Hội thảo Một tầm nhìn từ Cánh Buồm, tổ chức vào ngày 21/11/2015 thu hút đông đảo người tham gia, từ giới chuyên môn, báo chí, giáo viên, phụ huynh và cả những sinh viên sư phạm. Hội thảo đem đến cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc qua phần chia sẻ của nhà giáo Phạm Toàn và thảo luận của những người tham gia. Từ góc nhìn của một người làm giáo dục, một phụ huynh, tôi thấy mình thật may mắn vì đã được tham gia hội thảo này.
Không còn loay hoay
Sáu năm làm sinh viên sư phạm, hai năm đi dạy và làm nghiên cứu giáo dục – cũng ngần ấy thời gian tham gia vào hoạt động chuyên môn, quản lý từ mầm non đến đại học, đến cả người đi làm, vậy mà tôi thấy mình vẫn chưa hết loay hoay. Tôi lo lắng ngày đêm làm sao để sinh viên thích học, để trẻ em hăng hái đến lớp, giáo viên cảm thấy yêu nghề. Tôi cùng đồng nghiệp lao vào đọc sách, tài liệu, thiết kế chương trình, mày mò phương pháp, tổ chức hội thảo, làm từ thủ công đến kỹ thuật, sử dụng mọi biện pháp thưởng phạt, khen chê. Làm được tất cả những việc manh mún đó thì chúng tôi hụt hơi. Chặng đường đổi mới dạy học đã dài mà như càng dài them!
Thế rồi, trong hội thảo “Hiểu trẻ em, dạy trẻ em” trước đây của nhóm Cánh Buồm, tôi gặp được khái niệm: Cách học (thay vì Cách dạy như trước nay chúng tôi vẫn thường đặt nặng). Tôi bắt đầu đặt câu hỏi: Vì sao nhà sư phạm phải bắt đầu từ việc nghiên cứu cách học, chứ không phải bắt đầu từ cách dạy?; Vì sao phải tâm huyết với việc xây dựng năng lực Tự học cho người học? Ngẫm thật kỹ, thì Tự học mới là gốc rễ của dạy học hiệu quả chứ không phải từ những “kỹ thuật bề nổi” như lấy học sinh làm trung tâm mà người ta vẫn thường ra rả nói đến..
Thực hiện hai chữ Tự học không hề đơn giản. Nó đòi hỏi các nhà sư phạm phải cải tạo bản thân từ tư tưởng đến cách làm (mà việc đó đâu có dễ, thậm chí với nhiều người nó khó như trên trời!!!). Giáo viên phải coi nó như một phương pháp, học sinh, sinh viên phải coi đó như một lối sống. Từ nguyên lý của nhóm Cánh Buồm, chúng tôi bắt đầu từ các thao tác học của người học và nguyên lý đồng thuận. Việc dạy và học từ đó có dấu hiệu “dễ thở” hơn cho cả thầy và trò. Học sinh tích cực hợp tác trong các hoạt động học, có bộc lộ chính kiến, sáng tạo tự nhiên, giáo viên có cái nhìn cởi mở hơn trong việc chuyển từ vai trò thầy sang người hướng dẫn, hay người tổ chức hoạt động học.
“Tầm nhìn” của tôi mới chỉ dừng lại ở việc đổi mới giảng dạy. Khi tham gia hội thảo Một tầm nhìn từ Cánh Buồm, tôi được mở mang về Tầm nhìn cho một nền giáo dục hiện đại, bắt đầu từ TRẺ EM. Tại đây, nhà giáo Phạm Toàn đã đưa ra những thông điệp tha thiết, chạm đến những rung động sâu nhất của những người làm cha, làm mẹ, và cả những người làm giáo dục: Hãy thông cảm với trẻ em; Đừng hành hạ trẻ em. Ông cũng chỉ ra những bất cập lớn nhất của “lò” giáo dục Việt Nam hiện nay và một cách sửa sai, bằng việc thay đổi định nghĩa về giáo dục, cách làm gói gọn trong hai chữ Tự học. Tầm nhìn của Cánh Buồm là Một dân tộc tự học, để có một đời sống tự do, một đất nước tự cường.
Trong buổi hội thảo, nhiều người phát biểu ủng hộ nhóm Cánh Buồm, trong đó có nhiều vị cao niên, những người làm nghiên cứu, giáo viên và cả phụ huynh. Có ý kiến cho rằng: Từ nay đã có định hướng rồi, không còn phải loay hoay nữa, chúng ta sẽ là những người thợ sửa chữa, cùng với “cánh buồm” đưa “con thuyền mắc cạn” tiến ra xa.
Không còn áp đặt
Trong phần chia sẻ của nhà giáo Phạm Toàn, tôi ấn tượng với câu “Tự học là một năng lực các nhà sư phạm phải bằng cả hai tay dâng lên trẻ em Việt Nam”. Đây là phát biểu thu hút nhiều phản biện của người tham gia. Có người cho rằng, năng lực đó có sẵn, giáo viên chỉ giúp học sinh khai thác. Người khác không đồng tình về sắc thái “dâng tặng”.
Cá nhân tôi cho rằng, năng lực chỉ có được sau một chuỗi những việc làm, và bằng cách nào học sinh có thể có được nó? Chắc chắn phải bằng cách thực hành. Vậy, ai là người tổ chức việc thực hành cho học sinh – xin thưa, chính là giáo viên. Về phần sắc thái, khi nào người ta muốn “dâng” thứ gì đó cho người khác, chỉ khi người nhận là đối tượng rất được tôn trọng và yêu thương. Trẻ em Việt Nam thiếu trầm trọng điều đó, một cách đúng nghĩa. Vậy thì, khi nào ta thực sự “cảm” được điều này, thì khi ấy sẽ không còn thấy điều vô lý trong câu nói đó.
Từ góc độ phụ huynh, tôi lại hiểu hai từ “tự học” bao hàm tính tự giác và biết cách học. Trẻ phải tự học, không ai có thể nhồi vào đầu các em, không ai có quyền quyết định thay các em. Đơn giản vậy thôi mà không phải phụ huynh nào cũng thấm. Họ muốn con thế này, mong con thế kia. Họ chọn trường, chọn lớp, chọn trung tâm, bắt con học thêm đủ mọi kỹ năng cho bằng được. Ba tuổi đã phải học tiếng Anh, bốn tuổi đã phải giao tiếp thành thạo, và năm tuổi thì phải chuẩn bị … biến thành thần đồng. Khổ thân cho những đứa bé chưa bao giờ được “nếm mùi” hai chữ đồng thuận từ bố mẹ.
Một phụ huynh đã gần như bật khóc khi chia sẻ về những ký ức tuổi thơ của mình trong buổi hội thảo. Anh là một nạn nhân (theo lời anh nói) của việc ép học thái quá, học trong đau khổ và nơm nớp bị mẹ trừng phạt. Đã hơn 30 năm trôi qua, những ẩn ức đó vẫn còn đeo bám anh đến nghẹn cả lời. Chúng tôi, những người tham gia hội thảo, lặng đi, hiểu rằng, không chỉ có anh, mà rất nhiều người, trong đó có chúng tôi từng trải qua.
Và tôi lại học được thêm, từ câu chuyện của anh, một khái niệm mới, đó là: Thân giáo. Đến bao giờ trẻ em Việt Nam mới thôi không bị áp đặt. Câu trả lời, tôi mong, ít nhất những người có mặt ngày hôm đó, phải trả lời được, trong chính gia đình và các mối quan hệ của mình.
Nguyễn Thị Vân