Hội thảo Chặng đường 8 năm Cánh Buồm, một thành viên trẻ của nhóm đã ghi lại một cách chân thực và cảm động bài phát biểu của GS. Ngô Bảo Châu và màn kết của sự kiện.

Không giống phần đông các diễn giả/khách mời hay gặp trong các hội thảo ở ta thường lái cả hội thảo về công việc hoặc tên tuổi của họ, GS Ngô Bảo Châu rất nhẹ nhõm trên sân khấu. Ông kể ngày đi học ông chẳng giỏi Văn, cũng chẳng giỏi Toán, chỉ thích vẽ và vẽ sao cho giống. Có lần mải vẽ, thầy Toàn đứng sau lưng hồi nào không biết. GS nhớ câu thoại của “ông ấy” là đừng cố vẽ cho thật, hãy vẽ cái cậu có thể tưởng tượng ra. GS quên luôn câu nói đó và chỉ thấy mình hiểu dần qua năm tháng cuộc đời. TƯỞNG TƯỢNG. Rồi cũng rất ngắn gọn, GS thỏ thẻ: Cái tên Cánh Buồm có vẻ gì không ổn, sau tôi nhận ra nó là niềm hi vọng, nó cho chúng ta hi vọng, vậy chúng ta ở đây thử nghĩ xem MÌNH CÓ LỖI HẸN GÌ VỚI CÁNH BUỒM KHÔNG? Với cá nhân tôi, đó là lời phát biểu hay nhất của một vị khách mời trong 8 năm đi cùng hội thảo Cánh Buồm.
Về phần nói “cháy giờ, cháy giáo án” của thầy Toàn, tôi vẫn nhớ nội dung được nhắc lại sao bao nhiêu năm ấy: Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành cho thanh thiếu niên, không phải là đào tạo, không phải là theo đường lối của ai cả. Thanh thiếu niên tự làm ra chính mình bằng cách tự trang bị cho mình một tư tưởng, một phương pháp học. Và tư tưởng phương pháp đó được dùng ngay trong một ngôi trường bình thường của người Việt, để trở thành người Việt chứ không phải người một nước khác bằng các giáo trình thương mại bán khắp thế giới mà không dùng cho chính nước họ.
Cũng đường lối đó, học ngoại ngữ là học một công cụ để thâm nhập một nền văn hóa xa lạ, để giao tiếp với tiếng lòng của nền văn hóa đó chứ không phải để giao tiếp kiểu bồi cao cấp – hệ quả của thế giới thời hậu chiến nơi các quốc gia phải đương đầu với các vấn đề xung đột và tiếp nhận lợi ích sinh tồn.
Cuối hội thảo có đến một lúc, MC phải nhắc lại rằng hội thảo đã hết rồi, khán trường mới chịu nhận ra là hội thảo đã kết thúc thật, phải đứng dậy ra về thôi.
Ngay ở một nơi văn mình như L’Espace, có những người bạn văn minh hết mình vì giáo dục Nhà xuất bản Tri thức, những khán giả văn minh vẫn ngơ ngác mới nhận ra một hội thảo về giáo dục vừa kết thúc – điều vốn thưởng chỉ xảy ra khi kết thúc một vở ballet hay một buổi trình tấu nhạc cổ điển hoàn mỹ. Một không khí tạm biệt rất Cánh Buồm, như mọi người đang cùng ngỡ xem mình có lỗi hẹn với điều gì không.

Blogger Hiệu Minh cũng viết bài tường thuật buổi hội thảo với nhan đề “8 năm Cánh Buồm của Phạm Toàn”.

Ngày 16-12, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội L’espace (24 Tràng Tiền), cụ Toàn tổ chức sinh nhật lần thứ 8 cho “Cánh Buồm” rồi tuyên bố sau lần này sẽ về hưu.

Nghe nói cụ “về hưu” mới 4 lần, kể từ lần ra mắt lần đầu tiên vào cuối tháng 11 năm 2009 với tuyên ngôn giáo dục “Hiểu Trẻ em – Dạy Trẻ em” nhằm “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” như bậc tiền bối Phan Chu Trinh mong ước.

Trong phòng chiếu phim của L’Espace đông nghịt người. Có nhiều người thuộc nhóm “ngọa hổ tàng long” như nhóm các cụ đi ăn giỗ Bùi Ngọc Tấn đủ mặt, nay thêm Chu Hảo đình đám IDS, Quang A đi đâu cũng có người theo, Ngô Bảo Châu, Giáp Văn Dương, Trần Văn Thủy “Hà nội trong mắt ai”, Phạm Duy Hiển hạt nhân, Lân Bình cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, chị  Phạm Chi Lan kinh tế, con rể Đan Mạch và con trai của Phạm Toàn, mà ra đường không hiểu ai là bố, ai là con.

Nghe hai cụ Tường (Dương Tường) và Toàn (Phạm Toàn) nói chuyện và xưng hô “mày tao” rất buồn cười. Cụ Toàn bảo, thằng Tường phải gọi tao bằng anh nhé vì sinh sau 1 tháng, sinh đôi mà đứa ra trước có vài phút đã làm anh/chị thì muộn cả tháng gọi tao là anh Toàn là đúng rồi.

Lứa 80++ thân nhau, “mày tao cho nó trẻ”, nghe sau lưng như cánh teen chát chít. Tâm hồn trẻ viết sách cho trẻ mới hay.

