Có 2 con người, trong tuần qua, khi “về trời” đã khiến tất cả người Việt, dù ở gần hay ở xa, dù ở trong nước hay ngoài nước, đều phải cúi đầu vì kính trọng và nể phục nhân cách lớn của họ. 2 người, cụ ông và cụ bà, đều sống trọn thế kỷ và hơn một thế kỷ. 2 cuộc đời, về tuổi thọ là hiếm và quý, nhưng câu chuyện về đời họ còn hiếm và quý hơn nhiều. Họ là những người mà tâm hồn cực kỳ trong trẻo, nhưng ý thức lẽ sống đời người cực kỳ sâu đậm, sắt son. Họ là những người biết yêu sâu sắc, mà yêu thương lớn nhất là dành cho Tổ quốc.

Người này, một trí thức lớn, con nhà giầu, quê xã An Lục Long (Châu Thành- Long An) đã từ bỏ tất cả để đi tìm lẽ sống trong sự dấn thân của mình cho lý tưởng yêu nước. Ông là GS Trần Văn Giàu, cái tên cũng nhung lụa như gia cảnh con người. Nhưng chí làm trai đã khiến ông chọn lựa cho mình “con đường đau khổ”- làm cách mạng, giữa thời cuộc đất nước thăng trầm, đồng hành với chí dân tộc.

Tâm hồn trong trẻo, bởi có lúc tham gia chính trường, ông đã là Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ. Rồi Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ. Đứng dưới ít người, đứng trên vạn người.

Nhưng cách mạng cần, ông trở thành người đặt nền móng cho ngành GD đại học của đất nước, nhà giáo dục, nhà văn hóa lớn uyên thâm nhiều lĩnh vực, nhưng đặc biệt là trong lĩnh vực sử học. Ông làm học thuật mà không hề vướng nợ trần ai. Với ông, mọi hư danh như của phù vân, được đó rồi mất đó…

Ông chọn sử học hay chính sử học chọn ông?


Giáo sư Trần Văn Giàu

Có lẽ chính sử học đã chọn ông. Bởi nếu không, làm sao ông được đánh giá “là một nhà sử học có số công trình nghiên cứu đồ sộ hiếm thấy, nằm trong danh mục trích dẫn của hầu hết công trình nghiên cứu sau này về lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20″.

Lịch sử đã chọn ông, để trao cho ông tất cả, hành trình thăng trầm và đau thương của dân tộc Việt từ thời cận đại, vắt sang hiện đại, trải qua những giông bão chiến tranh chống các loại đế quốc xâm lược để khẳng định chính nền độc lập tự do dân tộc trước nhân loại, hiện lên hùng tráng và bi tráng trong toàn bộ công trình về Lịch sử Việt Nam 5 bộ, 18 tập (1956-1957) với hàng vạn trang in.

Và lịch sử đã chọn ông, để trao cho ông sự đào sâu, nghiền ngẫm và đúc kết “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám”, khi ông vào tuổi 80, với tất cả cái minh triết và tất yếu của quy luật, cùng đặc điểm hoàn cảnh lịch sử khách quan của ý thức hệ tư tưởng một dân tộc.

Người kia, chỉ là một người mẹ nông dân Việt Nam bình thường. Mẹ là Nguyễn Thị Thứ- cái tên đã có nghĩa của lòng bao dung, đức hy sinh. Giá không có chiến tranh, hẳn mẹ Thứ cũng như muôn ngàn người mẹ Việt Nam khác, tần tảo chắt chiu nuôi chồng, nuôi con, tìm thấy hạnh phúc trong sự khôn lớn của bầy 9 đứa con yêu quý.

Nhưng chiến tranh xâm lược đã buộc người đàn bà bé nhỏ ở một góc trời xa của làng quê Điện Thắng Trung (Điện Bàn- Quảng Nam) phải đứng lên, dâng hiến lần lượt 9 đứa con ruột thịt yêu quý cho Tổ quốc đang lâm nguy. Không chỉ thế, Mẹ còn dâng hiến cả một đứa con rể, 2 đứa cháu ngoại. Bỗng nhớ tới lời ca nghẹn ngào trong Đất nước (Phạm Minh Tuấn và Tạ Vĩnh Yên): “Ba lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ”…

Mẹ đã 11 lần tiễn các con, các cháu đi. Nước mắt chảy ngược, rồi không còn nổi cả nước mắt để khóc cho những núm ruột của mình.


Mẹ Nguyễn Thị Thứ

Vì thế, trong ngày Mẹ trở về “xum họp” với những đứa con, đứa cháu, nước mắt của biết bao người đã rơi. Mẹ Anh hùng lại sinh con Anh hùng. Con gái Mẹ- bà Lê Thị Trị, nay đã 80 tuổi, cũng là một bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.Huyền thoại Mẹ (Trịnh Công Sơn) không ở lời ca bước ra cuộc đời, mà chính là từ cuộc đời, từ Mẹ Thứ, mẹ Trị và biết bao mẹ Việt Nam Anh hùng khác bước vào thi ca, âm nhạc.

Thế kỷ 20, 21 là thế kỷ may mắn bởi có những người tuyệt vời như GS Trần Văn Giàu, như Mẹ Nguyễn Thị Thứ. Họ là những Anh hùng. Một người là Anh hùng Lao động, một người là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhưng họ đều là những người hiền, “viết sử” Đất nước bằng chính cuộc đời mình. Một người viết bằng trí tuệ thông kim bác cổ, để ra đời những tác phẩm nghiên cứu đồ sộ, một người viết bằng những núm ruột máu thịt xót xa. Họ là tột đỉnh của lòng yêu nước, nghĩa Tổ Quốc, tình đồng bào. Họ đã về trời, vì thế họ thành bất tử.

Trích KỲ DUYÊN (Vietnamnet)