John Locke – Jean-Jacques Rousseau – Friedrich Froebel

John Locke (1632 – 1704)

John Locke được nhiều người coi là một trong những nhà tư tưởng khai sáng nhất của Anh. Locke sinh ra trong một xã hội mà “đánh vợ” được coi là quyền hợp pháp của ông chồng, khi mà toàn bộ của cải của người vợ sau khi kết hôn đều trở thành của cải của chồng, khi mà phụ nữ và trẻ em được xã hội coi là chắc chắn phải phục tùng chồng và cha của họ. Vua Charles I vẫn còn tương đối mới đối với ngai vàng nước Anh, bắt đầu lên ngôi năm 1629. Trong thực tế, John Locke đã sống qua những sự kiện như vua Charles I bị chặt đầu, Nội chiến ở Anh, chế độ nhiếp chính của Cromwell từ năm 1654 đến 1658, phục hưng của vua Charles II năm 1659, trị vì của vua James III, rồi đến William và Mary và cuối cùng là sự trị vì của Nữ hoàng Anne.

Locke xuất bản cuốn Một vài suy nghĩ về đến giáo dục năm 1693, trong đó ông khởi thảo triết lý về giáo dục của ông. Quan điểm của ông về giáo dục là cấp tiến với thời đại ấy, và mặc dầu ông viết chúng cách đây gần 400 năm, chúng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ về giáo dục và nuôi dạy trẻ em ngày nay. Locke là nhà tư tưởng thật sự có ảnh hưởng và ông thuộc nhóm các triết gia Anh được gọi là phái kinh nghiệm, tin rằng những kiến thức và hiểu biết của chúng ta về thế giới đến với chúng ta qua “kinh nghiệm cảm giác”

Quan điểm này nằm ở ngay trung tâm của cái mà ngày nay chúng ta gọi là “khoa học”, ở gốc của nó là quan niệm “tư duy kinh nghiệm” nhờ đó chúng ta quan sát và thu thập và lượng hoá dữ liệu. Liên hệ mật thiết với quan niệm này là niềm tin mạnh mẽ của Locke rằng các cá nhân nên sử dụng trí tuệ của chính mình để xem xét cái gì là thật cái gì là không, trái với việc đơn giản chấp nhận những gì mà những người có quyền uy nói với mình. Ông còn bác bỏ vị trí của mê tín trong suy nghĩ của các cá nhân.

Locke giữ quan điểm cho rằng khi các cá nhân sinh ra họ bắt đầu sống như một “tấm bảng trắng” (thường được nhắc đến bằng tabula rasa) trên đó viết những kinh nghiệm cuộc sống của họ thu được thông qua các giác quan. Locke tin rằng đây chính là bản chất của việc học và là cơ sở cho việc thu được kiến thức. Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong những năm sau chiến tranh, quan điểm kinh nghiệm chủ nghĩa này cho rằng chúng ta có thể hiểu được kinh nghiệm thông qua quan sát và đo lường các hành vi, đáp ứng những kích thích bên ngoài đối với giác quan, lớn lên về sức mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực tâm lí và trở thành nòng cốt của một ngành tâm lí học được biết dưới tên truyền thống hành vi chủ nghĩa. Triết li kinh nghiệm chủ nghĩa này không chỉ đưa ra một lí thuyết, nó còn mang đến cho tâm lí học một phương pháp luận, cốt lõi của nó là quan sát và ghi lại các hành vi (Gross, 1992, Smith et al. 2003). Điều này hoàn toàn khác với quan điểm bản địa chủ nghĩa (nativist) coi các cá nhân như những khả năng thừa kế. Ở đây chúng ta có thể thấy hết sức rõ ràng mối liên hệ giữa triết học và lí thuyết.

