Gardner, Howard. 1993. Trí Khôn Sáng Tạo: Mổ Xẻ Trí Khôn Sáng Tạo Qua Cuộc Đời của Freud, Einstein, Picasso, Stravinsky, Eliot, Graham và Ganhdhi. Hoàng Hưng chuyển ngữ, 2020. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tri Thức, 583 tr., 185.000 VND.
– Nguyễn Thị Kim Quý –
Từ thuyết nhiều dạng trí khôn tới thuyết về sự sáng tạo
Nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn sách bàn về bản chất của sáng tạo và quá trình hình thành, phát triển của những đột phá về khoa học và nghệ thuật thì cuốn sách của tiến sĩ Howard Gardner nhan đề ‘Trí Khôn Sáng Tạo – Mổ Xẻ Trí Khôn Sáng Tạo qua Cuộc Đời của Freud, Einstein, Picasso, Stravisnsky, Eliot, Graham và Ganhdhi’ (gọi tắt ‘Trí Khôn Sáng Tạo’), qua bản dịch của dịch giả Hoàng Hưng, có thể là cuốn sách bạn cần tìm đọc.
Tiến sĩ Howard Gardner là nhà tâm lý học phát triển và Giáo sư về Nhận thức và Giáo dục tại Đại học Harvard. Ông được biết đến nhiều nhất qua công trình có tính khai mở về lý thuyết nhiều dạng trí khôn được xuất bản năm 1983. Trong công trình này, Gardner lật đổ quan niệm đơn nhất về trí tuệ con người thể hiện qua sự thống trị của các bài kiểm tra trí thông minh đồng loạt (standardized test). Ông cho rằng nhà trường thường chỉ dựa vào một vài phương pháp kiểm tra trí tuệ mà bỏ qua những loại trí khôn đa dạng khác. Lấy dữ liệu từ nhiều nguồn, từ các nghiên cứu về thần đồng tới nghiên cứu về não bộ, Gardner cho rằng một hiểu biết đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn về trí tuệ con người đòi hỏi chúng ta nhìn nhận con người với tư cách là những thực thể đã phát triển qua hàng thiên niên kỉ cùng với 8 loại trí khôn, gồm trí khôn ngôn ngữ, logic và toán, trí khôn không gian, trí khôn âm nhạc, trí khôn vận động, và 2 loại trí khôn cá nhân là nội quán và liên cá nhân, trí khôn về tự nhiên (naturalist intelligence).
Sau khi chứng minh được luận điểm rằng trí khôn là một thực thể đa chiều, Gardner tiếp tục suy ngẫm về hiện tượng sáng tạo và cho ra đời cuốn ‘Trí khôn Sáng tạo’. Gardner chứng minh rằng, cũng giống như trí khôn của con người, sự sáng tạo không nên được hiểu là cái gì đơn nhất, thay vào đó, mỗi loại trí khôn tương ứng có thể gắn với nó một hình thức sáng tạo.
Gardner hoàn toàn có thể nghiên cứu sự sáng tạo diễn ra nơi những con người được gọi là ‘bình thường’, như tôi và bạn, nhưng ông đã chọn những con người được các lĩnh vực và trường hoạt động ghi nhận dấu ấn như những con người có đóng góp to lớn trong việc tạo ra những ‘cái mới’. Bảy cá nhân ông lựa chọn đại diện cho bảy loại trí khôn – đó là Sigmund Freud (trí khôn nội quán), Albert Einstein (trí khôn logic-toán), Pablo Picasso (trí khôn không gian), Igor Stravinsky (trí khôn âm nhạc), Martha Graham (trí khôn vận động), T.S Eliot (trí khôn ngôn ngữ), và Mahatma Gandhi (trí khôn liên cá nhân) – đại diện cho các khía cạnh của thế giới gồm thế giới vật lý, thế giới xã hội và thế giới tâm trí. Tất cả đều sinh sống và hoạt động trong giai đoạn mang tên ‘kỉ nguyên hiện đại’ (cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20), giai đoạn đầy ắp những biến động chính trị và thành tựu khoa học-nghệ thuật mà kết quả của nó hiện vẫn còn ảnh hưởng tới chúng ta ngày nay. Thông qua việc phân tích những cách nghĩ, cách sống, cách làm của 7 cá nhân xuất chúng này, tác giả kết luận thú vị rằng bên cạnh những ‘cái khác’ là những điểm khá tương đồng giữa các cá nhân này. Đây chính là những điều kiện để nuôi dưỡng sự sáng tạo, và điều đó có một số hàm ý giáo dục quan trọng.
