1. Đặt vấn đề

Như ta thấy các tác phẩm văn học dẫn vào sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành làm “văn bản đọc hiểu” luôn được dẫn giải trước hết về mặt “thể loại”. “Tùy bút” không ngoại lệ, trong chương trình môn học Ngữ văn Trung học Cơ sở, thể loại này được giới thiệu tập trung ở lớp 7, nhắc lại ở lớp 9. Bài viết này của chúng tôi không chủ yếu nhắm vào việc thảo luận “xác định thể loại” tác phẩm dẫn làm văn bản đọc hiểu trong sách giáo khoa Ngữ văn (SGK) nhưng tập trung phân tích cách trình bày và diễn giải của người soạn sách (NSS) liên quan đến những tác phẩm được gọi là các “bài tùy bút” đó. Phân tích của chúng tôi chí ít cũng chỉ ra trình bày và diễn giải của NSS là tản mạn và không chú ý đầy đủ tới những liên hệ logic nhất định. Điều này sẽ dẫn đến những trở ngại nhất định cho việc dạy và học các tác phẩm đó, làm nản lòng bất cứ một giáo viên (GV) hay học sinh (HS) nào thực tâm muốn qua các bài học dần đạt đến một nhận thức hệ thống hóa nhất định đối các kiến thức môn học.

2. Nội dung

Như đã nói “tùy bút” trong chương trình môn học Ngữ văn Trung học Cơ sở được giới thiệu tập trung ở lớp 7, nhắc lại ở lớp 9. Cụ thể Ngữ văn 9 bài 5 dẫn dụng “văn bản đọc-hiểu” Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh. Thay vì nhận xét tuần tự từ các bài liên quan ở lớp 7 trước chúng tôi xin bắt đầu từ bài bài 5 Ngữ văn 9.

2.1. Diễn giải của NSS về “Bài tùy bút cổ Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Cụm từ “bài tùy bút cổ” xuất hiện ngay từ đầu – khung Kết quả cần đạt:

Kết quả cần đạt

Qua Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, thấy được cuộc sống xa hoa của vua chúa, sự nhũng nhiễu của quan lại thời Lê – Trịnh và giá trị nghệ thuật của một bài tùy bút cổ.

Theo thông lệ trình bày bài học – các ý “kết quả cần đạt” sẽ được láy lại ở dặn dò “ghi nhớ” khi học xong:

Ghi nhớ

Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh phản ánh đời sống xa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của bọn quan lại thời Lê – Trịnh bằng một lối văn ghi chép sự việc cụ thể, chân thực, sinh động.

Và do vậy GV có kinh nghiệm đều hiểu “lối văn ghi chép sự việc cụ thể, chân thực, sinh động[1] ở khung Ghi nhớ ấy chính là điều chính yếu của “giá trị nghệ thuật của một bài tùy bút cổ” đã nói ở khung Kết quả cần đạt. Nói cách khác – đó chính là câu chuyện dạy học tác phẩm theo đặc trưng loại thể! Vậy ta thử tiếp tục theo dõi diễn giải về “tùy bút” ở bài học này của SGK.

Phần Chú thích (*) về tác giả sau trường đoạn giới thiệu về cuộc đời, đến phần văn nghiệp chỉ một câu như sau “Phạm Đình Hổ để lại nhiều công trình biên soạn, khảo cứu có giá trị thuộc đủ các lĩnh vực: văn học, triết học, lịch sử, địa lí,… tất cả đều bằng chữ Hán”. [1, tr.61] Trong tính cách là một khái quát văn nghiệp của tác gia, tổng kết này tuồng như vô hình trung quên mất các tác phẩm văn chương nổi bật của tác gia này – Vũ trung tùy bút (là tác phẩm có dẫn văn bản đọc hiều cho bài học SGK) và Tang thương ngẫu lục – hai thành tựu ưu tú của văn xuôi Hán văn Việt Nam trung đại. Dĩ nhiên ta thấy phía sau có liệt kê có lĩnh vực “văn học”. Và ta cũng biết “văn học” hiểu theo nghĩa nhất định dĩ nhiên là có “công trình biên soạn”, nhưng hiểu theo nghĩa thường thấy – chỉ tác phẩm văn chương, sáng tác thì nói “biên soạn” hẳn không ổn. Thực tế là dù sao cũng khó mà xếp Vũ trung tùy bút (và cả Tang thương ngẫu lục) vào hàng các “công trình biên soạn, khảo cứu”.[2] Dĩ nhiên ta biết phần Chú thích còn có chú thích riêng (chú thích số 1) cho Vũ trung tùy bút. Chú thích số (1) này như sau:

