(Hồng Nhung, GDVN) “Chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện nhuận bút, bản quyền của nhà văn… có nhà văn nào đến đòi, nhóm sẽ đề nghị các nhà văn cho nhóm khoản này”.
Đó là chia sẻ chân thật của nhà giáo Phạm Toàn – nhóm Cánh Buồm, một nhóm được chào đời cuối năm 2009 với mục tiêu làm ra một bộ sách giáo khoa trong buổi giới thiệu bộ sách giáo khoa tiểu học được tái bản lần thứ 3.
300 triệu đồng làm sách và xin cho tiền bản quyền
Bộ sách của nhóm Cánh Buồm được viết với sự giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất (hỗ trợ bằng tiền) của một số người như bà Nguyễn Thị Bình, giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Ngô Bảo Châu, khoa học gia Thái Văn Cầu, nhà báo Hoàng Hưng… Số tiền được nhà giáo Phạm Toàn đề cập đến để viết sách là con số 300 triệu đồng, “chúng tôi đang làm sách giáo khoa với 300 triệu đồng”.
Ông cũng cho biết thêm: “Tất cả các tác giả và dịch giả sách Cánh Buồm cho tới nay đều không lấy nhuận bút. Tiền của quỹ đều quay về nhóm dùng vào việc in sách mới hoặc tái bản”.
Nhà giáo Phạm Toàn cho biết “nếu có nhà văn nào đến đòi (tiền bản quyền), nhóm sẽ đề nghị các nhà văn cho nhóm khoản này”. Ảnh Hồng Nhung |
Tuy nhiên đặt giả thiết nếu Trung tâm Bản quyền Hội nhà văn yêu cầu tiền nhuận bút thì nhóm Cánh Buồm sẽ tính sao, ông cho biết: “Chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện nhuận bút, bản quyền của nhà văn… có nhà văn nào đến đòi, nhóm sẽ đề nghị các nhà văn cho nhóm khoản này”.
“Chúng tôi mong rằng các nhà văn trước hết hãy coi chúng tôi như người nhà, ít nhất là trong 10 năm tới, để cùng làm một bộ sách tử tế cho trẻ con nước mình” – ông chia sẻ thêm.
Số tiền Bộ giáo dục xin để làm sách: “Con số mù mờ, không minh bạch”
Từ con số 34 nghìn tỷ đồng xuống còn chưa bằng 1/40 nên ta cảm thấy nhỏ, nhưng đối chiếu với từng quyển sách thì không hề nhỏ tí nào…
Về chất lượng của sách, nhà giáo Phạm Toàn khẳng định sau lần tái bản này phải đến 10, 15 năm nữa nhóm mới phải chỉnh sửa, bổ sung lại sách.
Sách giáo khoa để trẻ em tự đánh giá
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 30 Quy định về đánh giá học sinh tiểu học, theo nhà giáo Phạm Toàn: “Vừa rồi có quy định về đánh giá học sinh tiểu học, trước đây là đánh giá cho điểm, bây giờ đánh giá bằng lời, có người hỏi tôi đúng sai thế nào, tôi chỉ hỏi lại Ai đánh giá? Trước đây ai cho điểm và bây giờ ai nhận xét?”.
Theo nhà giáo Phạm Toàn, cốt lõi của vấn đề không đổi, tức là trước đây cô giáo có thể nói “Cô cho em 6 điểm, em dạo này chậm lắm, tối nay bảo mẹ đến gặp cô” và thế là cho điểm. Bây giờ, cô giáo nói “Dạo này cô thấy em học hình như quên cái gì, cứ lơ mơ, có tiến bộ nhưng chưa tiến bộ lắm, tối nay bảo mẹ đến gặp cô” và đây là nhận xét. Như vậy, tình hình vẫn không hề thay đổi.
Bộ sách giáo khoa tiểu học của nhóm Cánh Buồm đã làm một điều là “trẻ em tự đánh giá ngay trong sách”.
Nhà giáo Phạm Toàn có giải thích thêm: “Thế nào là tự đánh giá? Tự đánh giá gồm hai kiểu, kiểu thứ nhất là phải biết bài tiết trước mới sang được bài tiết sau, trong sách có nêu ôn cái đã biết, học cái mới, thực hành; sau đó tự đánh giá xem em đạt cái chuẩn mà lớp đưa ra chưa. Thậm chí đưa ra cho các nhóm tự đánh giá rồi nộp lại cho cô giáo”.