Tam giác của sự sáng tạo
Cùng với quan điểm của hai nhà tâm lý học người Mỹ cùng thời là Mihaly Csikszentmihalyi và David Feldman, Gardner cho rằng tính sáng tạo không thể đơn giản là tài sản của một cá nhân đơn lẻ với não bộ và tính cách biệt lập, cho dù cá nhân đó có phi thường hay tài năng đến đâu. Thay vào đó, sự sáng tạo là sự tương tác qua lại trong tam giác sáng tạo gồm 3 thành tố:
- Cá nhân, với đặc điểm về năng lực, phong cách, nhu cầu, ham muốn và kế hoạch hoạt động;
- Địa hạt hay bộ môn tri thức mà cá nhân đó được đào tạo và tiếp tục hoạt động;
- Trường hoạt động – là tập thể các cá nhân và thiết chế có chức năng đào tạo, sắp xếp, thưởng phạt và đánh giá sản phẩm của cá nhân;
Sau khi định nghĩa thế nào là sự sáng tạo, xác lập phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình (case study) theo quan điểm đa ngành (gồm nhận thức, tâm lý học phát triển và xã hội học), Gardner đã dành phần lại của cuốn sách để mổ xẻ đặc điểm cá nhân, quá trình phát triển sự nghiệp và bối cảnh tương tác gia đình, địa hạt và trường hoạt động của bảy cá nhân kiệt xuất này. Tác giả đã đi đến một vài kết luận có tính khái quát.
Đa số các tài năng đều xuất thân từ gia đình nền nếp khá nghiêm khắc và đặt nặng tinh thần ‘hậu sinh phải khả úy’. Nhưng khi được dạy dỗ đầy đủ, những cá nhân này thường nổi loạn và thoát khỏi vòng kiểm soát của gia đình. Họ làm việc trong các lĩnh vực mà người khác đã từ bỏ hoặc hoàn toàn không hiểu. Họ tìm cách kiến tạo nên địa hạt của riêng mình trong những trường mà họ lựa chọn. Mỗi ngày họ dần tăng cường sức sáng tạo và say mê tạo tác để làm chủ kĩ năng. Một trong 5 hoạt động sáng tạo mà họ tham gia gồm:
- Giải quyết một vấn đề cụ thể (thường gắn với các hoạt động khám phá khoa học, khá phổ biến)
- Đặt ra một mô hình lý thuyết mới (Lý thuyết về tiềm thức của Freud và Lý thuyết tương đối của Einstein)
- Tạo ra một sản phẩm thuộc thể loại mới có sức sống mãnh liệt – như thể loại kịch hay khiêu vũ mới;
- Kiến tạo một phong cách mới dựa trên sắp xếp truyền thống: Ví dụ nghệ sĩ biểu diễn như Martha Graham tạo ra loại hình ballet mới trong lúc biểu diễn loại hình truyền thống;
- Kiến tạo một phong cách mới dưới áp lực rủi ro: Gandhi có khả năng tạo ra những cuộc phản đối bất bạo động hiệu quả trong điều kiện tức thời, nhiều áp lực.
Các cá nhân xuất chúng đều có năng lực tư duy vượt trội không chỉ trong một lĩnh vực. Ví dụ Freud có trí khôn sắc bén về ngôn ngữ và nội quán. Einstein xuất sắc về toán và vật lý. Tuy nhiên, hầu như ai cũng có một điểm yếu bên cạnh tư duy nổi trội. Ví dụ Picasso thuở nhỏ đã có trí khôn đặc biệt về không gian nhưng lại lại học rất kém các môn ở trường. Tuy nhiên, hầu như rất ít trong số các cá nhân này là thần đồng từ nhỏ, trừ Picasso, vốn được cha mình phát hiện ra tài năng và ra sức dạy dỗ. Họ đều trở thành những cá nhân tự tin, tự quảng bá bản thân và khó tính đối với những ai mà họ coi là kém thông minh. Vào thời điểm tạo ra đột phá của nhà sáng tạo, họ đều hưởng lợi từ sự ủng hộ về nhận thức và tình cảm của một cá nhân (Freud) hay của một nhóm bạn hữu (Einstein). Họ đều vấp ngã nhưng lại kiên trì đứng lên và đi tiếp, hi sinh rất nhiều để tập trung chú ý cho công việc của mình. Mỗi cá nhân đều có những mâu thuẫn và tính phi đối xứng trong phát triển, những yếu tố dẫn đến sự sáng tạo và quan niệm mới về cuộc sống. Gardner cho rằng mỗi cá nhân đều phải thực hiện mặc cả kiểu Faust, tức là họ phải hi sinh một vài khía cạnh của cuộc sống để có thể tiếp tục với sứ mệnh sáng tạo của riêng mình.
