Trong buổi trò chuyện mở rộng về giáo dục cuối tuần qua, nhà giáo Phạm Toàn đã đề cập đến những chủ đề nóng như: Thế nào là nhà trường hiện đại? Thế nào là tự học – tự giáo dục? Làm sao giúp trẻ có khả năng tự học ngay từ những buổi học đầu tiên? Phương pháp học tập mà Cánh Buồm đề xuất có ích lợi gì cho trẻ em? Làm sao để ứng dụng phương pháp này?
Làm một điều tích cực chống lại tiêu cực
Nhà giáo Phạm Toàn nhận định: Xã hội đang hết sức bi quan và hoang mang trước nền giáo dục trì trệ. Trạng thái tâm lý xã hội đó tác động sang việc đi tìm một nguyên lý chung nhất cho công cuộc cải cách giáo dục.
Ông đưa ra hình ảnh so sánh rất thú vị: Các vị phụ huynh thương con em “bị tước đoạt tuổi thơ”, bị “quá tải”, thì đang càu nhàu. Các nhà lý luận thì đua nhau liên tiếp cất tiếng đỡ lời cho những tiếng càu nhàu đó. Có điều là hầu hết các tiếng nói đều chỉ như đang giảng đạo giữa hoang mạc. Trong tình hình đó, nhóm Cánh Buồm không đủ kiên nhẫn để chỉ “phản biện” bằng lý lẽ. Nhóm khẩn trương cho ra mắt một bộ sách tiểu học với hàm ý này: Lý thuyết giáo dục hiện đại thể hiện ở cách làm việc của thày và trò diễn đạt cụ thể trong bộ sách Cánh Buồm.
Nhà giáo Phạm Toàn: Ba năm nay tôi và đồng nghiệp không có một đồng lương nào cả. Giời thương tôi cho tôi những bạn trẻ nhiệt huyết, có tâm với giáo dục |
Bộ sách giáo khoa bậc tiểu học của nhóm Cánh Buồm là một chương trình khác, thể hiện thành một bộ sách giáo khoa khác với bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo quan niệm của nhóm Cánh Buồm: Một đứa trẻ nên người trong nền giáo dục hiện đại hóa là phải biết cách học không do nhồi nhét mà có, cái cách học hình thành dần dần do nhà trường chủ động tổ chức tạo ra thành một năng lực của người học.
Một nền giáo dục hiện đại không phải là những thiết bị hiện đại, là săm hình nhố nhăng, là biểu hiện thái quá như một vài bạn trẻ “liếm” ghế ngồi của các ca sỹ Hàn Quốc. Nền giáo dục hiện đại là lối sống của những con người văn minh nhất. Hiện đại là tìm ra cơ chế tự học của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm nghiên cứu.
Bộ sách giáo khoa tiểu học Cánh Buồm mong muốn được triển khai vào thực tiễn. Với kỳ vọng “làm một điều tích cực để chống tiêu cực”, nhóm Cánh Buồm cũng cho rằng “làm ra một sản phẩm cụ thể thay thế cái cần thay thế là cách thức phản biện xã hội có trách nhiệm”.
“Ba năm nay tôi và đồng nghiệp không có một đồng lương nào cả. Giời thương tôi cho tôi những bạn trẻ nhiệt huyết, có tâm với giáo dục”, nhà giáo Phạm Toàn vui vẻ cho biết thêm.
Sách lớp 1 chỉ học 3-4 tháng, không sai chính tả
Quan niệm của nhóm Cánh Buồm là: Giáo dục hiện đại mang lại hạnh phúc cho từng gia đình. Ví dụ về chuyện cô giáo Minh Nguyệt, trợ lý giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, lâu nay đêm nào cũng dùng sách Cánh Buồm “chơi” với con. Có hôm hết vở, cô gọi điện cho các cô giáo Cánh Buồm: “Còn gì cho chị thêm đi…”.
