“Trong công cuộc cải cách giáo dục, cái khó nhất là thay đổi người lớn” (Phạm Toàn) – tin chắc rằng với những buổi sinh hoạt thường kì như thế này, các thành viên Câu lạc bộ Sư phạm Cánh Buồm sẽ là những người thay đổi tích cực nhất để bắt kịp với nhịp độ phát triển của trẻ em, để thực sự tôn trọng trẻ em và có khả năng hướng dẫn các em phương pháp học tập hiện đại.
Thực hiện lời hứa tại hội thảo “EM BIẾT CÁCH HỌC” năm 2012 về việc phổ biến các nội dung của bộ sách Cánh Buồm, của phương pháp tự học – tự giáo dục đến với đông đảo phụ huynh và những người quan tâm tới giáo dục, nhất là bậc tiểu học, chiều thứ Bảy, ngày 13/7/2012, vào hồi 15:00 tại Cà phê Trung Nguyên, số 52 Hai Bà Trưng Hà Nội, Nhóm Cánh Buồm, với sự phối hợp với báo Tia Sáng và Cà phê Trung Nguyên, đã tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Sư phạm Cánh Buồm đồng thời tiến hành buổi sinh hoạt mang chủ đề TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC – hoạt động mở đầu cho chương trình NGÀY SƯ PHẠM CÁNH BUỒM.
Nhóm Cánh Buồm và những người bạn
Đến với ra mắt này có tiến sĩ Nguyễn Văn Thành – đại diện báo Tia sáng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch tập đoàn Cà phê Trung Nguyên cùng rất nhiều người tâm huyết với giáo dục nước nhà, đã thường xuyên theo dõi, góp ý và ủng hộ cho hoạt động của Nhóm Cánh Buồm như Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nhà thơ Dương Tường, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Vũ Hà Văn, tiến sĩ Trần Văn Khải, tiến sĩ Giáp Văn Dương… và gần 100 khách đăng kí tham dự.
Các khán giả đến với buổi tọa đàm đều mang theo tâm trạng háo hức, mong muốn để hiểu hơn về tâm lý con trẻ, nắm được cách học của con, từ đó mà biết cách dạy con học cũng như điều chỉnh cách học của bản thân. Đáp ứng những mong đợi ấy, chị Đinh Phương Thảo, Chủ nhiệm CLB Sư phạm Cánh Buồm, nói: “CLB Sư phạm Cánh Buồm không chỉ dành riêng cho các giáo viên, sinh viên các trường sư phạm, mà dành cho tất cả những người quan tâm đến giáo dục, đến sư phạm, đến việc học hành của trẻ em. Đây là nơi mang phương pháp học tập hiện đại đến với từng cá nhân, từng gia đình.”
Sau phần ra mắt CLB Sư phạm Cánh Buồm là phần thuyết trình của nhà giáo Phạm Toàn về tâm lý học giáo dục, tập trung vào việc giới thiệu các công trình nghiên cứu tâm lý đã trực tiếp hoặc gián tiếp tạo cơ sở cho phương pháp giáo dục mà Cánh Buồm theo đuổi: Tự học – Tự giáo dục.
Nhà giáo Phạm Toàn đang thuyết trình về Tâm lý học giáo dục
Mở đầu, nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu về cách nghiên cứu được đánh giá là “tâm lý học thực nghiệm” của Wilhelm Maximilian Wundt: ông đã tổ chức cho những sinh viên cùng tham gia thực nghiệm và mô tả lại trải nghiệm của mình. Từ năm 1879 đến năm 1912, ông đã hướng dẫn 186 luận án tiến sĩ tâm lý học – nói cách khác, ít nhất đã có gần hai trăm lần chứng minh hiện tượng tâm lý học bằng thực nghiệm.
