Nếu chừng nào mệt mỏi, vì một sức ì nào đó, ở vào độ tuổi lẽ ra chưa được nghĩ đến chuyện dừng nghỉ, có lẽ bạn nên gặp một người như Dương Tường. Để nghe ông “ngoan cố” nói về cách ông không bao giờ chịu dừng lại, hay nói cách khác, không “chết chịu” – như tên một bản dịch của ông. Chừng nào trời còn cho sống.

Bằng chứng là ở tuổi 80, ông vừa hoàn thành một bản dịch được coi là “khó nhằn” trong kho tàng văn chương nhân loại và ngay sau đó, lại tiếp tục bắt tay dịch cùng lúc hai đỉnh cao văn chương khác.

Dịch giả Dương Tường, thành viên nhóm Cánh Buồm và Như Quỳnh

(biệt hiệu Kún Quỳnh) trong một chuyến du xuân 2012 ở Hà Tĩnh

Dương Tường trở lại, chưa bao giờ với những bản dịch nhỏ xinh mà lúc nào cũng đồ sộ về tầm vóc. Lần này là “Lolita” – một tác phẩm được giới làm sách nước ta bấy lâu “săn lùng ráo riết” và với Dương Tường, nó còn là một “ấp ủ bấy lâu”.

Lại một đỉnh cao văn chương để ông chinh phục! Lần này, hứng thú điều khiển ông thế nào?

– Phải nói “Lolita” là một tác phẩm mà tôi đã mong ước được dịch bấy lâu. Và càng dịch càng say! Bởi Nabokov đích thị là một phù thủy chữ! Chữ của cha đẻ “Lolita” phải nói rất kỳ lạ. Nó không ngừng biến ảo trong những ngón chơi chữ vừa tinh tế thông thái vừa tinh quái bình dân, suốt từ đầu đến cuối cuốn sách, dù “Lolita” không được viết bằng tiếng mẹ đẻ. Hoàn toàn không giống cách của một kẻ sính trò lóa mắt, lối chơi chữ của Nabokov rõ ràng là của một cao nhân, bởi một cái đầu hết sức uyên bác và một vốn văn hóa mênh mông Đông Tây kim cổ. Quả thật, chỉ có thể đi xa và đi trước thời đại của mình khi có được một vốn văn hóa sâu rộng như vậy! Tôi nghĩ, một số hiện tượng văn chương ở ta không đi được tiếp và được xa, phần lớn, hẳn cũng vì sự nhỏ hẹp về phông văn hóa…

Trong nhiều tranh cãi, ở chiều ngược sáng, “Lolita” từng bị coi là một cuốn “dâm thư”. Điều này, theo ông, có giống như thời phong kiến, người ta từng “kết án” Truyện Kiều: “Đàn ông chớ kể Phan Trần – Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”?

– Tôi nghĩ, nếu ai tìm đọc “Lolita” vì hai chữ “dâm thư” thì sẽ thất vọng vì “Lolita” trái lại, là một cuốn sách hết sức đạo đức. Gắn hai chữ “dâm thư” cho “Lolita” hay “Truyện Kiều” (dù rằng mức độ mỗi thời một khác), tôi nghĩ, đó đều là những suy nghĩ quá sức thô thiển và trần tục.

Một “cuốn sách hết sức đạo đức” – lý do nào khiến ông nghĩ thế về “Lolita”?

– Chưa kể sự quyến rũ của văn chương Nabokov, mà ở đây, chỉ xét riêng trên phương diện đạo đức, “Lolita” đã xứng đáng được coi là một cuốn sách tuyệt vời. Khi nó trình ra một lời thú tội hết sức chân thực, soi rọi vào tất cả mọi ngóc ngách hèn kém nhất của mỗi con người. Cái chân thực đáng tin nhất của một người xưng tội, dù rằng tình yêu đó (của một người đàn ông trung niên với một… bé gái 12 tuổi mà ông gọi là “tiểu nữ thần”), như người ta vẫn gọi là bệnh “ấu dâm”. Không kém quan trọng, là sự tỏa ngời từ một luân lí của nghệ thuật – nó khiến cho tác phẩm được tắm trong cái mà Nabokov gọi là “ân phước thẩm mĩ”…

Ông nghĩ giữa một đời sống thường nhật mà mỗi cú nhấp chuột đều có thể bắt gặp một tin tức giật gân về những con “yêu râu xanh”, thì cách nào để một cuốn có nội dung như “Lolita” có thể không gây ra những tác động trái chiều?

