Cụm từ “xử lí văn bản” chúng tôi dùng trong nhan đề này là một cách khái quát toàn bộ chuỗi công việc từ nêu Kết quả cần đạt, đặt Chú thích, thiết kế hệ thống câu hỏi ĐỌC-HIỂU cho đến đề nghị Ghi nhớ mà nhà biên soạn đã thiết kế để cho một phiến đoạn đặt tựa “Hai Cây Phong” trích ra từ nguyên một thiên truyện trở thành một bài học đọc-hiểu giữa cuốn giáo khoa Ngữ Văn 8. Tìm hiểu cách “xử lí văn bản” của nhà biên soạn (NBS) chắc chắn cũng là một cách để dạy-học bài này một cách tích cực và chủ động hơn. Nội dung trình bày dưới đây của bài viết này chủ yếu xoay quanh một dự đồ như vậy.

1. Xử lí văn bản Hai cây phong của SGK – nhìn từ phần Chú thíchGhi nhớ

Khác với thông lệ các bài khác, phần Chú thích ở vị trí tương tự của bài này tỏ ra quá dài – độ dài của nó của nó tương đương với ¼ độ dài toàn đoạn trích. Nhưng đây chưa phải là vấn đề cần phải nói. Điều quan trọng hơn là trong tính cách là một chú thích nó đã phục vụ được gì cho việc đọc hiểu văn bản đoạn trích?

Sẽ có thể là có lí khi biện hộ rằng dù sao thì việc kể lại tình tiết Đuy-sen mang trồng hai cây phong ở cuối phần chú thích này là cần thiết vì dường nó là một sự thuyết minh hỗ trợ học sinh hiểu rõ “nguồn gốc” “hai cây phong” được miêu tả trong trích đoạn tác phẩm đem vào bài học. Thế nhưng người dạy và người học quả thực sẽ rất khó khăn khi phải tìm cách thực hiện thích đáng một sự đối chiếu, nối kết thông tin trồng hai cây phong cung cấp bởi phần Chú thích với hình ảnh hai cây phong trồng bởi “người vô danh” trong đoạn trích. Chú thích này vô tình đã đẩy người dạy rơi vào giữa nỗi phân vân hai chiều: Dạy-học bài này là thế tất trước tiên phải đọc một lượt cả cuốn sách Người thầy đầu tiên hay dạy học bài này thực ra cứ chỉ là cùng học sinh tiếp xúc vừa vặn với  đoạn trích  (một sự mô tả hai cây phong làng quê) – một sự tiếp xúc có kèm ý hướng sẽ đến với toàn tác phẩm lúc nào đó thích hợp mà thôi? [1] Nói gọn lại, đây sẽ là dạy học một đoạn trích từ toàn bộ tác phẩm mà nó được trích ra hay dạy học một đoạn trích với những nội dung công việc vừa tầm với bản thân đoạn trích tuy không phải là không có những liên hệ thích đáng đến toàn tác phẩm vào lúc thích hợp?

Cách chú thích lạc về phía giới thiệu các nhân vật không được đề cập đến trong đoạn trích, giới thiệu tình huống truyện khó liên kết với bối cảnh câu chuyện đoạn trích của SGK vô hình trung đặt thêm gánh nặng giải thích thuyết minh mở rộng lên vai người dạy. Người dạy buộc phải đón đầu và dự tính tới những câu hỏi nảy sinh rõ ràng do kiểu chú thích này – đại loại “Đuy-sen” trong “thầy Đuy-sen” nói đến trong Chú thích và “Đuy-sen” trong “Trường Đuy-sen” xuất hiện bất ngờ cuối đoạn trích là một? Vì sao hai cây phong trồng bởi “người vô danh” trong đoạn trích cao vòi vọi trong lúc Chú thích lại nói đến hai cây phong non? Nếu đó là một thì đã diễn ra một khoảng cách thời gian như thế nào rồi? Độc giả đã đọc Người thầy đầu tiên hẳn nhận thấy đoạn trường đoạn “hai cây phong” này trích ra từ Phần 1 thiên truyện – phần hồi thuật từ một thời điểm “hiện tại” của nhân vật người họa sĩ trước lúc “bàn giao” việc kể chuyện (cũng dưới dạng hồi thuật) sang cho nhân vật Antưnai. Vì thế nếu như vẫn còn muốn nối kết tới câu chuyện Đuysen và Antưnai thì điều cần thiết hơn là phải giới dẫn chút ít về “thời gian tự sự” (hồi thuật) của tác phẩm này. Chính việc “hồi thuật lồng hồi thuật” này khiến cho công việc trích đoạn tác phẩm cần được kèm theo một chút thuyết minh về kết cấu văn bản của cả tác phẩm – là cái thường vẫn bị những “giới thiệu tóm tắt” tác phẩm “đập bẹp – giát phẳng” ra trong hầu hết các tình huống. Với một hình dung như thế ta thấy sự xuất hiện của câu  kiểu “Văn bản này là phần đầu truyện Người Thầy đầu tiên” dường như vẫn chưa giới thiệu được gì nhiều.[2]

Chú thích này cùng nội dung Ghi nhớ kê ra trong đóng khung cuối bài phản ánh nỗi ám ảnh về chủ đề “người thầy đầu tiên” nơi người soạn sách. Học sinh được nhắc ghi nhớ về một “nỗi xúc động đặc biệt” đúng đắn cần thiết nhưng là nỗi xúc động có vẻ như không được toát ra một cách tự nhiên, toát ra một cách như là vốn có từ bản thân trích đoạn tác phẩm. Câu “Người kể chuyện truyền cho chúng ta tình yêu quê hương da diết và lòng xúc động đặc biệt vì đấy là hai cây phong gắn với câu chuyện về thầy Đuy-sen, người đã vun trồng ước mơ, hi vọng cho những học trò của mình.” (Ghi nhớ) dường như đã trở thành ra một câu khó-mà-hiểu-cho-được. Nửa đầu câu “Người kể chuyện truyền cho chúng ta tình yêu quê hương da diết và lòng xúc động đặc biệt” có thể được hiểu là “người kể chuyện” đã miêu tả hai cây phong trên đồi làng quê mình với một tình cảm da diết và xúc động. Và việc miêu tả này đã làm lây nhiễm (truyền) tình cảm đó đến người đọc (chúng ta). Nếu chỉ có mỗi câu này thì ta có thể tạm ngầm nhận rằng – Quê hương lưu bóng dáng trong kí ức và việc tái họa hình ảnh sắc nét nhất của bóng dáng đó gây được nỗi đồng cảm rộng rãi. Nhưng Ghi nhớ tiếp tục có thêm phần “nêu nguyên nhân” – “vì đấy là hai cây phong gắn với câu chuyện về thầy Đuy-sen, người đã vun trồng ước mơ, hi vọng cho những học trò của mình.” Tạm gọi đây là phân câu “nêu nguyên nhân” do có từ “”.  Nhưng ta không thấy có gì khả dĩ đáng gọi là đích đáng, tự nhiên giữa hai vế “Người kể chuyện truyền cho chúng ta tình yêu quê hương da diết và lòng xúc động đặc biệt” và “vì đấy là cây phong gắn với câu chuyện về thầy Đuy-sen, người đã vun trồng ước mơ, hi vọng cho những học trò của mình.” Càng cố gẫm kĩ câu này, ta càng thấy rất khó để có thể cắt nghĩa được một cách thông suốt các quan hệ ngữ nghĩa trong đó.

