Ngoài việc gắn tư duy với những việc làm, nhờ lấy chuẩn mực đánh giá tư duy là những việc làm có thật, đổi lại tư duy cũng tạo ra một trật tự cho sự SUY NGHĨ của con người – và chính cái trật tự tư duy ấy sẽ thành một cái nết đem lại kết quả cho công việc.
Chừng dăm bảy tuần trước, giáo sư Chu Hảo gọi cho tôi và ra đề: “TƯ DUY và SUY NGHĨ khác nhau ra sao?”
Hình như bữa đó, câu trả lời chợt đến với tôi lại giống như là một câu hỏi ngược. Ờ nhỉ, Cogito ergo sum dịch là gì nhỉ? “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại”. Có thể nôm na hơn không, chẳng hạn, “Tôi đang suy nghĩ, vậy là tôi đang sống trên đời”?
Tại hội thảo “Suy nghĩ về Tư duy” tại L’Espace ngày 1/4/2013
Tiếng Việt có hai từ tư duy và suy nghĩ để cùng diễn tả cùng một “hành động thầm trong đầu” ấy. Chỗ khác nhau về hình thức tư duy là từ Hán Việt, suy nghĩ là từ thuần Việt – suy nghĩ liên tưởng sang suy xét, nghĩ ngợi, tính toán, sắp xếp, sắp đặt mọi việc – tư duy thì cộc, gọn lỏn vậy thôi.
Khi trong kho từ vựng có hai từ cùng nghĩa một Hán Việt và một thuần Việt, thì ta đứng trước những cách dùng khác nhau. Dạng thuần Việt được dùng lối thân mật, giản dị, ngữ nghĩa gần với đời thường. Dạng Hán Việt được dùng theo lối trịnh trọng, ngữ nghĩa chặt chẽ, khái quát, gần với ngôn ngữ khoa học, tức là dùng như một khái niệm, như một phạm trù, khó gây hiểu lầm.
Lấy một thí dụ: cụ Hồ gọi dân quân gái, học sinh gái, bác sĩ gái, kể cả bộ trưởng gái, nhưng đến khi giới thiệu nữ thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi thì hình như cụ cũng kịp hãm phanh, không bỗ bã thân tình gọi vị nữ nguyên thủ đó là thủ tướng gái.
Liên quan đến chủ đề của chúng ta hôm nay, khai thác cách dùng khái niệm diễn đạt bằng thuật ngữ tư duy cùng những hệ quả của cách dùng đó, tập trung vào hướng này và ta sẽ thấy thêm đôi điều.
Điều đầu tiên đập vào ta, theo tôi nghĩ, ấy là tư duy là công việc không diễn ra trong chân không. Nó giống như việc phát âm trong một ngôn ngữ: cái ngữ âm không thể nằm trong chân không, mà phải được gửi trong những từ. Khi tư duy thì chắc chắn càng phải có một vấn đề cho ta giải quyết. Ta có thể suy nghĩ mông lung, nhưng tư duy của con người hướng tới việc giải quyết một vấn đề đặt ra cho con người. Nghĩ rằng đó có thể là định nghĩa tư duy một cách hành dụng – định nghĩa bằng việc làm và định nghĩa để làm.
Con người suy nghĩ để xử lý một chuyện của đời thường, như mọi con người bình thường vẫn bắt gặp cần xử lý hàng ngày hàng giờ. Nhưng con người sẽ tư duy về những vấn đề lớn của mình đòi hỏi những thao tác tư duy thích hợp và đòi hỏi một kỷ luật tư duy thích hợp.
Tôi xin phép lấy thí dụ từ những việc đã và đang làm để minh họa đôi chút về tư duy như là những việc làm trong đầu và thể hiện trong cuộc đời thực để giải quyết một vấn đề của con người trong cuộc đời thực.
Chắc nhiều bạn biết rằng đã ba năm rồi chúng tôi có một nhóm Cánh Buồm để soạn lại sách giáo khoa bắt đầu từ bậc tiểu học, rồi tự mình trình ra trước xã hội, trước đồng bào, trước công chúng.
Trước hết, nhóm đó định giải quyết một vấn đề gì của cuộc sống thực của Việt Nam hiện thời?
Đó là vấn đề khủng hoảng của Giáo dục và dường như là cả sự bất lực không thoát ra nổi khỏi cuộc khủng hoảng đó.
Chúng tôi giả định nguyên nhân sự bất lực là do thiếu đường lối lý thuyết và thiếu đồng thuận trong cách thoát ra khỏi khủng hoảng.
Tiếp theo, chúng tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ dùng một công việc đột phá để tạo ra một “địa chỉ đồng thuận” cho xã hội chú mục vào. Chúng tôi chọn khâu đột phá đầy tính chất thị phạm đó là MỘT BỘ SÁCH GIÁO KHOA, bắt đầu từ bậc học khó nhất, bậc tiểu học. Chỉ một việc làm đó sẽ (1) hàm chứa lý thuyết về một cuộc Giáo dục Hiện đại cần thiết cho đất nước, (2) hàm chứa cách học phải thay đổi của trẻ em và do đó thay đổi cả cách làm việc của giáo viên, và (3) hàm chứa những gợi ý về cách xây dựng toàn bộ ngôi nhà Giáo dục để các chuyên gia trong cả nước cùng nghĩ và cùng làm.
Ngoài việc gắn tư duy với những việc làm, nhờ lấy chuẩn mực đánh giá tư duy là những việc làm có thật, đổi lại tư duy cũng tạo ra một trật tự cho sự SUY NGHĨ của con người – và chính cái trật tự tư duy ấy sẽ thành một cái nết đem lại kết quả cho công việc.
Vì nhận thức như thế, nên trong nội dung sách giáo khoa mới, chúng tôi thường trực chú ý đến những việc giao cho học sinh làm để tổ chức tư duy đứa trẻ từ tấm bé, từ khi bắt đầu vào lớp Một trường phổ thông. Chứ không bắt các em “học” với cái đầu rỗng, học mà không học gì hết – vì học đâu có phải là kiến thức, mà học chính là dùng cách đi tìm kiến thức (học phương pháp học) để rèn luyện tư duy trừu tượng cho người học… Nhưng ôi chao, bắt học sinh đợi hoài đợi hủy, đợi đến khi chán các thao tác tư duy, vì thấy chúng không gắn kết máu thịt với con người mình, chỉ thấy chúng là một mớ thuật ngữ rắc rối lạnh lùng vô cảm, hơn nữa, chúng còn liên kết thành những đề ôn tập rồi thành đề thi quấy nhiễu cuộc sống yên lành của kẻ đã chán học chỉ còn muốn ăn no ngủ kỹ…
Chúng tôi hy vọng từ lớp Một thì tạo ra cái tư duy thuận cho trẻ em. Hy vọng dần dần tạo thêm được tư duy thuận nghịch cho các em vào cuối bậc học phổ thông. Mong rằng khi đó có thể tạo thêm tư duy hoài nghi cho các em nữa. René Descartes nói đến Cogito ergo sum (Tôi tư duy, vậy là tôi tồn tại). Cuộc đời thực còn bổ sung cho tư duy người Dubito, ergo cogito, ergo sum(Tôi hoài nghi, do đó tôi tư duy, và do đó tôi tồn tại thật trên đời này).
Mong sao mấy gợi ý này sẽ giúp các nhà lý thuyết (tức là các nhà hành động) bớt ăn no ngủ kỹ, sao cho những hành động trên đất nước này sẽ thấm đượm chất tư duy.
Phạm Toàn
Ngày 1 tháng Tư năm 2013