Ivan Pavlov và thuyết Phản Xạ Có Điều Kiện cổ điển

Ivan Pavlov (1849 – 1936)

Nhà sinh lí học người Nga Pavlov sinh nhày 14 tháng Chín 1849 tại làng Ryazan. Cha ông là một thầy tu. Pavlov là con cả trong 11 anh em, trong đó 6 người chết ở tuổi thơ ấu. Ông lập gia đình, có ba con trai và một con gái. Công trình của đời ông tập trung vào việc nhận dạng mối liên hệ giữa tiêu hoá và sự tiết nước bọt, bằng cách sử dụng chó thí nghiệm. Ông được nhận giải thưởng Nobel về những cố gắng trong Sinh lí học hay Y khoa (1904) về công trình về những cơ chế cơ bản trong hệ tiêu hoá ở loài có vú. Hoàn toàn tình cờ, ông nhận ra loài chó tiết nước bọt khi không có thức ăn đưa cho chúng. Điều đó dẫn ông đến phát triển một lí thuyết về phản xạ có điều kiện (được giải thích trong phần chính của chương này). Lí thuyết của Pavlov, được gọi là thuyết phản xạ có điều kiện cổ điển, lần đầu tiên đưa ra những mô tả có thể thử nghiệm và có thể kiểm chứng về một số hình thức học tập diễn ra như thế nào. Thuyết của ông có ảnh hưởng lớn trong lính vực tâm lí học và giáo dục.

Pavlov tiến hành một loạt thí nghiệm trong phòng thí nghiệm về mối quan hệ giữa sự tiết nước bọt và tiêu hoá ở chó. Nghiên cứu này đòi hỏi cắt những tuyến nước bọt của chó và gắn lại chúng ra ngoài má của chó, tại đây chúng được nối với những ống nghiệm. Sử dụng kĩ thuật này, Pavlov có thể đo chính xác lượng nước bọt trước, trong và sau khi tiêu hoá. Trong các thí nghiệm của ông, Pavlov nhận thấy chó tiết nước bọt mỗi khi nhân viên thí nghiệm bước vào phòng. Quan sát hành vi của chó qua thời gian, Pavlov kết luận rằng chó bắt đầu tiết nước bọt trong sự chờ đợi được cho ăn. Thậm chí khi không mang thức ăn cho chó, chỉ mới thấy bóng nhân viên thí nghiệm là đã đủ để chó tiết nước bọt. Pavlov gọi hiện tượng này là “việc học có liên kết” có nghĩa là chó đã thiết lập một mối liên kết giữa nhân viên thí nghiệm và thức ăn. Thích thú với hình thức học tập này, Pavlov thấy rằng ông có thể huấn luyện để chó tiết nước bọt theo tiếng chuông. Pavlov mô tả quá trình đó theo cách dưới đây và bằng cách cho mỗi phương diện một thuật ngữ riêng: (xem hình 3.1 dưới đây)

1. Khi chó được cho ăn, nó tiết nước bọt.
Tiết nước bọt khi được cho ăn gọi là đáp ứng vô điều kiện (UCR) còn thức ăn là kích thích vô điều kiện (UCS)

2. Cho rung chuông ngay trước khi đem thức ăn đến. Ban đầu, chó không tiết nước bọt. Tiếng chuông là kích thích có điều kiện (CS)

3. Sau một thời gian cho chuông rung kèm với đưa thức ăn, chó tiết nước bọt trước khi thức ăn tới và mỗi khi nghe tiếng chuông. Pavlov gọi đây là đáp ứng có điều kiện (CR)

Ngay cả khi Pavlov thao tác cho tiếng chuông lên cao xuống thấp, âm thanh ấy cũng khiến chó tiết nước bọt, Pavlov gọi đây là tổng quát hoá. Ông cũng nhận xét thấy, khi rung chuông mà không đưa thức ăn, đáp ứng tiết nước bọt của chó yếu dần và dường như biến mất. Pavlov gọi phản ứng này là lụi tắt.
Điều quan trọng, ông nhận xét rằng đáp ứng của chó không mất đi mà chỉ ẩn đi và có thể nhanh chóng học lại – ông gọi tên nó là tự động phục hồi. Đây là một điểm quan trọng, và bạn có thể nhận thấy trong thực tế.

