Ai cũng biết học Ngữ Văn ở cấp tiểu học không thể thiếu hoạt động “sáng tác” của học trò, chủ yếu là Thơ. Từ chỗ quan niệm đó chỉ là hoạt động “ngoại khoá cho vui”, giáo giới ngày càng thấy tác dụng lớn của việc này, cũng như việc đọc sách, đối với chương trình chính khoá.

Xin dẫn một số bài thơ của học trò lứa tuổi nhỏ qua thời gian và không gian mà tôi có được, để các nhà soạn sách Văn tiểu học kiểu mới có thêm tư liệu tham khảo.

1/ Thơ Lục bát:

Với người VN, làm thơ lục bát có vẻ… dễ như húp cháo. Khuyến khích học trò nhỏ “chơi lục bát” rất ích lợi về luyện từ ngữ, nhạc điệu câu, âm vận, và biểu cảm.

– GS Chu Hảo cho biết: “Đúng 60 năm trước (1954) ở Trường Thiếu nhi Việt Nam (kháng chiến) tại Quế Lâm, Trung Quốc, chúng tôi là học sinh lớp 6 (lớp lớn nhất trường) cũng có phong trào làm thơ lục bát. Không hiểu sao đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ một câu thơ của một bạn gái giỏi giang được thầy chủ nhiệm đọc cho cả lớp nghe như sau: Tôi nhìn say đắm triền miên/ Hai vị lãnh tụ treo trên nền tường.” (!!!)

– Cùng thời điểm, bài thơ lục bát sau đây là của người viết bài này trong lòng Hà Nội dưới “ách thực dân Pháp” (11 tuổi, học lớp Nhất trường Hàng Than), chính là bài thơ đầu tiên trong đời hắn, được đăng trên trang thiếu nhi của nhật báo Giang Sơn:

Thằng bé mồ côi

Trong làn sương buổi sớm mai
Khi mọi nhà vẫn còn cài chặt then
Nó đi từng bước triền miên
Gió lồng lộng thổi nó thêm lạnh lùng.
Hôm nay trời rét vô cùng
Biết về đâu ngủ hỡi thằng mồ côi?

Và đây là bài dịch thơ đầu tiên của hắn cùng thời gian (hắn hý hoáy dịch từ quyển sách học tiếng Pháp trong giờ học):

Màn đêm rơi xuống, và im lặng
Kế cho bao tiếng động rầm rầm.
Thiên nhiên vẳng tiếng thì thầm
Nổi lên rồi lại dịu dần, tắt đi.
Mặt trăng trắng bệch đằng kia
Đã nghiêng về phía xa xa chân trời
Và làn sáng nhẹ như hơi
Lướt trên bãi cỏ xanh tươi êm đềm

(Nguyên tác của Victor Hugo:

La nuit tombe
Et le silence
Succède au bruit
Dans la nature
Plus un murmure
Tout s’assoupit.
La lune blanche
Dejà se penche
A l’horizon
Sa lumiere
Glisse légère
Sur le gazon. )

– Còn đây là những bài lục bát của học sinh lớp 5 một trường tiểu học Hà Nội 60 năm sau (2014): 10 em cùng tả cảnh “Cánh buồm” trong ảnh này bằng một câu lục bát, kết quả cho thấy tâm hồn các em phong phú đa dạng thế nào!

Sóng biển đánh thuyền ra khơi
Con sóng càng mạnh, thuyền rời càng xa…
(Đại Nghĩa)

Hoàng hôn buông xuống bốn bề,
Ngồi trong một góc nhìn về thuyền kia.
(Gia Hân)

Mây trắng, mây đỏ, mây hồng
Hoàng hôn buông xuống buồn buồn phía xa…
(Cầm Thi)

Chiều hoàng hôn sông nhuộm màu
Bỗng nhiên có một chiếc tàu trên sông.
(Ánh Minh)

Con thuyền đánh cá trên sông
Biển buồn, biển lặng, biển trông thất tình.
(Ngọc Minh)

Cánh buồm trên sóng hoàng hôn
Trăng về trên biển, cánh buồm sáng lên.
(Minh Tuấn)

Những con thuyền sải cánh buồm
Biển trời rộng lớn vẫn buồn hiu hiu.
(Tuấn Kiệt)

Hoàng hôn buông xuống đẹp thay
Ngoài xa thuyền nhỏ như bay trên trời.
(Gia Kiên)

Dong thuyền chơi buổi hoàng hôn
Lênh đênh sóng nước, biển buồn nao nao…
(Thùy Trang)

