Là một người biên soạn trong Nhóm Cánh Buồm, tôi không có ý tưởng gì lớn, tôi chỉ nói vài điều nhỏ nhờ điểm qua lời nói đầu các cuốn sách Nhóm sắp công bố vào tháng 9 năm nay. Đó vừa là tài liệu sẽ đưa ra xin ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhưng bài viết này cũng là một cách để công bố bản quyền của nhóm Cánh Buồm thân thiết của mình.
Vừa qua, sau khi được thông tin về đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các báo đã đăng nhiều trao đổi. Mối quan tâm tập trung vào hai điều: số tiền quá lớn được dự chi, và vấn đề cách làm và hiệu quả của đề án đó nếu được duyệt.
Chúng tôi rất quan tâm đến hướng xây dựng chương trình và nội dung sách giáo khoa trong đề án này. Là một người trong nhóm biên soạn sách giáo khoa có tên Cánh Buồm, nhân thể có mấy tác giả của đề án án đã thay nhau trả lời, tất cả đều nhấn mạnh vào về hướng xây dựng chương trình mới đó là sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, tôi muốn có đôi lời trao đổi về điều này: Chương trình mới và Sách giáo khoa mới sẽ phải tổ chức cho học sinh tự tạo ra cho mình những năng lực gì?
Chúng ta có thể kể ra đủ các thứ năng lực, mà cuối cùng vẫn không giải đáp được câu hỏi: trẻ em cần năng lực gì? Việc nghiên cứu để có được câu trả lời đó đòi hỏi phải lâu công. Hệ thống Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại nghiên cứu chính câu hỏi năng lực người ở trẻ em cả mấy chục năm, vậy mà vẫn chưa dám nói chắc chắn là đã biết hết?
Vì thế mà nhóm Cánh Buồm tình nguyện thừa kế Công nghệ Giáo dục thì mới biết đường bớt đi những chỗ cần bớt, và biết tăng thêm những chỗ cần nâng cao. Hôm nay, nghĩ rằng chúng tôi đã có những câu trả lời nằm ngay trong Lời nói đầu những cuốn sách giáo khoa sắp công bố cuối tháng 9-2011. Những Lời nói đầu ấy cho thấy cả mục đích của môn học (tạo ra những năng lực gì) và phương pháp giáo viên tổ chức việc làm để học sinh tực mình tạo ra những năng lực người của mình.
Chúng tôi giới thiệu trước, chẳng hạn, mục đích của học Khoa học – Công nghệ là gì? Nền giáo dục cũ không hiểu cách làm việc của trẻ em nên chỉ dám mon men ở môn học Khoa học thường thức hoặc những tên gọi na ná. Sao lại “thường thức” kia chứ? Nhóm Cánh Buồm cho rằng trẻ em đã đi học là phải học những gì cốt lõi, vì vậy mà nó dám cho rằng, trẻ em ngay từ lớp Một học môn Khoa học – Công nghệ là nhằm có được cho chính mình một năng lực làm việc theo phương pháp thực nghiệm và do đó mà có được một đầu óc tư duy thực chứng.
Ngay từ lớp Một, môn Tiếng Việt đã là một môn khoa học, khoa học về ngôn ngữ. Tại sao? Trẻ em từ 4-5 tuổi chỉ nhờ vào kinh nghiệm giao tiếp mà trẻ em hoàn toàn chiếm lĩnh được tiếng mẹ đẻ. Vậy khi đến trường các em học gì và tự tạo cái năng
lực người như thế nào? Trong lời nói đầu sách tiếng Việt các lớp đều nhất quán nói đến việc tạo ra một năng lực cư xử khoa học với ngôn ngữ mẹ đẻ. Hệ quả của cái năng lực gốc đó là một năng lực dùng, tạo ra và làm đẹp tiếng mẹ đẻ.