Hình 3.1 Phản xạ có đìều kiện cổ điển

Xét thí dụ dưới đây bạn sẽ thấy việc học có vẻ mất đi nhưng có thể nhanh chóng được phục hồi.

1. Trường bạn có một “chủ trương rèn tập thái độ tốt”. Mỗi đứa trẻ sớm biết nói “cám ơn” khi bạn cho chúng ăn bữa sáng. Sau lễ Giáng Sinh, bạn thấy một số trẻ đã thôi không nói “cám ơn” nữa. Chỉ sau một hay hai lần nhắc nhở, bọn trẻ lại nói “cám ơn” trở lại.

2. Josh (6 tuổi) để chiếc xe đạp của nó ở nhà cô giữ trẻ, ở đó có vườn. Cô bảo mẫu ốm nằm bệnh viện mấy tháng và John hào hứng khi nó cùng mẹ đến thăm cô ở nhà. Josh chạy ra ngoài để đi xe đạp nhưng nó bỗng thấy nó cứ bị ngã hoài. Thất vọng, nó bảo mẹ nó rằng nó đã quên đi xe đạp, nhưng bà động viên nó cố thử lại. Bà giữ yên xe cho nó một phút và, sau vài nghiêng ngả, nó tự mình chạy được xe.

Pavlov kết luận rằng một khi đã học được, các mối liên kết khó bị xoá bỏ. Cái khái niệm rằng những liên kết học được có thể ‘ngủ yên’ nhưng sẽ xuất hiện trở lại khi có tác động nhắc nhở có quan hệ mật thiết với những ai đang cố gắng vượt qua những nỗi ám ảnh sợ hãi, cố thắng chứng nghiện rượu, ma tuý, cờ bạc, hay đang cố rèn thói quen ăn uống có lợi cho sức khoẻ. Mặc dầu những thí nghiệm của Pavlov giới hạn trong phòng thí nghiệm, như chúng ta sẽ thấy trong những thí dụ được nêu và công trình nghiên cứu của Watson với những ám ảnh, thuyết Phản xạ có đìều kiện cổ điển cho ta sự giải thích mạnh mẽ về một số hình thức học tập.

Tác động của Phản xạ có đìều kiện cổ điển

1. Một đứa trẻ nhỏ bị một con chó to gầm gừ làm cho hốt hoảng. Đứa bé khóc toáng lên vì sợ. Khi lần sau gặp một con chó to, nó sẽ khóc. Một liên kết đã được thiết lập giữa nỗi sợ và con chó. Nỗi sợ này có thể tổng quát hoá ra mọi con chó. Sau một thời gian, nguyên nhân ban đầu có thể bị quên đi nhưng nỗi sợ vẫn còn.

2. Một thầy giáo dùng một quả chuông để ra hiệu im lặng. Khi chuông reo, lũ trẻ khoanh tay đặt trên bàn và đặt cằm chúng lên hai bàn tay. Sau một thời gian, chỉ cần giơ quả chuông lên là bọn trẻ đã khoanh tay và đặt cằm lên tay chúng. Một liên kết đã được thiết lập giữa quả chuông và thời gian im lặng.

3. Joel cảm thấy trong người khó chịu và đã hai ngày không ăn. Để dỗ nó ăn, mẹ nó đã nấu món cháo gà mà nó thích. Joel chịu ăn, nhưng vừa ăn một thìa cháo thì nó lập tức cảm thấy muốn ói. Joel không bao giờ ăn cháo gà nữa. Khi lớn lên, Joel đã quên sự cố đó nhưng vẫn cảm thấy muốn ói khi nghĩ đến cháo gà. Một liên kết đã được thiết lập giữa cháo gà và cảm giác muốn ói.

 

Bản dịch của Hiếu Tân