Chúng tôi giới thiệu ở đây mấy bản mẫu một tiết lên lớp hoặc vài tiết lên lớp với những điều giáo viên bắt buộc phải hướng dẫn và tổ chức cho học sinh thực hiện bằng những việc làm dự kiến sẵn.


Tiết 1 – Phương pháp học – Nguyên tắc đồng thuận

Yêu cầu

– H tham gia học bằng hoạt động, thảo luận, đóng vai, rút ra kết luận.

– Biết 3 nhóm người trong trường là H (học sinh), T (giáo viên) và PH (phụ huynh)

– Bắt đầu biết thế nào là đồng thuận.

Việc 1 – Nhận ra các Tập hợp khác nhau trong trường. (20 phút)

a./ Nhận ra Tập hợp học sinh (7 phút)

T – Chào các em. (H có thể chào lại, lộn xộn – T uốn nắn bằng việc làm)

Các em đã lên lớp 1, cô dạy các em cách chào của lớp 1. (ngừng)  Khi giáo viên vào lớp, các em đứng dậy, đó là chào. (ngừng) Các em tập đứng dậy. (ngừng, cho H đứng dậy, uốn nắn, khen) Bây giờ các em ngồi xuống, tập chào cô theo đúng cách chào của lớp 1.   

(T ra ngoài, vào lớp, các H chào, T khen các H chào đúng cách và không gây tiếng động – tập lại 3 lần, sang việc khác).

T – Hôm nay, các em học môn Lối sống.  Các em nhắc lại để nhớ tên môn học : Lối Sống. (H nhắc lại). Sống chung thì phải biết nhau. Bây giờ cô mời một em tự giới thiệu tên mình cho các bạn… Mời em …

H – (nói tên mìnhcũng có thể lúng túng, T mời em khác làm mẫu cho nhanh – khi H đó nói tên rồi, T vẽ một vòng tròn sẽ thành “tập hợp” học sinh, và cho H cả lớp nhắc lại tên bạn mới tự giới thiệu).

T – Tốt lắm. Mới các bạn nhắc lại tên bạn mới tự giới thiệu… (H đồng thanh nhắc tên bạn trong khi H bổ sung một phần tử vào tập hợp H)

[T cho các H tự giới thiệu theo mẫu đó và hoàn thành tập hợp học sinh)

T – (chỉ vào tập hợp trên bảng chung) Cô mời các bạn gọi cùng nói tên tập hợp này (nên nhớ, lúc này, bên Toán đã dạy các em gọi tên “tập hợp” – nhưng nếu chưa học đến đó, thì T dùng cách nói khác) Cô mời các bạn gọi tên nhóm này : Nhóm học sinh

H – (H nhắc lại: Nhóm học sinh).

T – (kiểm tra để củng cố) Cô mời em … gọi tên hình vẽ này.

H – Nhóm học sinh (nhiều H khác nói).

b./  – Nhận ra Tập hợp Phụ huynh (7 phút)

T – Các em đã nhận ra Tập hợp (Nhóm) học sinh như hình cô vẽ trên bảng. Bây giờ cô vẽ một nhóm nữa, đố các em biết chúng ta sẽ giới thiệu những ai ở đây? (H suy nghĩ, cãi nhau tự do, trong khi cô vẽ thêm một tập hợp với 1 phần tử bên cạnh tập hợp H đã có).

[T chú ý: cho H làm lại công việc giới thiệu như ở việc 1, nay là giới thiệu phụ huynh, bố hoặc mẹ hoặc người vừa mới đưa các em đi học].

(Sẽ có hai tập hợp biểu diễn hai nhóm người như sau)

T – Các em gọi tên Nhóm này là nhóm gì?

H – Nhóm cha mẹ học sinh … nhóm cha mẹ và anh chị học sinh … nhóm phụ huynh học sinh … (cùng thống nhất một tên gọi) Nhóm Phụ huynh.

c./ – Nhận ra Tập hợp Giáo viên (5 phút)

T – Các em đã nhận ra 2 Tập hợp (nhóm) trong nhà trường. Đó là nhóm gì? (H trả lời: Tập hợp H, tập hợp PH – cho trả lời đồng thanh và cá nhân). Đố các em trong trường còn một nhóm người nào nữa? (H phải thảo luận và đoán ra – cứ cho tranh cãi, không kết luận). Đố các em thêm điều này nữa: cô sắp vẽ gì trên bảng? (Cô vẽ một tập hợp thứ 3).