Ghi nhớ trên đây dường như là hậu quả của cái ám ảnh về chủ đề “trồng người” nơi nhà soạn sách. Dù gì thì ta cũng phải nhận thấy rằng trong khuôn khổ của đoạn trích này, hình tượng “hai cây phong” chỉ vừa vặn là một ẩn dụ cho quê hương và kỉ niệm tuổi thơ. Tầng ẩn dụ khác – “hai cây phong” như là ẩn dụ của tình thầy trò, ẩn dụ của “vun trồng ước mơ, hi vọng” – “câu chuyện về thầy Đuy-sen” (cũng như sự nối kết chuyển hóa giữa các lớp ẩn dụ này) thì phải quan sát trong dặm dài của cả thiên truyện chứ không phải là chỉ trong khuôn khổ đoạn trích (ngay cả khi đã được cố gắng “gắn gác” thêm bên dưới văn bản đoạn trích chú thích nói việc thầy trò trồng “hai cây phong non”).[3] Cho nên cái Ghi nhớ trên đây thực ra chính ra phải là cái ghi nhớ của một người đã biết chuyện – người đã đọc trọn cả cuốn sách của Aitmatov thay vì là người lần đầu tiên nghe nói đến một “người thầy đầu tiên” chỉ mỗi từ “Hai cây phong” này mà thôi.[4] Có thể xem “hai cây phong” đoạn trích là một ẩn dụ của chủ đề  “vun trồng ước mơ, hi vọng các thế hệ học trò” nhưng rất khó mà “đọc-hiểu” ra nét chủ đề đó chỉ với đoạn trích mà SGK đã chọn. Đọc hai phần Chú thíchGhi nhớ ở bài này của SGK một người soạn bài tinh ý sẽ cảm nhận được bóng râm của nỗi ám ảnh muốn kết nối cho được tới chủ đề “thầy trò” “khai sáng văn hóa” của NBS.

2. Xử lí văn bản Hai cây phong của SGK – nhìn từ phần ĐỌC-HIỂU VĂN BẢN

Hai câu hỏi đầu tiên mà phần ĐỌC-HIỂU VĂN BẢN nêu ra là:

  1. Căn cứ vào đại từ nhân xưng (tôi, chúng tôi) của người kể chuyện, hãy xác định hai mạch kể phân biệt lồng vào nhau trong Hai cây phong. Nhân vật người kể chuyện có vị trí như thế nào (nhân danh ai) ở từng mạch kể ấy? Vì sao có thể nói mạch kể của người kể chuyện xưng “tôi” quan trọng hơn?
  2. Trong mạch kể của người kể chuyện xưng “chúng tôi”, cái gì thu hút người kể chuyện cùng bọn trẻ và làm cho chúng ngây ngất?[5] Tại sao có thể nói người kể chuyện (một họa sĩ) đã miêu tả hai cây phong và quang cảnh nơi đây bằng ngòi bút đậm chất hội họa?

Người chuẩn bị bài dạy này có thể hỏi ngay – Thế nào là “hai mạch kể phân biệt lồng vào nhau”? Sự phân tách “hai mạch kể” này là sự phân tách văn bản theo chiều ngang – một nửa với ngôi nhân xưng thứ nhất số ít “tôi” và nửa kế tiếp với với ngôi nhân xưng thứ nhất số nhiều “chúng tôi”? Nếu thế thì khó mà hiểu được “lồng vào nhau” nghĩa như thế nào? Hay sự phân tách “hai mạch kể phân biệt lồng vào nhau” này là sự men lách dòng trần thuật bổ dọc văn bản?

Thực tế thì đại từ nhân xưng (phân biệt ngôi kể thứ nhất số ít “tôi” và số nhiều “chúng tôi”) của người kể chuyện ở đây không không phải là yếu tố căn bản tạo kết cấu toàn văn bản. Mặc dù thoạt trông văn bản tựa như là ghép lại từ hai nửa trước (xưng “tôi”) và sau (xưng “chúng tôi”). Tự bản chất, chuyện phải được hiểu là vào lúc chỉ liên quan đến cá nhân (kỉ niệm nghĩ thầm, một mình để lắng nghe cây) thì người kể chuyện dùng ngôi nhân xưng “tôi”, vào lúc tình tiết truyện liên quan đến một “tập thể” (cùng đua nhau leo lên cây) thì chuyển qua xưng “chúng tôi”. Là “tôi” để yên tĩnh lắng nghe, là “chúng tôi” để cùng dõi nhìn và xác nhận với nhau điều quan sát được. Sự thể dường như vốn đơn giản có thế.