Hai cuốn sách Văn 1 và Văn 2 trong bộ sách giáo khoa gồm Văn, Tiếng Việt, Lối sống từ lớp 1 đến lớp 5 của nhóm Cánh Buồm được tái bản lần thứ 3. Ảnh Hồng Nhung |
Lấy thí dụ thêm, ông cho biết, trong một bài viết sẽ đánh giá học sinh thứ nhất là viết đủ ý, thứ hai là đủ ý và có nhiều dẫn chứng hấp dẫn, thứ ba là viết chưa đủ ý. Trên cơ sở đó, học sinh tự đánh giá vào bài. Các em tự đánh giá để biết năng lực của mình đến đâu. Trong quyển sách lớp 5, nhà giáo Phạm Toàn cho biết còn có thêm phần tự đánh giá toàn cấp.
Tất cả những điều đó học sinh có thể tự sơ kết vào cuối năm học. Cuối năm học ấy nếu học được như thế, bậc tiểu học không cần thi tốt nghiệp, các năm học không cần kiểm tra, các học kì không cần đánh giá lên lớp xuống lớp mà học sinh tự đánh giá mình biết đến đâu mình học tiếp đến đấy, còn thiếu cái gì…
Nhà giáo Phạm Toàn có nhấn mạnh: “Trong tất cả các quyển sách của Cánh Buồm không nói từ sai, trong sách chỉ nói đúng rồi, đúng và hay, sắp đúng chứ không bao giờ nói các em là sai cả”.
Học sư phạm hai năm ra dạy luôn
Sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo dự định ban hành một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, phải có khâu thẩm định rồi mới đưa vào sử dụng, trước thắc mắc bộ sách của nhóm Cánh Buồm liệu có đáp ứng được chương trình Bộ đưa ra hay cần phải có thêm cải tiến gì không, nhà giáo Phạm Toàn khẳng định rằng: “Làm thế nào để cố gắng không sai nhiều chứ đừng nghĩ đến thắng lợi, nếu chỉ nghĩ đến thắng lợi thì sẽ nghĩ đến thất bại…”.
Ông cũng cho rằng “nếu có thời gian thì có thể chuốt cho nó (bộ sách) đẹp hơn nữa, hấp dẫn hơn nữa”.
Với việc dạy một bộ sách giáo khoa hoàn toàn mới thì có cần thay đổi phương pháp đào tạo giáo viên, nhà giáo Phạm Toàn cho rằng: “Ngành giáo dục có khẩu hiệu không bao giờ thực hiện được là “sư phạm đi trước một bước”. Tại sao lại thế? Vì không nghiên cứu được cách học của học sinh thì không dùng cái này để huấn luyện ở trường sư phạm được, cho nên ở trường sư phạm học kéo dài bao lâu nữa cũng chỉ là thêm những thứ để cho vui, thêm thứ râu ria, rất nhiều chuyên đề, học thêm, hoạt động…
Ông cho biết, sinh viên sư phạm chỉ cần làm hai việc “học bộ sách” và “đi thực hành”: “Người giáo viên sẽ được đào tạo ở hai mức, thực hành cách dạy bộ sách cho trẻ con đã nghiên cứu cách học của các em, thứ hai là lí giải được bằng lí thuyết, tại sao làm như thế”. Do đó, theo nhà giáo Phạm Toàn chỉ cần hai năm học sư phạm là đủ.
Nhóm Cánh Buồm được thành lập vào cuối năm 2009 với chỉ 5 thành viên đầu tiên, với mục tiêu là soạn lại bộ sách giáo khoa bậc tiểu học để qua đó gợi ý một cách Hiện đại hoá nền giáo dục Việt Nam theo sự hối thúc của trẻ em và vì trẻ em.
Chiều ngày 8/10/2014, nhóm Cánh Buồm tổ chức buổi họp báo Giới thiệu Hội thảo sách Cánh Buồm Cao hơn, xa hơn… và dễ tự học hơn sẽ được tổ chức vào lúc 18h – 20h, thứ Tư ngày 15 tháng 10 năm 2014 tại Trung tâm Văn hoá Pháp, số 24 Tràng Tiền, Hà Nội.