Khác IQ là bẩm sinh, EI có thể học và phát triển

Hatvey Deutschendorf

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Thông báo Tương Lai của Công Ăn Việc Làm, Trí năng Xúc cảm (Emotional Intelligence, viết tắt là EI) sẽ nằm trong 10 phẩm chất của công việc năm 2020. Tại sao các xí nghiệp lại đặt nặng phẩm chất này so với tính năng kỹ thuật, và chỉ số thông minh IQ?

Một trong những định nghĩa phổ cập của EI là ‘’khả năng nhận biết, phân biệt và quản lý xúc cảm của mình và xúc cảm của những kẻ khác trong môi trường làm việc’’.

Trong phần lớn thế kỷ 20, chúng ta giả định rằng những người linh lợi nhất, những kẻ có IQ cao nhất, phần lớn thường là thành tựu. Đây là cách chúng ta nghĩ trong thời gian còn đi học. Tuy nhiên, sau những buổi họp mặt cựu học sinh, nhiều người nhận thấy điều đó không hẳn đúng.

‘’Khi giao tiếp với đồng loại, hãy nhớ cho rằng chúng ta không chỉ giao tiếp với những sinh vật thuần lý trí. Chúng ta còn giao tiếp vối những sinh vật có xúc cảm’’ – DALE CARNEGIE.

Dĩ nhiên, có IQ cao – tức đạt chỉ số xác nghiệm thông minh lớn – là một chuyện tốt. Nhưng những nhà khoa học nhân văn nay xác quyết rằng yếu tố hội nhập xã hội là một yếu tố của sự thành công, và mọi con người sinh ra đều có khả năng phát huy EI tiềm ẩn. Khả năng này có thể hoặc được phát triển hoặc bị thui chột tùy theo điều kiện và sinh hoạt trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều thần kỳ là với nhận thức và cố gắng, chúng ta có thể xây dựng và kiến tạo EI từ bất cứ vị thế nào.


Năm 1990, hai giáo sư người Mỹ Peter Salovey và John Mayer định nghĩa EI như sự ‘’tự biết mình’’, yếu tố có ảnh hưởng lớn trên cách hành xử và thành tựu trong cuộc sống con người hơn là khả năng thuần lý trí.

Năm 1995, nhà báo chuyên về khoa học Daniel Goleman nới rộng khái niệm EI trong công trình Emotional Intelligence: Why It Can Matter More than IQ (Trí năng Xúc cảm: Tại sao nó quan trọng hơn IQ). Cuốn sách này nằm trong bảng best-seller gần 2 năm liển và được dịch qua 40 ngôn ngữ. Goleman chú ý đến 3 lớp lang của EI: (1) EI ở mức độ nhận thức được EI của người khác; (2) Cảm xúc được những xúc cảm của tha nhân; và (3) hiểu động cơ và xúc cảm người khác đến mức tạo ra được mối liên hệ tin cậy và tương kính với nhau.

Cuốn sách này đã khởi động nhiệm vụ nuôi dưỡng EI của chính tôi và giúp mọi người phát triển EI của họ. Phút giây tỉnh ngộ đến với tôi khi đọc một đoạn ngắn trong cuốn sách của Goleman, nói rằng, ‘’sự thông minh có thể biến mất khi xúc cảm khởi động’’. Khi đó tôi biết tôi đã khám phá một điều gì đó thâm sâu và mạnh mẽ đã thay đổi đời tôi. Tìm đọc mọi chuyện liên quan đến EI, tôi tránh đi lạc trong cách nghĩ và cách ứng xử với tha nhân. Tôi thay đổi và trưởng thành. Rồi tôi viết cuốn sách có tên là The Other Kind of Smart: Simple Ways to Boost Your Emotional Intelligence for Greater Personal Effectiveness and Success (Khôn ngoan kiểu khác: phương cách đơn giản để phát huy EI nhằm trở nên hữu hiệu và thảnh công). Cuốn sách được dịch ra tiếng Việt, Ả Rập và tiếng Tàu. Vài năm trước, tôi tham dự Toastmasters World Championship of Public Speaking với một bà bạn. Bà ta bảo để có phiếu bà bầu cho một diễn giả nhân tham gia cuộc thi hùng biện, anh ta phải nói làm sao cho bà phát khóc. Những kẻ vào chung kết cuộc thi đều giỏi, nghệ thuật điêu luyện, giọng điệu trầm bổng, nhấn mạnh đúng chỗ… Nhưng người thắng giải là kẻ có khả năng tạo được ‘’ liên hệ xúc cảm’’ với những giám khảo cuộc thi.

Diễn giả phát ngôn không buộc phải tạo liên hệ xúc cảm qua những chuyện bi thảm; một trình bày vui nhộn chọc cười người nghe có khi có tác động tốt hơn. Khi người nghe chúng ta nói, họ phản ứng qua những xúc cảm mà diễn giả tạo ra như những quan hệ, mục tiêu để chia sẻ, và cả những quan hệ và kết nối có thể sẽ kéo dài sau cuộc gặp gở sơ khởi ban đầu. Đại học Havard gần đây thông báo kết quả một nghiên cứu trong 75 năm về những dự báo khả tín của hạnh phúc. Kết quả là gì? Đó là sự liên kết giữa ta với người khác, một nguyên tắc cơ bản của EI. Nhiều nghiên cứu đã xác quyết vai trò của EI trong sự thành công trong công việc, và yếu tố này khiến nhiều xí nghiệp tìm người sở hữu EI hơn là chỉ có những năng khiếu kỹ thuật khác.