Về mặt tình tiết truyện, nếu “tôi” một mình lên đồi lắng hồn nghe tiếng lá thì ngôi kể lẽ tự nhiên phải là số ít. Một người muốn lặng yên để lắng nghe người đó sẽ là “tôi” một mình “… đến với hai cây phong. Rồi sau đó cứ đứng dưới gốc cây để nghe mãi tiếng lá reo cho đến khi say sưa ngây ngất”. Ngược lại khi cùng chơi leo cây để nhìn ra mênh mông xa thẳm thì cần chúng bạn để có thể xác nhận những hình ảnh cùng trông thấy. Khi đó nhân xưng ngôi kể lẽ tự nhiên sẽ là “chúng tôi”. Không nên đặt vấn đề “tôi”- người kể chuyện nhân danh ai dù là ở “mạch kể” nào và cũng không nên quá tuyệt đối hóa sự phân biệt “tôi” và “chúng tôi” vì thực tế văn bản trước khi chủ yếu dùng ngôi “tôi” thì cũng đã mở màn trần thuật với “chúng tôi” (câu đầu tiên trong văn bản). Ngay cả khi đã vào đoạn chủ yếu dùng ngôi “tôi” thì ở một vài câu vẫn thấy lẫn vào đại từ “chúng tôi”. Cũng như sau trường đoạn xưng “chúng tôi” kể chuyện cùng chúng bạn trèo cây lại thấy quay lại với ngôi nhân xưng “tôi”.[6]

Thực chất “chúng tôi” ở đây trong tính cách là chủ thể lời kể (hình tượng nhân vật người kể chuyện) vẫn là cái “tôi” đó. Chính một cái “tôi” này thống hợp tất cả các chi tiết tự sự vào trong một trường quan cảm duy nhất. Trường quan cảm này duy trì một tình điệu tâm tư trữ tình thống nhất  (chất thơ của đoạn trích tạo nên từ đó) trên toàn bài. Cái “tôi” đó về cơ bản đang hồi tưởng từ những cự li thời gian nhất định. Mẩu chuyện “bọn con trai chúng tôi” vào buổi học cuối trước kì nghỉ hè[7] ào lên đồi leo cây phá tổ chim rồi bất thần sửng sốt trước “đất rộng bao la” chẳng qua chỉ là mảnh nhỏ trong dòng hồi ức của cái “tôi” đó. Dễ hiểu vì sao mà chỉ ở đoạn “chúng tôi leo lên cây” (một sự việc khá độc lập và trọn vẹn) mới có được một sự xác định thời gian cụ thể còn thì tất cả các đoạn xưng “tôi” bộc lộ tình cảm hơn là kể việc thì thời gian trần thuật đã trở nên rất “phiếm chỉ” (“Đã bao lần tôi từ chốn xa xôi trở về Ku-ku-rêu” “và lần tôi cũng nghĩ thầm” “ban ngày hay ban đêm” “có khicó khi…” “và khi…”). Ngay cả đoạn đã chuyển từ “chúng tôi” sang “tôi”  ở cuối văn bản thoạt trông cứ tưởng như là đang tiếp nối vào đoạn “chúng tôi” cả về hành động lẫn thời gian (các bạn đã về hết còn tôi nán lại tiếp tục “lắng nghe tiếng lá” “rồi trong tiếng lá, cố hình dung ra những miền đất xa lạ[8] ) nhưng xem đó là lần thăm cây phong khác có khi còn đúng hơn.[9]

Nhân vật tôi trong “Hai cây phong”. Ảnh: Sưu tầm.

Thực ra, nếu như có thể nói đến một cái gì đó gọi là “mạch” văn ở văn bản này thì ta có thể thấy dòng đi của nó là nối tiếp dựng lên các hình tượng Ngôi làng cao nguyên Ngọn đồi có hai cây phong Lên đồi đứng ngắm nghe hai cây phong Leo lên cây và từ trên những cành cây cao ngất phóng tầm mắt vào thảo nguyên rộng đến tận chân trờiQuay về với ngọn đồi-ngôi trường-cây phong. Vài ba điểm nhấn gợi khoảng cách thời gian suy tư được chốt chèn một cách khéo léo vào những quãng thích hợp giữa chuỗi tiếp nối các hình ảnh không gian mô tả ngoại tại nói trên tạo nên một dư ba nội cảm bổ sung cho sự diên triển của hình ảnh. Các điểm nhấn gợi khoảng cách thời gian suy tư này được đánh dấu bởi các từ/cụm từ cụ thể “Đã bao lần…” — “Về sau,…” —  “Thuở ấy…”.

Đã bao lần…” (chèn vào giữa hai đoạn tả cây phong từ xa và đoạn tả cây phong hòa thanh cùng gió trời) hàm ý việc “lên đồi đứng nghe ngắm hai cây phong” được kể tiếp đó là một việc thường làm miễn cứ có dịp từ chốn xa trở về làng; “Về sau,…” (chèn vào giữa đoạn kể-tả cây phong hòa thanh cùng gió trời và đoạn kể-tả leo lên những cành phong cao ngất dõi tầm mắt vào thảo nguyên xa tận chân trời) biểu thị một khoảng lùi thời gian khởi từ mốc thời gian còn sống ở làng thường lên đồi nghe ngắm hai cây phong (cái thời điểm cụ thể của “về sau” này chắc vẫn sớm hơn so với thời điểm “hiện tại” mang chuyện ra kể đây).[10] Còn “Thuở ấy…” (chèn vào ngay sau đoạn gộp kể-tả sự trộn lẫn ấn tượng “lắng nghe” và “hình dung” vào trong một niềm cảm xúc) thì cũng là cách tạo ra khoảng cách thời gian tương tự, chỉ khác ở chỗ nó lại đảo chiều – từ “hiện tại” mang chuyện ra kể đây ngược về thuở “trong tiếng xạc xào không ngớt ấy, tôi cố hình dung ra những miền xa lạ kia”.

Mô tả về sự phác họa không gian và sự ám thị thời gian trong văn bản như trên chỉ là một cách sơ lược hóa. Nếu ta hình dung cả văn bản như là một tấm thảm thêu thì một loạt những từ xác định không gian thời gian như “ven chân núi”, “phía dưới”, “phía trên” “giữa một ngọn đồi”, “phía sau làng” “nơi ấy” “nơi xa thẳm biêng biếc”, “chân trời”, “trên đỉnh đồi” và “từ thuở bắt đầu biết mình”, “ban ngày”, “ban đêm”, “có khi…, có khivà khi”, “tận ngày nay” rải đều trong toàn văn bản chẳng khác gì những mắt thêu… Đi vào trường liên tưởng tiếp nhận, chúng phối tác tô nhấn làm chuyển động những mảnh hình tượng để tạo nên một ảo giác hiện thực tiếp diễn trong tưởng tượng của người đọc.

