1. Khởi dẫn

Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005 /NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ  [1] và kế đó Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2006 của UBND thành phố Hà Nội [2] có đề cập đến vấn đề “Tên danh nhân nước ngoài được xem xét đặt cho đường, phố và công trình công cộng”.[1] Nhưng ở cả hai tài liệu vừa dẫn cũng như ở Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT Hướng dẫn thực hiện một số điều của quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ và Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND của UBND TPHN ngày 27/04/2015 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND ngày 27/11/2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đều không nói đến vấn đề – tạm gọi là cách viết các tên riêng danh nhân người nước ngoài đó. Đây là chuyện phản ánh bối cảnh văn hóa và có liên quan trực tiếp tới giáo dục. Trong bài viết này chúng tôi xin tập trung bàn sâu vào vấn đề này dựa trên cứ liệu trường hợp biển ĐƯỜNG YEC XANH.

2.1. YEC XANH hay là YERSIN

Trước hết xin mời xem hình ảnh biển đặt tên phố này[2]:

Trên biển trong ảnh tên danh nhân người Pháp này đã được phiên âm – tức cái tên “Yersin” tiếng Pháp đã phải tuân theo luật ghép vần của tiếng Việt. Không thể không thừa nhận là ngữ âm tiếng Việt với đặc điểm riêng của nó không phải lúc nào cũng có thể giúp đọc hoặc nói “phiên âm” đúng tên nước ngoài (như vốn đã được bản ngữ nước đó ghi/phiên âm với luật chính tả của nó). Kết quả là trong trường hợp cố gắng lắm, ta cũng chỉ thực hiện được một phiên âm lơ lớ, na ná. YEC XANH (viết in hoa như trên biển, và viết thường sẽ là Yec Xanh?) hẳn phải là một ví dụ “lơ lớ-na ná” như vậy. Dĩ nhiên, “phiên âm” ở đây gắn liền với việc viết/in ra. Thành ra lại phải nêu rõ việc dùng dấu cách đánh dấu việc tách âm tiết cũng như việc đánh dấu thanh mà như trong trường hợp biển đường trên ta cũng đã thấy là không dùng. Người đọc biển này có thể hỏi tại sao không viết YEC-XANH? Viết Y-EC-XANH thì sao? Trong trường hợp viết thường thì viết Yec Xanh hay Y-Ec-Xanh hay Yec-xanh, v.v… Tại sao trên biển trên lại bỏ dấu thanh ở chỗ mà chính tả tiếng Việt bắt buộc phải có: vần éc?

Thực ra, tên Yersin có thể được phiên âm thành Y-éc-xanh (với vài “lưu ý” đi kèm như: 1) đọc liền mạch Yécxanh, 2) “xanh” đọc lướt nhẹ vì “sin” trong tiếng Pháp là âm mũi không phát rõ). Dĩ nhiên, vì không biết cách đọc tên Yersin nên người ta có thể phiên lơ lớ thành “I-ơ-xin” hay “Dơ-xin”, “Éc-san” hay “Ẹc-xanh”.[3] Phiên lơ lớ như thế thì nghe cũng không khác gì lắm với khi “đọc” – chẳng hạn vài cái tên không đến nỗi xa lạ hoàn toàn với người Việt thời hiện đại: Yeltsin/Eltsine (tên cố tổng thống Nga chuyển tự trong tiếng Anh, tiếng Pháp, phiên âm IPA: jelʲtsɨn) hay Yesil – cầu thủ Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ.[4] Ai đó biết phát âm tên cầu thủ này theo đúng tiếng Thổ jeʃil (Turkish pronunciation) có khi cũng khiến cho thính giả nhầm với tên Pháp Yersin. Mở Từ điển đường phố Hà Nội ta lại thấy viết Y-éc-sanh với mở ngoặc chua nguyên dạng Yersin [4, tr.346].

Thành ra mới có người sau khi “phiên âm” một tên Tây để đọc được bằng tiếng Việt còn cẩn thận mở đóng ngoặc viết nguyên dạng. Dĩ nhiên cũng không thiếu trường hợp viết nguyên dạng trước nhưng còn thêm “phiên âm” giúp đỡ “quần chúng” nói-đọc thêm phần thuận tiện[5]:

