Toàn văn phát biểu của dịch giả Phạm Anh Tuấn tại buổi giới thiệu bản dịch Chuyện của Paco do NXB Phụ nữ và Hội Nhà văn tổ chức tại Hà nội ngày 17/12/2010
Văn học Mỹ ngay từ đầu đã nói về đời sống nội tâm của người Mỹ như là một đề tài chủ yếu. Bởi vì những người đầu tiên đã tới nước Mỹ là những người từ bỏ quê hương, tổ tiên, truyền thống, tập quán ở quê nhà của họ ở châu Âu để làm lại cuộc sống hoàn toàn từ đầu ở nơi họ đến, cho nên tâm hồn Mỹ là một tâm hồn trẻ trung, thô kệch, sù sì, đầy ám ảnh, dằn vặt, mâu thuẫn.
Nathaniel Hawthorne, Edgar Poe, Whitman … là những nhà văn đã nói lên được những gì nằm ở tận đáy sâu thẳm tâm hồn Mỹ.
Với khẩu súng trên tay, Larry Heinemann không thể hiểu nổi cái đất nước xa lạ có tên là Việt Nam. Hôm nay, bằng phương tiện của tiểu thuyết, Larry Heinemann đã trở thành một người bạn thân thiết của chính đất nước ấy.
Với Herman Melville trong tiểu thuyết Moby-Dick tâm hồn của người Mỹ đã bắt đầu cuộc phiêu lưu ra thế giới bên ngoài, đi tới những mảnh đất xa lạ, ngoại lai. Ở nơi người Mỹ chạy trốn, ở nơi họ đến và ở nơi sau đó họ đến, đâu cũng là những mảnh đất mới mẻ, xa lạ. Người Mỹ không có một quê hương cố định.
Larry Heinemann thừa nhận ông đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từMoby-Dick khi viết Chuyện của Paco. Sống sót trở về từ một mảnh đất xa xôi, xa lạ, nơi anh ta không hiểu tại sao mình được gửi tới để bắn giết những con người xa lạ, Paco trở thành một bóng ma lang thang vô định, giống như hồn ma của 93 đồng đội của anh ta bị tử trận trong một trận đánh khủng khiếp.
Bằng tiếng nói khiêm nhường của một nhà văn, Larry Heinemann đánh thức tình yêu thương, lòng khoan dung – thứ duy nhất may ra có thể giúp người Mỹ tìm thấy cái thay thế cho quê hương vĩnh cửu của mình.
Có một giai đoạn trong thời kỳ trẻ tuổi, Larry Heinemann đã làm một người lính của sư đoàn bộ binh số 25 tham chiến tại Củ Chi và Dầu Tiếng. Với khẩu súng trên tay, Larry Heinemann không thể hiểu nổi cái đất nước xa lạ có tên là Việt Nam. Hôm nay, bằng phương tiện của tiểu thuyết, Larry Heinemann đã trở thành một người bạn thân thiết của chính đất nước ấy.
Và vì lẽ đó tôi tin rằng hòa giải là điều có thật.
Xin cám ơn nhà văn Larry Heinemann!
Cám ơn tất cả!