Đương nhiên, diễn giải về “kết cấu văn bản” đoạn trích trình bày ở trên sở dĩ đã có thể diễn ra được ấy là vì chúng ta có VĂN BẢN HAI CÂY PHONG (Trích Người thầy đầu tiên) đọc ở BÀI 9, Ngữ Văn 8 TẬP MỘT. Công việc đầu tiên của NBS là gì nếu như không phải là tìm đoạn trích để “đem vào” SGK? Công việc này suy cho cùng chính là hành động “văn bản hóa văn bản” – tức làm cho một trích đoạn tác phẩm trở thành văn bản (bài học ĐỌC-HIỂU) giữa SGK (đặt cho đoạn trích một nhan/đầu đề chính là một biểu hiện nổi bật của việc “văn bản hóa văn bản” này).[11] Khó khăn đầu tiên của công việc này chính là xác định được đoạn cần trích. Trích từ đâu (chọn điểm “mở đầu”) và trích đến đâu (chọn điểm “kết thúc”) là những toan tính liên quan mật thiết với các hành động “xử lí văn bản” của NBS từ nêu Kết quả cần đạt, đặt Chú thích, thiết kế hệ thống câu hỏi ĐỌC-HIỂU cho đến đề nghị Ghi nhớ.

Có thể nói việc xác định “văn bản đoạn trích” HAI CÂY PHONG của NBS Ngữ văn 8 là rất lí tưởng. Vấn đề chỉ còn lại là xử lí văn bản này cho tốt nữa mà thôi. Giả định các phương án chọn điểm “bắt đầu” và “kết thúc” cho đoạn trích như dưới đây sẽ giúp ta thấy rõ hơn điều này. Trước hết ta thử xét việc chọn điểm “bắt đầu” đoạn trích. Hoàn toàn có thể bắt đầu đoạn trích “muộn” hơn – từ chỗ “Phía trên làng tôi, giữa một ngọn đồi có hai cây phong”.[12] Nhưng rõ ràng trích “sớm” hơn từ  “Làng Ku-ku-rêu chúng tôi …”[13] là hay hơn nhiều. Có thêm đoạn từ “Làng Ku-ku-rêu chúng tôi …” đến “ … chạy tít đến chân trời phía tây” làm mở đầu và lấn thêm một câu “Quả đồi làng tôi họ gọi là “Trường Đuy-sen” (vốn đã là câu mở đầu của đoạn tiếp nối phía dưới) thì sẽ tạo được một “đường viền” kết cấu có giá trị hơn nữa: đoạn mở đầu với phác họa định vị làng Ku-ku-rêu làm nền cho sự hình dung bối cảnh không gian chung. Còn câu kết trong lúc vẫn giữ được liên hệ kết khép cùng câu đầu tiên của văn bản (quay lại với hình ảnh làng tôi) đồng thời lại còn có cái tác dụng thăng phát cho một dư ba tâm tư – Quả đồi có hai cây phong ấy, không biết vì sao ở làng tôi họ gọi là “Trường Đuy-sen”.

Tiếp tục giả định các kịch bản “kết thúc” cho đoạn trích này để thấy sâu hơn sự thành công của NBS trong việc xác định trích đoạn. Phương án “kết thúc” đoạn trích có thể là:

1) Dừng lại đoạn hai câu: (a) Thuở ấy chỉ có một điều tôi chưa hề nghĩ đến: ai là người đã trồng hai cây phong trên đồi này? Người vô danh ấy đã ước mơ gì, đã nói những gì khi vùi hai gốc cây xuống đất, người ấy đã ấp ủ những niềm hi vọng gì khi vun xới chúng nơi đây, trên đỉnh đồi cao này?

2) Tiến lên thêm một câu nữa: (b) Quả đồi có hai cây phong ấy, không biết vì sao ở làng tôi họ gọi là “Trường Đuy-sen”.

Tất nhiên việc nêu vấn đề phương án “kết thúc” dừng lại ở một trong hai câu (a) hay (b) này là một giả tưởng phục vụ cho phân tích kết cấu văn bản và cảm nhận văn pháp. Quan trọng hơn vẫn là cố gắng cắt nghĩa bản thân thực tế trần thuật mà NBS đã chọn. Nhìn trong văn bản lớn (cả cuốn truyện) ta thấy câu (b) này là đã thuộc về đoạn dưới (qua hàng, khởi đoạn mới).[14] Nếu chọn dùng phương án 1) dừng lại đoạn hai câu (a) thì trích đoạn cũng đã đạt được sự “toàn vẹn” nhất định (nhìn trong thế kết cấu “nội bộ” đoạn trích). Vì sự xuất hiện của động tác xác nhận một hồi cố “Thuở ấy” (chỉ có một điều tôi chưa hề nghĩ đến) quả đã chốt lại dòng tự sự kể chuyện dõi mắt về miền đất nơi chân trời xa từ trên những cành cao của hai cây phong đắm mình trong tiếng gió. Thực vậy, sự chen ngang của “Thuở ấy” chí ít cũng hàm một ý nhắc rằng “tôi bây giờ kể chuyện cách xa và trưởng thành lên nhiều so với tôi ngày ấy leo cây”. Và cũng chính bằng hồi cố đó mà tư thái kết bài đã hiện rõ. Sự xuất hiện trở lại của hình ảnh “đồi cao” cuối câu quả đã có thể “viền” một nét khép trọn cho hình tượng lớn (hai cây phong) toàn bài. Nhưng NBS đã chọn “điểm kết” thực sự cho văn bản đoạn trích bằng cách “tiến lên một câu” nữa. Khi đó ta sẽ phát hiện thấy hai hình ảnh gắn bó “cây phong-đồi cao” luyến láy trong những câu hỏi ngay trước đó chính ra lại là một chuẩn bị cho việc đưa đẩy nhằm ba động tâm tư hơn nữaQuả đồi có hai cây phong ấy, không biết vì sao ở làng tôi họ gọi là “Trường Đuy-sen”.