Bắt đầu với Đồng cảm
Đồng cảm là bản chất của EI và là khả năng duy nhất dẫn lộ cho thế giới hôm nay theo nhiều nghiên cứu của Development Dimensions International (Chiều kích Phát Triển Thế Giới). EI thể hiện qua khả năng lắng nghe, cách ứng xử tôn kính, và sự tế nhị trước áp lực, phán xét cẩn trọng và cởi mở với phản ứng của đối tác.

‘’Người sở hữu EI có thể hòa nhập và làm việc với những người khác’’

Ở nơi làm việc, trong một tổ chức hay qua quan hệ cá nhân, khi chúng ta cảm thấy được hiểu, được đánh giá và quí trọng, chúng ta muốn đóng góp và bảo vệ một môi trường có thuận lợi như vậy cho chúng ta. Cảm nhận này động viên chúng ta làm việc nhiều hơn và vượt qua những nhu cầu cá nhân trước mắt. Cảm nhận như vậy khiến sự gắn bó của nhưng thành viên tăng lên và khai mở ý nghĩa ‘’thuộc’’ vào một tập thể đến mọi người.

Thành viên một đội bóng đoạt chiến thắng vui mừng ôm khen đồng đội khi sút vào phá lưới. Anh ta cũng lộ vẻ lo lắng khi đồng đội bị thương, gặp khó khăn, hoặc đá không chuẩn. Chính vì sự quan tâm nói chung này khiến mọi cầu thủ đẩy xa hơn giới hạn của mình, hiểu rằng nếu không đạt được mong muốn cá nhân thì đồng đội của mình vẫn tiếp tục trợ giúp ủng hộ.

Nghệ thuật lắng nghe
Ernest Hemmingway viết ‘’Tôi thích nghe. Tôi học được rất nhiểu khi lắng nghe. Phần lớn người ta không bao giờ nghe’’. Để thực sự kết hợp với người khác đòi hỏi ta phải biết nghe. Và mọi người đều muốn được người khác nghe mình, Phần lớn những nhà lãnh đạo hiểu nhu cầu này và tìm cách làm cho người dưới quyền cảm thấy đuợc nghe và được trọng thị.

’’Sự đồng cảm là một yếu tính quan trọng, nếu không nói là quan trọng bậc nhất, trong những yếu tính của lãnh đạo’’

Đây là 5 phương cách trau dồi nghệ thuật lắng nghe.

Hiện diện triệt để. 
Hãy bỏ điện thoại xuống và đừng cố trả lời trong khi người đối thoại với bạn đang nói. Nếu có một vấn đề khác cần quan tâm, hãy để cho người đối thoại biết khi nào bạn có thể tập trung vào vấn đề đó. Người lắng nghe là kẻ biết học từ đối thoại trao đổi. Người muốn nghe vì họ không muốn hụt dịp học hỏi với người khác.

Xỏ chân vào giày người khác. 
Người biết nghe cố tưởng tượng tại sao kẻ đối thoại lại nghĩ hoặc cảm nhận theo cách anh ta, Một người có thẩm quyền trong địa hạt là Stephen Covey phát biểu ‘’ Hãy trước tiên tìm cách hiểu người khác, sau mới tới mình được hiểu’’

Để cho diễn giả biết bạn hiểu.
Hãy nắm những điểm chốt. Tôi là người thiếu tập trung nên nghe không phải là không cần cố gắng. Tôi thường nhó dăm điểm chính tôi lập lại để diễn giả biết tôi chú ý. Và khi không hiểu điều gì, tôi hỏi. Quan trọng là diễn giả biết tôi cố gắng tập trung để nghe.

‘’Mọi người đều có ước muốn được nghe. Kẻ làm lãnh đạo biết thế…và làm sao ai ai người ta cũng có cảm tưởng được lắng nghe và trọng thị’’

Thực hành chủ động Lắng Nghe 
Tưởng tượng bạn đang bị thẩm tra xem bạn nghe một người khác. Anh ta nói và bạn tập trung nghe diễn ngôn. Bạn sẽ thấy rất dễ tập trung để nghe khi bạn không nghĩ đến chuyện phải đối đáp.

Giám tuyển [curate] sự tò mò
Người tò mò thấy rằng mọi cuộc đối thoại đều là những cơ hội để học hỏi. Những người ta gặp gỡ đều có điều chi dạy cho ta. Và khi ta tò mò muốn nghe , ta sẽ nghe một cách cẩn trọng hơn.

Người đời trông chờ kẻ làm lãnh đạo xác định đâu là giá trị quan trọng cho một tổ chức, Nếu họ cảm thấy những người lãnh đạo quan tâm đến những phương diện khác trong đời sống của họ, họ sẽ đáp ứng và vượt khỏi những gì lãnh đạo kỳ vọng.

Chỉ số IQ cao là điều tuyệt vời, nhưng EI rất đáng quí trong cuộc sống. Nó cho phép ta hiểu chính ta, giao lưu kết hợp với người khác, và nổi trội trong giao tiếp và lãnh đạo.

Nam Dao chuyển ngữ
24/07/2010

Nguồn bản gốc tiếng Anh: https://www.toastmasters.org/…/…/july/emotional-intelligence