Maria Montessori – Rudolf Steiner – Rachel và Margaret McMillan
Maria Montessori (1870 – 1952)
Maria Montessori là một cái tên có ý nghĩa lớn lao, bà được công nhận là một nhân vật sáng tạo vĩ đại và có ảnh hưởng trong giới giáo dục những năm đầu đời. Sinh năm 1870 ở IItaly, bà là người đầu tiên của giới mình trở thành một bác sĩ y khoa. Maria cũng là một người mẹ đơn thân, và trong thời niên thiếu đã chọn vào học trong một trường dành riêng cho nam sinh ở tuổi 13 như một biện pháp tự giáo dục để lập nghiệp như một kĩ sư. Maria quan tâm sâu sắc đến nhu cầu của những trẻ em có khó khăn trong học tập, cái mà chúng ta gọi là “Những nhu cầu Giáo dục đặc biệt” Maria thành công đáng kể với những trẻ em này, thời đó bị coi là không thể giáo dục được. Bà được chỉ định làm Giám đốc Scuola Ortofrenica, là một trong số những viện ở Italy chăm sóc những trẻ em có vấn đề về sức khoẻ tâm thần.
Montessori cho rằng tiến trình phát triển trong trẻ nhỏ được dẫn dắt bởi những chỉ thị vốn đã nằm trong bản chất của đứa trẻ (Feez, 2010). Do đó người thầy giáo Montessori đặc biệt nhấn mạnh lên môi trường trong đó đứa trẻ học tập. Theo một nghĩa nào đó, người thày giáo trở thành người bảo vệ môi trường đó, và bằng cách thay đổi nó, thày giáo làm cho đứa trẻ có thể phát triển với nhịp độ tự nhiên, nhờ đó làm nảy nở tính sáng tạo và giúp đỡ cho việc học của trẻ.
Montessori đưa ra khái niệm Ngôi nhà Trẻ em (Casa dei Bambini) trong đó thày giáo tạo ra một môi trường những kích thích và là nơi trẻ em tự do phát triển việc học của chúng một cách tự nhiên và cá tính hoá. Montessori biện hộ mạnh mẽ cho tầm quan trọng của việc trẻ nhỏ học tập thông qua những cảm giác của chúng. Bà cũng coi quá trình giáo dục mà trẻ em tự chịu trách nhiệm về việc học của chúng là cơ bản. Để trợ giúp trẻ em trong mặt này, Montessori có sáng kiến thiết kế đồ đạc trong Ngôi nhà Trẻ em của bà sao cho nó có kích cỡ thích hợp với trẻ em, một nhân tố mà ngày nay là đương nhiên.
Ở trung tâm Phương pháp Montessori là khái niệm “các giai đoạn” (Planes) mà trẻ em đi qua trong hành trình học tập của chúng. Chính trong Giai đoạn đầu tiên đứa trẻ trải qua những mức độ thay đổi có ý nghĩa trong các lĩnh vực phát triển về thể chất, xã hội và cảm xúc. Tại đây, đứa trẻ dưới 7 tuổi bắt đầu đi những bước đầu tiên, dùng những từ đầu tiên và hoà nhập với những người khác. Vào thời điểm chúng sẵn sàng chuyển sang giai đoạn sau, chúng có thể chạy, nhảy, leo trèo và tham gia những cuộc nói chuyện với những người khác, sử dụng những cấu trúc ngôn ngữ và từ vựng phức tạp và tinh vi. Chúng bắt đầu hiểu tình cảm của những người khác, và áp dụng những hành vi và hành động của chúng cho phù hợp với những tình cảm này. Hơn nữa, chúng đang học để tương tác với những người xung quanh chúng, kết bạn và thích nghi với tính phức tạp của các tương quan xã hội bên ngoài gia đình chúng. Cũng trong giai đoạn đầu tiên trẻ nhỏ bắt đầu phát triển những khả năng của chúng trong những khu vực quan trọng như trí nhớ, xử lí thông tin, biểu hiện và tiếp thu ngôn ngữ, và cũng chính trong giai đoạn này người lớn làm việc với trẻ nhỏ thường nhận thấy diễn ra những bước tiến lớn trong việc học của trẻ. Trong Giai đoạn thứ nhất Montessori nhận dạng 11 ‘thời kì nhạy cảm’ theo cách gọi của bà: Chuyển động , Ngôn ngữ, Những Đồ vật nhỏ, Trật tự, Âm nhạc, Lòng biết ơn và Lịch sự, Tinh lọc của Cảm giác, Ham mê Viết, Đọc, Những mối quan hệ không gian, và Toán học. Chúng sẽ được thảo luận đầy đủ trong chương 9.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố thú vị trong tư duy độc đáo của Montessori là bà thiếu nhiệt tình với sự vui chơi giàu tưởng tượng và giả vờ, và điều này thật đáng ngạc nhiên khi bà nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm và phát triển sớm. Thật ra Montessori đã nhận thấy hạn chế của loại trò chơi này, cho nên bà đã nhấn mạnh tầm quan trọng vào giá trị của các hoạt động thực hành: “Chẳng hạn, bà thích động viên trẻ em thật sự phục vụ các bữa ăn, hay tự tay chúng dọn dẹp ngôi nhà nơi chúng ở, hơn là chơi vào lúc ăn cơm trong một ‘nhà chơi’” (Smith et al., 2003, tr 230).
