1. Khởi dẫn
Sách Ngữ văn 10 có bài PHONG CÁCH NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT [1]. Chúng tôi chọn trao đổi về bài này vì đây là bài trình bày nhiều tri thức quan trọng của khoa ngữ văn học. Nội dung của những trao đổi này được trình bày theo cách phân tích từng mục một trong bài học này.
2.1. Cách hiểu của bài về “ngôn ngữ nghệ thuật”
Đầu tiên ta thấy phần KẾT QUẢ CẦN ĐẠT ở đầu bài ghi rõ hai ý:
· Nắm được khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật với các đặc trưng cơ bản của nó.
· Có kĩ năng phân tích và sử dụng ngôn ngữ theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. |
Đọc kĩ hai yêu cầu trên, giáo viên thực sự sẽ cảm thấy lúng túng. Câu đầu tiên chỉ thông thuận có một nửa (Nắm được khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật), nửa còn lại khó mà xác định được là muốn biểu đạt ý gì – cho dù chúng ta có lí giải theo cách nào: Nắm được khái niệm phong cách ngôn ngữ nghệ thuật với các đặc trưng cơ bản của nó hay là Nắm được phong cách ngôn ngữ nghệ thuật với các đặc trưng cơ bản của nó. (Tất cả các gạch dưới dòng trong bài viết này là của người viết bài này – LTT). Bản thân cụm từ phong cách ngôn ngữ nghệ thuật với các đặc trưng cơ bản của nó trong các văn cảnh khác có thể không có gì đáng nói, thế nhưng ở đây nếu lí giải theo cách thứ nhất – Nắm được khái niệm phong cách ngôn ngữ nghệ thuật với các đặc trưng cơ bản của nó thì cách nói “khái niệm phong cách ngôn ngữ nghệ thuật với các đặc trưng cơ bản của nó” tỏ ra luộm thuộm nếu không muốn nói là thiếu đi một sự trong sáng nhất định. “nó” ở đây thực ra chỉ cái gì trong câu? Bắt buộc chúng ta phải diễn đạt thành, hoặc: Nắm được khái niệm phong cách ngôn ngữ nghệ thuật cũng như các đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, hoặc đơn giản chỉ còn: Nắm được khái niệm phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Yêu cầu thứ hai cũng gặp phải vấn đề tương tự về biểu đạt. Như thế nào là Có kĩ năng phân tích ngôn ngữ theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật? Nhân tiện cũng phải nói rõ rằng cùng một bài học nhưng trình bày KẾT QUẢ CẦN ĐẠT ở đây khác hẳn với sách nâng cao (Ngữ văn 10, Tập hai, Nâng cao [2]). Điều này có thể có nguyên do từ việc sách nâng cao trước sau chỉ đặt vấn đề tiếp cận “nguyên khối” vấn đề gọi là “phong cách ngôn ngữ nghệ thuật” trong lúc ở đây tác giả bài học chia tách trình bày trước về “ngôn ngữ nghệ thuật” để tiếp đó trình bày về “đặc trưng cơ bản” của phong cách ngôn ngữ này (xem khung GHI NHỚ) [1 tr 101].
Trên thực tế có lẽ chúng ta nên nói sử dụng lời nói (hoặc ngôn từ) thay cho cách nói quen thuộc sử dụng ngôn ngữ. Chúng tôi hiểu con người có hai dạng sử dụng lời nói, sử dụng trực tiếp – tức nói năng, hoặc nói trạng thái khẩu ngữ của một thứ tiếng nhất định và sử dụng gián tiếp – nói nôm na trạng thái viết văn, làm văn. Trạng thái thứ nhất là trạng thái tự nhiên, tất yếu. Ngữ dụng học nghiên cứu ngày một sâu hơn trạng thái này. Trạng thái thứ hai là trạng thái được ý thức, trạng thái sáng tác văn chương. Lí luận văn học ngay từ đâu đã theo sát trạng thái đó. Trạng thái đầu có thể được “đưa vào”, được “tái tạo” trong trạng thái sau. Ta có thể thấy điều đó trong – ví dụ một tờ biên bản tường trình một cuộc đấu khẩu, trong kịch, trong phim, đặc biệt là trong tiểu thuyết – không một phong cách ngôn từ nào là không thể không xuất hiện trong thể loại tự sự này. Và nếu chỉ giới hạn trong tự sự, cụ thể trong truyện và tiểu thuyết chúng ta sẽ gọi đó là nghệ thuật mô phỏng lời nói bằng chính lời nói. Điều thú vị là trong nghệ thuật này (văn chương tự sự) chất liệu và công cụ đều là một (Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi chất liệu ngôn từ tham gia vào trong nghệ thuật sân khấu hoặc điện ảnh).