(1) Vũ trung tùy bút (Tùy bút viết trong những ngày mưa) là một tác phẩm đặc sắc của Phạm Đình Hổ, được viết khoảng đầu đời Nguyễn (đầu thế kỉ XIX).
Tác phẩm gồm 88 mẩu chuyện nhỏ, viết theo thể tùy bút, hiểu theo nghĩa là ghi chép tùy hứng, tản mạn, không cần hệ thống, kết cấu gì. Ông bàn về các thứ lễ nghi, phong tục tập quán,… ghi chép những việc xảy ra trong xã hội lúc đó, viết về một số nhân vật, di tích lịch sử, khảo cứu về địa dư, chủ yếu là vùng Hải Dương quê ông. Tất cả những nội dung ấy đều được trình bày một cách giản dị, sinh động và rất hấp dẫn. Tác phẩm chẳng những có giá trị văn chương đặc sắc mà còn cung cấp những tài liệu quý về sử học, địa lí, xã hội học. [1 tr.61-62]

SGK trước sau nhấn mạnh vấn đề “tùy bút” mà thực ra hai chữ tùy-bút trong nhan đề tác phẩm Phạm Đình Hổ đó mãi ngày nay mới thành một từ/thuật ngữ của lí luận văn học hiện đại… Như đã nói đây không phải lúc “phân định rõ thể loại” thiên văn xuôi này của Phạm Đình Hổ, chỉ có điều là – một khi SGK đã giới thiệu nó là “tùy bút” thì ta buộc phải theo dõi cẩn thận bản thân các diễn giải về điều này ra sao trong suốt bài học này.  Đầu tiên như ta thấy, SGK trong khung Kết quả cần đạt gọi là bài tùy bút cổ. Dĩ nhiên vấn đề không là chỉ chuyện một cách xác định hay gọi tên thể loại thiên văn xuôi này. Vấn đề là một khi đã mặc định như thế thì toàn bộ những phân tích “giá trị nghệ thuật” tác phẩm này đều được ám định từ góc nhìn thể loại tùy bút. Mặt khác, ở đây ta cũng thấy được trong cách gọi bài tùy bút cổ này định ngữ “cổ” ít ra cũng đã củng cố cho nhận thức cho rằng thể tùy bút đã có từ thời xưa (có thể có GV và HS còn nhớ đến cụm từ “tùy bút hiện đại” học ở bài 16 Ôn tập tác phẩm trữ tìnhNgữ văn 7 [2 tr.185]).

Tiếp theo, ta thấy ở Chú thích (1) cách “dịch” nhan đề tác phẩm Vũ trung tùy bút: Tùy bút viết trong những ngày mưa. Diễn nghĩa này cho thấy cả tập sách này cũng được SGK mặc định là tùy bút. Cụm từ “dịch” nhan đề tác phẩm của Phạm Đình Hổ của SGK – “Tùy bút viết trong những ngày mưa” hẳn cũng chỉ có thể được giải thích thành “một tùy bút viết trong những ngày mưa”, tương tự như kiểu nói “thiên truyện ngắn viết trong những ngày mưa”, “cuốn tiểu thuyết viết trong những ngày mưa” hay “vở kịch soạn trong những ngày mưa” vậy. Nhưng Hán văn rất khó để gọi – ví dụ “Vũ trung tiểu thuyết”, “Vũ trung đoản thiên”, “Vũ trung tạp văn”… Vì “vũ trung” được dùng như một trạng ngữ (trong mưa, hay trong những ngày mưa như ta thấy ở trên) thường yêu cầu một động từ (hoặc cụm động từ) phía sau – chẳng hạn “Vũ trung nhàn đàm”, “Vũ trung ngẫu lục”, “Vũ trung tùy tưởng lục”,… Điều quan trọng ở đây là ta phải thấy “tùy bút” dùng như một danh từ chỉ thể loại – thuật ngữ của lý luận học hiện đại – hẳn là không có trong vốn ngữ vựng của Phạm Đình Hổ. Trong một vài bài viết chúng tôi từng nói “Trong nhan đề này “vũ trung”- trong mưa ấy là một ẩn dụ. Vì vậy nên nói rằng – trong trường hợp này nếu “tùy bút” cho ta thấy một tư thái viết lách thì “vũ trung” phác họa một hoàn cảnh cầm bút.”  [3 tr.15] “Thực ra, cũng chẳng có gì là không thể nếu Phạm Đình Hổ đặt nhan đề tác phẩm của mình là “Vũ trung Ngẫu bút” hay “Vũ trung Mạn bút”. Dùng hai chữ “ngẫu lục” kết hợp với “vũ trung” cũng không phải không thành một nhan đề đẹp – “Vũ trung Ngẫu lục”. “Ngẫu Lục” hay “Ngẫu Bút” đều gần nghĩa với “Mạn Lục”. Và “Mạn Bút” [casual (informal) literary notes] cũng gần nghĩa với từ “Tùy Bút”.” [4].

