Bài viết của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, “Cải cách để có một nền giáo dục trung thực”, mở đầu cho loạt bài góp ý Văn kiện Đại hội Đảng về lĩnh vực giáo dục, kêu gọi đưa cải cách giáo dục (chứ không chỉ đổi mới) thành chủ trương trong kỳ đại hội lần này, đã nói lên tiếng nói của đông đảo các nhà giáo dục và những người quan tâm đến vận mệnh đất nước.
Tuy vậy, nghiên cứu phần nói về giáo dục trong Dự thảo văn kiện lần này, đối chiếu với Nghị quyết của ĐH trước, và đối chiếu với thực trạng giáo dục đang diễn ra, người dân không khỏi băn khoăn. Dường như chúng ta có thừa chủ trương đúng, mục tiêu tốt đẹp, nhưng còn thiếu một bộ khung pháp lý và một nền tảng triết lý tinh thần phù hợp bảo đảm cho việc thực hiện những chủ trương và mục tiêu ấy. Vấn đề bây giờ là làm sao để rút ngắn khoảng cách giữa mục tiêu và hiện thực.
Điều này ai cũng biết nhưng trong thực tế không có mấy hành động để giải quyết. Ai cũng thấy là cần phải cải cách, nhưng thực tế là chúng ta thiếu cơ sở lí thuyết cho những cải cách giáo dục, không có đội ngũ chuyên gia dẫn đường cho cải cách, cho nên mọi việc chỉ làm theo quán tính và kinh nghiệm, dẫn đến nhiều dự án tốn kém mà không hiệu quả. Thiếu chuyên gia và thiếu những nghiên cứu thực sự nghiêm túc về khoa học giáo dục là vấn đề trầm trọng hiện nay. Nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tế những năm gần đây, như hiện tượng thương mại hóa giáo dục, tham nhũng trong giáo dục, bạo lực học đường, v.v. cần được khảo sát và phân tích một cách thấu đáo với những dữ liệu đầy đủ để tìm phương khắc phục. Nhiều vấn đề trọng đại như quy hoạch tổng thể hệ thống giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo dục, v.v cần được quyết định trên cơ sở nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc.
Nghiên cứu về khoa học giáo dục là để cung cấp dữ liệu cho bản vẽ thiết kế ngôi nhà giáo dục. Thiếu đầu tư cho khoa học giáo dục, chẳng khác nào chúng ta đang xây ngôi nhà theo một bản vẽ chỉ dựa trên ước muốn và tưởng tượng. Ở Hoa Kỳ, Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục là một đơn vị được thành lập theo một đạo luật của Quốc hội, Viện trưởng là do Tổng thống trực tiếp bổ nhiệm, với sự tham vấn và chấp thuận của Thượng viện, tức là nhân sự này được quyết định ở cấp cao nhất về mặt lập pháp và hành pháp của một quốc gia, cho thấy chính phủ Hoa Kỳ coi trọng như thế nào tầm vóc lớn lao và ý nghĩa quan trọng của việc phát triển khoa học giáo dục. Sứ mạng của Viện này là cung cấp cho giới lãnh đạo quốc gia một hiểu biết và kiến thức cơ bản rộng rãi về giáo dục, từ cấp mầm non cho đến giáo dục đại học, cũng như mang lại cho các nhà nghiên cứu, các nhà làm chính sách, các nhà giáo dục, phụ huynh, sinh viên và công chúng những thông tin đáng tin cậy về toàn bộ hoạt động giáo dục. Kết quả nghiên cứu của họ được đòi hỏi là phải khách quan, phi tôn giáo, trung lập và không bị áp đặt ý thức hệ, cũng như không bị chi phối bởi những ảnh hưởng chính trị và thiên kiến về chủng tộc, văn hóa, giới hay khu vực.
Trung Quốc cũng có hàng trăm cơ quan nghiên cứu như vậy trong đó một số lớn rải rác ở các trường đại học. Hiệp hội Giáo dục So sánh Hong Kong là một tổ chức mạnh với những công trình hợp tác nghiên cứu chú trọng tới những kinh nghiệm trong thực tiễn giáo dục của phương Tây.
Trong bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay, giáo dục đang đòi hỏi một sự thay đổi về cơ bản, trong lúc lĩnh vực khoa học nghiên cứu về giáo dục ở Việt Nam còn chưa được đầu tư đúng mức, chưa thu hút được nhiều người giỏi, chưa được đánh giá đúng về mức độ quan trọng của nó, thì việc xem xét kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển khoa học giáo dục nhằm mở rộng tầm nhìn, củng cố chiến lược hoạt động của các tổ chức nghiên cứu về khoa học giáo dục ở Việt Nam để phục vụ cho việc đổi mới giáo dục, là một việc cần thiết và cấp bách. Nghiên cứu khoa học giáo dục, đặc biệt là nghiên cứu về giáo dục quốc tế, rất cần được đẩy mạnh. Cần coi trọng các kết quả nghiên cứu về giáo dục (đi đôi với đòi hỏi cao về giá trị khoa học của các công trình nghiên cứu) và xem đó là cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chiến lược giáo dục. Nghiên cứu khoa học giáo dục phải đi trước một bước để dẫn đường cho cải cách, để giảm bớt cái giá phải trả cho “thử và sai”, vì cái sai trong giáo dục có thể di hại cho cả đời người, cho cả dân tộc.
Phạm Thị Ly
Chuyên gia Tư vấn, Dự án GDĐH 2, Bộ GDĐT
Nguồn : Tuổi Trẻ, 22.10.2010