Dưới đây là câu đầu tiên của bài học này:
“Nói đến ngôn ngữ nghệ thuật (ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ văn học) trước hết là nói đến ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm được dùng trong văn bản nghệ thuật.” |
Ta thử tìm hiểu nội dung biểu đạt của câu này. Đầu tiên, như thế nào là ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm? Đọc cả bài này ta hiểu gợi hình, gợi cảm theo tác giả sẽ là dùng những từ ngữ và viết những câu văn có tính hình tượng cụ thể và giàu sức biểu cảm (xem mục I của bài) [1 tr.97]. Hoặc theo như trong phần 1 và phần 2 mục II – PHONG CÁCH NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT, ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm sẽ được hiểu là ngôn ngữ có tính hình tượng (do sử dụng các phép tu từ so sánh, ẩn dụ, hoán dụ – theo tác giả) và tính truyền cảm hoặc nói năng lực gợi cảm xúc của ngôn ngữ nghệ thuật [1 tr.98, 99, 100]. Cách hiểu như vậy trên thực tế đã đã làm hẹp lại khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật, nếu không nói là một sự mô tả cảm tính và đơn giản hoá đối tượng đang bàn đến. Trên thực tế, chúng ta dường như có thể tìm thấy ví dụ tốt hơn cho cách hiểu này từ ngôn ngữ của các dẫn chương trình viên hạng xoàng trên ti vi, ngôn ngữ của các chủ hôn đám cưới ở các nhà hàng, hoặc từ các quảng cáo hàng hoá. Và, lẽ tự nhiên học sinh đều có thể hỏi trong văn bản nghệ thuật ngoài ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm được nói đến trước hết đó thì còn có những ngôn ngữ nào khác nữa cũng được xem là ngôn ngữ nghệ thuật?
Đặt vấn đề “ngôn ngữ nghệ thuật” ở bài này trước hết phải được nói rõ là đặt vấn đề tìm hiểu ngôn ngữ như là chất liệu của sáng tác nghệ thuật ngôn từ gọi chung là văn chương thì việc trình bày về sau mới tránh khỏi lối miêu tả quanh quẩn. Thực khó mà nói đến một ngôn ngữ nghệ thuật văn chương nói chung – một ngôn ngữ (hoặc nói lời nói, lời văn, ngôn từ) bên ngoài các sáng tác văn chương (với từng thể tài, thể loại cụ thể) nhất định. Chúng tôi tin rằng các giáo viên cũng như học sinh hẳn đều muốn muốn biết rốt cuộc tác giả bài học này hiểu được dùng (ngôn ngữ nghệ thuật) trong văn bản nghệ thuật cụ thể là như thế nào? Chính vì không làm rõ vấn đề căn bản đó cho nên những dẫn giải tiếp theo của tác giả thường chứa đựng mâu thuẫn tự thân. Đoạn diễn giải tiếp theo của tác giải bài học dưới đây vô hình trung gợi ý cách hiểu cho rằng khi ngôn ngữ nghệ thuật không/chưa được dùng trong văn bản nghệ thuật thì nó vẫn “nằm” ở đâu đó:
Ngôn ngữ nghệ thuật còn được sử dụng trong lời nói hàng ngày và cả trong văn bản thuộc các phong cách ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, trong văn bản chính luận, để cho lí lẽ và lập luận có sức thuyết phục, lay động lòng người, người viết vẫn có thể dùng những từ ngữ và viết những câu văn có tính hình tượng cụ thể và giàu sức biểu cảm. Ví dụ:
“Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.” (Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập) |