Nhân tiện cũng nên thấy rằng việc đối chiếu câu cuối cùng này với những câu liền kề phía trước ngoài việc giúp ta cảm nhận được những tinh tế trong văn pháp ra còn giúp ta thấy được chút khác biệt tuy nhỏ nhưng quan trọng trong nghệ thuật tự sự. Đó là sự khác biệt giữa nỗi băn khoăn về xuất xứ của hai cây phong trên ngọn đồi với băn khoăn về gốc tích của tên gọi ngọn đồi (tự sự về sau của toàn thiên truyện chính là một nỗ lực hợp nhất hai nội dung này vào trong một giải đáp trọn vẹn). Thực tế thì chuyện Đuy-sen dựng trường trên đồi là chuyện dân làng đã chứng kiến. Ngọn đồi hoang trên làng từ đấy đã có tên. Phải thấy ngôi trường có trước hai cây phong và việc dựng trường là một sự kiện “cộng đồng”. Trong lúc việc trồng hai cây phong bên cạnh nhau (không phải là trồng tách ra hai bên lối đi hay hai bên cổng ngôi trường) là việc riêng (đúng hơn chỉ là chung giữa hai cá nhân) của một người “ấp ủ niềm hi vọng” không nói ra lời. Nếu không có ngôi trường hoặc trước khi có ngôi trường đã có hai cây phong “đi từ phía nào đến làng… cũng đều trông thấy…” đó thì rất có khả năng người ta đã gọi đó là “Đồi hai cây phong”. Còn như việc hai cây phong đồi cao kia gắn liền với câu chuyện con người như nào, tại sao không có cái khả năng chuyện cây phong sẽ quảng truyền để được chỉ tới với tên gọi “cây phong Đuy-sen”[15] thì lại là một chuyện khác… Đây là cái “bất tri” thuộc về (tầm nhận thức/điều kiện tri nhận) cá nhân người kể chuyện (“không biết vì sao ở làng tôi họ gọi là”). Cái “bất tri” đó liên quan đến khoảng cách thời gian. “Tôi” sinh sau đẻ muộn không biết chuyện xưa! Khác với một “bất tri” khác chỉ được hé mở dần cùng dòng trần thuật hoặc nói đúng hơn được khám phá trở lại bởi quá trình tự sự (lần lại dĩ vãng bằng sự kể). Có thể nói, vì là một phần của hồi tưởng nên những miêu tả hai cây phong (vô tình hay cố ý, ý thức đến và cố tình giữ vẻ nguyên sơ tinh khôi ban đầu hay thực sự không để cho sự trưởng thành và phát giác về sau làm ảnh hưởng đến cảm nhận trinh nguyên đó) có thể đã nhuốm một vẻ “ước lệ” “cách điệu” không tránh khỏi.[16] Nhưng dù sao thì người kể chuyện “tôi” vẫn muốn cho ta thấy – ngay cả khi chưa biết, chưa nghĩ đến gốc tích hai cây phong (thuở ấy chỉ có một điều…) thì “tôi” đã yêu hai cây phong bằng tất cả tâm hồn thơ trẻ. Vì đó là tuổi thơ là quê hương là lần đầu tiên nhìn thấy…[17] Tự sự là phát hiện một câu chuyện để phát hiện lại chính mình. Cả đoạn trích Hai cây phong cho chí thiên truyện mà SGK trích dẫn đoạn này ra từ đó suy cho cùng đều là một sự mượn cây để kể chuyện người.

Ở câu hỏi 2 của phần ĐỌC-HIỂU VĂN BẢN có một vế đáng chú ý “Tại sao có thể nói người kể chuyện (một họa sĩ) đã miêu tả hai cây phong và quang cảnh nơi đây bằng ngòi bút đậm chất hội họa?” Cách nói tu từ này có thể là xác đáng khi dùng để nói về “mạch kể của người kể chuyện xưng chúng tôi”. Nhưng có lẽ ta cũng không nên quá lạm dụng cách nói này (đưa hẳn vào đóng khung Kết quả đạt được đầu bài, láy lại thêm lần nữa ở đóng khung Ghi nhớ cuối bài). Nói rõ ra – bút pháp “miêu tả… đậm chất hội họa” khó mà trở thành một khái quát hóa phong cách nghệ thuật của cả cái trích đoạn được “độc lập hóa” thành văn bản “HAI CÂY PHONG” này. Có vẻ như tình tiết người kể chuyện xưng tôi tự giới thiệu mình là họa sĩ này cũng đã ám ảnh NBS không kém sự ám ảnh của chủ đề “người thầy đầu tiên”. Trước hết cần hiểu rằng giữa việc nhân vật người kể chuyện “tôi” nói bản thân anh ta là họa sĩ[18] với việc “miêu tả hai cây phong và quang cảnh nơi đây bằng ngòi bút đậm chất hội họa” không nhất thiết phải chứa đựng một liên hệ tất yếu nào đó (ở đây người kể chuyện xưng “tôi” tự nói mình là họa sĩ thì cũng như ở một truyện khác cũng của Aitmatov – Cây phong non trùm khăn đỏ chẳng hạn, người kể chuyện xưng tôi bảo mình là “nhà báo” vậy thôi).[19] Cụm từ “miêu tả… bằng ngòi bút đậm chất hội họa” nên được chấp nhận như là một cách nói tu từ. Đọc cẩn thận văn bản ta không khó phát hiện thấy rằng, thực ra cách nói này dường như chỉ thích hợp với tiểu đoạn tả cảnh thảo nguyên nhìn từ trên “những cành cao ngất, cao đến ngang tầm cánh chim bay” của hai cây phong mà thôi. Và đó cũng chỉ là một phác họa nét lớn – miền đất bao la mất hút nới chân trời với chỗ gần là chuồng ngựa tưởng là tòa nhà to nhất thế gian nay thấy bé như một căn nhà xép rồi đồng cỏ và những dòng sông lấp lánh bên trời như sợi chỉ bạc. Phác họa đó rất nhanh đã được khép lại để quay về với cảm nhận âm thanh vốn bao trùm toàn văn bản – “Chúng tôi ngồi nép trên các cành cây, lắng nghe tiếng gió ảo huyền và tiếng lá cây đáp lại lời gió, thì thầm to nhỏ về những miền đất bí ẩn đầy sức quyến rũ lẩn sau chân trời xa thẳm biêng biếc kia”. Hình tượng hai cây phong về cơ bản là hình tượng “chan chứa những lời ca”. Một cách “tóm lược ngữ vựng” liên quan đến hình tượng hai cây phong trong toàn bài như dưới đây cho ta thấy cụm từ “đậm chất hội họa” cần được sử dụng thận trọng hơn:

Rồi sau đó cứ đứng dưới gốc cây để nghe mãi tiếng lá reo cho đến khi say sưa ngây ngất. (… …) hai cây phong này khác hẳn – chúng có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, một tâm hồn chan chứa những lời ca êm dịu. (… …), lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau. Có khi tưởng chừng như một làn sóng thuỷ triều dâng lên vỗ vào bãi cát, có khi lại nghe như một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm truyền qua lá cành như một đốm lửa vô tình, có khi hai cây phong bỗng im bặt một thoáng, rồi khắp lá cành lại cất tiếng thở dài một lượt như thương tiếc người nào. (… …) hai cây phong nghiêng ngả tấm thân dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc chảy rừng rực.[20] (… …) hai cây phong khổng lồ lại nghiêng ngả đung đưa như muốn chào mời chúng tôi đến với bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền. (… …) Chúng tôi ngồi nép trên các cành cây, lắng nghe tiếng gió ảo huyền và tiếng lá cây đáp lại lời gió, thì thầm to nhỏ về những miền đất bí ẩn đầy sức quyến rũ lẩn sau chân trời xa thẳm biêng biếc kia. Tôi lắng nghe tiếng hai cây phong rì rào, tim đập rộn ràng vì thảng thốt và vui sướng, rồi trong tiếng xạc xào không ngớt ấy,…”

Thành ra điều quan trọng ở đây vẫn là thanh âm hoặc nói đúng hơn – một hòa âm vang vọng (“tiếng gió ảo huyền và tiếng lá cây đáp lại lời gió, thì thầm to nhỏ về những miền đất bí ẩnlẩn sau chân trời xa”; Cả hình ảnh rồi cũng tái hiện lên trong thanh âm – “trong tiếng xạc xào không ngớt ấy, tôi cố hình dung ra những miền xa lạ…”[21]). “Hai cây phong” dường như đã trở thành hai giàn đại phong cầm của ngọn đồi làng quê. Đọc một lượt văn bản này ta thấy người kể chuyện luôn tìm cách nhấn mạnh ấn tượng thính giác, khắc họa sự cộng hưởng của thanh âm. Có khi bất thần một luyến láy tự sự được chêm xen khéo léo vào dòng “miêu tả” thanh âm như càng ám thị ta chú ý chia sẻ với tư thế đắm mình lắng nghe đó – “Về sau, khi nhiều năm đã trôi qua, tôi mới hiểu được điều bí ẩn của hai cây phong. Chẳng qua chúng đứng trên đồi cao lộng gió nên đáp lại bất kì chuyển động khe khẽ nào của không khí, mỗi chiếc lá nhỏ đều nhạy bén đón lấy mọi làn gió nhẹ thoảng qua. Nhưng việc khám phá ra chân lí giản đơn ấy vẫn không làm tôi vỡ mộng xưa, không làm tôi bỏ mất cách cảm thụ của tuổi thơ mà tôi còn giữ cho đến tận ngày nay.” Chả trách ước mơ của nhân vật người kể chuyện mỗi lần từ những chốn xa xôi trở về làng quê là “Mong sao chóng về tới làng, chóng lên đồi mà đến với hai cây phong. Rồi sau đó cứ đứng dưới gốc cây để nghe mãi tiếng lá reo cho đến khi say sưa ngây ngất”. Với anh ta, hai cây phong quê hương là một dáng hình nhưng là một dáng hình ngập tràn tiếng nói, gắn kết liên đới với khung trời đồi cao xung quanh bằng tiếng bằng âm (đọc xong đoạn trích ta có thể vẫn chưa hình dung được những chiếc lá phong màu gì trong lúc hàng loạt những từ “lá reo” “rì rào” “thì thầm” “im bặt” “cất tiếng thở dài” “reo vù vù” “xào xạc” “xạc xào” tỏ ra hết sức ám ảnh.[22]

Có thể nói Hai cây phong là một sự tả tiếng hơn là tả hình. Tất nhiên sự thể đâu có chuyện tiếng một đường hình một nẻo. Hình ảnh và âm thanh gắn liền với nhau. Ta nói “nghe thấy” mà ta cũng nói “nhìn thấy”, “thấy thơm”, “thấy mát”, “thấy buồn”,… Như trong Đi tìm thời gian đã mất (Marcel Proust) mùi vị gợi về hình ảnh ở đây chính hình ảnh gợi về những thanh âm. Quan hệ chuyển hóa âm thanh và hình ảnh trong tri giác và hồi ức làm nên chiều sâu cho sự miêu tả ở đoạn trích này.

3. Lời kết

Có thể nói chọn và xác định “văn bản đoạn trích” HAI CÂY PHONG của NBS Ngữ văn 8 là rất lí tưởng. Vấn đề còn lại chỉ là xử lí văn bản này cho tốt nữa mà thôi. Tiếp cận trở lại đoạn trích này từ giác độ tự sự học cho ta thấy công việc “xử lí văn bản” (soạn bài để dạy-học) của NBS dường như vẫn còn nên được trao đổi thêm. Hi vọng những luận giải về ngôi kể, góc nhìn, kết cấu văn bản và bút pháp trần thuật đoạn trích mà bài này trình bày theo lối đeo bám đối thoại lần theo chuỗi mục từ Kết quả cần đạt, Chú thích qua ĐỌC-HIỂU VĂN BẢN đến Ghi nhớ  trong SGK sẽ giúp ích thêm việc dạy học tốt hơn đoạn trích này.

Lê Thời Tân, Tạp chí Khoa học (Nghiên cứu Giáo dục), Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 30, số 1S, 2014, tr.1-10, ISSN 0866-8612

CHÚ THÍCH:

[1] Có thể trách cứ mà cũng có thể chẳng trách cứ được việc một giáo viên không đọc được sách của Aitmatov. Thực tế là chương trình ngữ văn đại học không học đến tác phẩm Người thầy đầu tiên. Tình hình khác với chẳng hạn việc đại học có học tác giả Huy go và sách giáo khoa có trích đoạn từ Người khốn khổ.

[2] Chúng tôi tán đồng cách nói “Đọc-hiểu văn bản” của SGK nhưng cũng cảm thấy việc sử dụng nhất loạt và thường xuyên từ “văn bản” trong rất nhiều tình huống của SGK không phải khi nào cũng là thích đáng. Cứ thử gẫm lại câu “Văn bản này là phần đầu truyện Người Thầy đầu tiên” dẫn ra ở trên là đã ít nhiều thấy được vấn đề.