“Tùy bút” trong cụm “vũ trung tùy bút” không phải là một từ hay một thuật ngữ chỉ thể loại (theo định nghĩa của lý luận văn học ngày nay). Mà thực ra trong ngữ vựng Hán văn trung đại đó cũng không là một từ. Thành ra cách dịch “Tùy bút viết trong những ngày mưa” đó dĩ nhiên mặc định học sinh hiểu tác phẩm này là “tùy bút”. Thực ra ta đều biết không dễ dàng gì và cũng có thể là không cứ phải buộc trực dịch nhan đề một tác phẩm (khi xuất bản bản dịch). Và như ta cũng đã biết, vì có vốn từ Hán Việt cho nên chọn cách “phiên âm Hán Việt” cũng là một cách làm. Nhưng một khi đã mở đóng ngoặc diễn đạt thành cụm từ – “Tùy bút viết trong những ngày mưa” như thế thì việc phải giải thích nó là điều phải làm (HS hoàn toàn có thể hỏi đến).

NSS tiếp tục khẳng định “cách hiểu thể loại” toàn sách Vũ trung tùy bút trong những dòng giới thiệu tiếp theo – “Tác phẩm gồm 88 mẩu chuyện nhỏ, viết theo thể tùy bút, hiểu theo nghĩa là ghi chép tùy hứng, tản mạn, không cần hệ thống, kết cấu gì. […] ghi chép những việc xảy ra trong xã hội lúc đó.”[3] [1 tr.62].

Tranh minh họa tác phẩm “Chuyện cũ trong phủ Chúa Trịnh” – một trích đoạn trong tác phẩm Vũ trung tùy bút của tác giả Phạm Đình Hổ. Ảnh: Sưu tầm.

Trên đây ta thấy NSS đã dùng cách gọi “thể tùy bút” nhưng đến phần câu hỏi ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN số 3 ta lại thấy NSS gọi là “thể văn tùy bút” (dấu biểu thị đó là câu hỏi khó):

3*. Theo em, thể văn tùy bút trong bài có gì khác so với thể loại truyện mà các em đã học ở bài trước? [1 tr.63]

Trong câu hỏi 3 này ta thấy gọi “thể loại truyện” thành “thể văn truyện” nghe không quen tai, nhưng GV và HS hoàn toàn có thể hỏi tại sao lại gọi thể văn tùy bút mà không gọi là “thể loại tùy bút”? Thực ra cách hiểu tùy bút là thể loại đã từng được trình bày ở Ngữ văn 7. Vấn đề là ngay hồi lớp 7 đó trình bày của SGK vẫn rất là nhập nhằng (xem phân tích sau). Nhắc lại chương trình Ngữ văn lớp 7 hẳn GV và HS còn nhớ khi đó SGK xếp tùy bút vào văn biểu cảm (xem bài 5 – Ngữ văn 7, cũng trong cuốn SGK này đến Bài 17 Ôn tập tác phẩm trữ tình có đoạn “Tùy bút có những yếu tố gần với tự sự nhưng chủ yếu thuộc loại trữ tình” [2 tr.93]). Vậy mà lên lớp 9 ở bài Bài 4 phần Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự có bài tập 1 gọi Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh là văn bản tự sự. Bài tập 1 này như sau:

1. Viết văn bản tóm tắt một văn bản tự sự đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 8 (Lão Hạc, Chiếc lá cuối cùng,…) và một văn bản sẽ học ở bài 5 Ngữ văn 9 (Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh hoặc Hoàng Lê nhất thống chí). [1 tr.59]