Những cụm từ, từ in đậm biểu thị chúng là dẫn chứng chứng minh cho ý dùng những từ ngữ và viết những câu văn có tính hình tượng cụ thể và giàu sức biểu cảm của tác giả. Chúng tôi không thấy, chẳng hạn nhà tù nhiều hơn trường học là có tính hình tượng cụ thể và giàu sức biểu cảm ra sao? Thậm chí, chúng tôi cho rằng nếu không được giới thiệu đó là một đoạn trong Tuyên ngôn độc lập, một người bình thường hoàn toàn có cho rằng đây là lời nói thông thường, không chính luận cũng chẳng phải nghệ thuật. Thế nhưng điều quan trọng hơn ở đây là rốt cuộc có bao nhiêu phong cách ngôn ngữ? Và tác giả chia chúng theo một hệ thống tiêu chí nào đây? (Dẫn giải trên cũng cho ta thấy tác giả không xem văn bản chính luận là thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Theo logic đó Tuyên ngôn độc lập có lẽ đã không được xem là tác phẩm văn học – chuyện đó đúng hay sai và có mâu thuẫn với việc tuyển, trích các văn bản tác phẩm cho bộ sách Ngữ văn các lớp hay không chúng tôi không lạm bàn).
Tác giả trình bày tiếp:
“Ngôn ngữ trong các văn bản nghệ thuật được phân chia thành ba loại:
– Ngôn ngữ tự sự trong các truyện, tiểu thuyết, bút ký, phóng sự,… – Ngôn ngữ thơ trong ca dao, vè, thơ (nhiều thể loại khác nhau),… – Ngôn ngữ sân khấu trong kịch, chèo, tuồng,… Mỗi loại trên đây lại có thể chia thành nhiều thể. Trong các thể loại này, các phương tiện diễn đạt có tính nghệ thuật đan xen lẫn nhau để nguời đọc thẩm bình, thưởng thức, giao cảm: hoặc là cái hay của âm điệu, hoặc vẻ đẹp chân thực sinh động của hình ảnh, hoặc những xúc cảm chân thành gợi ra những nỗi niềm vui, buồn, yêu, thương trong cuộc sống.” |
Đầu tiên ta thấy trong đoạn văn trên các khái niệm được dùng đến như văn bản nghệ thuật, loại, thể, thể loại, ngôn ngữ tự sự, tự sự, ngôn ngữ thơ, thơ, vè, ngôn ngữ sân khấu, kịch tỏ ra không ở trong một hệ thống nhất quán, chúng sẽ mâu thuẫn từ nhiều phía với nhau nếu như chúng ta cố gắng hiểu chúng trong một lập luận nhất định – cái lập luận triển khai chủ đề các loại ngôn ngữ trong các văn bản nghệ thuật. Trình bày trên gợi cảm tưởng cho rằng các thuật ngữ này dường như đến từ những bình diện nhận thức khác nhau. Ví dụ, nhìn trong hàng dọc ta thấy ngôn ngữ tự sự, ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ sân khấu không cùng nằm trên một bình diện nhận thức. Các câu hỏi cật vấn có thể nêu lên là – Tại sao tác giả không dùng khái niệm trữ tình trong hệ thống này? Ngôn ngữ sân khấu ở đây có phải là cách nói đồng nghĩa của cụm ngôn ngữ kịch bản? Trong hàng ngang ngôn ngữ thơ trong ca dao, vè, thơ (nhiều thể loại khác nhau) khái niệm thơ được lí giải theo cách nào? Thế nào là ngôn ngữ thơ trong vè? Giải thích ra sao nếu học sinh hỏi đến những kịch bản hoặc tác phẩm tự sự viết bằng thơ hoặc ngược lại những bài thơ văn xuôi? Tác giả viết “Mỗi loại trên đây lại có thể chia thành nhiều thể.” Chúng ta thực không rõ là nếu phải chia thì có thể chia thành những