Doanh nghiệp xã hội Ô Xinh và trường Gateway có các cô giáo trẻ đẹp, xinh như trong mộng, vây quanh “thằng Toàn và thằng Tường” thi nhau chụp ảnh. “Làm giáo dục” như cụ Toàn hơi bị sướng vì có các em trẻ ủng hộ, cải cách nhanh hơn thầy Nhân (Nguyễn Thiện Nhân) đứng sau toàn mũ cao áo dài là phải thôi.

Thời cụ Hồ Ngọc Đại có ý tưởng trường Thực nghiệm bị phản đối rầm rầm, nhưng rồi sau vài chục năm, dân xô đổ cổng trường để đăng ký cho con học.

Thầy Toàn và các bạn đồng hành. Ảnh: HM

Cánh Buồm chưa có trường riêng để phụ huynh tranh nhau, nhưng những bộ sách giáo khoa thân thiện, dễ hiểu và gợi sức sáng tạo, đủ sức đưa thực tiễn giáo dục lên ngang tầm lý thuyết.

Phương pháp Cánh Buồm là cách dạy sao cho học sinh tự học hơn là giáo viên đọc trò ghi. Có lần đến lớp 8 của cu Bin (con trai của tôi) thấy cô giáo viết câu khẩu hiệu của Benjamin Franklin, triết gia và học giả nổi tiếng của lịch sử Hoa Kỳ, “Tell me and I forget. Teach me and I may remember. Involve me and I learn. Bảo em, em sẽ quên. Dạy em, em có thể nhớ. Cho em làm cùng, em sẽ biết”, tôi ngầm so sánh hình như Cánh Buồm có hơi hướng Franklin.

Trong gần 1 tiếng giới thiệu 8 năm Cánh Buồm, nhà giáo Phạm Toàn (không hiểu sao cụ không có hàm vị nào) nói về đổi mới giáo dục cần diễn ra cùng với sự trưởng thành của trẻ em, một công việc dài lâu qua rất nhiều thế hệ, mất cả thế kỷ, một vài nhiệm kỳ là không đủ.

Ông nhắc đến hai cách tổ chức con đường trưởng thành của thanh thiếu niên. Một cách là đưa ra những lời khuyên tốt đẹp kèm theo những tiêu chí để thanh thiếu niên phấn đấu. Cách thứ hai là cung cấp những phương tiện để các em tự trưởng thành ít nhất trong 9 năm học phổ thông. Sau đó họ sẽ tự học và tự hoàn thiện bản thân, một triết lý như giáo dục Mỹ “học để tự học” suốt phần đời còn lại.

Anh Lân Bình – cháu cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Ảnh: HM

Anh Lân Bình, cháu nội của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, không hổ danh con nhà dòng dõi. Anh nói về thời cụ Vĩnh 9 tuổi chuyên kéo quạt mát cho lớp học toàn con nhà nòi thời đó, nhưng lại nhắc bài cho các anh chị trong lớp, thần đồng từ bé.

Là người có công lao lớn trong việc đưa và truyền bá chữ quốc ngữ, thay đổi một thời của nước Việt và cũng chỉ vì thay đổi này mà bị nhà cầm quyền đương thời để ý vì đụng chạm đến quyền lực của họ. Như anh nói, Nguyễn Văn Vĩnh đã thay đổi giáo dục cũng như Cánh Buồm hôm nay đang làm.

Gs. Ngô Bảo Châu chia sẻ kỷ niệm với Cánh Buồm. Ảnh: HM

Giáo sư Ngô Bảo Châu có vẻ “nhát”, ít bắt chuyện với mọi người. Mình đến làm quen xã giao, định chuyện thêm, nhưng Nobel toán không bắt chuyện nên đành thôi.

Khi phát biểu Gs Châu nhắc đến kỷ niệm thời nhỏ học thầy Phạm Toàn khi ngồi vẽ, thầy bảo, vẽ theo trí tưởng tượng của mình, đừng chép lại tranh. Nhà toán học dùng hình tượng “cánh buồm” đi xa trong biển cả nhưng hôm nay thì xã hội đang đồng hành để “Cánh Buồm” của thầy Phạm Toàn không còn cô đơn. Dân toán mà văn vẻ phết.

Tên “Cánh Buồm” làm người viết nhớ cuốn sách “Cánh buồm đỏ thắm” của Grin về một cô bé sống ven biển với giấc mơ ngọt ngào, sẽ có một hoàng tử đến đón cô trên chiếc thuyền với cánh buồm đỏ thắm.

Phải chăng dạy trẻ theo kiểu Cánh Buồm chính là mang lại cho con con người sự hy vọng và niềm tin vào những điều mà họ mơ ước để bay xa.

Câu lạc bộ Ô Xinhvà Gateway ủng hộ Cánh Buồm. Ảnh: HM

Cánh Buồm đang chắp cánh ước mơ cho trẻ qua những cuốn sách bằng cách lặng lẽ, không cần đao to búa lớn, không cần dự án, mà bằng tấm lòng của những người trẻ già trong cuộc và đồng hành, chứa vàng ngọc đẹp như thơ Lermantov.

Ban biên tập xin trích dẫn một đoạn trong bài thơ “Cánh Buồm” của Lermantov.

Lấp lóa buồm căng lướt

Ánh vàng mặt trời lên

Cánh buồm trong bão tố

Sóng gió chốn bình yên

(Trích từ bài “Cánh Buồm” – Châu Diên dịch)

16-12-2017

Blogger Hiệu Minh