Xin nhắc lại, đây không phải là lúc tranh luận xác định thể loại của các tác phẩm dẫn dụng trong chương trình môn học Ngữ văn. Chúng tôi trước sau chỉ muốn chỉ ra thật cụ thể cách diễn giải về vấn đề đó của tác giả SGK mà thôi. Cách diễn giải đó nếu không muốn nói là rối rắm thì cũng rất rườm rà. Nó cản trở và làm nản lòng bất cứ giáo viên học sinh nào muốn lĩnh hội và nhận thức chương trình bài học một cách có hệ thống và suy nghĩ theo logic nhất định. Trong phần tiếp theo dưới đây chúng tôi sẽ cố gắng chỉ rõ điều này (dẫn chứng vẫn được tiếp tục với đề tài thể tùy bút này).

3. Về cách giới thiệu thể tùy bút trong chương trình dạy học Ngữ văn

Giới thiệu về thể tùy bút thấy rải rác ở bài 5, bài 14, bài 16, bài 17 và bài 25 – Ngữ văn 7. Để dễ tiện theo dõi, chúng tôi sẽ trình bày thành từng khung: Ô bên trái của mỗi khung chỉ rõ bài học của SGK, ô bên phải lược dẫn những chỗ có đề cập liên quan đến thể tùy bút. Ngay dưới mỗi khung là nhận xét và phân tích của chúng tôi.

3.1. Bài 5 Ngữ văn 7

Bài học trong Ngữ văn 7 Diễn giải trong bài học của SGK
Bài 5 Tìm hiểu chung về văn biểu cảm Văn biểu cảm còn gọi là văn trữ tình; bao gồm các thể loại văn học như thơ trữ tình, ca dao trữ tình, tùy bút,… [2 tr.73]

Thực tế “Văn biểu cảm” đơn thuần là “thuật ngữ” của phân môn Tập làm văn.[4] Rất có thể việc cố “tích hợp” dạy học Tập làm văn với dạy học Văn đã dẫn đến chuyện NSS phải sắp xếp khá gượng gạo: thơ, ca dao là những thể loại văn học thuộc về văn biểu cảm. Diễn giải trên của SGK nói rõ tùy bút là một thể loại văn học. Nhưng đến bài 14 lại thấy nói “Tùy bút là một thể văn”.

3.2. Bài 14 Ngữ văn 7

Bài 14 Một thứ quà của lúa non: Cốm Bước đầu biết được thể văn tùy bút. [2 tr.158]

Tùy bút là một thể văn. [2 tr.161]

Ở bài 5 thấy gọi tùy bút là thể loại văn học thuộc văn biểu cảm (còn gọi là văn trữ tình) [2 tr.73]. Đến bài 17 thấy có cách gọi “loại trữ tình” (bên cạnh cách gọi “loại tự sự” – trong đáp án chọn lựa được hiểu là sai): “Tùy bút có những yếu tố gần với tự sự nhưng chủ yếu thuộc loại trữ tình” [2 tr.193]. Và đến bài 25 xuất hiện cách gọi “loại hình trữ tình” và “loại hình tự sự”. [5 tr.67] Vậy có phải “loại trữ tình” và “loại tự sự” là gọi gọn, còn “loại hình trữ tình” và “loại hình tự sự” là cách gọi đầy đủ?

3.3. Bài 16 Ngữ văn 7

Bài 16 Ôn tập tác phẩm trữ tình

 

Tùy bút cũng là một kiểu văn bản biểu cảm.

Tác phẩm trữ tình là văn bản biểu hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả trước cuộc sống. Thơ là thể loại văn học phù hợp để biểu hiện tình cảm, cảm xúc, tuy nhiên cũng có những loại văn xuôi trữ tình hoặc mang nặng tính chất trữ tình như tùy bút.