[3] Kết nối chuyển hóa giữa hai (hoặc nhiều hơn nữa) lớp ẩn dụ này đương nhiên là ý cho rằng hình bóng quê hương đó không phải chỉ là “phong cảnh” thuần túy, và kỉ niệm tuổi thơ đã hòa quyện cùng. Tác phẩm của Aitmatov là nhạc khúc hòa trộn trong đó nỗi nhớ quê hương – nghĩa tình thầy trò – tình cảm khác giới – dâu bể nhân sinh,… Nếu gọi đây là một bài ca thì mượn lời kết thúc một thiên truyện khác cũng của Aitmatov Cây phong non trùm khăn đỏ mà nói – đó là một “bài ca dang dở của cuộc đời”. Hai cây phong đứng đôi trên đồi cao ngôi làng “đơn độc” (kурkуреи) giữa thảo nguyên xa xăm là bài ca tâm hồn tuổi xanh mãi vẫn còn ngân nga giữa trang văn xuôi cuộc đời chuyển từ dạy học sang nghề đưa thư khi tuổi đã già. Ta cũng biết hình tượng rộng hơn tư tưởng và tác phẩm văn chương không phải chỉ đọc một lần trong đời. Một độc giả từng biết đến câu đã thành cách ngôn của Aitmatov – “Tôi muốn người mà tôi yêu không sợ công khai yêu tôi, nếu không đó là nỗi nhục nhằn” (Я хочу, чтобы человек, которого я люблю, не боялся открыто любить меня. Иначе это унизительно) chắc cũng sẽ nghe ra được nhiều thanh âm hơn từ vòm lá hai cây phong trong thiên truyện Người thầy đầu tiên.

[4] Như có chỗ trong bài đã nói, dạy-học một đoạn trích đôi khi đứng trước một “giằng co” hai chiều – biết cả tác phẩm để học đoạn trích hay học đoạn trích để gắn nối vào tác phẩm? Vấn đề tỏ ra khá tuế toái nhưng không hiếm khi đọc những chú thích hay tiểu dẫn tác phẩm trong SGK (chú thích về Đuy-sen, An-tư-nai và hai cây phong non ở bài này cũng là một trường hợp) ta lại nhớ đến câu “lưu ý” đọc thấy trước mỗi phần tóm tắt một tác phẩm tự sự của vi.wikipedia.org – “Lưu ý: Phần sau đây có thể cho bạn biết trước tác phẩm”.

[5] Có thể dùng từ “ngây ngất” để nói về trạng thái tình cảm của lũ trẻ sau khi đã leo lên những cành cây cao bất ngờ khám phá đất rộng bao la. Nhưng rõ ràng trong bài cũng chỉ có một từ “ngây ngất” và từ này đã được dùng ở mạch kể của người kể chuyện xưng “tôi” chứ không phải là ở mạch kể của người kể chuyện xưng “chúng tôi”.

[6] Giữa nguyên ngữ và bản dịch đương nhiên đã có một sự chuyển đổi, bổ sung nhất định trong cách biểu đạt “làng tôi”/“làng… chúng tôi”. Có khi dịch giả thêm “tôi” vào để dịch thành “làng tôi”, ngược lại cũng có chỗ thay vì trực dịch “làng của chúng tôi” dịch giả chọn cách nói “làng tôi”,…

[7] Cụm trạng ngữ “В последний день учебы, перед началом летних каникул” được dịch trong bản Việt ngữ là “Vào năm học cuối cùng, trước khi bắt đầu nghỉ hè”.

[8] Nguyên tác “Я слушал  шум тополей, и сердце у меня колотилось от страха и радости, и под этот неумолчный шелест я силился представить себе те далекие дали.” Tiếng Việt không nói (ví dụ) “dưới tiếng gió…” nên cách dịch “trong tiếng lá xạc xào” (под этот  неумолчный  шелест) có thể đã hỗ trỡ cho cách đọc hiểu “tôi” đang ở trên cây phong (cùng chúng bạn hoặc chúng bạn đã về nhưng “tôi” vẫn còn chưa xuống). Thực ra không có gì để đảm bảo rằng hành động “lắng nghe tiếng lá” “rồi trong tiếng lá … ấy, cố hình dung ra những miền đất xa lạ” của “tôi” ở cuối văn bản là cùng thời gian với sự việc leo cây hôm đó. Nói cách khác, một lần một mình đứng dưới hai cây phong lắng nghe tiếng xào xạc rồi “cố hình dung ra những miền đất xa lạ” đã được trần thuật ra như là một hồi tưởng bên cạnh hồi tưởng về kỉ niệm phá tổ chim cùng chúng bạn. Mặc dù xét về mặt thời gian thì lần một mình thăm cây đó nên phải là chuyện diễn ra sau chuyện cùng chúng bạn leo cây vì trải nghiệm sửng sốt “phát hiện” miền đất xa lần đầu tiên được đưa lại từ hôm leo cây cùng chúng bạn.

[9] Vào lúc kết thúc thiên truyện chia tay với bạn đọc, cái tôi này có đoạn tự nhủ mình “Hãy vẽ một đứa bé đi chân không, da rám nắng. Nó trèo lên cao, thật là cao và ngồi lên một cành phong, đôi mắt hân hoan nhìn vào cõi xa xăm kì ảo.

[10] Là thời điểm mà kẻ thụ thuật – đối tượng mà cái tôi kể chuyện hướng đến đang nghe kể. Độc giả lần đầu tiên quan sát thấy “thời điểm hiện tại” của hành động kể-nghe chuyện này ngay ở phần đầu thiên truyện “Người thầy đầu tiên”: “Tôi mở tung cánh cửa sổ. Một luồng gió mát lùa vào phòng. Trong ánh lê minh xanh nhạt đang sáng dần, … … Xin đừng tiếc hơi ấm đang nồng nàn trong tim các bạn, hãy lại gần đây, thế nào tôi cũng phải kể lại câu chuyện này…”. Đương nhiên tất cả cái gọi là “xác định thời gian” này được thực hiện trong thế giới mà tự sự này đã quy ước. Một sự quy ước dường như nằm trong giới hạn giữa hai mốc thời gian “lịch sử” 1924 (hồi ức của Antưnai “Đó là vào năm 1924.” – câu đầu tiên của Phần 2 thiên truyện) và 1962 (được xem là năm sáng tác của thiên truyện). Xem ra “hai cây phong” kia chí ít vào thời điểm “chuyện được kể ra” (hay “truyện được viết ra”) cũng đã hơn 40 năm tuổi!

