CẢNH XEN GIỮA CHỪNG
(Cảnh Xen Giữa Chừng này là cuộc đối thoại giữa Cô Giáo – hoặc Andersen thì cũng thế – với bạn Giáo Đầu. Ý nghĩa của đoạn xen này như sau:
– Cho khán giả được nghỉ ngơi, xem kịch mệt lắm đấy, đừng có tưởng ngon ăn, cho đầu óc bớt căng để còn xem tiếp, xem kịch mệt lắm đấy;
– Hai người (Andersen và Giáo Đầu) giả vờ trao đổi với nhau, kỳ tình là để nhấn mạnh ý nghĩa câu chuyện vừa kể… đề phòng có chị gà nào chậm hiểu thì đến đây tổ chức dạy thêm học thêm;
– Khán giả sẽ được chuẩn bị về tâm lý và nhận thức để tự mình lôi cuốn mình vào câu chuyện sắp kể tiếp…)
GIÁO ĐẦU: Em thưa cô, à quên, em thưa bạn Andersen, bạn có vẻ xúc động… Chuyện của bạn viết ra, thế mà bạn cũng cảm động à?
ANDERSEN: Ôi, mỗi lần đọc lại câu chuyện về các chị gà mái này, tôi lại nhớ mãi cái lúc viết xong tôi đem ra phố đọc cho các bạn nhỏ nghe…
GIÁO ĐẦU: Andersen à, bạn có nhiều bạn là trẻ con không?
ANDERSEN: Mình viết văn rồi còn làm kịch cho trẻ em xem nữa. Mình làm kịch kiểu cắt dán giấy, vừa chiếu lên tường vừa kể chuyện, người lớn trẻ em ai coi cũng thích… như thế này này là mụ phù thủy đấy, thích không?
GIÁO ĐẦU: Bạn Andersen à, vui cả đời! Thế có khi nào bạn buồn không?
ANDERSEN: Đố bạn biết có khi nào tôi buồn không?
GIÁO ĐẦU: Andersen chỉ vui thôi! Bạn không biết buồn là gì!
ANDERSEN: Bạn hơi bị nhầm đấy!
GIÁO ĐẦU: Nhầm?
ANDERSEN: Bạn nhầm thực sự đấy! Chính khi viết câu chuyện chị gà mái, tôi buồn. Buồn vì thấy có những con người sống không chân thành. Chỉ ăn ngon, mặc đẹp, lười biếng… và phát triển tính xấu, như bệnh buôn dưa lê… có phải ở Việt Nam có bệnh buôn dưa lê không?
GIÁO ĐẦU: Để em hỏi mọi người… Thưa các bạn khán giả, có đúng ở Việt Nam có bệnh buôn dưa lê không nhỉ? (chờ khán giả trả lời…) Có đấy, Andersen ạ. Sao bạn giỏi thế nhỉ? Bạn biết là ở Việt Nam cũng có bệnh buôn dưa lê… hệt như lũ gà mái… Nhưng mà… em xin có ý kiến thế này…
ANDERSEN: Bạn cứ có ý kiến đi…
GIÁO ĐẦU: Kệ họ! Mặc kệ họ! Họ ăn diện, họ đi thi hoa hậu loài gà thì kệ họ!
ANDERSEN: Không kệ họ được em ạ! Trên trái đất này, còn biết bao trẻ em sống trong đau khổ… Các em đã đọc truyện Em bé bán diêm chưa?
GIÁO ĐẦU: Có ạ! Đêm nay, cũng có bạn kể chuyện đó ạ!
ANDERSEN: Ai kể? Sắp kể chưa? Thật không? Lại có bạn thông cảm với chuyện đó của tôi à? Ôi! Tôi sung sướng quá! Sắp được nghe kể câu chuyện đã làm tôi rơi biết bao nước mắt…
(Đèn mờ tối, khi bừng sáng lên, thì thấy Giáo Đầu giơ biển giới thiệu Cảnh mới và Người Kể chuyện 2 từ góc sân khấu đi ra…)
CẢNH BA: Em bé bán diêm
(Toàn bộ câu chuyện của em đều “kể” dưới hai dạng: kịch câm do NKC 2 diễn (kèm lời thuyết minh cho chắc ăn), NKC 2 kể kèm powerpoint)
Rét dữ dội… Tuyết rơi… Trời đã tối hẳn… Đêm nay là đêm giao thừa.
