VĂN HÓA KHÔNG PHẢI LÀ HỌC THUỘC LÒNG NHỮNG ĐIỂN PHẠM

Người ta có thể đoán trước thế nào cũng nảy sinh sự chế nhạo trong những khu vực nào đó theo sau tuyên bố rằng giáo dục văn hóa là chủ đề trung tâm của cuộc họp lần này của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia [Hoa Kỳ]. Văn hóa thì có gì liên quan đến những công việc hằng ngày của hàng triệu học sinh và giáo viên đang mệt mỏi vì công việc nhàm chán là kết hợp các chữ cái và làm tính? Có mối liên hệ nào giữa văn hóa và những đề cương lịch sử và văn học khô khan? Tới nay, tình hình có thể được gọi là thảm hại chứ không còn là dịp để châm biếm nữa. Nhưng người ta có thể biết trước rằng những người phê phán, những người tự cho mình là những cứu tinh còn sót lại, vẫn đang tiếp tục phẫn nộ lên án việc hệ thống giáo dục của chúng ta tự nguyện đầu hàng những mục đích thực dụng, tự bán rẻ mình vì những yêu cầu nhất thời và hô hào ủng hộ giáo dục thực hành. Hoặc có lẽ việc chọn giáo dục văn hóa làm một chủ đề thuyết trình sẽ được chào đón như là một dấu hiệu của sự hối hận muộn màng, trong khi đó những người phê phán mạnh mẽ hơn thì buồn phiền tự hỏi phải chăng sự quay trở lại với những lối mòn cũ an toàn đã được nhận ra quá muộn.

Đối với những ai tiếp xúc gần gũi hơn với những quan điểm chi phối một cách hữu thức những suy nghĩ của đại bộ phận giáo viên và những người quản lý giáo dục thì đều thấy rằng có điều gì đó khôi hài trong giả thuyết cho rằng họ đang bị đắm đuối vào sự sùng bái nền giáo dục mang tính huấn luyện nghề nghiệp và phục vụ nền sản xuất. Chuyến đi hằng năm của giáo viên nước ta tới những nhà thờ và phòng tranh nghệ thuật tại châu Âu là chỉ dấu cho thấy họ đề cao có ý thức cái lý tưởng cũ hơn về văn hóa. Chẳng điều gì góp phần tập hợp giới giáo viên thật nhanh chóng bằng kiểu thảo luận có sự tham gia của những người phê phán. Những học thuyết lỗi thời và thái độ tình cảm chủ nghĩa là những điều được thấy có chung ở những người phê phán còn những người làm việc tích cực thì bị chỉ trích. “Văn hóa và kỷ luật” được dùng như là những biểu tượng về một sự ưu việt được hy vọng hoặc đạt được, và như là những khẩu hiệu để tránh cho sự phiền phức của sự suy tưởng cá nhân. Đằng sau điều này dường như có một cảm giác về sự khiếm khuyết nào đó trong thái độ sùng bái của chúng ta đối với nền văn hóa quá khứ. Chúng ta phản đối quá nhiều. Cách bộc lộ của chúng ta để lộ sự lúng túng của một thái độ phản kháng được duy trì một cách không tự nhiên. Trái lại, có sự tự nhiên trong sự thô lỗ tự phát ở những người bán khai buông thả hoàn toàn trong tình trạng dã man của họ.

Mặc dù tất cả những người phê phán đều nhầm về thái độ và mục đích hữu thức của những người đang quản lý nền giáo dục của chúng ta, nhưng họ đã đúng khi đề cập những trào lưu giáo dục gây tác động mạnh mẽ hiện nay. Các trào lưu này không thể được gọi là văn hóa – dù đánh giá bằng bất cứ tiêu chuẩn nào được tìm thấy trong quá khứ. Bởi vì những tiêu chuẩn đó liên quan đến quá khứ – những gì đã được phát biểu và suy tưởng –– trong khi đó cái gì đang tồn tại sống động và không thể cưỡng lại nổi trong nền giáo dục của chúng ta lại đang vận động đi tới một tương lai chưa được khám phá. Sự hoang mang và sự bất kiên định không lối thoát của chúng ta có nguyên nhân từ sự mâu thuẫn nói trên giữa những lý tưởng hữu thức của chúng ta và những khuynh hướng hành động của chúng ta. Chúng ta cho rằng chúng ta đang nghĩ tới một điều trong khi những việc làm của chúng ta lại đòi hỏi chúng ta phải lưu tâm tới một loạt những vấn đề hoàn toàn khác. Tình trạng câu thúc tinh thần này là kẻ thù đích thực của nền văn hóa của chúng ta. Văn hóa sẽ bắt đầu bằng việc chấm dứt những lời tụng ca ai oán về một nền văn hóa đã qua, những lời tụng ca đó chỉ vọng xa vài mét trước khi bị nhấn chìm trong sự huyên náo của cuộc sống hôm nay [tức “văn hóa” chỉ tồn tại trong trường học], và cố gắng nhìn thấu bằng trí tưởng tượng vào bên trong điều gì nhất định tiếp tục diễn ra dẫu cho còn rất sơ khai và thô thiển.

