Ở đâu? Vào lúc nào? Khi đó ở nước ta có sự kiện lịch sử gì?)

d) Hoạt động giao tiếp trên hướng vào nội dung gì?

e) Mục đích của cuộc giao tiếp (hội nghị) là gì? Cuộc giao tiếp có đạt được mục đích đó không?

Ta hãy xem xét cách nói “(Hoạt động giao tiếp) được văn bản trên ghi lại” ở câu hỏi a). Rõ ràng là “văn bản trên” không phải là thực sự “ghi lại” cái gọi là hoạt động giao tiếp nào đó (thực ra thì nó làm sao mà “ghi lại” được cuộc “trưng cầu dân ý” bảy trăm năm trước[5]). Dĩ nhiên chúng ta biết ghi lại ở đây cũng chỉ là một cách tạm dùng từ.[6] Dù vậy, NBS hoàn toàn có thể khiến cho tình thế biểu đạt ở đây trở nên uyển chuyển hơn nếu như dùng nó với dấu nháy nháy (“ghi lại”)[7]. Tất nhiên, một khi đã chọn cách dẫn sẵn một trích đoạn và gọi một cách giản tiện thành “văn bản” thì NBS rốt cuộc đành phải dùng cách biểu đạt cho rằng có diễn ra một hoạt động giao tiếp (ngôn ngữ) và hoạt động đó đã được một văn bản ghi lại. Nhưng hoạt động giao tiếp (ngôn ngữ) thuật kể lại thành văn bản tự sự hay đoạn kịch bản là khác với việc ghi chép một cuộc giao tiếp khẩu ngữ thành văn bản (dẫn liệu “đoạn đối thoại” giữa em nhỏ A Cổ và ông già dùng ở phần II – LUYỆN TẬP cũng nên được nhìn nhận với một ý thức tương tự).[8] Thế nên, dễ hiểu là vì sao mà với dẫn liệu 1 này NBS đã không đặt câu hỏi gợi ý tìm hiểu bản thân “văn bản” (tương tự như câu hỏi dùng cho dẫn liệu 2 – e) Phương tiện ngôn ngữ và cách tổ chức văn bản có đặc điểm gì nổi bật?).[9]

Nửa sau câu hỏi a) đề cập đến vấn đề “nhân vật giao tiếp”. Lẽ dĩ nhiên là Vua nhà Trầncác bô lão (khá đông – xin đọc tả thuật sau đó “Mọi người xôn xao…” “muôn miệng…” “Người người sục sôi”) không nghĩ mình là “nhân-vật-giao-tiếp” và cũng chả nghĩ là bản thân đang tiến-hành một hoạt động gọi là “hoạt-động-giao tiếp-bằng-ngôn-ngữ”. Có thể thông tin trần thuật cung cấp ngay từ câu “Vua nhà Trần trịnh trọng tuyên bố” (sẽ được xem là câu đầu tiên của “văn bản” được tạo ra do hành vi dẫn-trích vào bài học của SGK nhưng không rõ là câu thứ mấy trong văn bản nguồn) của đoạn trích đã giúp học sinh trả lời được ngay câu hỏi Hai bên có cương vị và quan hệ với nhau như thế nào? Với câu hỏi này, có vẻ như NBS chủ ý muốn chỉ tới “cương vị” và “quan hệ” nhà vua-thần dân của hai bên giao tiếp? Nhưng suy cho cùng câu hỏi (cùng đáp án) này có tác dụng cụ thể gì đối với việc dắt dẫn lí thuyết – xem xét cương vịquan hệ đó chi phối cụ thế như thế nào đến hoạt động giao tiếp xét như quá trình và mặt khác được phản ánh ra sao vào bản thân sản phẩm “văn bản” của quá trình đó?

Bây giờ xin đọc tiếp câu hỏi b) “Trong hoạt động giao tiếp trên, các nhân vật giao tiếp lần lượt đổi vai (vai người nói, vai người nghe) cho nhau như thế nào? Người nói tiến hành những hành động cụ thể nào, còn người nghe thực hiện những hành động tương ứng nào?”.