Bằng nhiều cách khác nhau, mỗi cá nhân trong cuốn sách đã tương tác trong tam giác sáng tạo này để tìm ra những công tình đột phá của mình. Cụ thể hơn, sự sáng tạo nảy sinh chỉ khi nào cá nhân làm việc chuyên sâu trong một địa hạt và được một trường hoạt động liên quan tới địa hạt đó đánh giá công trình hay sản phẩm của họ. Kết quả là công trình của cá nhân sáng tạo đã làm thay đổi bản chất của địa hạt đó, và các thế hệ nối tiếp sẽ hoạt động trong địa hạt mới có kết cấu thay đổi so với ban đầu.
Nghiên cứu của Gardner và cộng sự về tính sáng tạo trong nhà trường
Bản thân cũng là một nhà nghiên cứu giáo dục, Gardner đã tiến hành một nghiên cứu nhỏ nhằm thúc đẩy tư duy sáng tạo trong nhà trường (Gardner, 1995). Nghiên cứu của ông và đồng nghiệp diễn ra tại hai lớp học cấp Trung học Cơ sở (học sinh lứa tuổi 12-13) ở ngoại ô thành phố Boston.
Áp dụng mô hình sáng tạo từ công trình của mình, Gardner cho rằng chỉ khi nào học sinh làm chủ được những quy tắc căn bản của một hoạt động thì khi đó sự sáng tạo mới có ý nghĩa. Trong nghiên cứu này, học sinh có nhiệm vụ làm các bản báo cáo về các cuốn sách đã học trong môn ngôn ngữ Anh, và làm các bài luận môn Lịch sử. Trong mỗi trường hợp, các nhà giáo đều hướng dẫn học sinh các bước làm theo đúng mỗi địa hạt tri thức này (ngôn ngữ và lịch sử) qua việc ‘làm mẫu’. Sau bước làm mẫu, học sinh được khuyến khích tạo ra những sản phẩm không nhất thiết phải y chang như mẫu nhưng phải phù hợp và cuốn hút được bản thân cũng như người đọc.
Kết quả của nghiên cứu khám phá này hé lộ nhiều điều. Tất nhiên không thể dựa vào quy tắc sáng tạo 10 năm để đi đến sự sáng tạo sau vài tháng của nghiên cứu lớp học. Cái mà nghiên cứu đã cho thấy là học sinh đem lại những cuốn sách đầy ắp minh họa, sáng tạo ra những cái kết mới cho những câu chuyện mà chúng đã đọc, và liên hệ sự di cư trong lịch sử với những xu hướng hiện tại trong cộng đồng của mình. Bằng cách này hay cách khác, học sinh đã bộc lộ những bước làm mà chúng chưa từng học trên lớp. Bên cạnh đó, học sinh và cả giáo viên trong các trường hợp đều có sự thay đổi thái độ về sự sáng tạo. Ban đầu hầu hết học sinh cho rằng sáng tạo chỉ có thể đạt được trong giờ nghệ thuật hoặc sáng tạo mang yếu tố bẩm sinh. Tuy nhiên, sau khi tham gia nhiều tháng của chương trình, những học sinh này đều tin rằng sự sáng tạo là một tiềm năng tồn tại trong bất cứ địa hạt tri thức nào và bất cứ cá nhân nào cũng có thể cải thiện sự sáng tạo của mình thông qua sự phản tư, thử nghiệm và nhận được sự phản hồi mang tính xây dựng.
Gardner kết luận rằng sự sáng tạo chỉ đạt được khi nó được làm mẫu, được kiếm tìm và thực hiện miệt mài qua khoảng thời gian dài. Nếu không, những đổi mới chương trình hướng vào sự sáng tạo sẽ chỉ là bề nổi mà thôi.
Kết luận: Vài suy nghĩ về sự sáng tạo trong giáo dục Việt Nam hiện nay
Cuộc đời của những cá nhân kiệt xuất mà Gardner mô tả chắc chắn không thể giống như cuộc sống của phần đông mọi người. Họ có môi trường gia đình khác biệt, có cả điểm mạnh và điểm yếu về trí thông minh, và đa phần đều có nhân cách khá gan lì và bướng bỉnh. Cho dù chúng ta có giống những nhà tạo tác này ở những điểm đầu vào đi chăng nữa thì có lẽ ít ai dám sẵn sàng dành 10 năm để hoạt động trong một lĩnh vực, sẵn sàng thay đổi hướng đi mới và dành toàn bộ sức mình cho công trình của mình. Thậm chí nếu có thể đạt được mức độ sáng tạo bằng cách đi theo cách làm này, khi nhìn thấy những áp lực và thách thức mà mỗi nhà tạo tác phải đối diện chưa chắc đã nhiều người dám quyết cho con em mình đi theo hình mẫu ấy.
