Tháng Sáu hàng năm học sinh lớp cuối phổ thông trên toàn nước Pháp bắt đầu bước vào kỳ thi Tú tài (Baccalauréat).
Kỳ thi Tú tài năm nay sẽ bắt đầu vào ngày 15 tháng 6. Hầu hết các trường đại học đều dùng kết quả kỳ thi này làm tiêu chí xét tuyển.
Môn Triết là môn thi bắt buộc, cho cả ba Ban, mỗi ban có các câu hỏi riêng và có câu hỏi chung cho cả ba ban: Ban Khoa học, Ban Văn (định hướng Văn chương, khoa học xã hội và nhân văn, triết học), Ban Kinh tế và Xã hội.
Nhìn cách nền giáo dục Pháp coi trọng “môn Nghĩ” và đọc các câu hỏi thi Tú tài ta buộc phải xem lại một loạt câu hỏi nền tảng của giáo dục.
Thế nào là “trí thông minh”, thế nào là “thực học, thực nghiệp”, thế nào là “năng lực”, thế nào là “phẩm chất”, thế nào là nguyên lý “vừa sức” vốn là quan niệm giáo điều của những cái đầu bảo thủ, và cuối cùng thế nào là sự tôn trọng vô bờ bến dành cho khả năng trí tuệ vô bờ bến của học sinh.
Thử cùng nhau nhớ lại một số câu hỏi của kỳ thi năm 2015. Câu hỏi dành cho thí sinh Ban Văn: Respecter tout être vivant est-ce un devoir moral? (Tôn trọng mọi sinh vật có phải là một bổn phận đạo đức?);
Câu hỏi cho Ban Khoa học: Une oeuvre d’art a-t-elle toujours un sens? (Có phải một tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng mang một nghĩa?);
Câu hỏi cho Ban Kinh tế: L’artiste donne-t-il quelque chose à comprendre? (Có phải trong tác phẩm của mỗi nghệ sĩ đều có điều gì đó ta phải hiểu bằng được?).
Nhìn cách nền giáo dục Pháp coi trọng “môn Nghĩ” và đọc các câu hỏi thi Tú tài ta buộc phải xem lại một loạt câu hỏi nền tảng của giáo dục.
Còn nhớ, vào kỳ thi năm 2015 tờ Figaro đã tinh nghịch đề nghị một số chính trị gia “thi lại” môn Triết và một số người đã nhận lời, trong đó có cựu Bộ trưởng Văn hóa Aurélie Filipetti và Jean Pierre Chevènement, một chính khách cánh Tả nổi tiếng từng tranh cử Tổng thống năm 2002.
Câu hỏi được tờ Figaro chọn là “Liệu chính trị có thoát khỏi sự đòi hỏi của sự thật?” (La politique échappe-t-elle à l’exigence de la vérité?).
Năm nay, như thông lệ, nhiều ngày trước kỳ thi, tờ Figaro mở một chuyên trang về thi tú tài. Họ mở các mục ôn tập (révision) và dĩ nhiên có cả mục ôn tập môn Triết.
Song cách ôn tập của họ cũng là khuyến khích học thực sự chứ không phải học vẹt.
Hãy xem chuyên mục ôn tập của tờ Figaro đưa ra lời khuyên: “để chuẩn bị cho ngày thi sắp tới, có rất nhiều những khái niệm triết học phức tạp cần phải nắm vững – nghệ thuật, tự do, hạnh phúc, người khác …
Triết học là một môn học đòi hỏi sự mạo hiểm. Các thí sinh phải làm một bài luận.
Để làm bài luận thí sinh phải có kiến thức tốt về các tác gia, phải nắm vững các mốc khái niệm để từ đó khai triển bài phân tích của mình”.
Tờ Figaro gợi ý một số mốc khái niệm quan trọng: hạnh phúc, bổn phận, vật chất và tinh thần, lịch sử, tôn giáo, sự ham muốn, cái vô thức, ý thức …
Lấy ví dụ khái niệm “hạnh phúc”: bản chất của hạnh phúc là gì?; hạnh phúc có phải là mục đích hay khát vọng bẩm sinh ở con người hay không? (tham khảo Pascal và Aristotle);
Hạnh phúc và khoái lạc; phải chăng hạnh phúc không thể ở ngoài thời gian (tương lai, hiện tại, quá khứ); hạnh phúc có cần phải nhờ có người khác hay không;
Hạnh phúc có phải là mục đích của xã hội?; sự công cụ hóa đối với hạnh phúc (quan điểm Marxist, quan niệm của Kant về hạnh phúc …); ảo tưởng về hạnh phúc v.v.
Điều có thể rút ra, đó là, TRẺ EM không phải là cái vật chứa để NGƯỜI LỚN đứng bên ngoài rót vào đó các NĂNG LỰC, các PHẨM CHẤT.
TRẺ EM, nếu được giải phóng, được tự do, được tự-học chúng sẽ khiến NGƯỜI LỚN đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Nếu có dịp, trong bài viết sau người viết sẽ giới thiệu một số ví dụ, bằng chứng cụ thể về Giáo dục là sự tổ chức việc học của trẻ em.
Phạm Anh Tuấn (Theo Giaoduc.net.vn).