Locke coi mục đích của giáo dục là làm thấm nhuần trong mỗi cá nhân một cảm giác mạnh về đức hạnh: “Tôi đặt đức hạnh ở hàng đầu và coi nó là cần thiết nhất trong số những thiên tư của một con người, bình dân hay quí tộc” (2001, tr.148). Locke cũng nhấn mạnh nhất đến tầm quan trọng của việc biết cách học như thế nào. Ở đây ta có thể thấy rõ ông đã đi trước thời đại của mình một quãng xa như thế nào, vì những thập niên gần đây chúng ta thấy sự nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học cách học và của phong cách học tập đã tăng lên một cách ngoạn mục. Ngoài việc nhấn mạnh lên việc vận dụng tư duy một cách khác và có cấu trúc hơn, Locke còn nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng của ngôn ngữ và truyền thông, và, với sự hiểu biết bản chất của xã hội thời ấy, có lẽ thú vị nhất là cái ý tưởng rằng học tập nên là đìều thích thú. Trong nhiều khía cạnh chúng ta có thể cho rằng Locke đã đặt nền móng cho tư duy tương lai xung quanh tầm quan trọng của vui chơi và phát triển ngôn ngữ. Làm thế, ông đã chuẩn bị cho những người khác nói về tầm quan trọng của giáo dục và học tập trong tuổi ấu thơ.

Jean-Jacques Rousseau (1712 – 1778)

Sinh ở Geneva năm 1712, có thể coi rằng một trong những thời điểm vạch ranh giới trong đời Jean-Jacques Rousseau là cái chết của mẹ ông, chín ngày sau khi sinh ra ông. Điều này có lẽ đã có một ảnh hưởng lớn lao đến cuộc đời Rousseau và quan điểm của ông về thời thơ ấu và việc nuôi nấng con cái. Muộn hơn, cha của Rousseau bỏ đi và để Jean-Jacques lại cho bà con họ hàng nuôi. Một thời gian ngắn sau khi bỏ đi, cha ông cưới vợ mới và từ đó trở đi bé Rousseau rất ít khi thấy cha. Rõ ràng đây là mất mát lớn thứ hai mà Rousseau bé bỏng phải chịu. Những sự kiện như thế trong đời bất kì một đứa trẻ nhỏ nào sẽ là trung tâm của cái cách mà chúng đi vào xây dựng cái thế giới mà chúng sống trong đó. Có thể cho rằng phần lớn thời ấu thơ của Rousseau là bất hạnh vì cái chết của mẹ ông và sau đó là sự mất đi người cha. Cũng nên nhận thấy rằng Rousseau sinh ra trong một xã hội khi mà Cách mạng Pháp chưa diễn ra, và trước đó chưa đến 50 năm, một trận Đại Dịch đã xảy ra ở London, để lại đằng sau nó những tàn phá và đau khổ không thể tin nổi.

Ở tận cốt lõi của triết lí của Rousseau về giáo dục là quan điểm cho rằng tất cả mọi người mới sinh ra là “thiện” . Như nhiều người cùng thời với ông, Rousseau tin rằng mọi cá nhân thừa hưởng nhiều từ những gì cấu thành bản chất tiềm tàng của họ. Một mặt ông giữ quan điểm cho rằng các cá nhân thừa hưởng cái thiên hướng ‘thiện’, mặt khác ông cho rằng xã hội trong đó cá nhân lớn lên là những tác nhân có tiềm năng làm đồi bại. Ngày nay vẫn còn thấy một quan điểm như thế, với những cá nhân trong một khu vực nào đó nhấn mạnh những tác động có hại lên trẻ em bởi những nhân tố như môi trường truyền thông, chủ nghĩa vật chất và những quan niệm thái quá về quyền mà không đi đôi với trách nhiệm. Rousseau chọn cách phát triển những tư tưởng của ông về cuộc sống và giáo dục thông qua việc xuất bản cuốn sách Emile, trong đó ông giới thiệu với độc giả tính cách của một cậu bé. Trong sách này, Emile bắt đầu được làm quen với những bài học về đạo đức trong tuổi thơ ấu. Sau đó những bài học này được mở rộng ra qua tuổi thiếu niên rồi đến tuổi trưởng thành trong khi toàn bộ thời gian đó cậu được giám sát bởi một ông thầy, như Rousseau gợi ý, chủ yếu chỉ đưa ra những phương hướng và chỉ dẫn.