Trần thuật của dẫn liệu cho thấy các bô lão dường như đã sớm được “bình thân-miễn lễ” nên mới cứ thế “tranh nhau nói”. Xem ra, đã là “tranh nhau nói” và “muôn miệng một lời” thì cũng chẳng phải là thích hợp cho lắm với việc đặt vấn đề “lần lượt đổi vai (vai người nói, vai người nghe) cho nhau như thế nào”. Vả chăng cuộc giao tiếp này thực ra bắt đầu từ đâu và rồi rốt cuộc các nhân vật giao tiếp đã “lần lượt đổi vai nghe-nói cho nhau” đến quãng nào?[10] Câu hỏi nghe rất vẻ nhiêu khê nhưng không thể không thấy nó vẫn dính dáng theo một cách nào đó tới câu chuyện giới thiệu “văn bản” dẫn liệu vừa đề cập ở trên. Ít ra, ở đây ta cũng có quyền phân vân một chút về quyết định chọn định hai điểm đầu và cuối cho cái văn bản được cho là “ghi lại” vừa vặn một cuộc giao tiếp (không xác định ranh giới “cuộc” giao tiếp thì làm sao mà nêu được vấn đề “Mỗi hoạt động giao tiếp bao gồm hai quá trình…” mà ta sẽ thấy ở khung GHI NHỚ cuối bài học). Đọc kĩ câu hỏi b này người dạy-người học không tránh được băn khoăn vì sao mà sự thể dụng ngữ sinh hoạt hỏi đáp tự nhiên rốt cuộc đã được “lí luận hóa một cách long trọng” đến thế? Thử đọc lại một lần nữa các cụm từ mà chúng tôi lưu ý bằng gạch chân trong câu hỏi này: Người nói tiến hành những hành động cụ thể nào, còn người nghe thực hiện những hành động tương ứng nào?.

Đặt mình vào địa vị phải trả lời các câu hỏi ta thấy những câu hỏi như câu hỏi a hay câu hỏi e dù sao cũng còn có thể tìm đáp án từ bản thân văn bản dẫn liệu. Nhưng tới câu hỏi c thì riêng mỗi dẫn liệu là không đủ để trả lời. Nhưng suy cho cùng “khảo cứu” thời gian, địa điểm của cuộc gặp Diên Hồng đó phải chăng lại chỉ để thấy rằng một hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ nào đó là diễn ra trong một hoàn cảnh nhất định (cũng như  việc hoạt động đó sở dĩ diễn ra là do có sự tham gia của các nhân vật giao tiếp với những cương vịquan hệ nhất định)? Thế nhưng câu hỏi c cũng chưa phải là câu hỏi khó nhất. Câu hỏi khó nhất là câu hỏi cuối cùng – e) Mục đích của cuộc giao tiếp (hội nghị) là gì? Cuộc giao tiếp có đạt được mục đích đó không?

