Vũ Thế Khôi
(Trung tâm Văn hóa & Ngôn ngữ Đông Tây)
3. Tolstoi nhà thực hành triết lý giáo dục tự do
Bản thân Tolstoi chưa bao giờ coi việc sáng tác văn học là chính yếu. Trong thư từ gửi người thân ông nhiều lần khẳng định rằng đối với ông, sự nghiệp sư phạm là quan trọng nhất, bộ sách Vỡ lòng mà ông dồn hết thời gian, sức lực và tâm huyết hàng chục năm trời mới là tác phẩm để đời, mà làm xong ông có thể “yên tâm chết được rồi”. Hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực xây dựng nền giáo dục cho tầng lớp bình dân là niềm say mê trường kỳ nhất của Tolstoi, tuy có lúc tạm thời bị gián đoạn, nhưng xuyên suốt 61 năm cuộc đời trưởng thành của ông, từ thí nghiệm đứng lớp đầu tiên năm 1849, khi mới 21 tuổi, đến hành động đem các số tạp chí thiếu nhi Vầng mặt trờiđến cho trẻ em ở ngôi trường Jasnaja Poliana, 3 ngày trước khi bí mật rời bỏ điền trang tổ tông, bước vào cuộc li hương định mệnh một ngày đông tháng giá, và chưa đầy một tháng sau, 20 – 11 – 1910, đã vĩnh viễn ra đi cô đơn trên một ga xép phủ đầy tuyết.
Triết lý giáo dục của mình Tolstoi đã thực thi trước hết tại ngôi trường ông sáng lập trong điền trang Jasnaja Poliana và dạy miễn phí cho con em nông dân. Người đi tiên phong thường phải phá cách. Nhà giáo Tolstoi đã thực hiện triết lý giáo dục tự do bằng một giáo học pháp tân kỳ đến cực đoan, gây sốc cho tư duy giáo dục chính thống: học sinh muốn đến lớp thì đến, không muốn thì thôi; đến lúc nào tùy ý, ngồi đâu tùy thích: trên ghế, trên bàn, dưới sàn nhà hay trên bậu cửa sổ; học gì tùy chọn: đứa học vần, đứa tập viết, đứa làm tính, đứa đọc sách hay tập vẽ. Giáo giới bảo thủ la lối: “một cái hội làng!” , “một bầy Zigan!”. Tuy nhiên, các quan chức giáo dục theo dõi việc học của giới bình dân, đều tỏ ra ngạc nhiên về kết quả: học hành “mất trật tự” như vậy mà lũ trẻ khi rời ruộng đồng hay đàn cừu còn mù chữ, chỉ vài ba tháng sau đã đọc thông viết thạo. Tshernytsevski, Lãnh tụ phái dân chủ cách mạng, người từng gay gắt phê phán các bài luận chiến của Tolstoi phủ định mọi hình thức giáo dục, thậm chí khuyên nhà văn nên “đi học lại”, đã ghi nhận trên tờ báo uy tín Người Đương Thời bằng giọng tán thưởng: “Tuyệt vời! Tuyệt vời! Lạy Chúa sao cho ngày thêm nhiều trường thiết lập được cái sự “mất trật tự” nhân hậu và hữu ích như vậy…Và theo chúng tôi, phải nói đơn giản là trật tự, bởi lẽ ở đây có thấy sự mất trật tự nào đâu khi mà tất cả đều học hành rất chăm chỉ chừng nào chúng còn đủ sức…” Nhưng có lẽ kết quả quan trọng hơn của nguyên lý giáo dục tự do mà Tolstoi chủ trương, đó là sự phát triển những năng lực tinh thần của con em nông dân học trường Jasnaja Poliana. Một ông giáo trường trung học Tula, người thường xuyên đến thăm trường, công nhận: “Tất cả bọn trẻ tự mình suy nghĩ, tự mình nỗ lực, tự mình muốn học. Tinh thần của chúng đã thức tỉnh, cái đầu chúng độc lập hoạt động nội tại – đó là những điều trường Jasnaja Poliana khiến chúng ta vui mừng”[1].