Đến đây tưởng đã có thể nhắc lại lời nhận xét của GS Cao Xuân Hạo: “Như vậy, chủ trương phiên âm đưa đến một kết quả đáng buồn là người đọc sách báo bị bắt buộc phải vừa viết sai lại vừa đọc sai; chứ nếu viết nguyên dạng, ít ra ta cũng còn có được một mặt chắc chắn đúng: mặt chính tả, là mặt quan trọng nhất.” [5, tr.96]. Phản biện của ông thực khó mà bác bỏ: “Tên riêng nước ngoài, nhất là tên người, tuyệt nhiên không phải là một từ ngữ gì của tiếng Việt, vậy thì tại sao lại bắt nó phải tuân theo những quy tắc chính tả của các từ tiếng Việt?” [5, tr.97]. “Đó không phải là những từ của tiếng Việt. Người Việt không cần phải đọc cho đúng những tên ấy, chỉ cần biết cách viết và đọc bằng mắt là đủ” [5, tr.99].[6] Nói “không cần phải đọc cho đúng” không phải thái độ cẩu thả mà là kinh nghiệm của một bậc thức giả biết rằng “không ai có thể biết hết cách đọc, nhất là cách đọc tên riêng, của hàng trăm thứ tiếng, chứ chưa nói gì đến mấy ngàn ngôn ngữ đang có mặt trên hành tinh” [5, tr.96], “Không có ai biết hết cách phát âm của các tên riêng thuộc mấy trăm ngôn ngữ quốc gia lớn nhất hiện nay. Hơn nữa chính người bản ngữ cũng không thể biết hết.” [5, tr.95]. Bậc thức giả đó thậm chí đã kể cả một câu chuyện để minh họa cho ý của ông: “Khi một đồng chí lãnh đạo của Viện chúng tôi hỏi nhà ngữ học Pháp M. Ferlus xem chữ Ferlus đọc là [ferlus] (như tên họ của đại úy Dreyfus) hay [ferl] (như tên họ của nhà văn Camus), ông trả lời: Tôi không biết. Tôi có hỏi cha tôi, nhưng cha tôi cũng không biết. Cha tôi nói là đã hỏi ông tôi nhiều lần, nhưng ông cũng không biết. Tôi nghĩ là đọc thế nào cũng được, nhưng khi viết thư và nhất là gửi tiền, thì nhớ viết cho đúng chính tả, chứ không thì không đến nơi đâu. Tôi sẽ mất tiền một cách oan uổng.” [5, tr.95-96].

Thực tiễn ngày càng cho thấy đúng như khẳng định của GS Cao Xuân Hạo – “Trong sinh hoạt văn hóa của một nước văn minh ngày nay, chữ viết quan trọng hơn cách phát âm rất nhiều.” [5, tr.95]. Ông cũng nói “Cách phiên âm như hiện nay không thể đưa đến sự thống nhất (giữa những người cầm bút)” [5, tr.96]. Nếu lời ông là xác đáng thì rõ ràng một cái biển ĐƯỜNG YEC XANH nói trên đâu có thể là chuẩn viết tên nhà bác học Pháp. Giữa đô thị thủ đô lớn, không ít khách quốc tế (đặc biệt là người Pháp), lại đã vào buổi chủ yếu viết trên bàn phím thì làm sao mà ta có thể thông cảm được với cái ý “tự tôn dân tộc” và “chiếu cố trình độ dân trí” để ghi phiên âm YEC XANH lên bảng tên đường như thế?

Bài viết của GS Cao Xuân Hạo mà chúng tôi nhiều lần trích dẫn trên nhan đề “Về cách viết và cách đọc tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt” (đăng lần đầu trên Bán nguyệt san Kiến thức ngày nay số 220, năm 1996, in lại trong sách Tiếng Việt-Văn Việt-Người Việt, Nxb. Trẻ, 2017). Chúng tôi nghĩ biển/bảng hẳn phải là những văn bản đặc biệt. Và nếu ta nhớ đến câu chuyện M. Ferlus dẫn trên thì hẳn cũng sẽ phải nói nên viết cho đúng chính tả Pháp ngữ Yersin để có thể quy chiếu đúng danh nhân mà ta đang vinh danh ông bằng việc ghi danh làm biển tên phố, tên đường.[7] Xin mời xem một biển ở thành phố thủ đô Pháp Paris[8]:

Thực ra nhìn trên toàn cõi đất nước, có lẽ cũng chỉ ở Hà Nội (tuyến phố từ phố Nguyễn Cao đến phố Lò Đúc) thấy biển đề như thế, chứ các thành phố khác đều gắn biển viết nguyên dạng YERSIN. Xin mời xem ảnh chụp biển đường này ở thành phố Hồ Chí Minh[9]:

2.2. Từ Yec Xanh ngoài phố đến Y-éc-xanh trong sách giáo khoa

Như từ đầu đã nói câu chuyện “đường tên Tây” này phản ánh một bối cảnh văn hóa nhất định. Đồng thời nó cũng liên quan đến giáo dục. Hoặc nói thích đáng hơn – nó phản ánh một bối cảnh văn hóa bao gồm chuyện giáo dục trong đó. Trong phần tiếp theo của bài viết này chúng tôi mạo muội bàn đôi lời về việc phiên âm tên nhà bác học này trong một bài học sách giáo khoa tiểu học. Mọi người đều biết, chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông hiện đang đề cao “đọc hiểu văn bản”, ở bậc học tiểu học còn thêm chuyện dạy-học chính tả. Như ta sẽ đọc thấy dưới đây, tên tuổi của nhà bác học Pháp đã sớm đến với học sinh tiểu học Việt Nam qua bài tập đọc tuần thứ 31 Bác sĩ Y-éc-xanh trong sách giáo khoa Tiếng Việt Lớp 3 [6, tr.106-107] (kèm theo còn có vài tập sách bổ trợ hữu quan: Truyện đọc tô màu lớp 3 – Bác sĩ Y-Éc-Xanh, Truyện tranh Y-ÉC-XANH NHÀ KHOA HỌC GẮN BÓ VỚI VIỆT NAM).

Bài tập đọc “Bác sĩ Y-éc-xanh” trong Tiếng Việt Lớp 3 (Tập 2).

Bìa hai tập sách bổ trợ đi kèm bài học SGK.

Ngó qua một lượt các tài liệu dạy học này ta thấy dạy học ngữ văn tiểu học chọn cách phiên âm Y-éc-xanh. Bây giờ ta cứ thử tưởng tượng tình huống sư phạm như sau. Học sinh sẽ hỏi cô, thầy giáo tại sao trong bài học[10] tên của nhà bác học được viết/in là “Y-éc-xanh” nhưng ngoài bìa cuốn Truyện đọc tô màu[11] thì lại viết/in thành “Y-Éc-Xanh” (viết hoa chữ đầu mỗi tiếng)?

Sau buổi học giả sử học sinh “tham quan-trải nghiệm” (xin dùng các  thuật ngữ thời thượng trong chương trình môn học) ĐƯỜNG YEC XANH cùng vườn hoa mang tên danh nhân này gần đó. Bây giờ sẽ là lúc học sinh sẽ hỏi – chẳng hạn, tại sao sách viết/in Y-ÉC-XANH mà biển đường lại là YEC XANH? Ngoài đường là “YEC XANH” trong vườn hoa trên bệ tượng danh nhân này lại thấy đề “YERSIN”? Chuyện chắc không chỉ diễn ra ở Hà Nội, vì sách giáo khoa (một bộ và hiện nay) dạy học trên toàn quốc nên chí ít giáo viên các trường tiểu học ở Khánh Hòa, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh (những nơi có đường, tượng, di tích danh nhân này) chắc chắn sẽ được học trò hỏi – chẳng hạn, tại sao tên cùng một người trong sách viết một đường mà ngoài phố và trên các bức tượng công trình công cộng lại viết một nẻo?

Rất có thể, câu trả lời gọn gàng mà giáo viên phải chọn sẽ là “À, một bên là viết nguyên dạng tên nhà bác học như trong chính tả tiếng Pháp, một bên là phiên âm trong tiếng Việt”. Tất nhiên con trẻ không thiếu em “ngoan cố” hỏi tiếp chính tả là gì, phiên âm là gì mà lúc thì viết “Y-éc-xanh”, lúc thì viết “Yec Xanh”? Người viết bài này tự mình cũng chưa biết phải giúp các giáo viên trả lời sao nhưng tin rằng câu trả lời có thể tìm thấy từ bài viết của Giáo sư Cao Xuân Hạo. Dĩ nhiên cũng có một cách nữa, cách khiến cho trẻ con chẳng còn hỏi như thế nữa nếu như bây giờ đây Hà Nội thay cách viết YEC XANH bằng cách viết YERSIN trên biển tên đường kỉ niệm danh nhân này và đồng thời Bộ Giáo Dục cũng chỉ đạo SGK Tiếng Việt Lớp 3 viết nguyên dạng tên người bác sĩ vĩ đại Alexandre Yersin. Bản thân tác giả bài viết này coi đây như là một đề nghị và xin được kết thúc bài viết này bằng đề nghị như thế.

Lê Thời Tân, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia Ứng dụng những thành tựu nghiên cứu mới của ngôn ngữ học và văn học trong giảng dạy ngữ văn, Trường ĐHSPHN 2-BộGD&ĐT Chương trình ETEP-Ngân hàng Thế giới, 27/12/2019, tr.182-189.