2.2.3. Mục đích của cuộc giao tiếp đạt hay không đạt

Điều đầu tiên cần phải nói là, chỉ với riêng “văn bản” dẫn ra đó rất khó để gọi nống được thành “hội nghị”.[11] Trước mắt ta là cuộc giao tiếp hỏi chuyện trực tiếp: Vua gặp mặt hoặc nói hợp cách hơn là vua cho vời các bô lão diện kiến để hỏi ý kiến tập thể. Và một khi tự giới hạn trong khuôn khổ đọc đoạn trích này, ta thấy mục đích giao tiếp xem ra khá hiển nhiên – gặp mặt hỏi ý kiến chung. Và kết quả như đã thấy – “muôn miệng một lời  Đánh! Đánh!”. Nhưng giả sử các bô lão trả lời nên hòa thì liệu có phải là cuộc giao tiếp đã không đạt được mục đích? Và “biện bác” có thể có sau đây có khiến ta phải xem lại tình thế cụ thể của việc đề xuất câu hỏi kiểu trên hay không? Xin nhắc lại đây chỉ là một “biện bác” giả định – Vua nhà Trần thực bụng nao núng và mục đích của ngài là xem xem lòng dân có như ý ngài toan định… Còn như các bô lão thì phút chốc được diện kiến mặt rồng, tham vấn chuyện quốc gia đại sự nên phấn chấn tới độ hô đánh tràn! Gặp trường hợp học sinh nêu ý kiến như thế thì thầy cô diễn giải thế nào câu hỏi “Mục đích của cuộc giao tiếp (hội nghị) là gì? Cuộc giao tiếp có đạt được mục đích đó không?”? Có lẽ cũng không ngại đọc lời bàn của một trong những đồng tác giả Đại Việt Sử kí Toàn thư để thấy thêm tính chất “quá tầm” của câu hỏi dẫn giải nhân tố “mục đích giao tiếp” sau đoạn dẫn liệu nói trên của  SGK:

“Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn như sau: Giặc Hồ vào cướp là nạn lớn của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn, há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến rồi hỏi kế sách ở các bô lão hay sao? Ấy bởi Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân và cũng để dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích rồi hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa của cổ nhân, kính dưỡng người già để xin lời hay vậy” (Đại Việt Sử kí Toàn thư, Bản Kỉ, quyển 5, tờ 44 b).[12]

2.2.4. Quay lại với KẾT QUẢ CẦN ĐẠT đầu bài

Sau khi đã tìm hiểu một lượt bài học, ta hãy quay lại với phần KẾT QUẢ CẦN ĐẠT đầu bài. Căn cứ vào tinh thần chung của bài học, ta thấy GIAO TIẾP (BẰNG NGÔN NGỮ) là một hoạt động, hoạt động đó tạo ra “sản phẩm” được gọi là văn bản.  Một trong những kết quả cần đạt sau khi học bài này là nâng cao kĩ năng phân tích, lĩnh hội, tạo lập “văn bản trong giao tiếp” cho học sinh.[13] Thoạt đọc ta thấy cũng rất ổn, nhưng cắt nghĩa cho thông “KẾT QUẢ CẦN ĐẠT” này là không dễ. Dù gì thì cũng phải tách biệt trong nhận thức hai trường hợp:

+ “Văn bản trong giao tiếp” đó là văn bản của những người khác (Vua nhà Trần các bô lão; em nhỏ A Cổ và ông già) đã/đang “tạo lập”,… Trong trường hợp này ta có thể đề cập đến sự thể “phân tích-lĩnh hội” văn bản từ vị trí “bàng thính”?

+ Nhưng thực tế là khó mà có cơ duyên bàng thính tại chỗ cái quá trình giao tiếp hỏi đáp nói lời gió bay, nhất khứ bất phục phản đó nên chỉ đợi đến có hoàn cảnh giao tiếp (bằng ngôn ngữ) của chính mình thì mới nói tới được chuyện “nâng cao kĩ năng phân tích, lĩnh hội, tạo lập văn bản” (thế mới sinh ra phân môn Làm Văn cung cấp “thao trường” tập luyện “tạo lập văn bản” nói chung). Suy tính đến tình hình trên tức cũng là để chuẩn bị đối phó với câu hỏi chuỗi kĩ năng phân tích, lĩnh hội, tạo lập văn bản trong giao tiếp là thực hiện độc lập hay thực hiện hòa kết đồng thời?

Nói chung, ta phải thấy rõ rằng ở đây tuy gộp nói vào một chỗ – “phân tích, lĩnh hội, tạo lập văn bản” nhưng thực tế giao tiếp ngôn ngữ tự nó tách rời khá rõ các trường hợp khác nhau. Có trường hợp văn bản trong giao tiếp hòa kết, chiếu ứng cả “phân tích, lĩnh hội, tạo lập”; Có trường hợp về cơ bản và trước hết chỉ là “tạo lập” đã. Hiểu như thế chắc mới đúng chân tinh thần của cụm từ “văn bản trong giao tiếp” nhắc đến trong phần GHI NHỚ của bài học HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ này.