Rousseau coi giáo dục là phương tiện nhờ đó bản chất tự nhiên của con người được phát triển, không chỉ cải thiện cho họ mà còn cải thiện cả xã hội thông qua cách thức mà các cá nhân hoà nhập với nhau. Đối với Rousseau tầm quan trọng của việc phát triển tính cách của các cá nhân là mục tiêu cơ bản của những quá trình giáo dục diễn ra ở nhà trường. Ông cho rằng không nên để cho sự chú trọng cung cấp và nhận thông tin, vốn là đặc trưng của nhiều trường học thời bấy giờ, che lấp mất điều này. Ở đây chúng tôi thấy những điểm tương tự với việc gần đây các chính phủ ở Anh nhấn mạnh lên quyền công dân, và sự trông chờ đặt lên các nhà thực hành (giáo dục trẻ nhỏ) và các giáo viên đối với việc phát triển các giá trị tích cực trong các trẻ em mà họ phụ trách.

Đối với Rousseau, vai trò của gia sư có tầm quan trọng hàng đầu và đòi hỏi hình thành môi trường trong đó trẻ em được làm quen với việc học. Theo cách này, Rousseau gợi ý rằng trẻ em đang lớn đòi hỏi gia tăng nhận thức về thế giới xung quanh chúng, nhưng đặc biệt hơn, chúng gia tăng hiểu biết về những vấn đề thết yếu như sự hèn kém, lương thiện và bất lương, đối với bản thân và với những người khác. Rousseau cho rằng chức năng chủ yếu của giáo dục là “nghệ thuật làm nên những con người” (l’art de former des homes) Thật thú vị, Rousseau coi vai trò của người thầy là chỉ dẫn cho đứa trẻ biết phân biệt thế nào là đúng thế nào là sai, không phải do kết quả của việc bị phạt, rất thông thường vào thời ấy, mà do kết quả của việc hiểu biết hậu quả những hành động của chúng. Ở đây, một lần nữa chúng ta lại thấy quan điểm này hết sức giống với suy nghĩ của các nhà giáo dục học hiện đại ở Anh, những người trong những năm 1970 và 1980 đã đòi cấm tất cả mọi hình thức trừng phạt thể xác trong nhà trường và khuyến khích trong các trẻ em đang lớn sự tự ý thức và cảm giác về những người khác. Một quan điểm như thế ngày nay là chuẩn trong tất cả các trường mẫu giáo, trường tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, vào thời Rousseau sống, tình hình hoàn toàn không phải như thế. Thật ra, đối với những người sống ở thời đó, nói chung họ chấp nhận rằng các cá nhân, mặc dầu có bản tính “thiện”, được sinh ra trong xã hội với những động cơ thúc đẩy, lôi kéo và những nhu cầu nằm bên dưới cái “bản chất tốt” của họ, nếu không được kiểm chế, sẽ dẫn đến “tính ác” và những điều xấu khác. Do đó Rousseau coi chức năng chủ yếu của người thầy (gia sư hoặc thầy giáo) là chuyển hoá những động cơ thúc đẩy và những nhu cầu đó, và cho chúng những hình thức biểu hiện tích cực nào đó.

Rousseau được coi là một trong những người đề xướng nền giáo dục phát triển. Thật ra ông cho rằng sự tiến bộ của cá nhân phải thông qua một số giai đoạn, mà giai đoạn đầu tiên là từ khi sinh ra đến khoảng 12 tuổi. Rousseau tin rằng chính trong giai đoạn này, đứa trẻ chịu ảnh hưởng và được hướng dẫn trong suy nghĩ và hành động, và bởi những cảm xúc và những thôi thúc bên trong. Giai đoạn tiếp theo là trẻ em đến 16 tuổi, là khi mà Rousseau cho rằng lí trí đã bắt đầu thay thế tình cảm. Sau tuổi 16, đứa trẻ chuyển sang tuổi trưởng thành.