Sau Wundt, ở Pháp có bác sĩ Alfred Binet bắt đầu từ năm 1905 đã xây dựng hẳn một bộ câu hỏi trắc nghiệm nhằm phân loại học sinh trước khi vào học bậc tiểu học. Bộ trắc nghiệm sau đó đã vượt Đại Tây Dương qua Mỹ châu, để được hoàn thiện thêm, trở thành bộ đo nghiệm Binet-Simon cung cấp những cơ sở dữ liệu nghiên cứu quy luật về việc học thể hiện trong “Định luật về hiệu quả học tập”. Đến năm 1910, bài báo “Đóng góp của tâm lý học cho công cuộc giáo dục” của Edward Thorndike được xuất bản, khẳng định vai trò không thể thiếu của tâm lý học đối với giáo dục.
Cả diễn giả và khán giả đều rất say sưa
Cuộc viễn du của tâm lý học qua Đại Tây Dương sau rồi lại quay trở về châu Âu với những công trình của nhà tâm lý học Thụy Sĩ Jean Piaget. Piaget khi bắt đầu nghiên cứu tâm lý học cũng từng đi theo con đường của Mỹ là người đo nghiệm IQ của trẻ em. Khác với những đồng nghiệp, ông không chỉ thu thập những câu trả lời “đúng”, mà ông còn chú ý tới những câu trả lời “sai” của con trẻ. Ông cũng mở trường ở Genève cho trẻ em bình thường (khác với đối tượng trẻ em có khiếm khuyết thời Binet, và rất khác với đối tượng thực nghiệm là động vật ở Hoa Kỳ) lấy tên là trường Jean-Jacques Rousseau, cho ba đứa con đẻ của mình theo học ở đó, và cần cù làm thực nghiệm hình thành trí khôn thao tác ở con trẻ.
Từ đầu những năm 1930 ở Liên Xô cũ cũng xuất hiện nhiều nghiên cứu tâm lý học quan trọng. Các nước phương Tây cho tới nay vẫn thường vinh danh nhà tâm lý học Lev Vygotski với sự nhấn mạnh vào bối cảnh văn hóa của người học. Các nhà tâm lý học khác của Liên Xô cũ cũng có công rất lớn khi củng cố thêm lý thuyết về trí khôn thao tác bằng những thực nghiệm dạy khái niệm khoa học cho trẻ em. Có thể thấy một số thành tựu tâm lý học giáo dục theo hướng Xô-viết đó tại Hà Nội trong công trình “giáo dục thực nghiệm” do Hồ Ngọc Đại khởi xướng, và ở đó Phạm Toàn cũng hình thành những thực nghiệm để soạn ra chương trình và sách giáo khoa giáo dục nghệ thuật, giáo dục ngôn ngữ học cho trẻ em tiểu học.
Cuối cùng, các luồng tâm lý học giáo dục đó cũng được bổ sung bằng một đóng góp hoàn toàn mới mẻ, độc đáo, và dân chủ mà tác giả là nhà tâm lý học đương thời Hoa Kỳ Howard Gardner – lý thuyết về trí khôn nhiều thành phần (Cơ cấu trí khôn, bản dịch của Phạm Toàn, nhà xuất bản Giáo dục, 1997, 1998; nhà xuất bản Tri thức, 2011). Howard Gardner không hoàn toàn đồng tình với Piaget khi ngả về khuynh hướng rất coi trọng trí khôn toán học ở con người – Gardner nhấn mạnh vào sự đa dạng của trí khôn người. Bảy thành phần trí khôn có thể có ở một con người, và ở một người có khi cũng chỉ có một vài thành phần trí khôn cũng là đủ cho sự phát triển của chính con người ấy. Các thành phần đó là: trí khôn ngôn ngữ, trí khôn logic-toán, trí khôn không gian, trí khôn cơ thể ở dạng động, trí khôn âm nhạc, trí khôn cá nhân hướng nội, và trí khôn cá nhân hướng ngoại.
