Để tôi kể bạn nghe câu chuyện nhỏ về một ngôi trường mới. Tôi không nhắc lại dài dòng triết lý giáo dục của họ. Bởi chưng mọi triết lý giáo dục đều là “ý tưởng”.
Ai chẳng có ý tưởng, nếu muốn. Do đọc, do nghe, do thấy, do “bức xúc” v.v. mà thành. Nhưng ý tưởng không phải là hiện thực. Tranh luận suông về triết lý giáo dục tức là tranh luận về cái mình không có.
Vì giáo dục “nhà trường phổ thông” là qui trình vòng tròn Ý TƯỞNG-CÁCH LÀM-SẢN PHẨM (sản phẩm ở đây đồng thời là SÁCH GIÁO KHOA và HỌC SINH).
Ở ngôi trường tôi kể, toàn hộ qui trình này nằm ở công thức HỌC-THÌ-LÀM và LÀM-THÌ-HỌC.
Triển lãm của học sinh Cánh Buồm
Để tôi kể bạn nghe về SẢN PHẨM CÓ THẬT. Sản phẩm học Tiếng Việt và Văn theo đường lối mới của lứa “gà nhép” (cách ngôi trường ấy gọi yêu những học sinh lứa Tiểu học).
Ngôi trường ấy tách bạch môn Tiếng Việt với môn Văn. Không học theo lối CHỦ ĐIỂM.
Ngôi trường ấy chủ trương học tiếng Việt là học tiếng nói của dân tộc, của cha ông để lại, tức là học NGÔN NGỮ VIỆT.
Học Văn là HỌC-CẢM THỤ, chứ dứt khoát không phải là ĐỌC-HIỂU như môn Ngữ Văn của chương trình hiện hành. Học-cảm thụ văn học của người Việt Nam mình và của cả loài người nữa.
Với cách học ấy, mỗi học sinh tự làm ra sản phẩm của mình. Làm ra sản phẩm thật. Giữa trẻ em làm ra sản phẩm trong nhà trường và người lớn làm ra sản phẩm ngoài xã hội là giống nhau hay ngang bằng VỀ BẢN CHẤT.
Giữa việc làm của một em bé lắp hình lego ngôi nhà và người kỹ sư xây dựng một tòa cao ốc là ngang nhau về bản chất.
Giữa một bài thơ, bài văn, bài dịch của học sinh ở trong nhà trường và cũng công việc ấy người lớn làm ở ngoài xã hội, là ngang nhau hay giống hệt nhau về bản chất (xin nhấn mạnh VỀ BẢN CHẤT).
“Bản chất” ấy được thâu tóm ở chữ LAO ĐỘNG. Thử hỏi “lao động giả vờ” (học thuộc lòng lời giảng của thầy, làm theo các bài “văn mẫu”), “lao động theo sự áp đặt” (làm văn nương theo “ý” của người dạy, có thế mới được điểm cao) v.v. liệu có đem lại sản phẩm ra hồn hay không?
Ở ngôi trường ấy, bậc Tiểu học là HỌC PHƯƠNG PHÁP, chứ không học sản phẩm có sẵn được người lớn “đóng gói” rồi đem áp đặt cho học sinh.
Vì thế ngay từ Tiểu học, các em đã có thể tự làm ra sản phẩm của mình, không thể lẫn lộn giữa em này với em khác.
Xin được lấy vài sản phẩm được chọn ngẫu nhiên trong rất nhiều sản phẩm của học sinh lớp 3B tại Hà Nội học theo đường lối của ngôi trường tôi đang kể, các sản phẩm này được triển lãm vào dịp kết thúc năm học 2017 tại trường Gateway tại Hà Nội.
Ba bài thơ theo thể Haiku:
Một con ngan đang đi trên cỏ
Ô!
Chỉ là một cái túi ni-lông.
(Hải Long – lớp 3B)Mặt trời rơi xuống núi cao
Mặt trăng lên trời
Buổi tối sáng rực
(Trâm Anh, Lớp 3B)Một vầng trăng khuyết!
Ồ, không phải!
Là một con thuyền!
(Việt Cường).Ba bài thơ dịch:
Ánh trăng rớt xuống nhẹ nhàng
Từ những bông hoa bé nhỏ, những ngọn gió đêm hát
Giống như người yêu đã ra đi.
(Như Anh).Bóng trăng rớt nhẹ nhàng
Từ những bông hoa bé nhỏ
Buổi tối, làn gió hát vang
Hệt như mất đi bạn bè.
(Thùy Anh).Ánh trăng rơi xuống nhẹ nhàng
Từ bông hoa bé nhỏ
Vào đêm hát vang
Giống như người thương đã mất
(Hải Yến)
Lên bậc Trung học cơ sở, học sinh đã nắm vững phương pháp làm việc trí óc. Đã có thể, sau lớp 9 là đủ năng lực để vào đời kiếm sống hoặc học thêm một nghề để kiếm sống, nếu như không muốn học tiếp lên để vào đại học.