(Kịch câm do NKC 2 đóng:
Em vuốt tóc để xua đi lớp tuyết đọng lại… Em nhìn xuống đôi chân trần, cúi xuống xoa cho nóng, hà hơi rồi lại xoa chân, và giậm chân cho nóng cả chân và người… Có người đi ngang, em chìa hộp đựng diêm ra mời mua… Em cúi chào cám ơn mặc dù họ không mua…)
Lời thuyết minh:
“Giữa trời đông giá rét, một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối. Lúc ra khỏi nhà em có đi giày vải, nhưng giày vải phỏng có tác dụng gì kia chứ! Đó là đôi giày mẹ em để lại cho em trước khi mẹ chết. Giày quá rộng. Em bị mất lúc nào không biết…
“Suốt ngày em chẳng bán được gì cả và chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh. Em bé đáng thương, bụng đói cật rét, vẫn lang thang trên đường. Bông tuyết bám đầy trên mái tóc dài xõa thành từng búp trên lưng em, em cũng không để ý.
“Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay. Chả là đêm giao thừa mà!
(NKC 2 tiếp tục diễn kịch câm theo lời thuyết minh bên dưới)
“Em ngồi nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà. Em thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn. Em không thể về nhà nếu không bán được ít bao diêm. Vả lại ở nhà cũng rét thế thôi…
“Chà! Giá quẹt một que diêm lên mà sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ? Giá em có thể rút một que diêm ra quẹt vào tường mà hơ ngón tay nhỉ? Cuối cùng em đánh liều quẹt một que diêm. Diêm bén lửa thật là nhạy. Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biếc đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt.
“Em hơ đôi tay trên que diêm sáng rực như than hồng. Chà! Ánh sáng kỳ diệu làm sao! Em tưởng chừng như đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng. Trong lò, lửa cháy nom đến vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng.
“Thật là dễ chịu! Đôi bàn tay em hơ trên ngọn lửa; bên tay cầm diêm, cái ngón cái nóng bỏng lên. Chà! Khi tuyết phủ kín mặt đất, gió bấc thổi vun vút mà được ngồi hàng giờ như thế, trong đêm đông rét buốt, trước một lò sưởi, thì khoái biết bao!
NKC 2: Em xin tiếp tục câu chuyện đang kể… “Trong đêm giá rét, em bé bán diêm đốt từng que diêm để sưởi ấm đôi bàn tay lạnh cóng, và để tưởng tượng thấy hình ảnh của người bà yêu thương đã bỏ em để về với Chúa Trời…
“Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.
“Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa.
(NKC 2 nằm co trên nền sân khấu. Em vùng dậy lấy tay quẹt những que diêm trong tưởng tượng… Tiếng người thuyết minh vang lên và đó chính là lời kể của Andersen vậy)
ANDERSEN: Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên tử thi em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn… Mọi người bảo nhau: “Chắc nó muốn sưởi cho ấm!”…
(NKC 2 nằm im trên sân khấu. Ánh sáng mờ mờ… Andersen bước ra, nhao lại phía em đang nằm…)
ANDERSEN: Dậy… Dậy… Trời lạnh lắm. Không bao giờ được ngủ thiếp đi dưới trời tuyết rơi… Tuyết làm con lạnh cóng và tuyết làm máu con ngừng chảy, làm tim con ngừng đập… Ôi, không còn chút hy vọng nào nữa… (quay xuống khán giả) Tha lỗi cho tôi… Tôi không dám để em bé của tôi bị chết… Tôi chỉ muốn em được lên Thiên đàng gặp lại bà nội của em… Tôi đã viết ở đoạn kết đúng như thế này:
Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên tử thi em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn… Mọi người bảo nhau: “Chắc nó muốn sưởi cho ấm!”…
(nhấn giọng) Nhưng chẳng ai biết những cái kỳ diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm…
(nhấn giọng) Văn chương không cứu được một sinh mệnh!
Em bé bán diêm của tôi! Xin em tha lỗi cho văn chương!
Tất cả các em bé bán diêm của tôi! Xin các em tha lỗi cho văn chương!
Tất cả các em bé nghèo đói của loài người! Xin tất cả các em tha lỗi cho văn chương!
