Từ lâu nay, phương pháp học văn được coi là một bí ẩn mà ít người đề cập tới. Tâm hồn văn xuất phát từ đâu? Phải chăng đó là thiên bẩm trời phú cho từng cá nhân đặc biệt? Có lẽ không phải vậy. Bởi trong thực tế, có những nhà văn, nhà thơ sớm toả sáng ngay từ thời khi còn rất trẻ rồi lu mờ dần và cũng có những con người lại trở thành cây bút cực kỳ xuất sắc ở giai đoạn xế muộn của cuộc đời. Tuyệt tác văn học là kết quả của những nỗ lực lớn lao hay đơn thuần chỉ do cơ duyên trời phú?
Nhóm Cánh Buồm trân trọng giới thiệu buổi trò chuyện của nhà giáo Phạm Toàn với công chúng về chủ đề đang rất được quan tâm: “Hé lộ bức màn bí ẩn phương pháp dạy và học Văn và Tiếng Việt” để cùng trả lời những câu hỏi trên, cùng gỡ bớt một bức màn bí ẩn trong “địa hạt” vốn có quá nhiều “bí ẩn” như thế.
– Thời gian: 14h30 Thứ 7 ngày 7/2/2015.
– Địa điểm: Heritage Space, Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Hà Nội.
Đến với buổi chia sẻ, các giáo viên, phụ huynh và công chúng quan tâm sẽ có cơ hội trò chuyện với nhà giáo dục Phạm Toàn (tức nhà văn Châu Diên) về phương pháp dạy và học Văn và Tiếng Việt của nhóm Cánh Buồm để từ đó, có thêm những góc nhìn mới về giáo dục hiện đại: giáo dục hiện đại giúp người học đi lại con đường người thành công đi trước đã làm bằng phương pháp khoa học, bằng cách tổ chức hoạt động cho người học tự tìm ra kiến thức, từ đó học được phương pháp học để có thể tự học suốt đời.
Đồng thời, talkshow cũng là cơ hội để các bậc phụ huynh chia sẻ về những khó khăn tưởng chừng như không thể giải quyết trong việc giáo dục con cái ví như: con sợ học, con thiếu tự tin, con ghét học văn,… giúp con trở nên yêu thích, tự tin đặc biệt là trở thành con người có tâm hồn cao thượng, luôn yêu đời, yêu cuộc sống.
Về diễn giả: Là một nhà văn, nhà giáo, và đồng thời là một nhà nghiên cứu, Phạm Toàn đã dành hơn 50 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu về tâm lí học dạy học, tìm hiểu và phát triển các quy trình học tập cho trẻ em. Ông tham gia hàng loạt dự án nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn sách cho học sinh dân tộc thiểu số, sách tâm lý giáo dục và bộ sách Công nghệ giáo dục cho học sinh trường Thực Nghiệm; nhận huy hiệu Lao động sáng tạo năm 1981, Giải nhì UNESCO khu vực châu Á và Thái Bình Dương năm 1984.