Sự vênh nhau giữa xu hướng thực tế và lòng trung thành hồi cố chứa đựng bên trong nó toàn bộ vấn đề của giáo dục văn hóa. Nếu đánh giá trên những phương diện khác chứ không phải trên phương diện của một tiềm năng nào đó cho đến nay vẫn chưa thực hiện được của những ảnh hưởng đang diễn ra khiến cho nền văn hóa bị cô lập phải lùi bước trong nỗi sợ hãi, thì sự nghiệp của văn hóa trong chừng mực liên quan tới nền giáo dục công lập, khó tránh khỏi bị lên án. Quả thật, văn hóa hầu như chỉ tồn tại trong những trang sách của Paul Elmer More (1864-1937): học giả và nhà phê bình nổi tiếng người Mỹ, được coi là người chủ xướng trào lưu Tân-Nhân văn (new humanism), chủ trương quay lại với những tiêu chuẩn truyền thống [ND] cùng những học trò và những người ủng hộ ông. Câu hỏi nghiêm túc, là liệu chúng ta có thể ủng hộ hay không những sức ảnh hưởng sống động đó để chúng biến đổi thành những hình thái mới mẻ của tư duy và tình cảm. Sẽ là độc ác nếu bất lực hoàn toàn trong việc đánh giá những nỗ lực giáo dục sai lầm hiện nay bằng những quan niệm có nguồn gốc của ngày hôm qua khi cần thiết phải có một sự lý giải tư tưởng hóa những sự kiện sẽ làm chúng ta nhận ra những mối quan tâm mà nền văn hóa cũ hơn coi đó là thuần túy liên quan đến vật chất, và nhận biết được những vấn đề thuộc về con người và luân lý trong cái tưởng như đơn thuần là những sức mạnh vật chất của nền sản xuất.

Một nền văn hóa được lột bỏ những ảo tưởng ích kỷ sẽ bắt đầu bằng sự nhận thức rằng cho đến lúc này chúng ta chưa có văn hóa: rằng văn hóa là cái phải đạt tới, phải tạo ra. Nhận thức này đem lại giá trị đại diện cho cuộc gặp gỡ toàn quốc lần này của giáo viên. Những thầy cô giáo của chúng ta được xem như đang phiêu lưu tìm kiếm cái còn chưa xuất hiện song có thể được làm cho xuất hiện. Trên thực tế họ không tham gia vào việc duy trì một nền văn hóa bị tách biệt đang chống lại những sự đột nhập dữ dội của nước Mỹ duy vật chất và thực dụng. Họ đang nỗ lực, trong chừng mực họ không nhắc lại những câu nói mà ý nghĩa của chúng đã bị lãng quên, biến đổi ngay chính những sự ảnh hưởng này thành tư tưởng và tình cảm. Sự nghiệp này mang những tầm vóc anh hùng. Để đào tạo những con người trở thành người bảo vệ văn hóa cổ điển đang co lại thì chỉ đòi hỏi những sự ngẫu nhiên may rủi của một nền giáo dục đào tạo những con người thông thái, có thời gian nhàn rỗi và khả năng ghi nhớ đủ để ăn nói hoặc viết lách thế nào đó. Để biến đổi một xã hội được xây dựng trên một nền sản xuất cho đến lúc này còn chưa nhân đạo để nó trở thành một xã hội biết sử dụng tri thức và sức mạnh của nền công nghiệp vì lợi ích của một nền văn hóa mang tính dân chủ, đòi hỏi lòng can đảm xuất phát từ một trí tưởng tượng đầy sáng tạo.

Tôi thuộc số những người cho rằng sự sát hạch và biện minh duy nhất của mọi hình thái chính trị-kinh tế của xã hội là sự đóng góp của hình thái đó cho nghệ thuật và khoa học – cho cái có thể được phép gọi thẳng là văn hóa. Bảo rằng nước Mỹ cho tới nay vẫn chưa tự biện minh cho chính nó theo cách như vậy, là điều quá hiển nhiên đến mức thậm chí không thể than vãn được nữa. Thanh minh rằng cuộc chinh phục một lục địa về mặt đất đai tự nhiên phải được hoàn thành đầu tiên, là một luận điểm bị đảo ngược. Chinh phục một lục địa tức là lập lại trật tự cho trí thông minh vĩ đại và nghệ thuật vĩ đại, và đây là công việc tiếp theo của cuộc chinh phục, chứ không phải xảy ra trước cuộc chinh phục. Chứng minh được điều này vì thế là vô cùng khó. Bởi vì điều này đơn thuần nghĩa là sự khám phá và vận dụng một phương pháp chinh phục và hòa giải với tự nhiên vì lợi ích của một nền dân chủ, tức là lợi ích của số đông của một cộng đồng có tư tưởng và tình cảm được hướng dẫn bất chấp việc họ là số đông. Bảo rằng điều này cho đến nay vẫn chưa xảy ra, là điều khỏi cần phải nói. Cho đến nay người ta thậm chí chưa bao giờ có ý định làm điều đó. Vì thế những cố gắng của chúng ta được đánh giá bằng những tiêu chuẩn rất ít phù hợp được truyền lại từ những nền văn hóa có giai cấp trong quá khứ.