(Đèn mờ tối để chuyển cảnh)
CẢNH BỐN: Chú lính chì dũng cảm
GIÁO ĐẦU: Các bạn khán giả thân mến… Đêm hội Andersen của trường chúng ta còn một tiết mục thứ ba… Xin giới thiệu người kể chuyện của trường ta… (cố ý nháy mắt và liếc về Cô Giáo (Andersen) như thể muốn trêu cô giáo cho cô đỡ buồn) Truyện hồi vừa rồi bi thương quá, Cô Giáo trường ta đang nghẹn lời không nói được gì đấy… Bắt đền Andersen đấy!… Bây giờ sẽ kể một câu chuyện đầy chất thơ mộng và bớt bi thương, các bạn đồng ý thế nhé: xin giới thiệu Chú lính chì dũng cảm…
NKC 3: Thưa các bạn… Tôi xin bắt đầu kể câu chuyện của Andersen viết về một chú lính chì… Khi câu chuyện này diễn ra, tất cả chúng ta đều đang say ngủ… Có bạn được nằm cạnh mẹ mà ngủ… Có bạn được nằm cạnh bà… Có bạn đang ôm một chú gấu bông và mơ màng ngủ… Xin nhắc lại, câu chuyện này là một giấc mơ… Hoàn toàn là câu chuyện xảy ra trong mơ… Vì vậy, xin đề nghị cho giảm bớt ánh sáng…
(Ánh sáng dịu đi rồi mờ mờ tối… từ đây mọi hoạt động đều như diễn ra trong giấc mơ…)
NKC 3: Khẽ… Khẽ thôi… Cậu nào để cái đồng hồ kêu tích tắc to thế?… Khẽ thôi, không tích tắc nữa càng tốt… Khẽ thôi… Cậu nào tặc lưỡi khi ngủ đấy?… Hí hí hí… Thạch sùng tặc lưỡi à?… Khẽ thôi, cậu nào đóng cửa sổ ầm ầm thế?… ại gió à? Hí hí hí… Thế thì mình lại xin lỗi vì đã trách oan… Nhưng nên nhớ, cả nhà đang ngủ… Chỉ có các cậu lính chì đang chuẩn bị đùa vui…
(Ánh sáng bừng lên, để NKC 3 bước ra trò chuyện cùng khán giả)
NKC 3: Các bạn có biết vì sao lại có các chú lính chì không? Chuyện lai lịch các chú lính chì như sau… Ông chủ nhà có cái thìa múc canh bị mẻ, không dùng được nữa… Ông nghĩ ra cách đem đúc cái thìa đó thành những chú lính chì bé tí… Được hẳn một trung đội nhé!… Chỉ có điều đáng tiếc, ấy là thiếu chì, nên cậu lính ra đời sau cùng bị thiếu một chân… Không sao hết, thiếu một chân thì cũng là con người… Thiếu một chân mà dũng cảm thì vẫn là dũng cảm… Thiếu một chân nhưng vẫn đầy đủ những tình cảm của một chiến sĩ!
NKC 3: Tập hợp!… Đi khẽ thôi! Cả nhà đang ngủ!
(Đoàn lính đi ra, không cần đủ 25 chú, đông quá khó diễn, chỉ cần chừng mươi chú là được… Hè hè nhưng nếu các bạn thích đóng cho đủ 25 chú lính chì thì cũng chẳng sao, cốt vui mà! – Chú ý chú lính cuối cùng chống nạng, cũng súng ống đàng hoàng nhưng đi lại phải chống nạng, một bên chân buộc co vào trong ống quần để giả vờ bị mất chân, kịch ấy mà!)
NKC 3: Nghiêm!… Hay lắm, đứng nghiêm, thẳng thắn như vậy, đúng là các chiến sĩ… Nghỉ!… Cậu nào đập mạnh cái gì đó?… Đã bảo cả nhà đang ngủ mà!… Hè hè… Cậu này nhặt đâu được cái chân gỗ này?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Báo cáo đây là cái nạng!
NKC 3: Nạng dùng để làm gì?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Nạng để thay thế cho cái chân cụt.
NKC 3: Hay nhỉ? Cậu đi lại cho cả trung đội xem nào… (lấy chú lính chì ra biểu diễn trước hàng quân) Bước thử coi! Mốt hai mốt… Mốt hai mốt… Mốt hai mốt… …
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: (đi đếm bước theo lệnh của NKC 3)
NKC 3: Cậu đi lại gây tiếng động nhiều quá đấy… Đã bảo cả nhà đang ngủ mà! (Các chú lính chì khác vỗ tay reo to “Hoan Hô!”) Suỵt! Suỵt! Đã một anh này gây lộc cộc mấy anh kia lại hoan hô nữa, làm cả nhà dậy thì chúng mình trốn đi đâu?… Hỏi thật nhé: cậu có thể nhảy được không?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Làm gì cũng được. Các chiến sĩ khác làm được thì em cũng làm được.
