Hôm qua tôi đăng bài “ĐÚNG QUY TRÌNH” nói về sách Tiếng Việt CNGD của Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng Thẩm định của Bộ GD-ĐT kết luận “không đạt”, nhân đó có nhắc đến Câu lạc bộ (CLB) Ô Xinh, nơi thuần khiết thực hiện sách và phương pháp Cánh Buồm Phạm Toàn (PPCB), may quá nằm ngoài “Quy trình”. Một bạn nhắn tin cho tôi, bác làm lộ bí mật Ô Xinh, người ta “diệt” mất thì xong…!
Ôi cái nước mình! Làm những việc tử tế cho xã hội mà cứ sợ “lộ bí mật”, sợ bị “diệt”!. Nhân đây tôi phải nói rõ thêm về CLB Ô Xinh để ai có lòng thương nó, lo cho nó thì hãy yên tâm…
Chiều thứ Bảy, 14/9/2019 tôi đến Ô Xinh, thấy trong mấy căn phòng bé xíu, ở tầng trệt ngôi nhà “tập thể” cũ kỹ, ở phố Vạn Bảo, đang đông vui các em nhỏ, cô trò ríu rít cười đùa, thấy yên lòng…
Hồi 2013, CLB ra đời không có tên. Mấy em học sinh (HS) nhỏ vẽ cái Ô xinh xinh… rồi bảo, cô ơi CLB của mình đặt tên là “Ô XINH” đi. Cô hồn nhiên đồng ý! Thầy Phạm Toàn vốn cũng hồn nhiên và rất yêu trẻ, khen “Tên Ô Xinh, thật tuyệt”!
Khổ quá, nhiều người cứ quen gọi là CLB “Ô – Sin”. Có người bảo ở đây huấn luyện Ô- sin à? Các cô giáo cười, bảo, thì mình cũng là Ô- sin đấy chứ, phục vụ, chăm chút cho sự phát triển, trưởng thành của Trẻ em mà.
Những cái tên thời thượng: Trường quốc tế Concordia Hanoi, trường quốc tế Horizon, trường quốc tế Singapore, trường Singapore tại Gamuda Gardens, trường quốc tế St.Paul, trường quốc tế ParkCity, trường quốc tế Gateway, trường quốc tế Olympia… mọc lên như nấm, nguy nga tráng lệ, chiếm những khu đất thật đẹp, ngạo nghễ như khinh rẻ nền giáo dục “Thủ đô ngàn năm văn hiến”, tôi lại đặt niềm hy vọng vào Ô Xinh, nơi nuôi dưỡng tinh túy hồn Dân tộc bằng phương pháp giáo dục hiện đại Phạm Toàn!
Từ một CLB tự phát do nhu cầu của Cha mẹ học sinh muốn hiểu về phương pháp giáo dục Phạm Toàn, nay CLB đó đã thành một tổ chức, công khai, được xã hội thừa nhận để họ tự sống bằng hoạt động phục vụ cộng đồng. Trên trang Web, họ tự giới thiệu (https://oxinh.edu.vn/gioi-thieu):
“Ô Xinh ra đời tháng 7 năm 2013, với hình thức một Câu lạc bộ dành cho học sinh, phụ huynh và giáo viên nhằm ứng dụng, thực hành phương pháp giáo dục hiện đại: học qua hệ thống việc làm, lấy người học làm trung tâm.