2/ Thơ Haiku:

Có vẻ đang là “mốt” thời đại của học sinh thế giới. Có nhiều cuộc thi Haiku quốc tế cho trẻ em do Mỹ, Nhật, Ấn, Ba Lan, Pháp… tổ chức: http://www.hsa-haiku.org/hsa-contests.htm, http://www.haikucontests.com/?page_id=6, http://kusamakura-haiku.jp/index_e.html, http://www.jal-foundation.or.jp/new/haiku/contest/13th.html,…
Vì sao nhiều nước thích cho trẻ em “chơi haiku”? Dễ hiểu, vì: Haiku có hình thức đơn giản, gọn nhẹ (3 dòng 5-7-5 âm tiết, song số âm tiết có thể linh hoạt), không đòi vần vè, yêu cầu từ ngữ sáng sủa, giản dị, rất lợi cho việc luyện tập chọn lựa và tiết chế ngôn từ nhưng không quá gò bó công thức như thơ Đường luật, lợi cho việc luyện bố cục văn bản, cấu tứ.
Sau đây là một số bài Haiku của học trò lớp 5 cô giáo Hải Hà trường Olympia Hà Nội mới làm sau khi học phương pháp tưởng tượng, liên tưởng, bố cục lại những ý nghĩ “vụt hiện”, theo chương trình Cánh Buồm:
Hai bài này của cháu Bảo Duy được nhà thơ Dương Tường “chấm” cao nhất:

Gió mùa đông thổi
Lạnh thấu xương thấu da
Một người đi qua phố

***

Gió heo may
Cây nghiêng mình
Mình ta

Và một số bài khác:

Thấy con cá nhảy trong ao
Thấy con nhện chăng tơ khắp nhà
Thấy con người chạy qua nhà ta…
(Cao Gia Thành)

Chú gấu trên nóc tủ
Cứ như đang buồn ngủ
Ta ngồi nhìn chú ngủ…
(Cẩm Tú)

Đêm đông ướt lạnh
Chú mèo con vẫn đi khắp nơi
Mong có người cứu giúp
(Minh Châu)

Sáng sớm tinh mơ
Giọt sương đọng lại trên lá
Từ từ chảy xuống ao…
(Tuấn Kiệt)

Trên mái có gà trống
Nó gáy o o thức tỉnh người
Ta bừng dậy vì nó…
(Tuấn Kiệt)

Còn đây là Thơ Haiku của học trò Mỹ:

Nature
Nature is beauty
Wild life is nature’s beauty
Fields are nature’s smiles
(Madeleine 8 tuổi, lớp 3, Illinois)

Tạm dịch:

Thiên nhiên
Thiên nhiên đẹp quá
Cuộc sống hoang dã là vẻ đẹp thiên nhiên
Những cánh đồng là nụ cười thiên nhiên

Night in the garden
Moonlight drops softly
From small flowers. Night wind sings
Like a lost lover
(Gele Mehlam 17, lớp 11 Ohio)

Tạm dịch:

Đêm trong vườn
Ánh trăng rơi nhè nhẹ
Từ những bông hoa be bé. Gió đêm ca
Như một kẻ thất tình

Spring
Spring’s once every year
It comes in like lion, roar
Out like a lamb, baal
(Shannon, 13t, Michgan.)

Tạm dịch:

Mùa xuân
Mỗi năm xuân một lần
Xuân đến như sư tử hống
Xuân đi như cừu non be be

Lonely
A hummingbird’s wings
Soaring beautiful in skies
Looking for his mom
(Derak P. lớp 3 Minnesota)

Tạm dịch:

Đơn côi
Hai cánh con chim ruồi
Vút lên trời thật đẹp
Chim đi tìm mẹ chim

Night and day
The stars are shining
They will shimmer and they’ll glow
Untill the sun shines
(Matie M. lớp 3 Minnesota)

Tạm dịch:

Đêm và ngày
Những ngôi sao sáng ngời
Lung linh và rực rỡ
Cho đến lúc mặt trời soi

Footsteps in the snow
follow me
all the way home
then fade away
(An, lớp 5 Chicago)

Tạm dịch:

Những dấu chân trên tuyết
Cứ theo em về đến tận nhà
Rồi tất cả mờ nhoà

Two little rain drops
with pitch black umbrellas
avoid getting wet
(An, lớp 5 Chicago)

Tạm dịch:

Hai giọt mưa nhỏ xíu
Che hai chiếc ô đen
Mong tránh bị ướt nhèm.

 

 Hoàng Hưng.