Sau khi đã xem xét các yếu tố chủ yếu tạo nên những cột trụ tư tưởng của Maria Montessori, bây giờ chúng ta quay sang Rudolf Steiner, là người đã để lại một di sản đồ sộ, tiếp tục hướng dẫn tư duy và thực tiễn của nhiều nhà thực hành làm việc với trẻ nhỏ ngày nay.
Rudolf Steiner (1861 – 1925)
Rudolf Steiner sinh ra trong vùng ngày nay thuộc Croatia và lúc đó là một phần của Đế quốc Áo-Hung. Ông sinh vào tháng Hai 1861, hai năm sau khi John Dewey ra đời và mất năm 1925. Steiner có tài năng hoàn hảo trong nhiều lĩnh vực, ông là nhà ngôn ngữ học, nhà toán học, kiến trúc sư, nhà khoa học và học giả nghiên cứu cổ điển tài năng. Trong suốt cuộc đời, Steiner vẫn luôn trung thành với niềm tin của ông rằng một mục tiêu cơ bản của giáo dục là phát triển những tiềm năng ở trẻ em. Rõ ràng là triết lí giáo dục và các hoạt động của Steiner cũng như những cố gắng của ông trong lĩnh vực giáo dục đã có ảnh hưởng lớn đến những người thực hành, các nhà văn và các học giả ngày nay.
Hiện nay có khoảng 1000 trường Steiner và khoảng 2000 cơ sở giáo dục mẫu giáo trên toàn thế giới. Mặc dầu triết lí ban đầu vẫn giữ nguyên không đổi, nhiều trường Steiner trên khắp thế giới đã tiến lên theo những con đường khác nhau, phản ánh trong bản thân nó quan điểm uyên bác và có tính sáng tạo cao mà ban đầu bản thân Steiner áp dụng. Steiner lập ra trường học đầu tiên của ông ở thành phố Stuttgart theo lời mời của một nhà công nghiệp hàng đầu, Waldorf Astoria, là chủ một nhà máy thuốc lá lớn. Mục đích mở trường là để dạy dỗ con em những người làm việc trong nhà máy, do di sản này một số trường Steiner ngày nay vẫn được gọi là trường Steiner Waldorf. Trường này được xây dựng trên những quan điểm tiến bộ về giáo dục và là một thành công lớn. Steiner lao vào tất cả các khía cạnh của tổ chức trường này, và ông tham gia cả vào việc đào tạo giáo viên cho trường.
Steiner cho rằng chức năng của giáo dục là đáp ứng những nhu cầu thường xuyên thay đổi của trẻ em, và không chỉ những nhu cầu về thể chất mà quan trọng hơn, cả những nhu cầu về nhận thức và cảm xúc. (Goddard Blythe, 2008, trích trong Miller and Pound, 2011)
Các trường Steiner không có giáo viên trưởng và tất cả các thầy giáo có chung những trách nhiệm.