CHÚ THÍCH:

[1] Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng hành kèm theo Nghị đinh số 91 đề cập vấn đề này ở Điều 8 thuộc Mục 1. NGUYÊN TẮC CHUNG, Chương II NGUYÊN TẮC VỀ ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG: Tên danh nhân nước ngoài được xem xét đặt cho đường, phố và công trình công cộng đô thị loại đặc biệt và địa phương, đơn vị gắn liền với những đóng góp to lớn của danh nhân. Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2006 của UBND thành phố Hà Nội đề cập ở Khoản 2 Điều 7 Chương 2: 2. Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài được chọn đặt tên đường, phố và công trình công cộng ở Hà Nội phải là người tiêu biểu trong những người nổi tiếng, có đức, có tài, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc và Thành phố hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.

[2] Ảnh lấy từ https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/giai-ma-nhung-dia-danh-tay-it-nguoi-biet-o-ha-noi-c46a890633.html [3].

[3] Tương tự như việc “Tên Reagan bị phiên thành Ri-gơn (lẽ ra phải phiên là Rêi-gân), tên Engels bị phiên thành Ăng-ghen (lẽ ra phải phiên là En-ghen hay Eng-gơn), tên Diessl bị phiên thành Đi-ê-den (lẽ ra phải phiên là Rêi-gân), v.v…” [xem Cao Xuân Hạo, “Về cách viết và cách đọc tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt” (đăng lần đầu trên Bán nguyệt san Kiến thức ngày nay số 220, năm 1996, in lại trong sách Tiếng Việt-Văn Việt-Người Việt, Nxb. Trẻ, 2017, tr.96)].

[4] Samed Yesil là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh tại Düsseldorf, đá cho các đội bóng trẻ của Đức. Nổi tiếng vì đã ghi được 22 bàn thắng chỉ sau 26 trận cho các đội U-16, U-17 và U-18.

[5] Ảnh lấy từ Internet. Chúng ta sẽ tạm không bàn đến ý kiến nói chủ trương phiên âm vì tinh thần dân tộc muốn tên riêng tiếng nước ngoài vào tiếng Việt phải “nhập gia tùy tục” chịu quy tắc đánh vần của tiếng Việt hay ngược lại ý kiến phiên âm là “chiếu cố” trình độ dân trí, giúp đỡ “quần chúng” nói nghe đọc viết được.

[6] Tiếp đó Cao Xuân Hạo bàn tiếp chuyện đọc phát thanh “Duy chỉ có một số người, do nghề nghiệp, cần biết đọc cả tên nước ngoài cho đúng, hoặc ít ra cũng đừng quá sai: đó trước hết là các phát thanh viên.” [5, tr.99].

[7] Theo Từ điển đường phố Hà Nội (Nguyễn Hoài, Nguyễn Loan, Nguyễn Tuệ, Nxb. ĐHQGHN, 2002) ta biết thêm tên Yersin từng được đặt tên cho tuyến phố Nguyễn Công Trứ: “Từ sau năm 1945, tên phố được đổi là phố Yecxanh. Sang giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946-1954) tên phố đổi thành phố Nguyễn Công Trứ. (Yecxanh được dùng đặt tên cho một phố khác gần đó).” [trích dẫn giữ nguyên cách viết của ấn bản].

[8] Ảnh lấy từ https://fr.wikipedia.org/wiki/Alexandre_Yersin

[9] Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh có bốn “đường Tây” viết nguyên dạng Calmette, Pasteur, Yersin và Alexandre de Rhodes. Ba danh nhân kể trước đều là người cùng thời và đều có giao thiệp với nhau. Đường Alexandre de Rhodes giao với đường Pasteur. Thời Pháp thuộc, đường này gọi là Rue de Paracels (Đường Hoàng Sa). Năm 1945, đổi thành Đường Alexandre de Rhodes. Sau 1975 đổi thành Đường Thái Văn Lung. Hiện nay trở lại với tên cũ Đường Alexandre de Rhodes.

[10] Là một văn bản mà xét từ góc nhìn nhà biên soạn chương trình và sách giáo khoa có thể gọi là “(bài) Tập Đọc”, xét từ nguồn văn liệu có thể coi là một thiên truyện hay một truyện kể.

[11] Bìa sách thì cũng là một “văn bản” phải đọc-hiểu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005 /NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ.

[2] Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2006 của UBND thành phố Hà Nội

[3] Việt Linh, “Giải mã những địa danh “Tây” ít người biết ở Hà Nội”, https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/giai-ma-nhung-dia-danh-tay-it-nguoi-biet-o-ha-noi-c46a890633.html

[4] Nguyễn Hoài, Nguyễn Loan, Nguyễn Tuệ (2002), Từ điển đường phố Hà Nội, Nxb. ĐHQGHN.

[5] Cao Xuân Hạo (2017), “Về cách viết và cách đọc tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt”, Tiếng Việt-Văn Việt-Người Việt, Nxb.Trẻ (tái bản lần 1).

[6] Tiếng Việt Lớp 3, Nxb.Giáo Dục Việt Nam, 2018.