Thế nhưng sự sáng tạo hiện giờ đang trở thành một cái gì đáng được khát khao trong địa hạt giáo dục. Nếu thời điểm khi cuốn sách của Gardner ra đời, tính sáng tạo chưa phải là mối quan tâm quan trọng của nhà trường thì hiện nay tại rất nhiều nơi trên thế giới, sáng tạo dần trở thành một từ khóa quan trọng trong những nỗ lực cải cách giáo dục, cải cách cách dạy, cách học. Ngay ở Việt Nam trong Nghị Quyết 2013 về đổi mới giáo dục cũng đưa ra khẩu hiệu ‘chú trọng năng lực sáng tạo’ của người học, và từ khóa ‘sáng tạo’ cũng xuất hiện tới 6 lần trong văn bản này.
Nếu chúng ta mong muốn bản thân mình sẽ đạt tới đỉnh cao sáng tạo, hoặc hướng cho con em mình theo hướng này, thì nghiên cứu của Gardner có những chỉ dẫn khá rõ ràng. Trước hết, cá nhân phải miệt mài lao động để nắm được một lĩnh vực tri thức, dẫn đầu một địa hạt, thông thường là dưới sự chỉ dẫn của người thầy trong vòng 10 năm. Nhưng quá trình này cần phải được tổ chức khéo léo sao cho người học cảm thấy thôi thúc chiếm lĩnh địa hạt đó mà không bị ngợp bởi những quy tắc, luật lệ đến nỗi e dè không dám thách thức những gì đã thành khuôn mẫu. Điều này có liên hệ tới một số cải tiến chương trình trong thực tiễn giáo dục Việt Nam những năm gần đây như ‘cách tiếp cận STEAM’, ‘giáo dục tích hợp’, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo’ trong nhà trường. Cho dù đó là cách tiếp cận gì đi chăng nữa, nếu kết quả của những cải tiến này không giúp cho học sinh nắm vững bản chất đối tượng tri thức của môn học, không phân biệt một cách tường minh khái niệm của môn học này với khái niệm môn học khác, tức là không hiểu ‘chính danh’ của sự vật, thì cho dù học sinh có những lối tư duy khác biệt nào cũng chưa hẳn là dấu hiệu của những con người dám dấn thân tạo ra được cái mới cho địa hạt đó.
Thứ hai, chân dung nhà sáng tạo trong công trình nghiên cứu của Gardner là những cá nhân không chỉ làm chủ một lĩnh vực tri thức, có trí tuệ sắc bén, hết mực kiên trì mà còn phát triển thành một nhân cách rõ nét. Nhân cách này không dễ tự mãn với bản thân, khó bị tác động bởi ngoại cảnh và khó bị gục ngã bởi những đánh giá tiêu cực hoặc sự thờ ơ của cộng đồng tiếp nhận sản phẩm của mình. Điều này hàm ý một số chỉ dẫn dành cho các bậc phụ huynh hoặc nhà giáo trong quá trình nhận xét, đánh giá kết quả của con em mình. Những lời khen quá mức đến mức mù quáng hoặc những sự phê phán quá nghiêm khắc đều có tác hại như nhau. Sự khéo léo nằm ở chỗ một mặt người học cần được khuyến khích không ngừng cố gắng, được khen ngợi kịp thời khi thành công, đồng thời được hỗ trợ, động viên khi gặp thất bại. Như nghiên cứu của Gardner đã chỉ ra, trong quá trình tạo tác đạt đòi hỏi nỗ lực cao độ, vai trò hỗ trợ của cá nhân đồng hành với nhà sáng tạo là vô cùng quan trọng.
Cuối cùng, chắc chắn sự sáng tạo không thể đạt được nếu bằng cách làm như lâu nay là giảng giải, áp đặt khuôn mẫu một cách nghĩ, một cách làm máy móc. Sẽ không thể có những cái đầu sáng tạo nếu làm văn mà phải theo bài mẫu, hay việc nghe lời răm rắp được gọi là ‘con ngoan, trò giỏi’. Sự sáng tạo chỉ có thể có được ở những môi trường giáo dục mà một mặt vừa đủ uy nghiêm và có những nhà giáo giỏi chuyên môn và nghiệp vụ để giúp người học nắm được cách học, tự mình kiểm chứng được chính sản phẩm mình làm ra như là tiền đề để nắm chắc một địa hạt tri thức. Mặt khác môi trường giáo dục nhà trường phải vừa luôn đầy ắp những thử thách sinh động nhằm khuyến khích lối suy nghĩ khác, cách nhìn khác. Nếu người trẻ không được hướng dẫn đầy đủ để nắm được những căn bản thì sự sáng tạo sẽ chỉ là sự hời hợt, tạm thời.
Tài liệu tham khảo:
Gardner, H. 1995. Creativity: new views from psychology and education, RSA Journal, 143 (5459), May 1995, pp. 33-42.