Những điểm then chốt làm nên triết lí giáo dục của Steiner như sau. Trong những năm đầu tiên và cho đến 7 tuổi, việc giáo dục chủ yếu nhấn mạnh lên vui chơi, nghệ thuật và vẽ, lên thế giới tự nhiên của đứa trẻ, và lên những mối liên hệ giữa nghệ thuật và khoa học. Trước tuổi lên 7, trẻ em không được chính thức dạy cho đọc, lý do là trẻ em sẽ học đọc hiệu quả hơn nhiều nếu chúng được phát triển về mặt cảm xúc và xã hội. Trẻ em được dạy đọc, viết và làm toán muộn hơn trẻ em ở các trường khác. Niềm tin ở đây là trẻ em, khi lớn hơn, sẽ chín hơn và sẽ biết đọc biết viết biết làm toán như thường lệ dễ dàng hơn và với ít áp lực hơn. Điều thú vị là, triết lí Steiner chủ trương rằng trẻ em nên được dạy viết trước khi dạy đọc. Một lần nữa, ở đây đáng rút ra một so sánh giữa triết lí này và thực tế hiện nay ở Anh, chủ trương cho trẻ em học phát âm khi lần đầu tiên chúng đến trường ở tuổi lên 5.
Trẻ em được khuyến khích hát hàng ngày và tập chơi nhạc cụ. Chúng cũng được làm quen với ý tưởng làm những cuốn sách học bài của riêng chúng, trong đó chúng viết và vẽ minh họa. Việc đánh giá trẻ em được tiến hành chủ yếu thông qua quan sát của thầy giáo, tập trung vào các khía cạnh cảm xúc và xã hội cũng như những tiến bộ về học vấn. Đứa trẻ, khi có thể, giữ nguyên thầy giáo cho đến giai đoạn hai, bằng cách đó tin cậy vào tầm quan trọng của các mối quan hệ và kiến thức của thầy về sự phát triển cảm xúc và xã hội của đứa trẻ.
Các giáo viên làm việc trong môi trường Steiner dùng một cách tiếp cận “kể chuyện” dẫn tới việc học, đặc biệt nhấn mạnh lên nghe và lôi cuốn trẻ em nhỏ vào biểu hiện nội tâm của các nhân vật và phát triển trí tưởng tượng. Sau khi đã được giới thiệu tài liệu dưới dạng một câu chuyện kể vào một ngày nào đó chẳng hạn, trẻ em sẽ được yêu cầu thăm lại nội dung vào ngày hôm sau và kể lại câu chuyện đó, mục đích là cải thiện khả năng nói và trí nhớ. Khi các quá trình nghe và kể lại đã nhuần nhuyễn, trẻ em có thể viết lại câu chuyện. Một lần nữa, cũng đáng xét xem quá trình này có thể có giá trị như thế nào trong xã hội hiện đại của chúng ta, khi nhiều trẻ em đến trường với kỹ năng nghe tồi, nói ngắc ngứ và từ vừng nghèo nàn (Palmer, 2006; Zvozdiak-Myers, 2007).
Phần nào việc Steiner nhấn mạnh lên tính cá nhân của giáo dục là do ông tập trung làm việc sâu sắc với cá nhân trẻ em. Điều thú vị khi so sánh thực tế hiện nay ở phần lớn các nước phát triển, tại đó nhu cầu của cá nhân trẻ em, đặc biệt là những trẻ có khó khăn trong học tập, đã trở thành trung tâm của nhiều chương trình dạy học và thực hành. Cũng thú vị khi làm phép so sánh với những chương trình giảng dạy được đưa ra cho các trường công ở Anh và mức độ nhấn mạnh hay không đến việc học một cách độc lập và sáng tạo.
Rachel McMillan (1859 – 1917) và Margaret McMillan (1860 – 1931)
Rachem McMillan sinh ngày 25 tháng Ba năm 1859 tại New York, Hoa Kỳ. Em gái bà, Margaret sinh ngày 20 tháng Bảy năm 1860. Cha mẹ Rachel và Margaret di cư từ Scoland năm 1840. Đáng buồn là cha họ, James cùng với chị của họ Elizabeth chết năm 1865, khi Margaret mới 5 tuổi. Mẹ của họ sau đó đem hai con gái quay về Scoland. Ít năm sau, 1877 mẹ của họ cũng chết để lại hai cô con gái mồ côi cả cha lẫn mẹ, lúc Margaret mới chỉ 17. Sau cái chết của bà họ năm 1888, Rachel chuyển đến London để sống gần em gái hơn. Phần lớn London vào thời gian đó đặc trưng bởi nghèo khổ, vệ sinh kém và đang cần cải cách xã hội. Thực tế, đúng vào thời gian Rachel chuyển đến London tên giết người ghê tởm Jack the Ripper dính líu đến năm vụ giết người. Chính là năm 1899 năm bắt đầu thực hiện phổ cập giáo dục, và chính ở London này hai chị em lao mình vào với đầy nhiệt huyết và một cái nhìn mạnh mẽ về việc nên giáo dục trẻ nhỏ như thế nào.
