(LĐ) – Chúng tôi muốn dùng chữ “đáng ngờ” để nói về kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua chứ không muốn dùng chữ “bất ngờ”, dù các con số thống kê tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ở các trường đều hết sức “bất ngờ”.

Còn vài hôm nữa, tất cả các địa phương trong cả nước mới công bố chính thức kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của từng trường, song những gì mà một số trường vừa công bố tỉ lệ tốt nghiệp của họ đã khiến cho nhiều người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục phải đặt câu hỏi: Liệu những con số đỗ tốt nghiệp cao đến “ngút trời” kia, thực chất của nó được bao nhiêu phần trăm?

Chúng ta đều biết, kết quả của giáo dục – dù chỉ là một năm học, nhưng nó phải là sự kế thừa của nhiều năm cộng lại chứ không phải như gieo trồng các loại cây, chăm mùa nào thì hái quả mùa đó. Còn nhớ mùa thi năm học 2007-2008, có một ngôi trường trung học phổ thông ở tận một huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi đã làm cho cả nước phải nhớ đến mình bằng một kết quả thi hết sức bất ngờ: Cả trường không đỗ em nào, nên được gọi là “trường 0%!”.

Thế nhưng, cũng chính ngôi trường ấy, năm nay cũng sẽ làm cho cả nước bất ngờ như hai mùa thi trước, bằng một kết quả ngược lại: Trường thi đỗ đến trên 90%! Không thể phủ nhận những cố gắng của các em học sinh – chủ yếu là người Ca Dong ở đây, song cũng không thể vội mừng khi nhìn vào kết quả ấy để đánh giá năng lực của tất cả học sinh trường này.

Bởi vì, không thể sau hai mùa “chấn chỉnh” trong thi cử mà một trường từ 0% lại vọt lên “đỉnh” như thế được! Vậy thì kết quả trên đây nói lên điều gì? Nó nói lên một điều rằng, ngành giáo dục đã thật sự “đánh trống bỏ dùi” trong việc thi cử!

Công tâm mà nói, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, trong một nỗ lực rất đáng biểu dương, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã cố gắng để tất cả các em có học lực trung bình đều có thể làm được bài chứ không “đánh đố”. 
Nhưng cũng không thể phủ nhận điều này: Việc coi thi năm nay còn quá dễ dãi, thậm chí một số giáo viên gọi việc dễ dãi ấy bằng một từ “hình ảnh” hơn: Canh thi chứ không phải coi thi!

Nghĩa là, người được giao cho “coi thi” ấy phải “canh” làm sao để các em chép bài của nhau trong trật tự, tránh ồn ào kẻo mang tiếng hội đồng coi thi. Nếu như hai năm trước, mỗi mùa thi, hết thanh tra của Bộ Giáo dục – Đào tạo đến thanh tra các sở giáo dục – đào tạo dập dìu xuôi ngược về các hội đồng thi để giám sát từng ngày thi thì năm nay, sở cũng thưa dần mà bộ thì lại càng vắng bóng.

Vậy là, sau hai mùa tuyên chiến với những tiêu cực trong thi cử, Bộ Giáo dục-Đào tạo gần như đã thả tay để các tỉnh “tự nghiêm túc” trong coi thi.  Kết quả của việc “tự nghiêm túc” ấy ra sao thì mọi người đều rõ.

Trần Đăng

Nguồn: Lao Động số 141 Ngày 22/06/2010

http://www.laodong.com.vn/Home/Mot-ket-qua-dang-ngo/20106/189169.laodong