Lớp 8, lớp 9 học sinh đã cảm thụ được trọn vẹn tâm hồn dân tộc qua trọn vẹn Truyện Kiều (chứ không học theo lối “trích giảng văn học-chủ điểm-thầy giảng trò ghi chép” như chương trình hiện hành), đã hiểu được “con
trưởng thành lên qua những lầm lạc” qua kiệt tác Faust của Goethe của nhân loại.
Đã hiểu được tư tưởng của nhà nhân văn chủ nghĩa Schiller, rằng con người PHẢI SỐNG đã đành song còn phải SỐNG ĐẸP nữa, phải là CON NGƯỜI trước khi là CON NGƯỜI CỦA NGHỀ NGHIỆP (của 3.0 rồi 4.0 hay của gì gì đi nữa).
Đã biết tư duy trừu tượng, biết nhìn thấy “cái vô hình” ở trong Thế giới vật chất hữu hình:
“Mặt đất dạy chúng ta về cõi sinh tồn của con người nhiều hơn mọi cuốn sách. Bởi vì mặt đất cưỡng lại chúng ta.
Con người tự phát hiện ra chính mình khi tự mình trổ sức ra trước trở ngại.
Nhưng để làm được thế con người phải có một công cụ … người nông dân, trong khi cày cuốc, dần dần phát hiện ra những bí ẩn của tự nhiên và sự thật do họ làm phơi mở ra là thuộc về tất cả.
Cũng vậy, chiếc máy bay, công cụ của các hãng hàng không, đưa con người tới chỗ không đâu lại bận tâm tới mọi vấn đề muôn thuở của cõi nhân gian”
(Terre des hommes của Saint-Exupéry, tác phẩm được học năm lớp 8).
Cuối cùng, để tôi kể bạn nghe thêm hai câu chuyện nhỏ nữa.
Câu chuyện thứ nhất: thực ra cách học của ngôi trường nói trên là của chính người sáng lập ngôi trường tôi đang nói đến.
Nó từng được thể hiện bằng hiện thực thành công từ rất nhiều năm trước, tại ngôi trường Thực nghiệm lúc đầu đóng ở Giảng Võ sau rời về Liễu Giai cho tới khi bị “bóp mũi cho chết” vào năm 2008.
Cách đây dăm năm, một cựu học sinh khóa đầu, nay là một bác sĩ mổ tim thuộc hàng đầu tại Việt Nam, đã trực tiếp làm phẫu thuật tim cho Thầy dạy mình tiếng Việt và Văn ở trường này.
“Thầy mình” vốn ngoài đời nhút nhát, liên tục “chỉ đạo” Trò phải mổ làm sao không đau!. Trò chỉnh đốn Thầy, “Thưa Thầy, việc này là trách nhiệm của em” (nghề nghiệp). Thầy cũng phải chịu.
Nhưng lúc đẩy xe đưa Thầy vào phòng mổ, chính người viết bài này đi ở bên cạnh, thấy Trò còn dặn Thầy: “Dũng cảm lên nhé. Thầy còn nhớ ngày xưa Thầy dạy bọn em bài thơ “Con bồ nông” của Musset không?”…
Chuyện thứ hai: cũng chính những con “gà nhép” lớp 3 kể ở trên đã viết thư cho Bác nhà thơ Trần Đăng Khoa. Mỗi em một tâm sự.
Xin được trích tại đây nguyên văn bức thư của em Bảo Anh (có lược bỏ một số câu vì bức thư rất dài):
“Hà Nội ngày 13/2/2017, Kính gửi Bác Trần Đăng Khoa, … Cháu rất là ấn tượng với những bài thơ của Bác. Cảm ơn Bác đã viết những bài thơ đó. Xin hỏi Bác lấy ý tưởng viết từ đâu ạ?
… Lúc cháu hồi nhỏ cháu cũng mơ là tác giả nhưng cháu quá bé. Cháu thường viết những câu truyện tiếng Anh và giập ghim thành một cuốn sách.
Hiện nay cháu vẫn đang giữ rất nhiều cuốn và cháu muốn in nó thành sách thật. Lúc sinh nhật mẹ cháu, cháu thường viết những bài thơ gửi cho mẹ…
Cháu xin tặng bác một bài thơ:
Học văn là học chơi với chữ
Tôi ngồi bên cửa sổ
Nghĩ: “Tác giả là cái gì?”
Tôi ngồi nghĩ và nói
À ừ! Tôi biết rồi
Là người viết chứ gì?
Sao tôi lại không làm
Một tác giả từ đầu?”
Xin mạo muội thay mặt các em nhỏ học Văn theo đường lối của Ngôi trường mới, ngôi trường ấy có tên là CÁNH BUỒM, để nhặt ra vài sản phẩm dành tặng các bậc phụ huynh, và dành tặng riêng nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa (người cùng thế hệ với tôi).
Bác cũng xin lỗi tất cả các con “gà nhép” vì không thể giới thiệu hết tất cả các sản phẩm của các cháu chỉ trong một bài viết đăng báo. Việc tuyển chọn chỉ là ngẫu nhiên thôi, mong các cháu bỏ qua nhé.
Phạm Anh Tuấn (Theo Giaoduc.net.vn).