– Bằng vào những giá trị văn chương của cuốn sách, tôi tin rằng những người yêu văn chương đích thực (và đây hẳn là số nhiều) sẽ tìm đọc “Lolita” vì vẻ đẹp nhân văn của nó chứ không phải bằng một lối nghĩ tầm thường như chúng ta vừa nói đến. Khi mà, không ngoại trừ, toàn bộ câu chuyện “bịa” kia của Nabokov chỉ là cái cớ để ông ấy đưa ra lời xưng tội lay động lòng người mạnh mẽ ấy.

Vì sao ông lại có thể đánh giá cao đến thế giá trị của một lời xưng tội?

– Là bởi vì, đó là sự khuyết thiếu vô cùng lớn của nền văn học chúng ta cũng như trong mỗi một người chúng ta hôm nay. Nhiều cuốn hồi ký của ta – vốn được coi là chân thực, tôi thấy, rốt cuộc, chỉ là một cách tự bào chữa, tự “rửa mặt” cho mình. Thành thực khó lắm, nếu như không muốn nói đó là sự dũng cảm nhất của con người!

Nghe nói trước khi dịch “Lolita”, ông đã từng mất hai năm lao lực cho một bản dịch khó không kém nhưng kết quả là… không in được?

– Ừ, đấy là cuốn “Mort à crédit” (Chết chịu) của Louis-Ferdinand Céline, một cuốn sách thuộc loại khó dịch nhất, thậm chí còn khó hơn cả “Những con đường xứ Flanders”, tới nỗi nhiều người đã từng thử dịch nó mà còn phải chào thua. Khi mà trong đó có rất nhiều từ do tác giả đặt ra, không có trong bất kỳ cuốn từ điển nào. Một cuốn sách hơn 600 trang (nhưng nếu in ra tiếng Việt chắc cũng phải hơn 700 trang), vậy mà để hiểu nó, tôi đã phải tìm đọc tận tới hàng nghìn trang sách liên quan đến nó…

Không in được, vậy mà ông vẫn còn đủ kiên nhẫn với một bản dịch nhiều thách đố và cũng khó tìm đầu ra như “Lolita”? Đôi lúc, ông có thấy mình… “lì lợm” không?

– Đúng là khi bắt tay vào dịch “Lolita”, tôi cũng thấy hơi nơm nớp vì không chắc nhà làm sách có xin được giấy phép xuất bản không. Thế nên, việc “Lolita” được cấp phép xuất bản ở ta phải nói là một dấu hiệu đầy cởi mở của nhà quản lý. Về phần mình, một cuốn sách mất bao công lao tâm khổ tứ mà không đến được tay bạn đọc thì đúng là cũng hơi hẫng thật! Nhưng thôi, việc mình, mình làm. Quan trọng nhất là mình được thỏa mãn với đam mê của một người “leo núi”: đó là chinh phục độ cao.

Có duyên với những bản dịch khó, đã bao giờ ông cảm thấy mình phải đứng trong một “cuộc chiến không cân sức”?

– Có thể nói, đó là một sở thích và theo thời gian, đã trở thành một phương châm làm việc của tôi. Đó là luôn muốn kiễng chân cao hơn mình để với được tới một vật cao hơn. Đã đành, kiễng chân thì có thể mỏi, nhưng cũng nhờ thế mà biết đâu, mình được cao lên!