[…] Chương trình học kì I tập trung đọc – hiểu các tác phẩm trữ tình bao gồm: thơ ca dân gian, thơ trữ tình trung đại, thơ Đường, thơ và tùy bút hiện đại. […]

a) […] Để nắm được các nội dung trên, học sinh chú ý đọc kĩ phần chú thích (*) sau văn bản đầu tiên của mỗi thể loại, cụ thể là: – Chú thích về tùy bút ở bài 14.

b) […] bên cạnh các bài tùy bút giàu chất thơ như Một thứ quà của lúa non: Cốm (Thạch Lam), Mùa xuân của tôi (Vũ Bằng),…

c) […] trả lời được tại sao tùy bút lại có thể coi là tác phẩm trữ tình… [2 tr.182]

Ở bài 5 Ngữ văn 7 thấy gọi văn biểu cảm, vậy có phải đó cũng là cách gọi gọn của văn bản biểu cảm? Bài 5 cũng xem “thơ trữ tình” là “thể loại văn học” thuộc “văn biểu cảm”, đến bài 16 này ta thấy gọi chung “thơ” (hoặc NSS thấy không cần định ngữ “trữ tình” nữa?). Diễn giải ở đây cho thấy thể loại văn học thơtác phẩm trữ tình hẳn cũng thuộc văn biểu cảm, hay nói cho đúng với cụm từ dùng ở đây – cũng là một kiểu văn bản biểu cảm. Vậy thì sao ở bài 5 lại bắt buộc nói rõ “thơ trữ tình”? Dĩ nhiên một khi đã nói “văn biểu cảm còn gọi là văn trữ tình” thì HS suy tiếp thành “thơvăn trữ tình” hay “thơ trữ tìnhvăn trữ tình” được không?

Cũng trong diễn giải trên ta thấy có cách gọi “thơ ca dân gian” (chắc cũng tương đồng với cách gọi ở bài 5: “ca dao trữ tình”, nhưng không biết có tương đương với “thơ trữ tình”?). Tại sao tất cả những thơ ca dân gian, thơ Đường, thơ hiện đại đều là tác phẩm trữ tình mà riêng thời trung đại mới cần gọi riêng “thơ trữ tình trung đại”? Ở đây ta cũng thấy cách gọi “tùy bút hiện đại” và chỉ rõ thiên tùy bút Thạch Lam và đoạn trích Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng là các bài tùy bút hiện đại. Đợi đến Ngữ văn 9, GV và HS sẽ thấy cách gọi Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh là “bài tùy bút cổ”. Vậy GV và HS chắc cũng có thể dùng cách nói “tùy bút trung đại” như trên từng có cách gọi “thơ trung đại” được không?

Ngoài ra ta ở đây ta cũng thấy có thêm cách gọi “loại văn xuôi” đi cùng cách miêu tả “mang nặng tính chất…”: “Tùy bút là một loại văn xuôi mang nặng tính chất trữ tình”. Vậy phải chăng văn trữ tình (cũng gọi văn biểu cảm – xem bài 5) gồm những loại văn xuôi trữ tình và thêm một loại mang nặng tính chất trữ tình là tùy bút (“mang nặng tính chất trữ tình” chắc cũng tương đương với cụm “giàu chất thơ” như nhận xét thiên tùy bút Thạch Lam của NSS?).

Bài 16 là bài ôn tập nên NSS nhắc xem lại chú thích (*) sau văn bản đầu tiên của mỗi thể loại, cụ thể là chú thích về tùy bút ở bài 14 [2 tr.185]. Nhưng ở thực ra ở bài 14 chú thích này là “Tùy bút là một thể văn.” [2 tr.161] chứ không nói là thể loại (ở khung Kết quả cần đạt bài học cũng gọi thể văn tùy bút) [2 tr.158]. Thêm một chỗ đáng chú ý nữa: Bài ôn tập này tổng kết “Tùy bút cũng là một kiểu văn bản biểu cảm.”. Vốn ở bài 5 ta đã thấy có cách gọi Văn biểu cảm, vậy có phải đó cũng là cách gọi gọn của văn bản biểu cảm? Có vẻ như đó không phải là một cách gọi gọn, vì nếu thế thì hẳn cũng nên có cách gọi “kiểu văn biểu cảm”. Vấn đề ở đây là phải chăng có thể nói thể loại văn học (thơ trữ tình, ca dao trữ tình, tùy bút) là kiểu văn bản (biểu cảm) và thể văn cũng chính là thể loại? Hoặc cũng còn thể hỏi: văn biểu cảm (văn trữ tình) có nhiều kiểu văn bản? Suy cho cùng “văn” trong cụm “văn biểu cảm” (và cả trong “văn trữ tình” nữa) và “văn bản” trong cụm “kiểu văn bản biểu cảm” có mối quan hệ như thế nào?

