Đó là lời nhà giáo Phạm Toàn cuối buổi gặp gỡ chiều ngày 3/2/2012 giữa nhóm Cánh Buồm và các cán bộ lãnh đạo, chuyên viên các bộ môn của Vụ Tiểu học tại trụ sở Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.

Trong ba năm qua, nhóm Cánh Buồm gửi tới xã hội bộ sách các môn Văn và Tiếng Việt (từ lớp 1 tới lớp 4), Lối Sống và Tiếng Anh (lớp 1 và lớp 2), Khoa Học Công Nghệ (lớp 1). Hè năm nay, nhóm Cánh Buồm sẽ hoàn thành sách tiếng Việt và Văn cho cả 5 lớp Tiểu học, cùng với một số mô-đun huấn luyện sư phạm thực hiện các cuốn sách đã có. Nhóm cũng đang chuẩn bị công bố từ 6 tới 7 tác phẩm của nhà Tâm lý học hàng đầu của loài người Jean Piaget, làm cơ sở tham khảo đổi mới sư phạm.

Tham gia buổi gặp có các thành viên nhóm Cánh Buồm, Vụ trưởng Lê Tiến Thành, Phó vụ trưởng Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng Phạm Ngọc Định và đông đảo các chuyên viên của Vụ Tiểu học.

Trong lời mở đầu, Vụ trưởng Lê Tiến Thành cho biết thời gian qua những đóng góp cho giáo dục của Cánh Buồm đã gây được tiếng vang trong xã hội và Vụ Tiểu học rất quan tâm tới các hoạt động của nhóm. Vụ Tiểu học mời Cánh Buồm đến trao đổi với tinh thần “cởi mở lắng nghe, chia sẻ, chọn lọc và học hỏi” như định hướng của Bộ, nhằm giúp công tác Giáo dục Tiểu học tốt hơn.

Phần lớn thời gian cuộc trao đổi dài hơn 2 tiếng đồng hồ dành cho nhà giáo Phạm Toàn nói về tư tưởng giáo dục của nhóm Cánh Buồm và tính chất hiện đại của bộ sách theo hình dung của Nhóm về một nền giáo dục hiện đại hóa.

Những nỗ lực có tính nguyên tắc

Nhà giáo Phạm Toàn dắt dẫn cuộc trò chuyện giản dị nhưng tập trung. Các khái niệm được xác định rõ ràng, không mập mờ. Đây là 3 thí dụ:

  • Nước ta cần Cải cách Giáo dục và đó phải là một nền Giáo dục hiện đại hóa (không cải cách nửa vời).
  • Hiện đại không nằm ở thiết bị đắt tiền mua sắm về “biểu diễn” cho học sinh “học”. Hiện đại là tìm ra đúng CÁCH HỌC của trẻ em để giúp các em TỰ HỌC – TỰ GIÁO DỤC.
  • Muốn có cách tự học và tự giáo dục đúng, thì phải cải tổ cả hệ thống, nhất là phải XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ BẬC HỌC – XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ MÔN HỌC (một cách nói khác của việc xây dựng lại chương trình học). Xin xem tóm tắt bên dưới.

————————–

Tóm tắt ý kiến của nhóm Cánh Buồm

Nhóm Cánh Buồm thành lập để làm gì?

  • LÀM MẪU (ý nghĩa “khơi mào”, to trigger, amorcer, không phải là MẪU MỰC, là NHẤT).
  • Đưa ra cái Mẫu về một nền GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI (nền GD hiểu biết HÀNH ĐỘNG HỌC của trẻ em, tổ chức được sự TỰ HỌC – TỰ GIÁO DỤC của trẻ em).
  • Mẫu đó được trình ra thông qua một bộ sách cụ thể.

Bộ sách của nhóm Cánh Buồm

Nguyên tắc:  Bộ sách của công cuộc TỰ HỌC TỰ GIÁO DỤC. Giáo viên dễ thực hiện. Học sinh dễ học. Học sinh đến với cái CAO NHẤT song lại tiêu tốn ÍT NĂNG LƯỢNG NHẤT. Điều bí mật nằm ở chỗ tìm ra HÀNH ĐỘNG HỌC.

Hành động học:

  1. Đi vào bản chất CÁCH HỌC tùy theo MÔN HỌC (học Văn khác học Ngữ…)
  2. Đi vào bản chất CÁCH HỌC tùy theo ĐỘ TUỔI (mỗi bậc học phải có NHIỆM VỤ rõ ràng)
  3. Đi vào bản chất CÁCH HỌC tùy theo SỨC HỌC (các cá thể thỏa sức vươn lên)

Mục tiêu môn học chi phối cách học:

1. Môn Văn: Học một ngữ pháp nghệ thuật với Văn là vật liệu mẫu. Phân chia 5 lớp tiểu học:

Tinh thần: Đi lại con đường người NGHỆ SĨ đã đi

  • Lớp Một: Đồng cảm
  • Lớp Hai: Tưởng tượng
  • Lớp Ba: Liên tưởng
  • Lớp Bốn: Bố cục
  • Lớp Năm: Con đường nghệ thuật