Mục đích của việc học môn Văn là tạo ra ở trẻ em một năng lực đồng cảm với thân phận con người. Nhưng nếu chỉ đồng cảm đạo đức học thì chưa đúng với cách tồn tại của văn chương, nghệ thuật. Nhóm Cánh Buồm cho rằng cái năng lực văn được tạo ra bởi môn văn trong nhà trường là lòng đồng cảm của con người đối với con người, và phẩm chất đó phải dựa trên một ngữ pháp nghệ thuật. Lòng đồng cảm là một cốt cách tinh thần, ngữ pháp nghệ thuật là một bộ khung vật chất, cả hai mặt vật chất – tinh thần đó làm nên năng lực văn của trẻ em ngay từ lớp Một.
Môn Tiếng Anh học ở nhà trường phổ thông không tạo ra cái năng lực giao tiếp qua quýt. Đó chính là con đường tạo ra ở trẻ em năng lực thâm nhập vào một nền văn hóa khác để biết sống đồng thuận và tôn trọng các nền văn hóa xa lạ với mình. Công cụ của công cuộc hội nhập bước đầu chính là ngoại ngữ. Mơ ước cao nhất là đến một trình độ nào đó con người sẽ có năng lực giao tiếp không chỉ ở bề ngoài với kẻ khác mà giao tiếp với bản thân mình như là một đối thoại nội tâm giữa hai nền văn hóa.
Môn Lối sống thay thế cho môn Luân lý hoặc Đạo đức hoặc Giáo dục công dân. Môn Lối sống tạo ra năng lực gì ở trẻ em? Trong một cuộc báo cáo đầu năm 2010 về Đề án cải cách giáo dục của Nhóm Cánh Buồm tại Ban Tuyên giáo Trung ương, trước sự có mặt của ông Võ Ngọc Hoàng, ông Hoàng Tụy, ông Hồ Ngọc Đại, ông Chu Hảo, ông Trần Việt Phương, ông Nguyên Ngọc…, đại diện của Nhóm, thầy Phạm Toàn đã mở đầu bằng việc nói về môn Lối sống. Theo quan điểm của Nhóm Cánh Buồm, môn Lối sống có mục đích tạo ra ở trẻ em một năng lực sống đồng thuận với mọi người. Đồng thuận không phải là lúc nào cũng gật đầu mà đồng thuận là biết tìm những cơ sở cho đoàn kết, biết phát hiện xung đột và hóa giải xung đột, biết cách tổ chức cùng sống cùng làm việc cùng xây dựng cuộc sống mới. Trên ý nghĩa đó thì một ông Tổng thư kí Liên Hợp Quốc và một học sinh lớp Một sẽ có cùng một năng lực người như nhau!
Chúng tôi đang chuẩn bị cho Hội thảo sắp tới vào tháng 9 năm 2011 nên những điều tôi viết ra ở trên vừa là trao đổi thêm về nhân có đề án của Bộ Giáo dục đặt ra, song cái chính là trình ra trước xã hội những quan điểm cải cách giáo dục nằm trong những sách giáo khoa. Chúng tôi sẽ gửi các tài liệu này trong thư mời các nhà khoa học sẽ dự Hội thảo phản biện ngày 30-9-2011. Tài liệu cũng sẽ được đăng trên trang mạng hiendai.edu.vn của nhóm Cánh Buồm.
Ngay sau đó, một cuộc Hội thảo mang tên “Tự học – Tự giáo dục” cũng sẽ được tổ chức vào ngày 3 tháng 10 năm 2011 ở Trung Tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội. Ngoài việc trao đổi về chương trình, chúng tôi còn tổ chức một đêm kịch, một phần của chương trình thực nghiệm hình thành năng lực tự tạo ra sản phẩm nghệ thuật ở học sinh. (Ba vở kịch của nhóm Cánh Buồm đều đã đăng trên trang mạng hiendai.edu.vn của chúng tôi).
Là một người biên soạn trong Nhóm Cánh Buồm, tôi không có ý tưởng gì lớn, tôi chỉ nói vài điều nhỏ nhờ điểm qua lời nói đầu các cuốn sách Nhóm sắp công bố vào tháng 9 năm nay. Đó vừa là tài liệu sẽ đưa ra xin ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhưng bài viết này cũng là một cách để công bố bản quyền của nhóm Cánh Buồm thân thiết của mình.
Nguyễn Thị Thanh Hải
(*): đây là tiêu đề gốc. Bài này đã được đăng trên tuanvietnam với tiêu đề mới và nội dung đã biên tập.