… Tôi rất thường bị ốm vào đúng dịp Tết. Không hiểu tại sao. Năm nay cũng không là ngoại lệ. Rất có thể ốm là kết quả của một sự phản ứng vô thức muốn trốn bớt đi một vài cái vai xã giao nào đó phải đóng trong một cái dịp như thế này. Hoặc giống như một đứa trẻ thích ốm để được nghỉ học. Tôi không biết nữa, nhưng đúng là năm nay tôi bị ốm liền từ 28 tết tới mồng 5 tết.
… Tôi ốm, nằm đọc Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần (mua hôm 23 Tết). Không thể đọc liền một mạch, vì mệt. Giữa những lần đọc tiếp là những suy nghĩ vẩn vơ, những hồi ức lan man. Tôi bật máy tính, lấy đại một đĩa CD nhạc symphony của Beethoven (tôi có trọn 9 bản của Beethoven) rồi cho vào ổ CD của máy tính. Đó là bản số 8. Tôi không biết nhạc lý. Nhưng tôi nghe nhạc cổ điển từ khi còn bé. Đến giờ tôi vẫn có thói quen nghe nhạc cổ điển, mặc dù đôi khi không hiểu một bản nhạc nào đó đang nghe. Vào cái thời lâu lắm rồi, khi ấy đang còn là thời bao cấp, một lần ông bố tôi đã bán cả chiếc xe đạp mà ông đang đi, bán cả cái giường mà cả nhà đang nằm, bán đủ thứ linh tinh trong nhà, gom đủ tiền để mua một chiếc máy quay đĩa do Đông Đức sản xuất. Một chiếc máy quay đĩa mới toanh. Còn đĩa nhựa nhạc cổ điển thì tủ đĩa hát của nhà tôi nhiều vô kể. Vì ngày đó mua loại đĩa hát đó rất dễ và rất rẻ. Đĩa chủ yếu do Liên Xô ghi âm và sản xuất. Dân ta thời đó vẫn nói: Liên Xô xuất hàng hóa sang Việt Nam như vừa bán, vừa cho.
…. Tôi nằm, có lúc nhớ lại ngày bé, ba anh em chúng tôi được bố dẫn đi chơi chợ hoa ngày tết như thế nào. Bắt đầu từ 25 tết cho tới chiều 30 tết, hằng ngày cứ sau bữa cơm tối là chúng tôi đi bộ lên Hàng Lược. Chỉ đi xem. Xem năm nay có loài hoa nào mới. Xem năm nay hoa đẹp hay xấu hơn năm ngoái. Người ta có thể trò chuyện thoải mái với người bán mà không cần mua, mà người bán vẫn vui vẻ. Ngày ấy người ta mua để chơi tết hoặc tặng nhau ngày tết một cành đào, chứ không ai chơi theo cái kiểu vũ phu đốn cả cây, cả gốc đào rừng để mang về nhà chơi như ngày nay! Y như các cụ vẫn nói: ăn cả ngọn lẫn gốc.
…. Có lúc thấy đỡ mệt, nhỏm dậy vào mạng Internet lang thang, xem tin, đọc bài. Bầu trời blog dạo này tối đen, như đêm 30. Không ai còn muốn viết lách, bình luận gì cả. Tin tức nóng bỏng từ Tuy-ni-di và Ai Cập dồn dập dội về, nhiều là thế, hấp dẫn là thế, ấy thế mà chỉ thấy lác đác vài ba cái “còm”. Y như câu ca dao đời mới do nhà văn Nguyễn Quang Lập sưu tầm: Bầm ơi có rét không bầm / con làm bờ-lốc còn run hơn bầm.