Nói rằng thực hiện được điều nói trên là điều vô cùng khó khăn nghĩa là chúng ta có thể thất bại. Không có thành công được định đoạt chắc chắn trước. Nhưng thất bại, nếu như nó xảy ra, sẽ là đề tài của bi kịch chứ không phải là đề tài của sự than vãn tự mãn cũng không phải là đề tài để châm biếm có chủ tâm. Bởi vì mặc dù thành công là điều không được định đoạt trước, nhưng có những sức mạnh tương tự định mệnh diễn ra không phụ thuộc vào sự lựa chọn hoặc mong muốn hữu thức. Không phải là ý định hữu thức, dù đó là ý định sai lầm hay khôn ngoan, đang cưỡng ép cái thực hành, thực dụng, công nghiệp đi vào nền giáo dục. Khi những hiệu trưởng đại học dành trọn ngày phát bằng tốt nghiệp cho việc hát to những lời tán dương văn hóa tinh hoa trong khi hằng ngày họ lại ủng hộ những trường kỹ thuật và chuyên ngành, thì điều đó không phải xuất phát từ sự cân nhắc hữu thức của họ. Khi những hiệu trưởng trường phổ thông trong diễn văn trịnh trọng tại những cuộc họp của giáo viên đã ủng hộ kỷ luật và văn hóa kiểu cũ nhưng trong khi ấy họ lại yêu cầu được ban giám đốc nhà trường cung cấp trang thiết bị mới, cung cấp chương trình và môn học mang tính “thực dụng” hơn và hấp dẫn hơn, thì điều đó không xuất phát từ sự ưu tiên có chủ tâm của họ. Những ảnh hưởng chính trị và kinh tế hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ đang ép buộc những điều đó xảy ra. Và những ảnh hưởng này vẫn tiếp tục nằm ngoài tầm kiểm soát của bất cứ ai trong chúng ta nếu như con người không thành thật đối mặt với những thực tại và bận tâm tới việc tìm hiểu xem họ đang cung cấp giáo dục gì và văn hóa nào có thể ra đời từ sự vun bồi của họ.

Những khuynh hướng đang diễn ra hiện nay trong nền giáo dục Mỹ có thể được thẩm định xét như chúng là những yếu tố của sự nghiệp vĩ đại nói trên. Bởi vì chúng ta không thể xin xỏ hay vay mượn một nền văn hóa mà không phản bội lại nền văn hóa đó lẫn bản thân chúng ta, cho nên chỉ còn lại cách duy nhất là phải làm ra một nền văn hóa. Những ai quá nhu nhược hoặc quá cầu kỳ kiểu cách để không thể tham gia vào công cuộc này thì họ sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm những nhà dưỡng lão và nhà thương được họ lý tưởng hóa thành những tòa lâu đài. Số khác sẽ hoặc làm theo cách của họ song vẫn bị mắc vào cạm bẫy của một chủ nghĩa công nghiệp máy móc, hoặc họ sẽ chinh phục cỗ máy công nghiệp đó vì những mục đích của con người cho đến khi dân tộc tìm thấy tâm hồn.

Những điều cũ rích nào đó cần được nhắc đi nhắc lại cho đến khi ý nghĩa của chúng được thừa nhận. Cuộc cách mạng công nghiệp ra đời từ khoa học tự nhiên mới mẻ. Mọi nền dân chủ không chỉ đơn thuần là một sự mô phỏng một chính quyền cộng hòa cổ xưa nào đó đều phải được sinh ra từ trong lòng chủ nghĩa cổ xúy công nghiệp hỗn loạn của chúng ta. Khoa học cho phép dân chủ xảy ra bởi vì khoa học đem lại sự giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào lao động của số đông, bởi vì khoa học thay thế năng lượng cơ bắp của con người bằng những sức mạnh vô tri vô giác, và bởi vì khoa học tạo ra những nguồn tài nguyên cho sản xuất dư thừa và sự phân phối dễ dàng. Nền văn hóa cũ bị lên án bởi vì nó được xây dựng trên một sự liên minh giữa quyền lực chính trị và quyền lực tinh thần, một trạng thái cân bằng của giai cấp cai trị và giai cấp nhàn rỗi, những điều nay đã không còn tồn tại nữa. Những ai phàn nàn về những điều thô lỗ và hời hợp về tư tưởng và tình cảm đánh dấu ngày hôm nay của chúng ta thì họ hiếm khi đủ vô nhân đạo để ước ao chế độ cũ quay trở lại. Họ chỉ đơn thuần không đủ thông minh nên mới mong muốn một kết quả mà không cần có những điều kiện đã từng sản sinh ra kết quả ấy, và bất chấp những điều kiện sản sinh ra kết quả đó nay đã không còn tồn tại nữa.