Đặt một kiệt tác giàu chất thơ như “Lolita” vào tay Dương Tường, vì vậy, thiết tưởng không còn lựa chọn nào chính xác hơn, khi người dịch nó còn đồng thời là một nhà thơ có tiếng về cách tân. Nhiều đoạn dịch có thể nói là “đặc sản” Dương Tường khi ngón nghề của người dịch không chỉ đạt đến độ tài năng (dấu ấn của một người am hiểu ngôn ngữ Anh, Pháp) mà còn tài hoa (dấu ấn của một nhà thơ) – đúng như đánh giá của dịch giả Phạm Anh Tuấn: 

“Ôi, Carmen của tôi, Carmen bé bỏng của tôi
Ấy-mấy-là, ấy-mấy-là, những ấy-mấy-là đêm
Nào trăng sao cùng xe cộ, nào quán bar cùng barmen
Và, em iêu, những cuộc đấu long trời lở đất của hai ta
Và giữa thành phố ấy-mấy-là tay khoác tay, ta vui bước
Và cuộc xô xát cuối cùng của đôi ta…”

Ôi sao ông lại có thể nhớ ra cái từ “ấy – mấy – là” đúng lúc đến thế! Ông thích bài… “Trống cơm” sao?

– Thật tình, tôi cũng không biết lý giải thế nào. Chỉ đơn giản là lúc ấy, đến đoạn ấy, thì tự dưng mấy chữ đó chợt vang lên trong đầu. Dịch, như người ta vẫn nói, là tái tạo và đồng sáng tạo…

Một điều “kinh khủng” hơn nữa đó là… gần 500 chú thích nằm dày đặc trong suốt hơn ba trăm trang sách. Trong khi, theo dịch giả Phạm Anh Tuấn: Bản dịch tiếng Pháp của NXB lừng danh Gallimard của Pháp (in năm 2000, sinh thời được Nabokov coi là bản dịch tiếng Pháp “Lolita” đạt nhất) tuyệt nhiên không có bất kỳ một chú thích nào. Bản tiếng Pháp ấn hành năm 2005 được đánh giá cao hơn cũng chỉ có chừng dăm chục chú thích… Ông lo lắng cho bạn đọc lắm sao, khi tỉ mẩn và cặm cụi đến vậy?

– Chỉ là, tôi suy từ mình ra thôi. Bởi có những đoạn, mình đọc đến đấy còn thấy vấp nữa là độc giả bình thường. Vậy nếu như mình không bỏ công ra san lấp bằng được những cái ổ gà đấy thì mức độ thưởng thức và sự hứng thú của bạn đọc sẽ bị giảm đi rất nhiều. Lỗi đó thuộc về ai nếu không phải là người dịch? Chính vậy mà công sức tôi bỏ ra cho gần 500 cái chú thích kia có thể nói là ngang ngửa công sức tôi bỏ ra cho văn bản chính.

Miệt mài bên những trang sách, tới giờ này, ông có thấy tự hào vì mình đã sống được bằng nghề?

– Nếu nghĩ như vậy thì sẽ chẳng có trang sách nào cả. Sẽ không làm được gì hết. Vì thử hỏi, với một mức nhuận bút chỉ tầm hơn 20 triệu (có người nói chừng đó chưa bằng… một năm lương giúp việc), thì sao “lại” được công sức mình bỏ ra ròng rã suốt hai năm trời? Hoặc giả, nếu không có gần 500 cái chú thích ấy, thì số tiền tôi nhận được có thể vẫn vậy. Nhưng còn tình yêu của mình, với từng con chữ, với tác giả, với bạn đọc, và cái nghiệp mình bao năm đeo đuổi? Điều này, tôi nghĩ, chỉ có thể lý giải bằng hai chữ: “văn đức”!

“Rời tay” Lolita, những tưởng Dương Tường nghỉ ngơi, dè đâu ông lại tiếp tục bắt tay vào hai bản dịch mới, cũng đều được coi là món “khó nhằn”: “Tìm lại thời gian đã mất” của nhà văn Pháp Marcel Proust – bộ tiểu thuyết 7 cuốn từng được tạp chí Time bình chọn là một trong số mười cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại (dịch cùng nhóm dịch giả) và “Cơn bão” – một vở kịch nổi tiếng của nhà viết kịch vĩ đại William Shakespeare.

Ông nhất quyết không chịu dừng sao?

–    Dừng làm sao được? Dừng là chết!

Thủy Lê

Theo Lao Động cuối tuần