3.4. Bài 25 Ngữ văn 7

Bài 25

 

Nắm được đặc trưng của văn nghị luận qua sự phân biệt với các thể loại văn khác. Chỉ ra được những nét riêng đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của mỗi bài nghị luận đã học. [5 tr.66]

3. a) Trong Chương trình Ngữ văn lớp 6 và học kỳ I lớp 7, em đã học nhiều bài thuộc các thể truyện, kí (loại hình tự sự) và thơ trữ tình, tùy bút (loại hình trữ tình). Bảng kê dưới đây liệt kê các yếu tố có trong các văn bản tự sự, trữ tình và nghị luận.

b) Dựa vào sự tìm hiểu ở trên, em hãy phân biệt sự khác nhau căn bản giữa văn nghị luận và các thể loại tự sự, trữ tình.

c) Những câu tục ngữ trong Bài 18, 19 có thể coi là loại văn bản nghị luận đặc biệt không? Vì sao? [5 tr.67]

Văn nghị luận phân biệt với các thể loại tự sự, trữ tình chủ yếu ở chỗ… [5 tr.67].

Trong bài 25 này thấy có bảng liệt kê các yếu tố có trong các văn bản tự sự, trữ tình và nghị luận. Nhìn cột phải của bảng ta thấy có Truyện, Kí, Thơ tự sự, Thơ trữ tình, Tùy bút, Nghị luận chính là các thể loại. Vậy “các thể loại tự sự” (cũng như “các thể loại trữ tình” nói ở câu b thì gồm những thể loại nào trong cột Thể loại của bảng trên? Nghị luận với tư cách là một thể loại (liệt kê ở cột phải của bảng) cũng chính là “văn nghị luận” nói ở câu b? Tại sao đến khung Ghi nhớ trong lúc vẫn gọi là “văn nghị luận” thì không còn gọi là “các thể loại tự sự, trữ tình” mà lại gọi “gọn” thành “các thể tự sự, trữ tình”? Ở bài 5 đã nêu khái niệm “văn biểu cảm”, vậy ở đây khi nói “văn nghị luận” ta hiểu đó là đang thêm một khái niệm nữa bên cạnh khái niệm “văn biểu cảm”? Ở đây còn xuất hiện thêm khái niệm “thể loại văn” – những thể loại văn sẽ được phân biệt với “văn nghị luận” (và tất nhiên cũng phân biệt với “văn biểu cảm”)?. Vậy phải chăng “văn biểu cảm” và “văn nghị luận” là những “thể loại văn”? Vậy “thể loại văn” là gì?