thể nào từ ba loại ngôn ngữ trong các văn bản nghệ thuật trên đây? Do chỗ trước đó không từng thấy dùng từ “thể loại” nên khi nó xuất hiện trong câu tiếp theo – “Trong các thể loại này, các phương tiện diễn đạt có tính nghệ thuật đan xen lẫn nhau” ta cũng không trả lời được thực ra, tác giả muốn nói các phương tiện diễn đạt có tính nghệ thuật đan xen lẫn nhau trong các thể loại này hay là muốn nói trong mỗi thể loại chia từ ba loại ngôn ngữ trong các văn bản ngệ thuật trên đây các phương tiện diễn đạt có tính nghệ thuật được sử dụng đan xen lẫn nhau? Còn nữa, học sinh và giáo viên phải lí giải dấu hai chấm “:” trong đoạn văn trên theo cách nào? Những cái gọi là âm điệu, hình ảnh, xúc cảm chân thành liệt kê sau dấu “:” là hiệu quả của việc các phương tiện diễn đạt có tính nghệ thuật đan xen lẫn nhau hay bản thân chúng chính là các phương tiện diễn đạt có tính nghệ thuật? Dù hiểu theo cách nào chúng ta vẫn phải đặt vấn đề cách nói này chính xác đến mức độ nào? Nói như thế giúp chúng ta hiểu được đến đâu các loại ngôn ngữ văn bản nghệ thuật? Đoạn văn trên là một đoạn thực sự gây vất vả cho một người muốn dạy học tốt bài này. Tiếp liền đoạn trên tác giả kết luận:
“Như thế, ngôn ngữ nghệ thuật không chỉ thực hiện chức năng thông tin, mà điều quan trọng là nó thực hiện chức năng thẩm mĩ: biểu hiện cái đẹp và khơi gợi cảm xúc thẩm mĩ ở người nghe, người đọc.
Ví dụ: Trong đầm gì đẹp bằng sen Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng Nhị vàng bông trắng lá xanh Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn Ngôn ngữ trong bài ca dao này này không chỉ để thông tin về nơi sinh sống, cấu tạo, hương vị và sự trong sạch của cây sen, mà quan trọng là khẳng định và nuôi dưỡng một tư tưởng, một cảm xúc thẩm mĩ: cái đẹp có thể hiện hữu và bảo tồn ngay trong những môi trường có nhiều cái xấu.” |
Đầu tiên, hiểu theo nghĩa không chỉ để thông tin thì từ “trong sạch” dùng không xác đáng. Giữa một đầm nước không có gì có thể gọi là “trong sạch” hay đơn giản hơn chỉ là “sạch”. Thậm chí các từ “cấu tạo”, “hương vị” cũng đâu phải là sự khái quát có thể dùng khi muốn nói về “nội dung” thông tin “phi thẩm mĩ” của bài ca dao. Làm sao mà lại có thể nói “miêu tả” lá-bông-nhị kiểu đó lại là thông tin “cấu tạo” của cây sen? Và thực tế cũng không có cả thông tin “hương vị” nào cả. Điều quan trọng hơn, việc khẳng định và nuôi dưỡng một tư tưởng, một cảm xúc thẩm mĩ được thực hiện bằng cả tác phẩm như là một một hình tượng ngôn từ chỉnh thể – một hệ thống kí hiệu mới theo một cơ chế phức tạp. Cách hiểu phong cách ngôn ngữ nghệ thuật trong bài này không đủ sức mà cũng không thích hợp với việc diễn giải “chủ đề tư tưởng” của sáng tác văn chương như là chỉnh thể hình tượng ngôn từ nghệ thuật sống động (những diễn giải dùng cách nói quen thuộc của phê bình nghiên cứu phổ thông là tác phẩm “nói lên” điều gì hoặc một cách nói khác còn quen thuộc hơn của giảng văn hiện nay – “thông qua tác phẩm nhà văn đã nói lên”!).