Những quan điểm của Rousseau có thể coi như một cuộc cách mạng với thời đại ấy và chúng ta thấy khái nệm về các giai đoạn của ông được hưởng ứng trong tác phẩm của các nhà lý thuyết gần đây như Jean Piaget và Erik Erikson. Các lí thuyết của Rousseau có nhiều điểm chung với Maria Montessori, John Dewey và nhiều người khác, mà sau đây chúng ta sẽ nhắc tới. Đây là điểm tốt nhất để quay sang tác phẩm của một gương mặt chủ chốt khác, người sinh ra vào cuối cuộc đời Rousseau và ảnh hưởng của đến cách chúng ta làm việc với trẻ nhỏ đã kéo dài 150 năm và ngay cả hiện nay cũng có phần sống lại (Miller và Pound, 2011, tr.64)

Friedrich Froebel (1782 – 1852)

Froebel sinh năm 1782 tại Oberweiβach nay thuộc về nước Đức, và mẹ mất chín tháng sau khi sinh ông. Mất mát này ảnh hưởng sâu sắc đến ông và chắc chắn đã ảnh hưởng đến cách ông nhận thức về tuổi thơ ấu. Sau khi ra đời, ông nhận đựoc rất ít sự an ủi và mãi cho đến 1792, lúc ông được 10 tuổi, ông mới được trải qua một môi trường có sự chăm sóc chu đáo hơn khi ông đến ở với một người chú vốn là người chu đáo và có tình thường yêu. Năm 1818 ông cưới Wilhelmine bà chết năm 1838 không có con cái. It năm sau, 1851, Friedrich tái hôn với Louise. Thời trai trẻ ông sống rất bốc đồng và sau khi thử làm một số công việc, ông vào trường Frankfurt làm thầy giáo dưới sự lãnh đạo của Anton Gruner, ông này tổ chức trường của mình theo các nguyên tắc do Johan Pestalozzi, một nhà giáo dục và cải cách Thuỵ Sĩ chủ trương các phương pháp dạy học tiến bộ đề xướng. Chính trong khi làm việc ở trường này Froebel nhận ra ông muốn làm thầy giáo và năm 1816 ông mở một ngôi trường riêng của ông. Năm 1826 ông xuất bản Về Giáo dục Con người, đưa ra triết lý và những phương pháp ông đã sử dụng trong trường của mình. Năm 1831 ông được chính phủ Thuỵ Sĩ mời tham gia và việc đào tạo các giáo viên dạy cho trẻ em nhỏ. Sau đó, năm 1837, ông mở một trường cho các em rất nhỏ, sau một thời gian lấy tên là Vườn Trẻ.

Froebel là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thời đại ông và triết lí giáo dục của ông tiếp tục có ảnh hưởng đến thực tiễn ngày nay. Froebel cho rằng vui chơi là trung tâm giáo dục trẻ em và sự phát triển tương lai của chúng, và mặc dầu hầu hết, nếu không nói là tất cả những người thực hành lý thuyết làm việc với trẻ nhỏ ngày nay có thể coi đây là một cống hiến, nhưng [trước đây] không phải bao giờ cũng thế. Froebel tin tưởng mãnh liệt vào tầm quan trọng của việc trẻ em biểu lộ bản thân chúng thông qua việc chúng chơi một mình hay chơi với nhau. Tuy nhiên quan điểm này trái ngược rõ rệt với nhiều người thực hành thời ấy, khi nhiều trẻ em thấy ở trường bản thân chúng khổ vì “bị rèn” và thường bị các thầy giáo đánh. Có thể nói Froebel là người đã đưa ra khái niệm chơi và làm nó thành trung tâm của việc giáo dục trẻ nhỏ. Cách đây khoảng 30 năm Tizard và Hughes đã bình luận như sau:

Giá trị của học thông qua chơi lần đầu tiên được nhà giáo dục học người Đức Friedrich Froebel đưa ra. Phong trào vườn trẻ và trường mẫu giáo đã giải thoát trẻ khỏi tình trạng chuyên chế ngồi sắp hàng, hát đồng ca và viết ABC. (1984, tr4)