… Mấy hôm gần tết tình cờ được đọc mấy lời trao đổi qua lại (cũng hơi căng thẳng một tí) về cách dịch chữ “ignorance” (chữ tiếng Pháp) giữa dịch giả Cao Việt Dũng và Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy. Hay là dịch quách thành “ngu”. Hoặc “ngu lâu” (cho mềm bớt để thoát khâu kiểm duyệt). Y như dân ta hay nói: ngu lâu khó đào tạo (Xin cả hai dịch giả mà tôi rất ngưỡng mộ này coi đây chỉ là lời tôi tán cho vui ngày tết thôi nhé, chứ không phải là tôi đề xuất một cách dịch và chuyện này dứt khoát không liên quan gì đến cuốn sách mà hai người đang bàn).
… Trên đời này có những người “biết” nhưng mà vẫn “khó đào tạo”. Loại người đấy mới đáng sợ. Hôm rồi, tình cờ thấy trên một tờ báo có bài viết về tôi. Bài báo đó viết rằng tôi có cái nhìn lệch lạc về đạo đức, văn hóa ở nước ta hiện nay. Người ta tổ chức hội thảo. Người ta mời tôi nghĩ gì thì viết ra rồi tất cả cùng nhau thảo luận (bài Khi tâm hồn con người bị tước đoạt đăng trên trang BVN dạo tháng 11 năm 2010, trang trannhuong.com sau đó đăng lại). Tôi viết thế đấy, sai hoặc đúng, chứ lệch lạc cái gì! Muốn chứng minh tôi sai, thì xin mời. Nhưng đừng sử dụng những bằng chứng hoặc luận cứ chẳng ăn nhập gì. Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 171 quốc gia thì có liên quan gì tới xuống cấp đạo đức, văn hóa? Người Việt có phương châm đạo lý “thương người như thể thương thân” thì đúng quá đi rồi. 1.000 năm trước phương châm này đúng. 50 năm trước, phương châm này vẫn tiếp tục đúng. 1 triệu, 2 triệu … n triệu năm nữa, phương châm này vẫn tiếp tục đúng. Nhưng bây giờ đạo đức, văn hóa nó đang xuống cấp, thì tôi bảo là đạo đức nó đang xuống cấp, chứ tôi có phủ nhận cái phương châm đạo lý kia đâu. Đúng là rất khó đào tạo! Có những người mà ta chán tới mức không muốn đào tạo họ nữa!
… Nhưng có những người mà khi gần họ ta rất muốn được họ đào tạo. Bác Bùi Văn Nam Sơn là một người như thế. Mỗi một lần tôi có dịp gặp bác hoặc hỏi bác một điều gì đó hoặc được đọc một bài viết của bác, là mỗi lần tôi có dịp được tự đào tạo mình. Nhờ bác Sơn mà trong vòng dăm năm nay ở nước ta người ta bắt đầu “đả động” tới triết học, chứ chưa nói tới “nghĩ” và “làm” triết học. Tôi bầu bác Bùi Văn Nam Sơn là Nhân vật của năm 2010 về triết học.
… Chú Dương Tường cũng là một trường hợp tương tự (tôi gọi “chú” là theo thói quen, mặc dù nhà thơ Dương Tường hơn nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn dễ đến hơn chục tuổi). Chú Tường là người đã chữa bản dịch văn học đầu tiên của tôi cách đây mấy chục năm (bản dịch truyện ngắn Bờ thứ ba của dòng sông của nhà văn người Brazil có tên là Joãn Guimarães Rosa (1908-1967). Đó chỉ là một truyện ngắn nhưng nó đã để lại nhiều dấu ấn. Cái gì tác động tới tình cảm khi còn bé hoặc khi còn trẻ tuổi thì nó để lại tác động lâu dài hơn là cái gì tác động tới lý trí. Xã hội không gây tác động nhiều tới thiên hướng nghề nghiệp của một cá nhân. Gia đình, một người bạn thân thiết nào đó của gia đình, có khi mới là tác nhân quyết định. Tuy bản dịch cuốn Mort à Crédit của Céline do chú Dương Tường vừa hoàn thành cuối năm 2010 có thể sẽ không có cơ hội ra mắt bạn đọc Việt Nam, nhưng tôi vẫn bầu chú Dương Tường là Nhân vật của năm 2010 về dịch văn học như là công việc tay trái.