2.2. Trình bày về “phong cách ngôn ngữ nghệ thuật” trong bài này
Sau khi đã giới thuyết ngôn ngữ nghệ thuật bằng mục I, tác giả dành mục II – PHONG CÁCH NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT trình bày các đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ nghệ thuật. Điều phải nói trước là trong mục này tác giả dường như không thực sự cho thấy một cách tường minh rằng tác giả thực sự muốn biểu đạt rạch ròi “đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật” (trình bày lần lượt qua các tiểu mục 1. Tính hình tượng, 2. Tính truyền cảm, 3. Tính cá thể) và “đặc trưng phong cách ngôn ngữ nghệ thuật” (thình lình nêu ra ở trong khung GHI NHỚ cuối bài)[1]. Tác giả viết:
“Tuy ngôn ngữ nghệ thuật được sử dụng đa dạng về thể loại, phong phú về màu sắc, biến hoá về tính sáng tạo nhưng đều thống nhất ở ba đặc trưng cơ bản: tính hình tượng, tính truyền cảm và tính cá thể hoá. Các đặc trưng này làm nên phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.” |
Như chúng ta đã thấy do chỗ ở mục I thuật ngữ thể loại không được dùng một cách nhất quán thành ra cách nói đa dạng về thể loại ở đây vẫn tiếp tục làm cho học sinh và giáo viên khó hiểu. Còn như kiểu diễn giải phong phú về màu sắc, biến hoá về tính sáng tạo thì thiết tưởng chẳng giúp ích gì cho việc nhận thức vấn đề.
Kế đó tác giả bắt đầu trình bày về đặc trưng thứ nhất của ngôn ngữ nghệ thuật bằng mục 1.Tính hình tượng:
“Tính hình tượng là đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ nghệ thuật.
Ví dụ: trong bài ca dao về cây sen ở trên, nội dung tư tưởng, tình cảm, cảm xúc về cái đẹp không phải được biểu hiện trực tiếp qua từ ngữ và câu văn thông thường mà qua các hình tượng cụ thể (lá xanh, bông trắng, nhị vàng), và qua cả các lớp lang trong ngoài để gợi tả,…” |
Chúng ta đồng ý rằng tính hình tượng là đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ nghệ thuật và chính vì hình tượng mà tác phẩm nghệ thuật không biểu hiện một cách trực tiếp nội dung tư tưởng, tình cảm, cảm xúc về cái đẹp. Nhưng chẳng hạn như ngay trong trường hợp trên làm sao tác giả có thể đối lập được từ ngữ và câu văn thông thường với các hình tượng cụ thể? Làm sao mà lá xanh, bông trắng, nhị vàng chỉ là hình tượng cụ thể chứ không phải là từ ngữ? Tách rời ra khỏi chỉnh thể văn bản, chả có câu nào trong bài lại không thành câu văn thông thường cả. Mà ai có phân biệt rạch ròi cái gọi là biểu hiện gián tiếp và biểu hiện trực tiếp ở câu chẳng hạn – “Trong đầm gì đẹp bằng sen”? Ngoài ra cũng phải thấy ở đây cách nói (nội dung tư tưởng, tình cảm, cảm xúc về cái đẹp) biểu hiện qua cả các lớp lang trong ngoài để gợi tả quả khá là khó hiểu (Nhân tiện cũng xin nói thêm rằng chữ “qua” này dường như đã trở thành từ không thể không dùng trong giảng văn hiện nay! Câu đầu cửa miệng của giảng văn “Qua tác phẩm… nhà văn đã nói/vẽ lên…”). Nếu giáo viên muốn giảng thực sự và học sinh muốn hiểu thực sự bài này thì việc nêu những băn khoăn này quả thực không phải là để làm khó dễ nhà soạn sách.
