HTML Online Editor Sample

Hiểu biết về tâm lý giáo dục, nắm vững những thao tác tự học của trẻ là con đường mang một nền giáo dục lành mạnh đến với trẻ em, cũng là đến với các gia đình. Chính vì vậy, tiếp nối các chương trình về giáo dục từ năm 2009 đến nay, ngày 5/11/2013, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, Nhóm Cánh Buồm phối hợp với nhà xuất bản Tri Thức, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và L’espace đã tổ chức hội thảo giới thiệu Tủ sách Sư phạm Cánh Buồm và Tủ sách Tâm lý học Cánh Buồm mang tên “Cánh Buồm no gió – Thời đại internet”. Đây hoạt động cụ thể đưa phương châm: Bậc Tiểu học là BẬC HỌC PHƯƠNG PHÁP HỌC tới từng giáo viên đam mê sáng tạo, tới từng phụ huynh quan tâm đến việc xây dựng tổ ấm gia đình.


Ông Patrick Girard – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (trái) và nhà giáo Phạm Toàn (phải)
trong phần khai mạc

Mở đầu, giám đốc L’espace phát biểu khai mạc hội thảo, thể hiện sự trân trọng của L’espace với công việc và nhiệm vụ (tự giao) mà Nhóm Cánh Buồm đang thực hiện: tạo ra một cái mẫu về giáo dục hiện đại. Từ năm 2009 đến nay, cùng với Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và nhà xuất bản Tri Thức, L’espace là đơn vị tiên phong, luôn tạo mọi điều kiện để Cánh Buồm tổ chức các hội thảo, tọa đàm về giáo dục tại Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh đạt hiệu quả cao nhất. Cũng chính L’espace đã tài trợ để Cánh Buồm tổ chức triển lãm “Tranh minh họa sách Cánh Buồm” vào tháng 10 năm 2012. Đầu năm 2014 tới đây, L’espace sẽ tiếp tục là “bà đỡ” giới thiệu trọn bộ Lối sống cũng như sự ra mắt những cuốn sách đầu tiên trong Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm. Có thể nói, L’espace đã và đang kiên trì góp một ngọn gió lành đưa Cánh Buồm ra khơi.


Nhà giáo Phạm Toàn, thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Hải,
nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nhà thơ – dịch giả Hoàng Hưng tại buổi hội thảo

Tiếp nối chương trình, nhà giáo Phạm Toàn – người sáng lập và là linh hồn của Nhóm Cánh Buồm – điểm lại những việc Cánh Buồm đang làm và thông báo hai tin mừng:
Thứ nhất, cho đến nay, Nhóm Cánh Buồm không chỉ gồm “toàn những thành viên chưa đến 30 tuổi” mà còn có thêm một nhóm những “người bạn cao niên” tự đứng ra nhận trách nhiệm dịch thuật: nhà thơ – dịch giả Hoàng Hưng, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ – dịch giả Dương Tường, nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nhà giáo Phạm Toàn. Các thành viên này sẽ cùng chung tay dịch các tác phẩm kinh điển – có thể coi là nền tảng của tâm lý học giáo dục – của các nhà tâm lý học hàng đầu như J. Piaget, H. Gardner, Vygotsky… – làm thành Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm. Đây là ý tưởng do nhà thơ – dịch giả Hoàng Hưng khởi xướng.

Trong phần trình bày của mình tại hội thảo, Hoàng Hưng chia sẻ: khi ông đưa thông tin về dự định lập Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm lên trang Facebook cá nhân, một nhà văn trẻ rất chịu đọc sách đã bình luận rằng: “Cháu thấy sách tâm lý đầy các hiệu sách mà nền GD nước nhà ngày càng lụn bại, vậy giờ còn dịch sách tâm lý học giáo dục làm gì? Có phải người ta không biết về lý thuyết giáo dục đâu, mà nguyên nhân ở chỗ khác!” Nhưng sự thực có phải sách tâm lý đầy các hiệu sách không? Thử tra cứu tổng mục sách tâm lý học giáo dục trong thư viện Quốc gia hay thử dùng công cụ tìm kiếm Google, ta sẽ có kết quả đáng ngạc nhiên về sự nghèo nàn không tưởng tượng nổi: quanh đi quẩn lại là một số giáo trình đại học, mà nội dung không khác nhau là mấy, và hình như bắt nguồn từ các giáo trình Liên Xô đã rất cũ, lại dạy rất chung chung về những vấn đề tâm lý học khái quát chứ không đi vào những lý thuyết mang tính tri thức học hay liên quan đến sự phát triển trí tuệ là điều thiết cốt mà nhà giáo phải nắm rất vững.