4. Vài lời tạm kết

Như đã nói bài viết này của chúng tôi không phải để thảo luận tính cách thể loại tác phẩm dẫn làm văn bản đọc hiểu trong SGK Ngữ văn nhưng tập trung phân tích cách trình bày và diễn giải “thể loại tùy bút” trong các bài học của SGK. Phân tích của chúng tôi cho thấy người dạy và người học khó khăn đến chừng nào khi muốn thống hợp tản mạn những trình bày và diễn giải của NSS qua các bài học SGK. Họ dường như rất khó mà hệ thống hóa lại tri thức hay lần ra được những liên hệ logic nhất định. Thật vậy, chỉ cần qua 3 bài ngay trong một tập SGK (Bài 5, Bài 14, Bài 16 trong tập 1 Ngữ văn 7) là đã đủ để một giáo viên thực sự muốn kết nối liên thông các tri thức cảm thấy đau đầu: đầu tiên tùy bút là một thể loại văn học, nó thuộc văn biểu cảm (văn trữ tình) rồi tùy bút (còn/lại) là một thể văn (thể văn tùy bút), là thể văn nó là một kiểu văn bản biểu cảm. Còn như theo dõi kết nối cả bộ SGK thì giáo viên hẳn sẽ còn bối rối hơn: Ngữ văn 7 xếp tùy bút vào loại hình trữ tình, xếp vào loại hình tự sự.[5] Nhưng rồi Ngữ văn 10 trong lúc vẫn xem thuộc loại hình tự sự thì đồng thời lại xếp tùy bút vào .[6] Rồi chỉ sau vài bài học ta thấy Ngữ văn 10 xem Vũ trung tùy bút kí sự [6 tr.7] (trong khi như trên đã chỉ rõ Ngữ văn 9 đã nói tác phẩm này là tùy bút[7] và gọi thiên Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh trong tập sách này là “bài tùy bút cổ”). Hẳn là NSS Ngữ văn 10 không biết Ngữ văn 6 khi giới thiệu Nguyễn Tuân có viết “nhà văn nổi tiếng, sở trường về thể tùy bút và kí”.[8] Nói chung trình bày trong bộ SGK cho thấy để hiểu cho ra một “tùy bút” này, GV và HS còn phải luyện tập óc hệ thống hóa cả một chuỗi những “thuật ngữ-khái niệm-tên gọi” rải đều trong bộ sách: văn trữ tình, văn bản biểu cảm, tác phẩm trữ tình, loại trữ tình, loại tự sự, tác phẩm, văn bản, kiểu văn bản, thể loại văn học, loại văn xuôi,… Rất có thể một phần nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do cái ý nguyện “tích hợp” Văn-Ngữ-Làm Văn vào trong một bộ SGK. Chương trình Ngữ văn Trung học trên thực tế đã đổ đống một khối lượng lớn thuật ngữ-tên gọi mượn dùng hay xáo trộn đồng thời từ văn học sử, lý luận văn học, khảo cứu-phê bình, ngôn ngữ học đủ biến mỗi bài học trong SGK thành một thao trường tập luyện căng thẳng tư duy logic và óc hệ thống hóa cho đội ngũ giáo viên. Một giáo viên càng thành tâm soạn bài bao nhiêu càng phát hiện thấy việc cố hiểu cho ra cách trình bày của SGK tiêu phí biết bao thời gian của họ. Sau cùng chắc chắn ứng xử của họ sẽ là dạy bài nào hay bài ấy, SGK diễn giải thế nào họ diễn giải lại thế ấy. Ví dụ về “thể tùy bút” mà chúng tôi cố gắng phân tích qua các tập SGK Ngữ văn Trung học trong bài này phần nào cho thấy tình hình trên.

Một số tác phẩm tùy bút nổi tiếng. Ảnh: Sưu tầm.

Lê Thời Tân, Tạp chí Khoa học Trường ĐHTĐHN, số 58, ISSN 2354-1512, tháng 3/2022, tr.82-90.

CHÚ THÍCH:

[1] Có vẻ như câu văn trong khung Kết quả cần đạt này có chút lấn cấn về cách biểu đạt: Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh phản ánh đời sống xa hoa của vua chúa […] bằng một lối văn ghi chép sự việc cụ thể, chân thực, sinh động. Bài 5 SGK này còn dẫn đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí. Câu văn liên quan đoạn trích này trong Khung kết quả cần đạt này dường như cũng có thoáng “lấn cấn” về văn phạm: Qua đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí, cảm nhận được vẻ đẹp hào hùng của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ trong chiến công đại phá quân Thanh, sự thảm bại của bọn xâm lược và số phận bi thảm của lũ vua quan phản nước hại dân. [1 tr.60]

[2] Chúng tôi vẫn nghĩ đến lớp 9, HS phải được hướng dẫn để phân biệt được các khái niệm-thuật ngữ sáng tác (tác phẩm văn chương) và biên soạn, khảo cứu (trước tác, công trình). Dù đối với chương trình văn môn học Ngữ văn tất cả đều là VĂN BẢN và đều có thể và phải ĐỌC HIỂU VĂN BẢN.