NKC 3: Cả trung đội chú ý: đeo ba lô và đeo súng, nhảy nhẹ nhàng không gây tiếng động không cho quân địch biết mình đang đến sát… Nhảy… (cả trung đội nhảy nhẹ nhàng. Riêng chú lính chì cụt chân thì… hơi bị gây tiếng động…) Khen cả trung đội, trừ một bạn, vẫn còn gây tiếng động… Bạn nên tập thêm… (Biểu diễn trước hàng quân)Nhảy… Nhảy… Nhảy… (Các chú lính chì khác vỗ tay reo to “Hoan Hô!”) Suỵt! Suỵt! Đã một anh này gây lộc cộc mấy anh kia lại hoan hô nữa, làm cả nhà dậy thì chúng mình trốn đi đâu?…
NKC 3: Bây giờ đến mục kiểm tra Toán xem bài học tối hôm qua các cậu có nhớ không… Nghe đề Toán này: 1 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2… kết quả bao nhiêu?
(Mấy chú lính lành lặn bị chỉ định trả lời, đều lắc đầu “Khó quá khó quá!”)
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Em trả lời được… Đề nghị cấp chỉ huy hỏi lại…
NKC 3: Nghe đề Toán này: 1 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2… kết quả bao nhiêu?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Kết quả bằng 1! (Gõ nạng để nhấn mạnh 1 tiếng)
NKC 3: Giỏi! Nhưng bạn không được gõ nạng khi trả lời. Cả nhà đang ngủ, rõ chưa? Nghe đề Toán nữa này: 3 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 … kết quả bao nhiêu?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Kết quả bằng 3! (Gõ nạng để nhấn mạnh 3 tiếng)
NKC 3: Giỏi! Nhưng bạn không được gõ nạng khi trả lời. Cả nhà đang ngủ, rõ chưa? Nghe đề Toán nữa này: 10 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2 cộng 2 rồi trừ 2… kết quả bao nhiêu?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Kết quả bằng 10! (Gõ nạng để nhấn mạnh 10 tiếng)
NKC 3: Giỏi! Bây giờ hỏi tất cả: ai trả lời đúng thì được thưởng vữ nữ đứng trên lò sưởi kia…
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Tội nghiệp cô bé!… Báo cáo chỉ huy… Em hỏi một tí…
NKC 3: Gì vậy?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Vũ nữ có nạng không ạ?
NKC 3: Sao kia? Sao vũ nữ lại cần có nạng?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Người xinh thế mà cũng chỉ có 1 chân!
NKC 3: Cậu nghĩ vũ nữ này cần có nạng để múa và để đi lại như cậu à?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Ôi! Buồn thật!
NKC 3: Thôi, hôm nay học bài mới, học suy luận… Cả trung đội nhắc lại: học suy luận. (tất cả các lính hô to “Học suy luận”)… Nào đây là câu hỏi để các cậu suy luận: CON GÌ, SÁNG ĐI BẰNG 4 CHÂN, TRƯA ĐI BẰNG 2 CHÂN, CHIỀU ĐI BẰNG 3 CHÂN? (Các chú lính đứng im phăng phắc… NKC 3 nhìn từng cậu, các cậu quay mặt đi, tỏ vẻ thẹn vì không trả lời nổi một câu hỏi dễ thế!) Nào, chú lính chì hẩm hiu… Chú nhìn đi đâu thế? Nhìn cô vũ nữ à? Trả lời đi rồi nếu trả lời đúng thì sẽ được phần thưởng…
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Ôi! Buồn thật! Người xinh thế mà mất một chân!
NKC 3: Trả lời đi! Em trả lời được không?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Ôi! Buồn thật! Người xinh thế… Chỉ huy hỏi gì chúng em ạ?
NKC 3: Con gì, sáng đi bằng 4 chân, trưa đi bằng 2 chân, chiều đi bằng 3 chân? Các bạn không ai trả lời được cả. Em trả lời được không?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Ôi! Người xinh quá!… Dạ, em nghĩ là em trả lời được ạ…
NKC 3: Con gì? Đó là con gì?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Con Người! Con Người! Đó chính là Con Người!