… Gọi là tay trái, nhưng chú Tường thuận cả hai tay. Tay-phải-làm-thơ, tay-trái-dịch-văn -học. Có những người tay phải chả “làm” được trò trống gì, chỉ phá là giỏi, nhưng một hôm lại nổi tiếng nhờ tay trái “nói giỏi”. Chuyện này xảy ra rất nhiều. Chuyện đã thành nhàm: có những người làm chuyên môn kém cỏi nhưng lại biết cách chạy một chức vụ quản lý ngay chính những người làm chuyên môn. Có những người thất bại về chuyên môn nhưng biết cách chạy vào một nơi ngồi giám sát ngay chính những người có cùng lĩnh vực chuyên môn như họ. Vì thế, đánh giá con người nên đánh giá công việc và kết quả công việc của họ. Không nên dừng lại ở đánh giá những câu nói của họ.
… Ở đâu, tết nào, cũng có những người vì nhiệm vụ mà không được về nhà ăn tết với gia đình. Những người lính đang ăn tết ở ngoài quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xin phép được gửi đầu tiên tới các anh những lời chúc mừng năm mới. Những người làm việc trong ngành dịch vụ công cộng. Xin được chia sẻ sự thông cảm. Những thành viên của nhóm nghiên cứu giáo dục hiện đại và biên soạn mới sách giáo khoa – Nhóm CÁNH BUỒM – năm nay tình nguyện rút ngắn kỳ nghỉ tết. Riêng các thành viên sống tại Hà Nội thì tình nguyện làm việc trong cả mấy ngày tết. Tinh thần tình nguyện của họ đang rất cao. Họ đang rất quyết tâm. Ngoài việc tiếp tục biên soạn bộ sách giáo khoa cho lớp hai, năm nay Nhóm CÁNH BUỒM bắt đầu triển khai kế hoạch soạn lại từ điển tiếng Việt dùng cho học sinh. Nhóm đã chính thức công bố thư mời những ai quan tâm có thể tham gia tùy theo khả năng và điều kiện của từng người. Chuyện soạn lại từ điển tiếng Việt dùng cho học sinh đã được thai nghén từ năm 2000, nay mới chính thức triển khai. Chứng tỏ họ không bốc đồng, làm liều, mà họ làm có lý luận, họ làm có sự chuẩn bị kỹ càng.
… Tôi nhớ, ngày bé đi cùng bố ngoài đường nếu thấy đám ma thì ông bắt cả hai bố con phải dừng lại, đứng yên tại chỗ, bỏ mũ khỏi đầu, cho đến khi đám ma đi qua mới được tiếp tục đi. Thấy có người đang kéo xe bò nặng ở chỗ đường dốc thì phải xuống xe, tới đẩy giúp họ qua đoạn dốc rồi mới được đi tiếp. Ông rất ghét cái kiểu tụi trẻ con đứng tụ tập ở cổng khu tập thể, giương mắt ếch nhìn, ngó, xoi mói người lao động lam lũ ngoài đường rồi bình phẩm lếu láo hay buông lời giễu cợt người ta. Riêng tôi, được ông dạy tiếng Pháp từ lúc mới lên 6 tuổi, nên từ lúc tôi còn nhỏ ông cứ mặc nhiên coi cứ như thể tôi đã rành tiếng Pháp lắm! Ông hay dùng tiếng Pháp với tôi. Ông gọi cái thái độ đối với người lao động kiểu ấy bằng tiếng Pháp là “cynique”. Từ nguyên tiếng Hy Lạp của từ này nghĩa là “giống như chó” – tức là thái độ chó má.
Hà Nội, Mồng 5 Tết Tân Mão.
Phạm Anh Tuấn