3. Vài lời tạm kết

Toàn bộ những dẫn giải trên đây sẽ đẩy chúng ta đến với vấn đề dụng ngữ nguyên sinh và dụng ngữ thứ sinh, đối lập nói và viết, đối lập hành dụng ngôn ngữ như là công cụ và như là chất liệu, thống nhất cách hiểu rõ ràng nhất quán khái niệm “văn bản”. Chỉ trên nền tảng nhận thức đó ta mới có thể tiếp cận và nêu vấn đề HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP NGÔN NGỮ một cách thích đáng hơn. Tiếp cận một cách thích đáng hơn đối tượng thực tồn giúp tránh được việc phải soạn những bài học gây cảm giác cho rằng NBS đang cố dẫn giải các dẫn chứng thực liệu vì một “lí thuyết tiên thiên” nào đó. Việc tiếp cận thích đáng vừa nói cũng sẽ giúp tránh được những gượng gạo trong việc đặt các câu hỏi diễn giải dẫn liệu phục vụ bài học cụ thể.[14]

Lê Thời Tân, Trường Đại học Vinh-Viện Sư phạm Xã hội, Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia Đổi mới hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ngữ văn đáp ứng mô hình giáo dục phát triển năng lực, Nxb. Đại học Vinh, 2019, tr.449-455, ISBN: 978-604-923-506-1.

CHÚ THÍCH:

[1] Các đoạn trích dẫn bài học SGK đều được đặt trong khung để phân biệt với lời văn của bài viết này. Tác giả bài viết cũng biểu thị dụng ý nhấn mạnh bằng cách gạch chân bên dưới các câu chữ trong trích dẫn.

[2] Vấn đề có thể được đặt ra ở đây là – vậy có cần xem phần lời để trong ngoặc đơn in với cỡ chữ nhỏ hơn ở góc bên phải dưới cùng phần khung nền màu sẫm cũng là một phần cấu thành của cái gọi là “văn bản sau” này hay không? Nếu đưa phần lời để trong ngoặc đơn in với cỡ chữ nhỏ đó ra khỏi khung nền màu sẫm thì có hợp lí hơn không? Thử so sánh với trường hợp dẫn liệu 5 (phần II-LUYỆN TẬP). Ta thấy đều cùng một cách dẫn “văn bản” nhưng đến lượt Thư gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì dòng thuyết minh xuất xứ nguồn trích dẫn lại được đặt ra ngoài khung nền mà sẫm “chứa” bức thư – “Theo văn bản trong Tiếng Việt 5, tập một, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006” (cách thuyết minh xuất xứ cũng khác với cách viết đơn giản Theo Lê Vân, Hội nghị Diên Hồng vừa dẫn).

[3] Có thể nói trên thực tế – “dẫn vào bài học” tức cũng là một cách “tạo lập” nên cái văn bản gọi là các bài học của SGK. Nhân tiện cũng nên thấy một trong những điểm nổi bật của việc đổi mới Chương trình Ngữ văn bậc trung học là đã phổ biến khái niệm văn bản (đọc hiểu và tạo lập văn bản). Dễ thấy là SGK đã phổ cập cách dùng từ “văn bản” để gọi đồng loạt tất thảy các ngôn bản được dẫn vào làm nguồn văn liệu đọc hiểu. Và trong những trường hợp nhất định không khó thấy SGK đã quá cố ý lệ thuộc vào cách gọi “văn bản”, nhiều chỗ gây rối lẫn giữa “văn bản”, “trích đoạn/đoạn trích”, “tác phẩm (văn học)”, “bài/thiên…”, “bản…”, “bài viết”, “bài văn”, “bài (tập) làm văn”,…[3]