Nhà thơ – dịch giả Hoàng Hưng giới thiệu Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm

Làm sao có mãi chấp nhận tình trạng này nếu chúng ta mong muốn có một sự đổi mới thực sự trong giáo dục, muốn bỏ lối làm giáo dục mò mẫm, chắp vá như hiện nay? Nhóm Cánh Buồm quyết tâm “vừa học vừa làm”, “học thông qua việc làm” bằng cách dịch những cuốn sách tâm lý học giáo dục chuyên sâu, trước tiên là một số công trình của J. Piaget và H. Gardner. Hi vọng rằng, với sự ra đời của Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm, không chỉ các thành viên trong nhóm mà cả các giáo viên, những người quan tâm đến giáo dục sẽ thực sự được mở mang, nâng cao hiểu biết về tâm lý học giáo dục, nắm vững cơ sở lý thuyết để từ đó chủ động trong các hoạt động của mình. Nói như Piaget: “Phần lớn người ta cho rằng giáo dục nghĩa là dẫn dắt đứa trẻ để nó trở thành một người trưởng thành điển hình của xã hội… Nhưng với tôi, giáo dục nghĩa là tạo ra những con người sáng tạo… Ta phải tạo ra các nhà phát minh, các nhà cách tân, không phải những kẻ tuân phục” (Jean Piaget, Trò chuyện với Jean Claude Bringuier, 1980), chính những người làm nhiệm vụ dạy học cũng nên là những con người sáng tạo, những nhà cách tân. Nhóm Cánh Buồm mong nhận được sự chung tay góp sức của bè bạn gần xa, nhất là các bạn trẻ, để Tủ sách Tâm lý học giáo dục sớm đến được với độc giả.


Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Hải giới thiệu Tủ sách Sư phạm Cánh Buồm

Tin mừng thứ hai, cũng là một nội dung chính của buổi hội thảo: Cánh Buồm đã hoàn thành xong 3 cuốn đầu tiên trong Tủ sách Sư phạm Cánh Buồm (Tập 1 giới thiệu về Giáo dục Hiện đại, Tập 2 hướng dẫn cách tổ chức việc học môn Tiếng Việt, Tập 3 hướng dẫn tổ chức việc học môn Văn). Tủ sách này được thành lập nhằm phổ biến rộng rãi phương pháp học tập hiện đại, trong đó người dạy đóng vai trò là người tổ chức hệ thống hoạt động, người học tự mình thực hiện các hoạt động đó để làm ra kiến thức. Cách thực hiện được thể hiện cụ thể trong việc tổ chức hoạt động học các môn Văn, Tiếng Việt, Lối sống của Nhóm Cánh Buồm.

Nhóm Cánh Buồm và những người bạn trong chương trình Ngày sư phạm Cánh Buồm số 1

Khi giới thiệu về Tủ sách Sư phạm Cánh Buồm, thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Hải – trưởng Nhóm Cánh Buồm cho biết: Nhóm Cánh Buồm xác định năm 2013 là năm sư phạm, với mục tiêu phổ biến rộng rãi phương pháp tự học – tự giáo dục tới các giáo viên, phụ huynh, học sinh và những người quan tâm tới giáo dục. Chính vì vậy, Nhóm Cánh Buồm đã tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức các hội thảo, tọa đàm về Giáo dục Hiện đại (“Học ở nhà trường hiện đại”, “Cùng con dùng sách Cánh Buồm”), các buổi trò truyện, chia sẻ với phụ huynh, tổ chức chuỗi chương trình Ngày sư phạm Cánh Buồm, thành lập Câu lạc bộ Sư phạm Cánh Buồm, lập trang youtube Canhbuomedu, cải tiến website Canhbuome.edu.vn, phát hành bản ebook sách Cánh Buồm… Việc ra đời Tủ sách Sư phạm Cánh Buồm, cụ thể là những cuốn cẩm nang hướng dẫn cách tổ chức việc học cho trẻ em theo bộ sách tiểu học Cánh Buồm chính là một trong những hoạt động trọng điểm. Ở mỗi cuốn sách, nhóm tác giả giới thiệu hệ thống các hoạt động cần tổ chức cho mỗi môn học, đồng thời có những bài thiết kế mẫu để người dùng dễ hình dung cách thực hiện. Cùng với những cuốn sách giấy ra mắt trong hội thảo, Nhóm Cánh Buồm còn đăng tải các video một số tiết học làm tài liệu trực quan cho người dùng tham khảo.

Sau phần trình bày của các diễn giả là phần thảo luận rất sôi nổi. Các ý kiến tra đổi đều thể hiện sự đồng tình với các hoạt động nhằm cải cách giáo dục của Nhóm Cánh Buồm, bên cạnh đó, mong muốn phổ biến rộng rãi những hoạt động này.

Cùng thảo luận

 

Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, Nhóm Cánh Buồm đã tổ chức tặng những cuốn sách cẩm nang sư phạm đầu tiên cho những người bạn đã luôn dõi theo, chia sẻ và góp ý với Cánh Buồm trong thời gian qua.


Cánh Buồm tặng sách

Kết thúc buổi tọa đàm, nhà giáo Phạm Toàn nhấn mạnh: Bây giờ chúng ta phải làm! Làm chứ không bàn suông nữa! Nếu tất cả trí thức của nước ta đều nghĩ “Nếu mình không làm thì ai làm” thì đất nước mình sẽ thay đổi, nền giáo dục của chúng ta sẽ thay đổi!

Đinh Phương Thảo