Ngay từ khi ra đời, Ô Xinh đã tập trung xây dựng môi trường giáo dục tích cực để trẻ em phát triển với các chương trình hỗ trợ phụ huynh và giáo viên tìm hiểu về tâm lý trẻ em, về phương pháp dạy học mới; những chương trình đặc biệt thiết kế riêng cho học sinh theo từng độ tuổi: Câu lạc bộ đọc sách, các lớp học Văn, Tiếng Việt, các chuyến dã ngoại trải nghiệm…
Đến với Ô Xinh, các bạn nhỏ sẽ được làm chính mình, thể hiện và phát huy năng lực của bản thân. Niềm vui của nghề giáo viên chính là khi được nghe những lời yêu thương từ các bạn nhỏ: “CLB Ô Xinh như là ngôi nhà thứ 2 của em. Một ngày em lại có những kiến thức mới. Em rất yêu CLB Ô Xinh các cô và các bạn. Em chúc CLB Ô Xinh luôn vui vẻ và hạnh phúc” – Bạn Nguyễn Thảo Ngân
Tháng 1 năm 2017, Ô Xinh chính thức trở thành Doanh nghiệp xã hội với tên gọi CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC Ô XINH.
Chúng tôi mong muốn đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xã hội thông qua các hoạt động thực tế của mình”…Câu lạc bộ Ô Xinh
Phòng 107, Số nhà 30, Vạn Bảo, Ba Đình, Hà Nội.
Hotline: 0983 868 230/ 094 620 0880Sản phẩm của Ô Xinh:
Các khóa học theo chương trình của nhóm Cánh Buồm;
CLB Đọc sách dành cho các bạn từ 5-12 tuổi;
CLB Phụ huynh
Các hoạt động giáo dục miễn phí cho học sinh.
Tôi hỏi cô Đinh Thị Phương Thảo (một trong mấy “con cưng” của Thầy Toàn, tận tụy theo Thầy từ ngày “Khởi nghiệp” (2009), giờ làm Giám đốc Ô Xinh Vạn Bảo:
Các khóa học dành cho trẻ em, những đối tượng nào?
Trả lời: Đủ loại ạ: Có lớp 5 tuổi làm quen với Tiếng Việt; lớp học Văn, lớp học Tiếng Việt, học Lối sống, Khoa học… chủ yếu là HS Tiểu học; có cả HS THCS, HS lớp 10, 11…Các em học ở trường rồi, học ở đây thế nào?
Trả lời: Ngày thường có những lớp từ 17 giờ… Các em học ở trường mệt quá, chán quá, đến đây vui đùa, và học Lòng Đồng cảm, cách Tưởng tượng, cách Liên tưởng … thông qua các hoạt động; các em tìm lại chính mình và quên mệt mỏi… Có khi quá giờ, các em vẫn đòi học tiếp… Còn thứ Bảy, Chủ nhật và nghỉ Hè thì đông vui lắm ạ…Các Khóa học cho phụ huynh học gì? Học thế nào?
Trả lời: Phụ huynh thì học PPCB về giúp con học Văn, học tiếng Việt, cách Giáo dục Lối sống tự lập cho con…Cùng với việc GV trình bầy, các phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm và hỏi đáp… Mỗi Khóa học có thể 5-7 buổi, 8 – 9 buổi tùy theo hứng thú và yêu cầu của Phụ huynh.Khóa học cho giáo viên thì ai học, học gì?
Trả lời: Dạ, nhiều Sinh viên trường Đại học, Cao đẳng Sư Phạm đang học, hoặc đã tốt nghiệp đến để học những quan điểm Giáo dục hiện đại và PPCB dạy Văn, Tiếng Việt… Cũng có một số GV đang dạy ở các trường đến đậy tập huấn để có tay nghề; có trường tư nhờ chúng em tuyển GV mà huấn luyện PPCB cho GV của họ… Hiện cũng có 5 GV của Ô Xinh đang đi dạy “tăng cường” cho mấy trường tư đấy ạ.
Ra thế bà con ạ. Tất cả trẻ em, người lớn đến đây học là do nhu cầu của bản thân, người nọ mách người kia, tự nguyện đến học và tất nhiên có nộp “học giá” thỏa thuận. Họ học không lấy điểm thi đua, không lấy chứng chỉ “Đạt chuẩn”, “Trên chuẩn”… Họ cũng không đi học để làm sang, điều kiện “trường, lớp” thật tội nghiệp, cũng hổng có sao!