NKC 3: Sao kia? Sao đó lại là con người?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Con Người! Đó chính là Con Người!… Buổi sáng là lúc còn bé, đi bằng cả hai chân và hai tay. Buổi trưa đi bằng hai chân. Buổi chiều, về già, đi lại phải chống gậy, thế là đi bằng ba chân… Riêng em, cả đời chỉ có 1 chân… (nức nở)
NKC 3: Em đã giải đúng! Em được thưởng cô vũ nữ kia.
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Con Người! Con người đủ hai chân! Nhưng cả em và cô vũ nữ đều chỉ có một chân!
NKC 3: Em nghĩ cô vũ nữ chỉ có một chân như em thôi à?
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Vâng! Chỉ huy nhìn xem… Vũ nữ xinh đẹp thế mà chỉ có một chân thôi…
NKC 3: Em nhầm đấy! Trên ảnh cô ấy đang múa nên một chân bị che đi… Em ngốc thật đấy!
LÍNH CHÌ CỤT CHÂN: Ôi, nhưng nếu cô vũ nữ xinh đẹp thế mà có đủ hai chân thì cô sẽ chẳng thích em…
NKC 3: Em thông minh nhưng tình cảm thì ngốc nghếch! Vũ nữ là người giàu tình cảm, sẽ chọn em làm người bạn suốt đời… vì em là người thông minh… Mời vũ nữ xuống đây với chú lính chì thông minh của chúng ra…
(Vũ nữ xinh đẹp bước ra khoác tay chú lính chì cụt chân, hai người đi vào, đèn sân khấu tối dần, tiếng cộc cộc cộc rất rõ… )
NKC 3: Khẽ thôi… Khẽ thôi… Cả nhà tỉnh giấc bây giờ… Khẽ thôi… Cả nhà tỉnh giấc bây giờ… Khẽ thôi… Cả nhà tỉnh giấc bây giờ…
CẢNH CUỐI: Trí tuệ! Trí tuệ! Và Trí tuệ!
(Khi đèn bừng sáng, Andersen đứng đó ôm lấy chú lính chì, sau lưng Andersen là tất cả các nhân vật trong các câu chuyện được kể từ lúc bắt đầu ngày hội đến giờ…)
ANDERSEN: (với Người kể chuyện số 3) Bạn liều lĩnh thật đấy! Bạn dám chữa văn của tôi.
NKC 3: Em có chữa đâu?
ANDERSEN: Chuyện của tôi là chú lính chì bị thả trôi dưới cống và phải đánh nhau với con quỷ rồi sau đó mới cùng vũ nữ tan ra trong lò sưởi với nhau…
NKC 3: Em đâu dám chữa văn của Andersen? Chính Andersen muốn viết như vậy. Em đoán ý Andersen muốn nói rõ chú lính chì có lòng dũng cảm của con người thông minh, đó là lòng dũng cảm của trí tuệ. Em đã kể lại đúng y hệt như Andersen nghĩ! Đúng vậy không ạ?
ANDERSEN: Ôi! Ta đã ngao du khắp thế giới, nhưng hôm nay ta được một bài học từ một em bé đã dám chữa lại văn của ta… Em đã đúng! Con quỷ trong truyện của ta là quỷ của sự mông muội. Còn sự dũng cảm trong truyện em thêm thắt là sự dũng cảm của trí tuệ.
(Trong tiếng nhạc du dương, nghĩ rằng đó sẽ là bài ca trong sáng của nhóm ABBA “I Have a Dream”, Andersen được bao quanh bởi các em nhỏ tham gia cuộc thi kể chuyện trong Đêm Hội Andersen và màn hạ, nghĩa là đèn tắt dần, để khi ánh sáng bừng lên thì tiếng nhạc và lời ca vẫn vang lên, có cả tiếng đọc rành rọt những lời thơ bằng cả hai thứ tiếng, đọc đi đọc lại trong khi tiếng hát ABBA vẫn vang lên)
“If you see the wonder of a fairy tale,
You can take the future
even if you fail”…
“Còn ngơ ngác được với truyện thần tiên
Còn nắm trong tay vận mệnh đời mình
Ngay cả khi số phận chông chênh”…
HẾT