Nghi ngờ Tolstoi có quan hệ với các phần tử cấp tiến, chính phủ Nga hoàng cho cảnh sát đến khám xét, gây nên nhiều dư luận đồn đại làm tổn hại uy tín của Tolstoi, khiến ông, một con người rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, phải ngừng hoạt động sư phạm một thời gian khá dài. Nhưng không thể bỏ dở sự nghiệp “để đời”, Tolstoi quay trở lại với hoạt động sư pham, tiến hành nó đa dạng hơn và tích cực hơn. Được bầu làm thành viên Hội đồng nhà trường của Ban quản trị Hội đồng dân biểu (Zemstvo) huyện Krapivenski, ông đi khắp các làng gánh vác việc tổ chức trên hai chục trường học. Để triển khai quan điểm giáo dục của mình trong khắp huyện nhà, Tolstoi mở các lớp huấn luyện cho giáo viên phương pháp sư phạm của ông, khuyến khích nông dân tự đứng ra mở trường, thay thế các giáo viên nhà nước bằng những nông dân có học đó, tự trả lương cho họ. Ông chuẩn bị mở các khóa chuyên đề gọi là “Đại học đi dép bện” (universitet v laptiakh) để đào tạo những môn sinh Jasnaja Poliana tài năng nhất thành hương sư. Ông đã thuyết phục được Hội đồng nhà trường huyện Krapivenski trả phụ cấp cho giáo viên dạy tại các trường do nông dân mở và trả lương, tức đã làm cái việc ngày nay gọi là “xã hội hóa giáo dục”.
Trong hoạt động sư phạm thực tiễn nhằm xây dựng nền giáo dục tự do cho các tầng lớp bình dân, Tolstoi hướng đến một nhà trường phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, của cộng đồng. Trong bài luận chiến thứ haiVề giáo dục và đào tạo (O vospitanii i obrazovanii – 1862), cũng lại gây nên một phản ứng dữ dội như bài trước, Tolstoi phủ định toàn bộ hệ thống giáo dục trong đế chế Nga hoàng từ vỡ lòng lên đến đại học vì ông cho rằng nó thoát ly các nhu cầu thiết thực của dân chúng, “nó giáo dục mọi người theo những quan niệm trái ngược với nhân dân, với quảng đại quần chúng”. Về mặt đạo đức, cái nguyên lý giáo dục áp chế khiến nhà trường trong đế chế Nga hoàng đã tập cho học sinh và sinh viên những thói quen dối trá, đạo đức giả, háo danh và nguy hại hơn là nguyên lý đó “đang được nâng lên thành nguyên tắc hướng đến độc đoán về đạo đức (nravstvennyi despotizm), <…> biểu hiện cái mặt tồi tệ nhất trong bản tính con người, nó là một hiện tượng chứng minh trình độ phát triển thấp của tư duy con người”. Về mặt học vấn, nền giáo dục đó chỉ dạy “những kiến thức <…> hoàn toàn vô dụng đối với cuộc sống”, càng lên cao càng “ít thiết thực hơn với cuộc sống”, lên đến đại học thì thành áp đặt “những thứ thông thái vô tích sự”. Nhìn từ yêu cầu phục vụ những nhu cầu thiết thực của đời sống, ông cho rằng kết quả của nền giáo dục áp chế còn thua kém cả quá trình đào tạo tự nhiên trong các gia đình nông phu hay thợ thủ công. Tolstoi khẳng định: “Thực ra con người ta phải được đào tạo để chuẩn bị cho cuộc sống, cho lao động, mỗi kiểu lao động ngoài kỹ năng cho nó còn đòi hỏi một quy trình, một sự chuẩn xác và điều quan trọng là kỹ năng sống và ứng xử với mọi người” (VTK nhấn).
Ngày nay nhìn lại, có thể nói rằng từ năm 1862 nhà sư phạm Tolstoi đã tiếp cận triết lý giáo dục vị nhân sinh mà ngót trăm năm sau một số nhà tư tưởng giáo dục tiên tiến đã đề xuất và đến những thập niên cuối thế kỷ XX thì Chủ tịch Hội đồng quốc tế về Giáo dục của UNESCO Jacque Delors đã tổng kết thành 4 cột trụ (Four Pillar) nổi tiếng cho nền giáo dục của thế kỷ XXI: 1) Học để biết (Learning to know), 2) Học để làm việc (Learning to do), 3) Học để làm người (Learning to be) và 4) Học để biết cách chung sống (Learning to live together)[2].
Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng về phương thức đào tạo có thể xem triết lý giáo dục tự do, không áp chế của Tolstoi là bước dự cảm của học thuyết tâm lí giáo dục nhân cách – hoạt động hiện đại của Edward Lee Thordike (Mỹ), Jean Piaget (Thụy Sĩ), L.S.Vygotski và V.V.Davydov (Nga) nhằm hình thành những nhân cách phát triển toàn diện, hài hòa tâm hồn và trí tuệ, biết tư duy độc lập, sáng tạo và tự mình xử lí mọi tình huống. Ở Liên Xô cuối những năm 50 – đầu những năm 60 của thế kỷ trước, trên cơ sở học thuyết tâm lý giáo dục tiên tiến này, tại trường phổ thông số 91 thành phố Moskva hai giáo sư Davydov và Elkonin đã tiến hành thử nghiệm rất thành công một mô hình dạy học hình thành hành động trí tuệ sáng tạo ở học sinh tiểu học. Nhưng từ năm 1983 mô hình giáo dục tiên tiến đó bị ngăn cấm, sau năm 1991 mới phục hồi. Ở Việt Nam từ năm 1978, học trò của GS Davydov là TSKH chuyên ngành tâm lí giáo dục Hồ Ngọc Đại cũng bắt đầu ở Trường thực nghiệm Giảng Võ một “công nghệ giáo dục” hình thành các thao tác tư duy trừu tượng ở học sinh ngay từ lớp 1, tiến dần lên đến lớp 8. Từ 1985 “công nghệ giáo dục” được phép triển khai dần dần, đến 2001 đã có mặt ở 43 tỉnh thành trong cả nước trên cơ sở các nhà trường, giáo viên và phụ huynh tự nguyện chấp nhận và “đầu tư” niềm tin, nhóm thầy cô giáo “tử vì đạo” lăn lộn triển khai bằng tâm huyết và công sức[3]. Khẩu hiệu “ĐI HỌC LÀ HẠNH PHÚC, ĐẾN TRƯỜNG LÀ NIỀM VUI” của GS Đại sao mà đồng thanh khí với yêu cầu của Nhà giáo Tolstoi nêu ra hơn một thế kỷ trước: phải làm sao để học sinh “TIN CHẮC RẰNG Ở TRƯỜNG HÔM NAY SẼ LẠI VUI VẺ NHƯ HÔM QUA”!
Nhưng rồi … thầy đã bị ngăn cấm thì trò cũng bị buộc phải “dẹp tiệm” – không qua một sự thẩm định đánh giá nào, thậm chí không một nhận xét khoa học công khai, chỉ bằng một quyết định hành chính “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”. Thế mới biết cái mới khai phá con đường cho mình khó khăn nhường nào!
Ở nước Nga, sau việc lập lại Trường Tolstoi ở Jasnaja Poliana, biến nó thành cơ sở thực nghiệp của nhà nước do Chủ nhiệm bộ môn Di sản tinh thần của Tolstoi là GS V.Remizov lãnh đạo, Hội đồng bộ Giáo dục Liên bang Nga đã ra quyết định số 3/2 ngày 11 – 12 – 1996 chính thức công nhận quy trình giáo dục hình thành hành động tư duy của GS Davydov là 1 trong 3 hệ thống giáo dục cơ sở trong nhà trường phổ thông toàn quốc.
Ở Việt Nam đang quyết tâm đổi mới, chúng ta còn phải chờ bao giờ cho đến …đổi mới thực sự triết lý giáo dục phục vụ công cuộc Đổi mới.
(Hà Nội vào đông, hạ tuần tháng 11 – 2010)
(Hết)
[1]. Tài liệu đd tại chú thích 2, tr. 419.
[2]. Trong tham luận khoa học đã dẫn tại chú thích 11 chúng tôi cũng đã chỉ ra rằng triết lý giáo dục Khai dân trí – Chấn dân khí của Đông Kinh nghĩa thục đã tiếp cận “4 trụ cột” này. Quả là một sự gặp gỡ Đông – Tây kỳ lạ!
[3]. Phạm Toàn: Hợp lưu các dòng tâm lý giáo dục học. Tiểu luận chuyên đề. – Nxb Tri thức, Hà Nội 2008, tr. 314 – 332. Cách đây không lâu báo chí đưa tin nhóm Cánh buồm gồm một số giáo viên trẻ dưới sự hướng dẫn của nhà giáo “truyền đạo” Phạm Toàn và TS Nguyễn Thành Nam cũng lại đã bằng tâm huyết (không một xu từ “dự án” nào!) biên soạn xong bộ sách cho lớp 1, theo quy trình “công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại và đang dạy thí điểm ở Trường Nguyễn Văn Huyên. Xin cầu chúc cho Cánh buồm tiên phong thuận buồm xuôi gió!