Bây giờ chúng ta hãy xem, chẳng hạn mấy dòng mở đầu tiểu thuyết Thời gian khổ, xuất bản lần đầu tiên năm 1854, hai năm sau khi Froebel chết, nơi ông hiệu trưởng hư cấu của một trường học ở miền bắc nước Anh đưa ra triết lí giáo dục của riêng ông ta:

Đây, điều tôi muốn bây giờ là Sự kiện. Hãy dạy bọn con trai con gái không gì ngoài các sự kiện. Chỉ có các sự kiện là thứ cần cho cuộc sống. Không trồng thứ gì khác, và nhổ bật rễ mọi thứ khác. Người ta chỉ có thể hình thành trí óc những con vật có trí khôn này trên cơ sở các sự kiện, không có bất cứ thứ gì khác có thể giúp ích cho chúng. Đấy là nguyên tắc mà tôi dùng để dạy các con tôi, và đấy là nguyên tắc mà tôi dùng để dạy những đứa trẻ này. Hãy bám chặt lấy các sự kiện, ông ạ (tr 1)

Mặc dù ông hiệu trưởng và cái trường này là hư cấu, nhưng Dickens đa cố gắng vạch ra trước sự chú ý của công chúng, và trước những người làm chính sách và ra quyết định, thực chất bê bối của hầu hết công việc dạy và học diễn ra trong các trường học thời đó. Nhiều năm sau, nhà hàn lâm, triết gia và nhà thần học C.S. Lewis (Tác giả Biên niên sử Narnia) cũng đã nói được bằng những lời lẽ ít quả quyết hơn về những khía cạnh kinh tởm của việc học hành của chính ông thời thơ ấu. Nhà viết tiểu sử của Lewis, A.N. Wilson từ thời đó đã viết như sau:

S. Lewis cứ mãi bị ám ảnh bởi Wynyard (trường dự bị của Lewis) trong phần còn lại của đời ông. Mặc dầu ông chỉ là học sinh ở đó có tám tháng, ông đã dành đến một phần mười tự truyện của mình để miêu tả nó, bằng những lời lẽ khủng khiếp nhất, như “trại tập trung” (1991, tr.23).

Không giống với nhìều nhà giáo dục và tư tưởng thời ông, Lewis có quan niệm rằng các cá nhân bẩm sinh có tính sáng tạo và thông qua niềm tin tích cực và siêng năng ở Chúa, họ phát triển như những thành viên tốt của xã hội. Ông cho rằng theo cách này họ trở nên hiểu biết tốt hơn cái thế giới trong đó họ sống. Chính vì niềm tin của ông vào tầm quan trọng của vui chơi mà Froebel soạn ra những vật liệu để trẻ em dùng trong học tập khi còn nhỏ. Trên thực tế, một trong nhiều di sản mà Froebel để lại cho các nhà giáo dục là những vật liệu hay những món quà, như bản thân ông gọi chúng. Những món quà này, chẳng hạn những hình thù như những quả cầu và những khối hộp mà chúng ta dùng một cách chủ định để trợ giúp trong quá trình kích thích suy nghĩ và học hỏi ở trẻ nhỏ (Có thể thấy một số này trong Trường Cao đẳng Froebel ở Đại học Roehampton). Froebel tin rằng tính tích cực là hết sức quan trọng ở trẻ nhỏ. Ông gọi những hoạt động mà ông phát triển cho trẻ em là những việc làm (occupation). Froebel cũng nhận ra và hiểu giá trị của âm nhạc trong giáo dục trẻ nhỏ và giá trị của ca hát trong khi vui chơi. Những niềm tin của ông ngày nay được những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trẻ nhỏ tiếp nhận.

 

Trích từ: CÁC LÝ THUYẾT HỌC TẬP VỀ TRẺ EM, ĐH Hoa Sen & Nxb Hồng Đức, 2014. Hiếu Tân dịch

nguyên bản: LEARNING THEORIES IN CHILDHOOD, tác giả Collete Gray & MacBlain