Sở dĩ có thể làm như vậy là vì đường lối giáo dục hiện đại của Cánh Buồm không phải là những thiết bị “hiện đại” và đắt tiền, mà là việc tìm ra thao tác tự học của con trẻ. Những chuyện khó tày trời, nhưng biết cách tổ chức các thao tác học, thì khó mấy mẹ con cũng “chơi” được với nhau, không đi học thêm nữa, ở nhà chơi với mẹ. Chuyện này giản đơn có vậy thôi. Hiểu biết thao tác học của trẻ em sẽ dẫn đến kỹ thuật tổ chức việc học của các em, để Giáo dục phổ thông đưa hạnh phúc được tới từng gia đình.
Nhà giáo Phạm Toàn kể lại một câu chuyện thực tế, một giáo viên dạy học sinh rằng “O tròn như quả trứng gà”, nhưng học sinh lại nói “O tròn như cái bánh rán”, giáo viên cho rằng học sinh hư, không thuộc bài. Một ví dụ đơn giản để cho thấy giáo dục hiện tại vẫn là nhồi sọ, bắt ép. Cánh Buồm chủ trương cho trẻ có ý thức tự trọng ngay từ những ngày đầu tiên cắp sách đến trường bằng cách thầy cô chỉ là người hướng dẫn cho trẻ tự tư duy. Cánh Buồm gọi đó là hạnh phúc của trẻ, hạnh phúc được là chính mình.
Theo nhà giáo Phạm Toàn, sứ mệnh của bậc tiểu học là tổ chức việc học cho trẻ em sao cho các em biết cách học. Nói đến tự học không có nghĩa là “thả nổi” cho trẻ em tự vẫy vùng như việc tự học của người lớn. Nội dung “tự học” ở bậc tiểu học là cách thức nhà trường từ bỏ lối giảng giải để thay vào đó là tổ chức các hoạt động học của trẻ em. Thay cho lời giảng giải, các hoạt động học trong mỗi tiết học diễn ra bằng các việc làm sau: giao nhiệm vụ, thao tác, thu hoạch.
Cách tổ chức tiết học của nhóm Cánh buồm cũng hết sức thú vị. Chẳng hạn, một tiết học sẽ không mở đầu bằng việc cô giáo nắn nót viết tên bài học, mà sẽ khác hẳn. Giáo viên có thể đố học sinh tiết này học cái gì? Dựa trên điều đã học ở tiết trước, điều đã biết ở bài trước, hoặc cả ở chương trước, học sinh phải đoán ra tiết học này mình sẽ làm công việc gì. Giả sử học sinh không đoán ra, thì toàn bộ các việc thày và trò cùng làm trong tiết học sẽ tất yếu dẫn đến những thu hoạch – là câu trả lời cho câu hỏi “tiết này học được điều gì”? Và đến hết tiết học, cái câu hỏi gieo vào đầu học sinh cũng sẽ là “đố biết tiết sau học điều gì?”
Với cách học như vậy, nhà giáo Phạm Toàn khẳng định, chỉ riêng sách lớp 1 của nhóm Cánh Buồm học từ 3 đến 4 tháng, học sinh sẽ không viết sai chính tả.
Nhà giáo Vũ Thế Khôi, Trưởng nam của cụ Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng đầu tiên Bộ Quốc gia giáo dục Việt Nam)
“Nhà giáo Phạm Toàn không bao giờ dạy đối phó và nói dối. Bao giờ tất cả xã hội thấy không thể học được theo lối cũ nữa thì sẽ thay đổi và học theo sách Cánh Buồm. Các bậc phụ huynh nên dạy thêm sách của Cánh buồm cho con tại nhà. Tôi đã dạy thêm cho cháu nội, và thấy cháu có rất nhiều sáng tạo bất ngờ, vốn từ vựng cũng phong phú hơn. Ví dụ có lần cháu hỏi tôi: Có bệnh hiểm nghèo thì có bệnh hiểm giàu không hả ông”?