2. Môn Tiếng Việt: học một nội dung ngôn ngữ học với tiếng Việt làm vật liệu:

Tinh thần: Đi lại con đường nhà NGÔN NGỮ HỌC đã đi

  • Lớp Một: Ngữ âm học
  • Lớp Hai: Từ vựng học
  • Lớp Ba: Cú pháp học
  • Lớp Bốn: Văn bản học
  • Lớp Năm: Hoạt động ngôn ngữ trong xã hội (theo phương thức nhà trường)

 

3. Môn Lối sống: học một tinh thần đồng thuận và một năng lực chịu trách nhiệm của công dân:

Tinh thần: Đi lại con đường người công dân TỰ DO, TRÁCH NHIỆM đã đi.

  • Lớp Một: Đồng thuận cho các em được SỐNG TỰ LẬP
  • Lớp Hai: Đồng thuận trong cách SỐNG CỘNG ĐỒNG
  • Lớp Ba: Đồng thuận trong cách SỐNG GIA ĐÌNH
  • Lớp Bốn : Đồng thuận trong cách SỐNG TỔ QUỐC
  • Lớp Năm : Đồng thuận trong cách SỐNG NHÂN LOẠI

4. Môn Tiếng Anh: học một CÔNG CỤ hội nhập vào một nền văn hóa xa lạ:

Tinh thần: Đi lại con đường NGƯỜI KHAI PHÁ đã đi

  • Lớp Một: ÂM và TỪ tiếng Anh – Trò chơi ngôn ngữ
  • Lớp Hai: TỪ LOẠI tiếng Anh – Trò chơi ngôn ngữ
  • Lớp Ba: CÂU tiếng Anh – Trò chơi ngôn ngữ
  • Lớp Bốn: BÀI tiếng Anh – Trò chơi ngôn ngữ
  • Lớp Năm: VĂN HÓA, VĂN MINH tiếng Anh – Trò chơi ngôn ngữ

Sư phạm hóa bộ sách của Cánh Buồm

Làm gì để trường sư phạm thành trường nghiệp vụ? Làm gì để trường sư phạm “đi trước một bước”? Con đường thực dụng đào tạo (giáo sinh) và bồi dưỡng (giáo viên đương nhiệm) là ba mục tiêu sau:

1. Mục tiêu căn bản: đào tạo kỹ năng THÔ là biết dùng đúng sách giáo khoa:

(i) GV không giảng giải mà tổ chức cách học cho HS – “Sách giáo khoa do người dạy và người học CÙNG TẠO RA TRONG TIẾT HỌC”;
(ii) “Sách giáo khoa” được gửi vào trong tâm lý người học (thí dụ: học sinh tự ghi vở);
(iii) người học đối chiếu vào “sách giáo khoa”, cái biên bản cho trước, để THÊM, BỚT, CHỮA  “sách giáo khoa.

2. Sau kỹ năng THÔ là kỹ năng TINH là người giáo viên không lệ thuộc vào “giáo án”.

3. Sau kỹ năng THÔ và TINH là THUẦN THỤC người GV còn biết về lý thuyết để biết chắc tại sao mình dạy giỏi.

Sự cấp thiết phải có trường thực nghiệm

Trường thực nghiệm chính là nơi để trường sư phạm “đi trước một bước”. Không phải chỉ có một trường thực nghiệm ở Hà Nội, mà cần có trường thực nghiệm thay thế hình thức “trường thực hành” hiện thời.

——————————

Sự ủng hộ từ nhiều tầng bậc

Nhà giáo Phạm Toàn cũng cho biết về sự ra đời của nhóm Cánh Buồm. Mùa hè năm 2009, giáo sư Hồ Ngọc Đại nhờ ông mở một lớp huấn luyện giáo viên cho một dự án dạy học ở miền núi. Sau đó, dự án tạm gác lại, và điều đó cũng đem lại “cơ may” tập hợp từ lớp huấn luyện ấy một số nhà giáo trẻ mang trong mình tinh thần thiện nguyện và dấn thân để “cùng nhau làm một điều tích cực cho nền giáo dục nước nhà”.

Để thống nhất tư tưởng chung, nhà giáo Phạm Toàn soạn một bản giải thích (dùng nội bộ) nhưng không ngờ sau đó lại thành một Đề án Cải cách Giáo dục. Đó là sau khi soạn xong, nhà giáo PhạmToàn đem hỏi ý kiến bè bạn, và đã được các ông Trần Việt Phương và Nguyên Ngọc chia sẻ với đồng chí Phó ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Ngọc Hoàng.  Do đó, tháng 3 năm 2010, nhà giáo Phạm Toàn được mời trình bày đề án này tại Ban Tuyên giáo Trung ương.

Bên cạnh sự ủng hộ từ Ban tuyên giáo, nhóm Cánh Buồm cũng nhận được sự ủng hộ của Nhà xuất bản Tri Thức (xuất bản và phát hành), trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên ở Hà Nội (dạy kiểm chứng các buổi chiều trong chương trình “nâng cao”), Quỹ Phan Chu Trinh và Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (tổ chức các cuộc Hội thảo).