Nói ngắn gọn, nền văn hóa của chúng ta phải hòa hợp với nền khoa học duy thực và với nền công nghiệp máy móc, thay vì chạy trốn khỏi chúng. Và mặc dù chẳng có gì đảm bảo rằng một nền giáo dục sử dụng khoa học và vận dụng những quá trình có kiểm soát của nền công nghiệp như là một phần trang bị chính thức của nó sẽ nhất định thành công, song lại có mọi sự đảm bảo rằng một thực tiễn giáo dục đặt khoa học và nền công nghiệp đối lập lại với những lý tưởng của nó về văn hóa, chắc chắn sẽ thất bại. Khoa học tự nhiên trong những ứng dụng của nó vào sản xuất và trao đổi kinh tế đã sản sinh ra một nền sản xuất và một xã hội trong đó chỉ có số lượng dường như mới là điều quan trọng. Giáo dục có nhiệm vụ đem ánh sáng của khoa học và sức mạnh của lao động tới giúp cho mọi tâm hồn mà nó có thể phát hiện ra phẩm chất của tâm hồn đó. Bởi vì trong một xã hội mang tinh thần dân chủ thì mỗi cá nhân sẽ làm ra nét độc đáo. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, văn hóa sẽ là thành tựu của cá nhân chứ không phải là tài sản chung của một giai cấp. Một nền giáo dục phù hợp với những mục đích lý tưởng của chúng ta là một vấn đề của những sức mạnh thuyết phục có thực chứ không phải sức mạnh của những quan điểm.

Nền giáo dục công lập của chúng ta là phương tiện tiềm năng để tạo ra sự biến đổi cái cơ học của đời sống hiện đại thành tình cảm và trí tưởng tượng. Có thể, tôi xin nhắc lại, chúng ta không bao giờ thoát khỏi cái cơ học này. Con người chúng ta có thể vẫn tiếp tục khỏe mạnh vạm vỡ, chỉ đơn thuần tràn đầy sức sống, dồn hết năng lượng vào việc kiếm tiền, tìm kiếm khoái lạc và lần lượt giành những thắng lợi nhất thời này đến thắng lợi nhất thời khác. Ngay cả một hoàn cảnh như vậy cũng vẫn có một sức sống mà ta không tìm thấy ở một nền văn hóa mà phương pháp của nó là sự hồi tưởng, và sự thắng lợi của nó nằm ở việc tìm thấy một nơi để ẩn náu. Nhưng chứng minh một nền dân chủ xét như tương phản lại những chế độ quý tộc tốt đẹp nhất trong quá khứ là chưa đủ, cho dù việc quay lại với chúng là điều vĩnh viễn không thể xảy ra. Làm cho thế hệ đến sau nhận ra điều gì đó mang ý nghĩa tiềm tàng của đời sống ngày hôm nay, biến điều đó từ chỗ là dữ kiện bên ngoài thành sự nhận thức bằng trí thông minh, chính là bước đầu tiên để tạo ra một nền văn hóa. Những người thầy giáo đang đối mặt với thực tế này và họ đang cố gắng sử dụng những phương tiện vật chất cần thiết của ngày hôm nay như là phương tiện để tạo ra sự nhận thức về một ý nghĩa con người cho tới lúc đó còn chưa được nhận ra, tức là họ đang tham gia vào hành động sáng tạo nói trên. Nhân danh văn hóa để kéo dài mãi cái truyền thống tách rời văn hóa với khoa học thực dụng và nền sản xuất có sức ảnh hưởng to lớn tức là cho phép khoa học và nền công nghiệp có toàn quyền diễn ra dưới hình thái phi văn hóa nhất. Nền giáo dục ngày nay với những xu hướng thực dụng khắt khe và dung tục không cần đến sự mắng mỏ, cái nó cần là lòng cảm thông và sự hướng dẫn lòng cảm thông.

Bản dịch của PHẠM ANH TUẤN

© 2012 Phạm Anh Tuấn, tháng 2/2012, dịch (từ tập tiểu luận Characters and Events của John Dewey xuất bản năm 1929)