[4] Tất cả các tác phẩm văn học (toàn văn hay trích đoạn) đem vào SGK ở kiểu bài đọc hiểu đều trở thành văn bản giữa SGK Ngữ văn theo kiểu như thế. Nếu đồng ý với cách nhìn nhận này, đã đến lúc chúng ta cũng nên phân biệt “đọc-hiểu văn bản” (tác phẩm dẫn vào SGK) với đọc hiểu bản văn-tài liệu bản in nói chung. Chúng tôi tán đồng cách nói “Đọc-hiểu văn bản” của SGK nhưng cũng cảm thấy việc sử dụng nhất loạt và thường xuyên từ “văn bản” trong rất nhiều tình huống của SGK không phải khi nào cũng là thích đáng. Tất cả các trường hợp như trước lúc dẫn trích đoạn có phần tóm tắt mào đầu hay dẫn nguyên cả một thiên truyện nhưng chỉ muốn tập trung dạy-học một đoạn (in với cỡ chữ phân biệt hai phần trên và dưới của văn bản tác phẩm) hay chêm đặt các phần (Lược…) hay […] theo chúng tôi đều là đang tạo “đường viền văn bản” biểu hiện của công việc “văn bản hóa” của  người biên soạn SGK. [2]

[5] Một cuộc “trưng cầu dân ý” được truyền tụng nhờ sử kí và đã đi vào vốn thoại ngữ tiếng Việt hiện đại với cách gọi “Hội nghị Diên Hồng”. Đại Việt Sử ký Toàn thư (Bản Kỷ – quyển 5) được xem là “văn bản” quan trọng nhất kí tải chuyện “giao tiếp” giữa Thượng hoàng Trần Nhân Tông và các bô lão. Còn như cách dùng cụm từ “Hội nghị Diên Hồng” phổ biến trong vốn thoại ngữ hiện nay chắc phải là chuyện của thế kỉ XX.

[6] Nó cũng tự như cách dùng “nói về” trong c) Nhân vật “anh” nói về điều gì?

[7] Ngược lại ở dẫn liệu 3 phần II-LUYỆN TẬP dẫn bài thơ của Hồ Xuân Hương ta thấy có cách dùng từ với dấu “” ở câu hỏi a) – Khi làm bài thơ này, Hồ Xuân Hương đã “giao tiếp” với người đọc về vấn đề gì? Thực ra, nếu đặt rõ vấn đề sáng tác văn chương như là một loại dụng ngữ đặc biệt, nêu rõ vấn đề tiếp nhận văn họcđể từ đó tìm cách quy nạp vào trong hệ thống gọi là HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ thì chắc ở đây NBS đã không phải đặt từ giao tiếp này vào trong dấu “”.

[8] Các tác phẩm văn chương nhất là văn chương tự sự cũng là những dụng ngữ đặc biệt. Chúng “mô phỏng” đời sống nói năng theo nhưng phương thức nhất định. Lẽ dĩ nhiên ta cũng có thể xem chúng là  hoạt động giao tiếp bằng ngôn từ của con người (có điều gì liên quan đến ngôn ngữ mà lại không phải là giao tiếp!). Hoạt động đó sử dụng ngôn từ như là chất liệu phân biệt với  giao tiếp lời nói sinh hoạt tự nhiên. “Hội nghị Diên Hồng”, “Hỏi chuyện đan sàng đêm trăng” và “Cuộc gặp mặt giữa A Cổ với ông già” mà bài học này dẫn dụng dường như là để diễn giải cho giao tiếp lời nói sinh hoạt nói chung. Tương lai ứng dụng mãnh mẽ multimedia soạn SGK điện tử rất có thể học sinh sẽ được học bài này với những clip ghi âm ghi hình “hoạt  động  giao tiếp ngôn ngữ” thực tế.