[11] Tất cả các trường hợp như trước lúc dẫn trích đoạn có phần tóm tắt mào đầu hay dẫn nguyên cả một thiên truyện (nhưng đã chêm đặt thêm phần Lược, […] hoặc tập trung dạy-học một đoạn được in với cỡ chữ riêng,…) theo chúng tôi đều là đang tạo “đường viền văn bản” – biểu hiện của công việc “văn bản hóa” của người biên soạn SGK.

[12] Rồi dừng lại sớm hơn ở câu “Người vô danh ấy… … trên đỉnh đồi cao này?” (tức kết theo phương án 1) thì có thể ta sẽ có một “văn bản” gọn hơn và có vẻ như là tập trung hơn vào bản thân hình tượng “Hai Cây Phong”.

[13] Thực ra câu này cũng chính là là câu khởi đầu cho cả trường đoạn cơ bản (trên nó chỉ là một đoạn “giáo đầu” khơi màn tự sự) của Phần 1 thiên truyện – phần trần thuật từ thời điểm “hiện tại” của nhân vật người họa sĩ trước lúc “bàn giao” việc kể chuyện sang cho nhân vật Antưnai.

[14] Cụ thể như sau:

[ … … người ấy đã ấp ủ những niềm hi vọng gì khi vun xới chúng nơi đây, trên đỉnh đồi cao này?

Quả đồi có hai cây phong ấy, không biết vì sao ở làng tôi họ gọi là “Trường Đuysen”. Tôi còn nhớ hễ có ai lạc mất ngựa phải đi tìm và hỏi thăm: “Này, có thấy con ngựa tía nhà mình không”. Là người ta thường hay đáp: “Chỗ trên kia kìa, gần Trường Đuysen ấy, đêm qua ngựa vẫn còn ăn cỏ ở đấy, lên tìm may ra thấy”. Bắt chước người lớn, bọn trẻ chúng tôi vẫn thường lặp lại không hề suy nghĩ gì: “Các cậu ơi, lên Trường Đuysen trèo cây phong phá tổ chim sẻ đi”.

                  Người ta thuật lại rằng trước kia… … ]

[15] Khác với việc đại biểu đi thăm và trồng cây lưu niệm có bia bảng ghi tên được báo đài trần thuật không gây băn khoăn gốc tích của cây trồng để đến nỗi tiểu thuyết gia phải khám phá trở lại bằng tự sự như chuyện hai cây phong này.

[16] Làm sao ta có thể kể cho được một “câu chuyện mà ta hoàn toàn không biết”? Và đang kể bỗng xen ngang bảo “đó là về sau tôi mới hiểu ra…” suy cho cùng cũng là một tu từ!

[17] Vào phần kết thúc cuốn sách, cái “tôi” trần thuật này tự nhủ mình “Hãy vẽ hai cây phong của Đuysen và Antưnai, chính hai cây phong đã cho tuổi thơ của mày bấy nhiêu giây phút sướng vui, mặc dù mày không biết rõ sự tích của chúng.

[18] Aitmatov đã sử dụng khá ý vị tình huống một “người họa sĩ xưng tôi kể chuyện” để tạo khung kết cấu cho cả thiên truyện (xem phần mào đầu và phần sau cùng thiên truyện). Và như ta đọc thấy, tuy rất xúc động về câu chuyện hai cây phong nhưng – như chính lời kể của người họa sĩ, tất cả các bức tranh liên quan đến đề tài đó vẫn cứ còn ở trong dạng phác thảo và họa sĩ vẫn là đang trong trạng thái tìm tòi ý đồ mà thôi… Từ một bình  diện khác – ví dụ bình diện nhà văn và sáng tác, đặt vấn đề ảnh hưởng của “nghề nghiệp” hay thiên hướng quan cảm thế giới của nhà văn (nhà văn đồng thời là họa sĩ hay nhạc sĩ) đối với phong cách và bút pháp tự sự cũng là một điều thú vị.

[19] Tự sự là dựng dậy những câu chuyện. Trong tiểu thuyết không có cái gì là “thực”/“thật” cũng không có cái gì là “hư”/“giả”. Tiểu thuyết tạo nên một thế giới bên cạnh hiện thực này.

[20] Chúng tôi đọc thấy ở một vài ấn bản thiên truyện này tại đây còn có câu “Và trong tiếng gầm bất khuất của chúng ngỡ chừng như nghe thấy một lời thách thức ngỗ ngược: Không, đừng hòng bắt ta phải khom lưng khuất phục, đừng hòng bẻ gãy thân ta.” Câu này rõ ràng cũng là đang “tả tiếng” chứ không chỉ là “tả hình”.

[21] Đến cả bản thân hình ảnh hai cây phong trong bài rốt cuộc cũng gần như là một hình ảnh nội cảm. Đấy là lí làm sao mà người kể chuyện khi giới thiệu hai cây phong trên đồi làng mình lại nói “tôi thì bao giờ cũng cảm biết được chúng, lúc nào cũng nhìn rõ”. Ta đều biết ấn tượng “hội họa” (và cả cách biểu đạt nó) phụ thuộc vào góc nhìn và cự li (viễn cận). Người kể chuyện xưng “tôi” trong đoạn trích trên chẳng phải cũng có nói “Dù chúng có cao đến đâu chăng nữa, đứng xa thế cũng khó lòng trông thấy ngay được” đấy thôi!

[22] Thống kê theo thứ tự xuất hiện từ đầu đến cuối, một số từ trong số đó được dùng lặp lại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Nguyễn Khắc Phi (tổng chủ biên), Ngữ Văn 8 – Tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2012

[2] Tsingiz Aitơmatốp, Giamilia Truyện núi đồi và thảo nguyên (Dịch giả: Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Bằng, Cao Xuân Hạo, Bồ Xuân Tiến), Nxb Văn học, 2012

[3] Tsingiz Aitơmatốp, Giamilia Truyện núi đồi và thảo nguyên (Nguyễn Ngọc Bằng, Cao Xuân Hạo, Bồ Xuân Tiến, Phạm Mạnh Hùng dịch), Nxb Cầu Vồng, 1984

[4] Чингиз Айтматов, “Первый учитель”, Издательство детской литературы “Веселка”, Киев, 1976