Cũng khá khen VTV7- chuyên về giáo dục, chịu khó lần mò đến Ô Xinh, loay hoay đặt máy trong mấy căn phòng chật hẹp, để làm mấy Chương trình về Phương pháp dạy học MỚI!
Chiều thứ Bảy rồi, thấy Ô Xinh Vạn Bảo có 3 “lớp”: một “lớp” đang tranh luận về cách tìm tư liệu cho một bài Tập nghiên cứu; một “lớp” đang học cách đọc sách; một “lớp” học Tưởng tượng. Tôi ghé vào “lớp” học Tưởng tượng (đây là tiết vận dụng, còn các thao tác cơ bản đã học tiết trước). “Lớp” có 6 HS cả lớp Một lẫn lớp Hai.
Cô giáo bảo hôm qua đón Trung Thu, các em thấy vầng Trăng thế nào? HS nhao nhao giơ tay… Đúng rồi Trăng tròn, sáng… Cô vẽ hình Trăng trên bảng.
Thế trên mặt Trăng có những gì? HS nhao nhao giơ tay, mỗi em nêu ra một ý: Trăng tròn, Sáng, Chú Cuội, Cây Đa, Chị Hằng, Thỏ Ngọc…
Bây giờ các em nhắm mắt lại, tượng tượng mình sẽ kể câu chuyện về Mặt Trăng. Kể bằng Văn xuôi, Thơ, Vè hay vẽ tranh cũng được… Bây giờ các em thể hiện điều mình đã tưởng tượng ra đi… Nào bây giờ mỗi em hãy kể câu chuyện Trăng của mình… Tất cả diễn ra chừng 10 phút.
Sau đó HS lần lượt: Thưa cô em xin đọc bài Vè Chú Cuội; Thưa cô em đang Vẽ Con Tàu Vũ trụ bay đến Mặt Trăng; Thưa cô em làm Bài Thơ “Trăng ơi”; Thưa cô em lái con Tàu Vũ trụ lên thăm Chú Cuội, Chị Hằng… Mỗi em đều có sản phẩm của mình để trình bầy, đồng thời qua đó, mỗi em đã tự tạo ra trong óc mình hình ảnh đã tưởng tượng cùng với khả năng Tưởng tượng…
Mình ngồi đấy, cũng ước gì bé tẹo làm học trò của Cô giáo!
Nhưng HS lớn cũng chẳng sao. Đây, chị Đoàn Khánh Lê, con học trong lớp chị cũng ngồi học cùng. Chị bảo, khi con học lớp Một ở trường vẫn lo lắm, nghe đồn về Ô Xinh, liền cho con đến đây học thêm. Thấy hay quá, thế là mê, cứ đưa con đến xin cùng học với con…
Ra cửa thì một chị bảo, cháu đem con 5 tuổi đến học, rồi thích quá, xin làm một chân quản lý trẻ giúp các cô; một anh bảo, nhà cháu mãi bên Gia Lâm, thứ Bảy, chủ Nhật lại đèo con sang đây học. Có hàng trăm những phụ huynh như thế lặn lội đưa con đến Ô Xinh.
Ôi, những ông bố, bà mẹ của Dân tôi! Chỉ muốn cho con cháu được hưởng sự giáo dục tử tế, mà họ không từ nan nỗi vất vả, khó khăn nào. Những phụ huynh HS tuyệt vời như thế mà phải chịu đựng một nền giáo dục không xứng đáng!
Hãy giữ lấy và tiếp tục những gì Phạm Toàn để lại nơi Cánh Buồm, cho con cháu ta được hưởng và cha mẹ chúng thêm hạnh phúc.
Giờ đây, niềm Tin tưởng và Hy vọng, oái oăm thay, chỉ biết gửi vào những Mô hình Ô Xinh!
16/9/2019
Mạc Văn Trang
[…] Ô Xinh – niềm hi vọng […]