Nhân dịp tổ chức tọa đàm “Học Văn và Học Tiếng Việt” tại Trung tâm Ngôn ngữ Văn hóa Đông Tây vào ngày 14-1-2012, nhóm Cánh Buồm xin phép nhà thơ, nhạc sĩ Đỗ Trung Quân đăng bài viết này để làm kỷ niệm.
Gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao không nhiều nếu không nói là kiêm tốn so với những nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… Nhưng đấy chỉ là so sánh về số lượng. Âm nhạc Văn Cao về chất lượng thật sự đồ sộ.
Ca khúc cuối cùng của nhạc sĩ là tác phẩm nào người viết không dám khẳng định [biết đâu di sản ông để lại còn những tác phẩm gia đình chưa công bố]. Thôi cứ tạm xem “Mùa xuân đầu tiên” được viết năm 1976 – một năm sau ngày thống nhất đất nước của nhạc sĩ là tác phẩm cuối cùng được công bố và phổ biến đến hôm nay. Một ca khúc không chỉ duy mỹ, nó còn là những rung động nhân văn sau cuộc chiến dài nhiều xương, máu của cả hai miền “Rồi dập dìu mùa xuân theo én về… mùa bình thường mùa vui nay đã về… mùa xuân mơ ước ấy đã đến đầu tiên với khói bay trên sông… gà đang gáy trưa bên song một tia nắng vui cho bao tâm hồn…”. Và đẹp hơn cả trong cái niềm vui kia chính là “Từ đây người biết yêu người…”
Nhạc sĩ mong ước một điều phải có thật trong cuộc đời ở trang mới của đất nước. Nhưng những nốt nhạc, giai điệu của cả ca khúc thì lại buồn buồn… dường như nhạc sĩ đã tiên cảm, lo âu một điều gì đấy ?
Sau 37 năm. Người biết yêu người ra sao ? Yêu thế nào mà cái thiện ngày càng ít đi, cái ác ngày càng giương đôi cánh dơi khổng lồ của nó phủ bóng lên tình nhân ái. Người ta hành hạ trẻ con, kẻ sát nhân còn quá trẻ chém rụng cả tay đứa trẻ mới chỉ vài tuổi. Đòi mẹ thua bạc không xong, bọn côn đồ chém vỡ óc đứa con vài tháng tuổi. Người ta dội nước sôi vào cả bà giúp việc già mà có gì phải hành hạ đến thế. Nếu không hài lòng sự phục vụ, đơn giản chỉ cần đuổi việc.
Khoan bảo tay nhà thơ này toàn bới móc những chuyện xấu xa của xã hội. Khi tôi viết những dòng này thì Blogger Mai Thanh Hải đang lặn lội khắp nơi vận động, quyên góp áo ấm cho lũ trẻ vùng cao. Blogger Trần Đăng Tuấn cũng đã kêu gọi “bữa ăn có thịt” cho những đứa bé nghèo ở nơi xa xôi mà chỉ nhìn vào chén cơm không có bất cứ gì khác dù là muối cũng đủ để ta rơi lệ. Nhà nhiếp ảnh Nason bao lâu nay cũng lặn lội cùng bạn bè mình đến những nơi hẻo lánh nhất của Tây Bắc mang quà cứu trợ cho trẻ con thiếu ăn người dân tộc… và nhà văn Nguyên Quang Vinh lâu nay cũng thế. Họ vẫn âm thầm lặn lội từ lâu. Từ rất lâu…
Niềm an ủi về cái tình “người biết yêu người…” vừa sưởi cho ta chưa kịp ấm thì vụ Tiên Lãng lại cộng thêm vào cái bất nhẫn, bất tín, bất nhân với chính những người dân đã gắn bó, đổ mồ hôi từ bao đời tìm miếng cơm manh áo trên mảnh đất của mình… Con giun xéo quá cũng quằn huống chi là con người cùng khổ.
37 năm sau, giờ đây tôi bỗng hiểu thêm tại sao một ca khúc hay đến thế, rung động đến thế lại mang giai điệu nao lòng đến thế. Một điệu valse buồn man mác, mang nhiều niềm cầu mong…
… Hôm nay, năm 2012, ca khúc ấy vẫn còn nguyên những điều mong ước, cũng vẫn còn là cầu mong “Từ đây người biết yêu người…”
Đỗ Trung Quân
Theo Quechoa
{fcomment width=700}