Sau một đợt vận động duy trì liên tục, hai chị em McMillan đã thành công trong việc đưa ra bữa ăn nhà trường miễn phí cho trẻ em, sau khi Đạo luật về Cung cấp Bữa ăn Nhà trường được thông qua năm 1906. Hai chị em còn phụ trách đưa ra việc khám sức khoẻ định kì cho trẻ em trong độ tuổi đến trường, với phòng khám đầu tiên được mở năm 1908. Cần nhớ rằng vào thời gian đó ở nước Anh có nạn nghèo khổ phi thường, đặc biệt trong các thành phố. London vào thời đó có nhiều khu nhà ổ chuột, nơi tỉ lệ trẻ em còn trứng nước chết cực kì cao và mức sống cực kì thấp. Chẳng hạn, năm 1841, trung bình người London chỉ hi vọng sống đến 35 tuổi. Bảy mươi năm sau, 1911, họ trung bình có thể hi vọng sống đến 50. (Hall, 1998, tr 695). nhìêu ngôi nhà vệ sinh rất kém và các gia đình chen chúc trong những diện tích nhỏ xíu bên trong những ngôi nhà, thường chung nhau những căn phòng dành cho một người. Hầu hết thời đó người ta chết vì bệnh truyền nhiễm, nhiều trẻ em rất nhỏ chết vì bệnh ỉa chảy, do côn trùng mang mầm bệnh gây ra. Ước tính (Horn, 1997) nửa đầu thế kỉ mười chín khoảng 30.000 trẻ em không nhà thường xuyên lang thang trên các đường phố London, thường kiệt sức, suy dinh dưỡng và ngủ vạ vật. Trong các thập kỉ trước, từ 1831 đến 1866, khoảng 140. 000 người chết vì bệnh tả.
Giống như Montessorry và nhiều người khác, chị em McMillan tin rằng những năm đầu đời đứa trẻ là cực kì quan trọng đối với sự phát triển tương lai. Thật ra, họ đã tìm thấy những gì ngày nay được biết như Phong trào Trường Mẫu giáo. Trong nhiều khía cạnh, có thể coi họ như những người cải cách xã hội. Họ cũng hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học ngoài trời, có thể xem như đi trước của việc ngày nay những người thực hành giáo dục trẻ nhỏ nhấn mạnh chơi ngoài trời, và mới gần đây, những “Trường trong Rừng”. Tuy nhiên cần nhớ rằng khi chị em McMillan cổ vũ việc học ngoài trời thì họ làm việc chủ yếu với những trẻ em rất nghèo và có hoàn cảnh không may. Ngày nay có thể coi việc cho trẻ em chơi ngoài trời là hoàn toàn thìch hợp. Thật ra, việc chơi ngoài trời được phần lớn những người thực hành giáo dục trẻ nhỏ coi là một bộ phận quan trọng của chương trình giáo dục trẻ em. Tuy nhiên trong những thập kỉ qua, không phải điều này lúc nào cũng thế, vì chơi ngoài trời chỉ được coi là “ra chơi”, tức là những phút nghỉ giữa những giờ ngồi học trong lớp.
Năm 1904, Margaret xuất bản cuốn Giáo dục thông qua tưởng tượng, trong đó bà tranh cãi chống lại quan niệm được nhiều người theo cho rằng trí tưởng tượng có rất ít ích lợi cho trẻ em trong việc học. Bà đã lập luận rằng trí tượng tượng thật ra là rất quan trọng và nên coi là một yếu tố then chốt trong giáo dục trẻ em và trong việc học tập của chúng. Hơn nữa, bà còn coi nó là một yếu tố quan trọng để cải thiện xã hội. Tất nhiên quan điểm này ngày nay được nhiều người theo. Chị em McMillan còn lôi cuốn trẻ nhỏ trong các trường mẫu giáo của các bà vào việc chăm sóc động vật và cây trồng như một biện pháp làm thấm dần vào chúng những giá trị của việc chăm sóc bản thân và chăm sóc người khác. Margaret có ảnh hưởng trong việc đào tạo giáo viên, và vài năm sau khi chị bà chết, bà thành lập Trường Cao đẳng Rachel McMillan năm 1930 vì bà tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của việc đào tạo đúng những người làm việc trong các trường nuôi dạy trẻ.
Bản dịch của Hiếu Tân