Tiếp theo tác giả tập trung giải thích nguồn gốc của việc “tạo ra hình tượng ngôn ngữ”. Tác giả viết:
“Để tạo ra hình tượng ngôn ngữ, người viết thường dùng rất nhiều phép tu từ: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh,… Những phép tu từ này được dùng sáng tạo, hoặc đơn lẻ hoặc phối hợp với nhau.” |
Chúng ta đều hiểu ở đây đương nhiên là đang nói đến hình tượng ngôn ngữ nghệ thuật. Các đoạn trích lấy từ Ta đi tới (Tố Hữu) và Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) dẫn chứng về việc sử dụng phép so sánh, ẩn dụ, hoán dụ của tác giả khẳng định điều đó. Nhưng điều rõ ràng là trong thực tế các phép tu từ cũng được sử dụng ở mức không nhiều hơn thì cũng ở mức tương đương trong ngôn ngữ thông thường. Các nhà ngôn ngữ học cấu trúc luận phát hiện thấy trong thơ, ẩn dụ có vai trò quan trọng, ngược lại trong văn xuôi vai trò đó lại thuộc về hoán dụ. Thế nhưng quan điểm đó đã không được tác giả bài này vận dụng. Ẩn dụ cũng như hoán dụ ở đây chỉ được tác giả xem như là các biện pháp tu từ đơn thuần. Thực tế thì hình tượng ngôn ngữ nghệ thuật không hoàn toàn được tạo bởi các biện pháp tu từ, cũng như bản thân các phép tu từ không tất yếu tạo ra tính hình tượng với tư cách là đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ nghệ thuật. Vả chăng theo như lập luận của tác giả thì ngoài các phép tu từ so sánh, hoán dụ, ẩn dụ mà tác giả dẫn ra kèm dẫn chứng cũng nên còn phải kể đến tượng trưng, phúng dụ – cũng là những cách nói giàu tính hình tượng!
Tiếp theo mục 1.Tính hình tượng là mục 2.Tính truyền cảm. Trong đó có đoạn viết:
“Tính truyền cảm trong ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện ở chỗ làm cho người nghe (đọc) cùng vui, buồn, yêu thích,… như chính người nói (viết). […]
Năng lực gợi cảm xúc của ngôn ngữ nghệ thuật có được là nhờ sự lựa chọn ngôn ngữ để miêu tả, bình giá đối tượng khách quan (truyện và kịch) và tâm trạng chủ quan (thơ trữ tình). Ngôn ngữ thơ thường giàu hình ảnh, nhưng có khi không có hình ảnh mà vẫn có sức hấp dẫn lạ thường, do sự cảm thông sâu sắc với số phận, hoàn cảnh của con người. Ví dụ: Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. (Nguyễn Du, Truyện Kiều) Văn xuôi nghệ thuật cũng rất dồi dào cảm xúc. Đó là nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ tự sự, miêu tả với biểu cảm.” |
Với một vốn hiểu biết nhất định về tâm lí học nghệ thuật, chúng ta nhận thấy giải thích trên đây của tác giả về tính truyền cảm trong ngôn ngữ nghệ thuật là dễ dãi và trên thực tế là đã đơn giản hoá vấn đề. Lí giải tiếp theo về năng lực gợi cảm xúc của ngôn ngữ nghệ thuật cũng không tránh khỏi hời hợt. Chúng ta rất khó giải thích được tại sao lại có thể nói ngôn ngữ thơ có sức hấp dẫn lạ thường, do sự cảm thông sâu sắc với số phận, hoàn cảnh của con người. Cuối cùng, chúng ta cũng khó mà hiểu được vì sao mà sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ tự sự, miêu tả với biểu cảm lại làm cho văn xuôi nghệ thuật rất dồi dào cảm xúc?
Trong mục 3.Tính cá thể [1 tr.100] , diễn giải của tác giả cho ta thấy tác giả hiểu ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ hoặc của tác giả (nhà văn, nhà thơ) hoặc của nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật. Và khả năng thể hiện một giọng riêng, một phong cách riêng trong sử dụng ngôn ngữ của nhà văn nhà thơ làm nên tính cá thể cho ngôn ngữ nghệ thuật. Tác giả gọi đó là giọng thơ, giọng văn. Còn đối với lời nói của từng nhân vật thì tác giả gọi là vẻ riêng.
