Trong số báo ra ngày 13/10/2010, báo Tin tức đã phản ánh ý kiến nhiều chiều xung quanh bộ sách “Chào lớp Một” của nhóm tác giả Cánh buồm. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học đã có cuộc trao đổi với Tin tức xung quanh bộ sách này. (Báo Tin tức – Thông tấn xã Việt Nam, số 241, thứ bảy 23/10/2010)
– Xin ông cho biết quan điểm của Bộ GD- ĐT về việc viết sách tư nhân, cụ thể với bộ sách Chào lớp Một của nhóm tác giả Cánh Buồm?
Bộ GD-ĐT khuyến khích những cá nhân, nhóm tác giả, các nhà khoa học, các nhà giáo xây dựng những bộ tài liệu, sách giáo khoa góp phần đổi mới việc dạy và học trong nhà trường. Đó là một trong những phương châm của chủ đề năm học “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” đã được ngành giáo dục thực hiện trong năm học vừa qua và tiếp tục đến năm nay. Bộ rất khuyến khích và trân trọng những nỗ lực của nhóm tác giả Cánh Buồm cho ra mắt bộ sách Chào lớp Một.
Tuy nhiên, tại điều 29 Luật Giáo dục (2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về sách giáo khoa như sau: “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông… trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa”. Vì vậy, nếu cá nhân, tổ chức sử dụng như bộ sách giáo khoa hay tài liệu thử nghiệm cần báo cáo với bộ để có thể thẩm định sau đó mới nghĩ tới việc dạy thí điểm, thử nghiệm.
– Bộ sách Chào lớp Một đã được đưa vào dạy ở Trường dân lập Nguyễn Văn Huyên có đúng Luật Giáo dục hay không?
Phải khẳng định ngay rằng, họ không vi phạm Luật Giáo dục, bởi những lí do cụ thể sau đây: Thứ nhất,báo chí có nói đến đây là bộ “sách giáo khoa” nhưng thực tế không phải. Ngay từ việc biên soạn cuốn sách nhóm tác giả không đề “sách giáo khoa”. Nhóm Cánh Buồm ra mắt bộ sách và được Trường dân lập Nguyễn Văn Huyên hưởng ứng bằng cách đưa một số nội dung vào chương trình “Làm giàu kiến thức và kỹ năng sống” của trường vào buổi thứ 2 trong ngày (học sinh học 2 buổi/ngày). Buổi thứ nhất (buổi sáng) học sinh học theo chương trình sách giáo khoa hiện hành.
Thứ hai, bộ sách Chào lớp Một không phải bộ sách thử nghiệm. Một chương trình giáo dục muốn được thử nghiệm cần đăng ký, có kế hoạch và được bộ phê duyệt. Thử nghiệm ở học trò không phải chuyện đơn giản cần có sự chuẩn bị kỹ. Hiện nay, theo khảo sát của bộ, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên chỉ sử dụng có tính chất tham khảo bổ trợ vào những tiết học buổi chiều.
Hiện nay, quan điểm giáo dục rất mở. Cùng một mục tiêu, nội dung chương trình nhưng về phương pháp dạy học có nhiều cách khác nhau. Quan trọng giáo viên lựa chọn những nội dung dạy học phù hợp với chương trình giúp học sinh hiểu được kiến thức. Cách học tích cực ấy, bộ rất khuyến khích. Cụ thể, “Sách dạy học văn” giúp học sinh đóng vai chia sẻ với đồng bào bão lụt. Đây là cách dạy tích cực, kiểu học này không chỉ ở nhóm Cánh Buồm hay Trường dân lập Nguyễn Văn Huyên có mà phổ biến ở nhiều nơi.
Như vậy, đây không phải là chương trình giáo khoa, không phải chương trình thử nghiệm. Nhóm tác giả này và Trường dân lập Nguyễn Văn Huyên sử dụng như tài liệu tham khảo để bổ sung giáo dục toàn diện. Bộ luôn ủng hộ về phương pháp tích cực. Trường hợp, khi nhóm tác giả này trình bày với bộ về bộ sách nhằm đảm bảo về tính khoa học, tính sư phạm tiến tới bộ sách giáo khoa hay thử nghiệm, bộ sẽ có trách nhiệm tiến hành thẩm định toàn diện.
– Về nội dung bộ sách có hai luồng ý kiến: Khen, chê. Nên chăng Bộ cần thẩm định bộ sách này?
Thực tế, bộ sách Chào lớp Một chưa là một tài liệu chính thức để báo cáo. Ngay cả việc học bổ trợ trong chương trình Trường dân lập Nguyễn Văn Huyên nhóm tác giả Cánh Buồm trực tiếp tham dự để có những đánh giá. Tiêu chí quan trọng ở bậc tiểu học là lớp học phải vui, trẻ em thích học. Sau này chính nhóm tác giả sẽ tiếp thu những đóng góp nhiều chiều ấy. Họ tự điều chỉnh qua kênh thông tin của dư luận để tài liệu tốt hơn. Cuốn sách nào cũng có mặt được và chưa được, cần qua kiểm nghiệm trong thực tế. Trong khi giáo viên khai thác phương pháp dạy học mới và vẫn thực hiện mục tiêu, nội dung chương trình thì bộ không thể quyết định được. Thực hiện việc phân cấp quản lý, hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý ở giáo dục địa phương, đưa những gì vào trong nhà trường có đúng với pháp luật không.
Xin cảm ơn ông!
Lê Vân (thực hiện)