Như vậy, có thể thấy rằng nhóm Cánh Buồm đã tìm cách thừa kế có chọn lọc các thành tựu tinh hoa trong môn tâm lý học mà loài người đã đạt được để áp dụng vào việc xây dựng chương trình học và các sách giáo khoa của nhóm những năm qua.
Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi phát biểu tại buổi tọa đàm
Phần thảo luận, chia sẻ sau ít phút giải lao diễn ra khá sôi nổi. Nội dung thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả là nghiên cứu về thao tác học của Piaget và lí thuyết trí khôn nhiều thành phần của Gardner cũng như ứng dụng những nội dung đó vào việc dạy học. Một thông tin thú vị được nhà giáo Phạm Toàn tiết lộ: Nhóm Cánh Buồm đang tổ chức dịch các tác phẩm tâm lý học của hai nhà nghiên cứu này. Hiện nay, hai thành viên cao tuổi của nhóm Cánh Buồm (nhà thơ Hoàng Hưng và nhà văn Nguyễn Xuân Khánh) đã hoàn thành bản dịch hai tác phẩm quan trọng của Piaget, “Sự ra đời trí khôn con trẻ” và “Sự hình thành biểu tượng ở con trẻ” , sẽ sớm ra mắt trong tủ sách tâm lý học Cánh Buồm.
TS Giáp Văn Dương chia sẻ với khán giả
Vấn đề “học có ý thức” được thảo luận đặc biệt sôi nổi. Tiến sĩ Giáp Văn Dương chia sẻ: Qua các khảo sát của ông, có thể thấy hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh và đa phần các bạn học sinh, sinh viên không ý thức được về việc học, bối rối trước câu hỏi “Học để làm gì?” Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng việc học của trẻ em phải dựa nhiều vào sự ham học tự nhiên, học bằng trí não, bằng cơ thể và người thầy cần phải dạy có ý thức.
GS Ngô Bảo Châu và nhà giáo Phạm Toàn
Nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ về quan niệm của Cánh Buồm: Học sinh đi học, bước vào năm học lớp 1 là bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới – thay vì giai đoạn học tập bằng kinh nghiệm của những năm đầu đời – giờ đây các em học tập một cách khoa học, có phương pháp. Chính vì thế học sinh (và cả giáo viên) phải nắm được nhiệm vụ của từng bậc học, từng môn học và nhiệm vụ cụ thể của môn học đó trong năm học – qua việc thực hiện các hoạt động học dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo, các em hoàn thành nhiệm vụ học tập, tự tạo ra vốn kiến thức cho bản thân. Nói ngắn gọn, cách làm của Nhóm Cánh Buồm là khiến cho học sinh có ý thức về việc học. Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi bổ sung: “Tôi hiểu có ý thức ở đây là dạy cho trẻ con qua việc làm tự tìm đến kiến thức, điều này thể hiện rất rõ trong bộ sách Cánh Buồm”, “trẻ con rất thích thú và làm việc một cách hào hứng”. Tiến sĩ Trần Văn Khải đặc biệt tâm đắc với cách làm này và “xin tình nguyện vào Nhóm Cánh Buồm”.
Đặt câu hỏi cho diễn giả
Buổi tọa đàm kết thúc lúc 18:00, kéo dài hơn 1 giờ so với chương trình của Ban tổ chức song cả diễn giả và khán giả đều tỏ ra hào hứng. Mọi người ra về với lời hẹn gặp lại vào buổi sinh hoạt tiếp theo của CLB Sư phạm Cánh Buồm – ngày 10/8/2013 cũng tại Cà phê Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
“Trong công cuộc cải cách giáo dục, cái khó nhất là thay đổi người lớn” (Phạm Toàn) – tin chắc rằng với những buổi sinh hoạt thường kì như thế này, các thành viên CLB Sư phạm Cánh Buồm sẽ là những người thay đổi tích cực nhất để bắt kịp với nhịp độ phát triển của trẻ em, để thực sự tôn trọng trẻ em và có khả năng hướng dẫn các em phương pháp học tập hiện đại.
Đinh Phương Thảo