Có thể tồn tại một cái gọi là phong cách ngôn ngữ văn học (hiểu là nghệ thuật ngôn từ) nằm trong một hệ thống các phong cách ngôn ngữ khác (phi nghệ thuật) như phong cách ngôn ngữ hành chính, phong cách ngôn ngữ khoa học, phong cách ngôn ngữ điện báo – tóm lại những phong cách ngôn ngữ xét từ việc thực hiện chức năng giao tiếp bằng ngôn ngữ. Trong phần II của bài học này, ít nhất tác giả không phân biệt phong cách ngôn ngữ nghệ thuật văn học với vấn đề phong cách ngôn ngữ tác giả (hiểu là phong cách nhà văn bộc lộ trong ngôn từ). Thế nhưng không thể bàn đến vấn đề đó nếu như không ý thức đến đặc trưng thể loại văn học. Thể loại trên thực tế chính là những phương thức sử dụng lời (ngôn từ) khác nhau. Phạm trù phương thức sử dụng ngôn từ ở đây chứa đựng trong đó vấn đề quan hệ tay ba: Chủ thể lời nói [nhà văn, hình tượng (nhân vật) người trần thuật; nhà thơ, chủ thể (cái tôi) trữ tình; nhà viết kịch bản] – Đối tượng được nói đến, được tỏ bày [câu chuyện, cảm xúc] – Người tiếp nhận [người đọc, người nghe]. Trong thơ ta dễ dàng nhận thấy có một sự thống nhất tương đối của chủ thể lời nói và trong phần lớn các trường hợp, ta cũng có thể đồng nhất người phát ngôn trong thơ với tác giả nhà thơ. Ở đây ta có quyền nói đến phong cách ngôn ngữ nghệ thuật thơ, nói phong cách một thi nhân. Cách dùng các từ giọng thơ, tiếng thơ, phong cách thơ… chính là biểu hiện của cách hiểu này. Thơ là một sự tự biểu hiện để rung động tâm hồn đồng điệu. Thơ có tính độc thoại, ngược lại truyện lại là một sự trần thuật với người nghe tò mò chuyện. Trong lúc đó kịch là một sự tự trình diễn cho người muốn xem (dù là xem người ta nói với nhau). Chúng ta không thể đồng nhất một tác giả nhà văn ngoài đời với hình tượng người trần thuật, hình tượng một tác giả tự sự – một hình tượng lời nói thuần tuý bộc lộ ở từng thiên truyện, từng cuốn tiểu thuyết, bất kể là trần thuật từ ngôi thứ mấy. Chúng tôi không phản đối sự tồn tại của phong cách nói năng ngoài đời của một nhà văn, phong cách đó cũng có khả năng biểu hiện trực tiếp như nhau trong thư từ, bài viết chính luận, bút kí… của nhà văn đó. Chúng tôi cũng không phản đối khả năng “quy nạp” các đặc trưng ngôn ngữ nào đó từ rất nhiều tác phẩm văn xuôi tự sự (tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa) của một nhà văn để tìm tính cá thể hoá của cái gọi là phong cách ngôn ngữ riêng. Thế nhưng mọi phân tích về phong cách ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn, phân tích về việc sử dụng ngôn ngữ của nhà văn trong các tác phẩm tự sự mà không trực diện với vấn đề đặc trưng thể loại tự sự thì các phân tích đó chỉ là những cách nói phiên phiến, đung đúng kiểu như: … câu văn Nam Cao khác câu văn Nguyễn Công Hoan. Sự khác nhau về ngôn ngữ là ở cách dùng từ, đặt câu và ở cách sử dụng hình ảnh, bắt nguồn từ cá tính sáng tạo của người viết. Chính những biện pháp xử lí ngôn ngữ đã tạo ra giọng điệu riêng, phong cách nghệ thuật riêng của từng nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật…
Tiếp theo đoạn trên tác giả viết tiếp:
“Tính cá thể hoá còn được thể hiện ở vẻ riêng trong lời nói của từng nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật.” |