Vụ Giáo dục Tiểu học:  “Vụ rất ủng hộ cách đổi mới này”

Sau bản trình bày của nhà giáo Phạm Toàn, các vị trong ban lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học có mặt đều phát biểu ý kiến. 
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng, bày tỏ sự trân trọng huyết và nỗ lực của nhóm Cánh Buồm – nhóm đã làm việc thực sự để tạo ra những sản phẩm cụ thể góp phần đổi mới giáo dục. Ông nhấn mạnh tư tưởng về một nền giáo dục mà ở đó học sinh đóng vai trò trung tâm, chủ động, tích cực trong quá trình học tập chính là giao điểm giữa tư tưởng chỉ đạo của Bộ với ý tưởng, hành động của Cánh Buồm. Ông chia sẻ, hiện nay Bộ đang triển khai nhiều đề tài nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó việc sử dụng sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại là một giải pháp tăng cường môn tiếng Việt, hiện đã triển khai ở 16 tỉnh. Bộ rất cởi mở về mặt quản lí, “nếu có những giải pháp tốt, các cấp cơ sở đồng ý và có văn bản đề nghị, Bộ cũng xem xét cho triển khai”. Ông cũng cho biết, Bộ đang tích cực chỉ đạo thực hiện “đổi mới căn bản, toàn diện” giáo dục theo tinh thần nghị quyết 11 của Trung ương. Có thể coi những tư tưởng, cách làm của Cánh Buồm như một trong những hướng đi nhằm thực hiện sự đổi mới căn bản, toàn diện ấy.

Cũng với quan điểm trên, hai phó vụ trưởng Trần Thị Thắm và Phạm Ngọc Định cho rằng bộ sách Cánh Buồm là một sản phẩm tâm huyết, có những phát hiện rất mới mẻ và bổ ích. Đặc biệt, bà Trần Thị Thắm rất hứng thú với sách Tiếng Việt lớp 4 của Cánh Buồm, bà cho rằng sách tiếng Việt lớp 4 của nhóm đã làm được một điều rất mới mẻ và có ích mà chưa sách nào làm được, ấy là dạy trẻ em viết đoạn văn với từng bước đi cụ thể, bài bản. Theo bà Thắm, nếu dạy như vậy thì học sinh nào cũng biết viết đoạn văn và tự viết được những đoạn văn hoàn chỉnh. Bộ sẽ xem xét kĩ hơn những khác biệt trong đường lối giữa Cánh Buồm và đường lối của bộ sách hiện hành, ví dụ như việc Cánh Buồm tách riêng môn tiếng Việt và môn Văn. Ông Phạm Ngọc Định, phó Vụ trưởng cũng cho biết mặc dù còn một vài điểm về mặt nội dung chưa hoàn toàn tán thành giữa Vụ và Cánh Buồm, các lãnh đạo vụ đều “ủng hộ và kính phục nỗ lực” của Cánh Buồm.

Nhà giáo Phạm Toàn cám ơn và đề nghị hai điều: một là xin Vụ cho phép dùng thử sách của nhóm Cánh Buồm ở những nơi thuận lợi. Về ý kiến này, Vụ trưởng Lê Tiến Thành nói đại ý: nhóm nên liên hệ với các cơ sở có nhu cầu sử dụng bộ sách như một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục để triển khai. Ông nói vừa cụ thể lại vừa như một gợi ý “các đồng chí vào thành phố Hồ Chí Minh thử xem, anh Điệp ở trong đó mạnh dạn lắm đấy”.

Đề xuất thứ hai của nhà giáo Phạm Toàn là: xin tiến cử với Vụ ba tác giả nhóm Cánh Buồm Nguyễn Thị Thanh Hải, Đinh Phương Thảo, Vũ Thị Như Quỳnh. Trong thời gian tới ba bạn sẽ làm “sĩ quan liên lạc” giữa Nhóm với Vụ. Vụ trưởng Lê Tiến Thành đã thân tình trao đổi với ba “sĩ quan liên lạc” và các thành viên cả Nhóm, và ông vui vẻ nói thêm: “Các bạn gửi đăng bài trên Nội san Giáo dục Tiểu học đi, nói về hướng làm việc, nói cách dạy những môn học theo quan điểm của mình… nhuận bút cao gấp năm lần ở ngoài đấy!”

Kết thúc buổi trao đổi, nhà giáo Phạm Toàn vui mừng nói, “đúng là phải cảm ơn trẻ em đã hối thúc một cuộc gặp đầy ý nghĩa như ngày hôm nay”. Ông Lê Tiến Thành nhấn mạnh thêm : buổi tiếp xúc với nhóm Cánh Buồm là rất quan trọng, vì nó thể hiện tinh thần “lắng nghe, cầu thị’ của Bộ đối với những ý kiến đóng góp của các cá nhân tổ chức, đồng thời hứa hẹn một sự hợp tác lâu dài, vì sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Nguyễn Thị Kim Quý