[3] Không rõ con số 88 (mẩu chuyện) này là kết quả của cách thống kê như thế nào nhưng nhìn chung cách thuyết minh tác phẩm của toàn đoạn này nên được cân nhắc lại. Hẳn là GV và HS cũng có lúc cố nghĩ mẩu chuyệnChuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” đó có thể là một “ghi chép tùy hứng, tản mạn, không cần hệ thống, kết cấu gì” được hay không? Và tác giả của nó có thể thực hiện sự ghi chép đó như là ghi chép “chuyện xảy ra trong xã hội lúc đó” vào lúc nào?  (chắc không muộn hơn khoảng thời gian “đầu đời Nguyễn” – khoảng mà NNS đã nói “Vũ trung tùy bút… được viết khoảng đầu đời Nguyễn (đầu thế kỉ XIX)” mà cũng không thể sớm hơn mốc năm sinh của tác giả 1768 – cách chẳng hạn chuyện cũ phủ chúa cũng đã gần 30 năm). Có lẽ chính cái ám ảnh “tùy bút” đã khiến NSS cứ láy đi láy lại từ “ghi chép” nhiều lần như thế (2 lần trong chú thích về tác phẩm – “viết theo thể tùy bút, hiểu theo nghĩa là ghi chép…, ghi chép những việc xảy ra trong xã hội lúc đó”, 1 lần trong câu hỏi hướng dẫn đọc hiểu – “Hãy nhận xét về lời văn ghi chép sự việc của tác giả”, nhắc lại lần thứ tư trong khung ghi nhớ cuối bài – “phản ánh … bằng một lối văn ghi chép sự việc…”): Thực ra một hướng dẫn đọc hiểu tinh tế đối tác phẩm này của Phạm Đình Hổ sẽ khiến cho HS đọc xong thiên văn xuôi này có thể sẽ nghĩ ngợi chẳng hạn “đúng là một chuyện cũ và chuyện cũ này diễn ra kể ra cũng không phải chủ yếu trong phủ…” “cho nên nói chuyện phủ chúa xưa cũng được” “… và nếu như mấy cây lê, lựu trước hiên nhà tác giả năm xưa không bị chặt đi thì phải thành “cổ thụ” cả rồi” (thử giả định câu kết thiên văn xuôi này được viết thành “Nhà ta ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, trước nhà tiền đường có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa, trắng xóa thơm lừng; trước nhà trung đường cũng trồng hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp, bà cung nhân(19) suýt nữa phải sai chặt đi cũng vì cớ ấy” thì ý vị tự sự của tác phẩm sẽ ra sao?

[4] “Mỗi bài học, đơn vị của sách giáo khoa, nói chung đều gồm đủ ba phần: Văn,
Tiếng Việt, Tập làm văn.” (Lời nói đầu – Ngữ văn 6 Tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2016).

[5] Ngữ văn 7 Tập 1 Bài 16: Tùy bút có những yếu tố gần với tự sự nhưng chủ yếu thuộc loại trữ tình [2 tr.93]. Ngữ văn 7 Tập 2 Bài 25: Trong Chương trình Ngữ văn lớp 6 và học kỳ I lớp 7, em đã học nhiều bài thuộc các thể truyện, kí (loại hình tự sự) và thơ trữ tình, tùy bút (loại hình trữ tình) [5 tr.67].

[6] Ngữ văn 10 Tập 1 Bài 1: Văn học từ đầu thế kỷ XX đến nay: loại hình và loại thể văn học có có ranh giới tương đối rõ ràng hơn. Loại hình tự sự có tiểu thuyết, truyện ngắn, kí (bút kí, tùy bút, phóng sự). Loại hình trữ tình có thơ trữ tình và trường ca. Loại hình kịch có nhiều thể như kịch nói, kịch thơ,… [6 tr.6].

[7] Cùng xếp vào kí sự còn có Thượng kinh kí sự. Không biết NSS có phải vì thấy 2 chữ kí sự trong nhan đề tập sách mà xếp nó vào kí sự (tương tự như Ngữ văn 9 thấy 2 chữ tùy bút trong nhan đề tác phẩm Phạm Đình Hổ nên giới thiệu “Tùy bút viết trong những ngày mưa” vậy).

[8] Ngữ văn 6 Tập 2 Bài 25: Nguyễn Tuân (1910-1987) quê ở Hà Nội, là nhà văn nổi tiếng, sở trường về thể tùy bút và kí [7 tr.90].

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 9 Tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2014.

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 7 Tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2017.

[3] Lê Thời Tân, “Thời gian tự sự trong Vũ trung Tùy bút – Chiếu ứng thiên mở đầu với toàn sách”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Viện Văn học-Viện Hàn Lâm KHXHVN, Số 3, 2019.

[4] Lê Thời Tân, “Vũ trung Tùy bút – Tư thái trước tác của tác giả và tính cách thể loại của tác phẩm”, Hội thảo Quốc tế “Việt Nam – giao lưu văn hoá tư tưởng Đông Á” (Vietnam in the cultural and ideological exchange in east Asia), Trường ĐHKHXHNV – ĐHQGTPHCM, 8-9/11/2019.

[5] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 7 Tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2011.

[6] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 10 Tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2012.

[7] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 6 Tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2011.