Chúng ta biết nhân vật, đặc biệt là các nhân vật trong các tác phẩm hiện thực chủ nghĩa đạt đến trình độ tính cách cá tính hóa thì lời ăn tiếng nói của nó quả thật có tính cá thể hoá. Thế nhưng xem tính cá thể hoá của lời nói nhân vật là thể hiện của một đặc trưng của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật thì quả thật là đã đơn giản hoá vấn đề một cáh vô lối. Nếu hiểu lời nói của nhân vật là ngôn ngữ trong các văn bản nghệ thuật thì đương nhiên phải xem nó thuộc một trong ba loại theo cách chia của tác giả đã trình bày ở mục I – NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT. Vậy giờ đây gọi nó là ngôn ngữ tự sự (loại thứ nhất) thì có ổn không? Trong trường hợp đồng ý với ý kiến nêu ngay từ đầu bài – nói đến ngôn ngữ nghệ thuật (ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ văn học) trước hết là nói đến ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm được dùng trong văn bản nghệ thuật – thì hoá ra các nhân vật đều nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm gọi chung là ngôn ngữ nghệ thuật? Thực tế lời nói của các nhân vật cũng là đối tượng của một sự trần thuật bằng lời (đó là điểm riêng của sáng tác nghệ thuật ngôn từ, tiêu biểu là truyện kể, tiểu thuyết… trong phân biệt với các loại hình nghệ thuật sử dụng chất liệu phi lời nói) và không phải nhân vật nào cũng là “nhà văn”, các nhân vật trong phần đa trường hợp đều nói với nhau theo cách mà chúng ta vẫn dùng hàng ngày – trò chuyện khẩu ngữ. Vậy tại sao tác giả lại có thể phân tích lời nói nhân vật như là dẫn chứng cho luận điểm tính cá thể của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật mà không hề có một trình bày dù ở mức sơ sài nhất các bình diện ngôn từ đi kèm chủ thể phát ngôn cụ thể trong tác phẩm tự sự?
3. Tạm kết
Trên đây là một số trao đổi của chúng tôi về bài Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật – sách Ngữ văn 10, tập hai. Chúng tôi chọn bài này vì đây là bài trình bày nhiều tri thức quan trọng của khoa ngữ văn học. Mặc dù trình bày của bài trao đổi này gây cảm giác bắt bẻ câu chữ, phát hiện lỗi diễn đạt. Thế nhưng chủ ý của chúng tôi trước sau chỉ tập trung vào vấn đề nhận thức luận mà thôi. Môn ngữ văn phải trở thành một khoa học, cung cấp một hệ thống tri thức và thao tác bài bản cho học sinh – một hệ thống tri thức và thao tác cần thiết cho một sinh viên văn khoa thực thụ về sau, chứ không phải là đào tạo ra một thế hệ học sinh chỉ biết viết các bài văn luyện thi hoặc giảng văn kiểu dẫn chương trình (MC) đầy rẫy những bình tán đung đúng và dẫn giải phiên phiến như ta thường đọc thấy ngày nay. Thiết tưởng đó cũng là tâm sự chung của những người đang công tác trong khoa văn các trường đại học hiện nay, những người đang mong mỏi có một văn khoa thực sự.
Lê Thời Tân, Kỉ yếu Hội thảo quốc tế Ngôn ngữ học Việt Nam – Những chặng đường phát triển và hội nhập quốc tế Internationa Conference Proceedings Linguistics in Vietnam – the stages of development and international integration, Đại học Đà Nẵng-Trường ĐHSP – Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam-Viện Ngôn ngữ học, Nxb.Thông tin và Truyền thông, tr.951-959, 12/2018, ISSN: 978-604-80-3573.
CHÚ THÍCH:
[1] Đó là điều khác với cách trình bày cùng ở bài này trong sách nâng cao [2 tr.20].
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Ngữ văn 10, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.
[2] Ngữ văn 10, tập 2, Nâng cao, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.