[9] Ghi lại một hoạt động giao tiếp ngôn ngữ thành văn bản ấy cũng một cách nói. Một cách nói rất dễ khiến ta phải lúng lúng khi muốn lấy ví dụ. Mặc dù vậy, ta vẫn có thể phân biệt được trong “văn bản” dẫn liệu 1 của bài học này hai loại phát ngôn thành phẩm: phát ngôn ngữ âm – nói của nhân vật và phát ngôn văn tự viết tường thuật của tác giả (các cụm từ này mượn dùng từ John Lyons, Ngữ nghĩa học dẫn luận [5]) Quan sát “văn bản” ta cũng sẽ thấy thực tế “ghi lại” cũng phải theo những “quy ước” cụ thể – qua hàng với dấu gạch đầu dòng biểu thị lời thoại, dùng dấu “” biểu thị lời nói được dẫn nguyên, v.v…

[10] Dễ dàng đồng ý rằng “hoạt động giao tiếp” hai lần hỏi đi đáp lại này chỉ là một phần của cả một cuộc (hoạt động) giao tiếp lớn “triệu phụ lão trong nước ban yến ở thềm điện Diện Hồng, hỏi kế sách…” (Đại Việt Sử kí Toàn thư, Bản Kỉ – quyển 5).

[11] Ta sẽ đọc thấy từ “hội nghị” này trong “tên văn bản” nguồn của đoạn trích (Theo Lê Vân, Hội nghị Diên Hồng). Rất có thể NBS là người biết rõ hơn cả (ít ra là so với giáo viên và người học – sẽ là hai nhân tố tham gia cuộc giao tiếp “tiết dạy-học” bài HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ này) thiên truyện gọi là  Hội nghị Diên Hồng – xuất xứ của đoạn trích dẫn vào làm ngữ liệu cho bài học.

[12] Chính là khi đọc thêm “văn bản” tờ 44b – quyển 5 (Đại Việt Sử kí Toàn thưBản Kỉ) dẫn trên ta mới thêm “cơ sở” để hiểu được GHI NHỚ cuối bài – “Hoạt động giao tiếp là hoạt động trao đổi thông tin của con người trong xã hội, được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ (dạng nói hoặc dạng viết), nhằm thực hiện những mục đích về nhận thức, về tình cảm, về hành động,…”.

[13] Có chấp nhận một cách cách hiểu khác – cho rằng “trong giao tiếp” là trạng ngữ chung của cả câu chứ không phải là định ngữ riêng cho từ “văn bản”? Có vẻ như cách hiểu này là không phù hợp với tinh thần bài học này.

[14] Tương tự như việc cuộc sống vốn có việc đi lại – có việc ngồi xe bus, tàu điện ở đô thị mà cũng có đi bộ ngang qua cánh đồng cách xa tỉnh lộ hay men theo đường nối hai “cụm dân cư” nào đó. Đơn giản đó là đang đi lại như một phần của hoạt động cuộc sống tự nhiên vốn thế chứ đâu phải cứ nhất thiết “diễn đạt” thành “người và phương tiện tham gia giao thông”!

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Ngữ văn 10, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.

[2] Lê Thời Tân, “Xử lí văn bản “Hai Cây Phong” của Ngữ Văn 8 và vài cố gắng đọc-hiểu tự sự học đối bài này”, Kỉ yếu hội thảo khoa học Dạy học ngữ văn trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, Nxb ĐHSP TP Hồ Chí Minh, 2014

[3] Lê Thời Tân, “Về cách đặt vấn đề “văn bản nhật dụng” trong chương trình dạy học Ngữ Văn THCS”, Đổi mới nghiên cứu và giảng dạy Ngữ Văn trong nhà trường Sư phạm, Kỉ yếu hội thảo khoa học toàn quốc, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2016.

[4] Đại Việt Sử kí Toàn thư, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1993.

[5] John Lyons, Ngữ nghĩa học dẫn luận (Người dịch: Nguyễn Văn Hiệp), http://ngonngu.net/index.php?p=131