(T vẽ thêm và có như sau)

T – Cô tự giới thiệu với các em: tên cô là Cao Thị Bá Quát … giáo viên lớp 1… (vẽ một ký hiệu một phần tử trong tập hợp).Mời các em nhắc lại tên cô …

H – (nhắc lại đồng thanh và cá nhân và có những cách diễn đạt khác nhau như: cô giáo tên là … Cô CTBQ là … Cô giáo của em tên là … ).

[T cho H làm lại công việc giới thiệu như ở việc 1 và 2, nay là giới thiệu giáo viên, kể ra những giáo viên các em biết, cô bổ sung vài ba giáo viên, các em nhắc lại tên giáo viên].

Sẽ có đủ 3 tập hợp như sau:

Việc 2 – Trò chơi đóng vai “tìm đồng thuận” (10 phút)

T – Các em đã biết trong trường có mấy nhóm người?

H – (theo tay chỉ của T vào từng tập hợp trên bảng, sau đó từng em cũng chỉ vào từng tập hợp để trả lời) Nhóm học sinh, nhóm Phụ huynh, nhóm Giáo viên.

T – Bây giờ cả lớp chơi một trò chơi đóng vai ba người bàn việc nhà trường. Em nào nhắc lại nhiệm vụ.

H – Trò chơi đóng vai ba người bàn việc nhà trường. (Cho H diễn đạt theo cách khác nhau).

T – Cách chơi như sau: có 3 em, 1 em đóng vai T, 1 em đóng vai H, 1 em đóng vai PH. Ba người bàn chuyện gì, cô để các em nghĩ… (Gợi ý) Ba người có thể bàn chuyện gì? (Cho các em bàn xem bàn chuyện gì. Cuối cùng T có thể thêm) Bàn chuyện làm gì để đi học đúng giờ?

[T tinh ý khi chơi thì T nên đóng một vai, với nhóm này T đóng vai PH, với nhóm sau T đóng vai G, và với nhóm sau nữa T đóng vai H… cốt để có dịp gợi ý cho “ba vị” bàn bạc đi đến đồng thuận. Có thể cho vài ba nhóm diễn trò này. Đây là gợi ý để T “bàn ngang”:

T – (vai PH) Cô giáo ơi cháu nhà tôi dậy muộn lắm, hôm nào cũng vội … Xin cô giáo cho tôi lấy roi đánh được không ạ?

T – (vai PH) Cô giáo ơi cháu nhà tôi hay thức khuya coi TiVi nên sáng nào cũng …

T – (vai H) Em thưa cô, em thích đi học đúng giờ, nhưng chính mẹ em ăn sáng lâu lâu là nên hay đi muộn ạ …

T – (vai H) Em thưa cô, cô bảo mẹ em cho em đi bộ đến trường, em tự đi được nhanh lắm ạ …

Việc 3 – Sơ kết (5 phút)

T – Vừa rồi các em học môn học gì?

H – Môn Lối sống.

T – Các em biết trong trường có mấy nhóm người?

H – (H chỉ bảng trả lời) Trường có nhóm H, nhóm T, nhóm PH …

T – Các em vừa chơi đóng vai đại diện các nhóm người bàn chuyện gì?

H – (T gợi ý cho H trả lời theo cách riêng) Em được đóng vai … còn cô giáo đóng vai … và bạn X đóng vai … để bàn việc đi học đúng giờ…

T – Cô dạy các bạn điều này: ba người của ba nhóm giáo viên, phụ huynh và học sinh bàn nhau làm việc, chúng ta gọi đó là tìm đồng thuận. Các em còn học nhiều về đồng thuận. Nhưng hôm nay cứ nhớ như thế đã:  tìm đồng thuận (H nhắc lại đồng thanh) … các nhóm người đi tìm đồng thuận. (H nhắc lại đồng thanh) …

T – Về nhà các em kể cho ông bà cha mẹ: hôm nay ở trường em học môn gì? Học như thế nào? (H kể tự do – cố gằng nhắc lại đủ: Nhóm người trong trường, đi tìm đồng thuận)… 

T – Cô cám ơn các em, tiết học hôm nay đến đây là hết. Các em nghỉ. Khi hết tiết, cô cho nghỉ, các em đứng dậy chào theo đúng cách chào lớp 1 ấy.  (H đứng dậy chào, cô đáp lại thân tình và lịch sự).

Biên soạn:
Nguyễn Thị Thanh Hải
Đinh Phương Thảo