CÁC CHIẾN LƯỢC GIÚP HỌC SINH NHỚ

Có 2 loại chiến lược. Một là các kỹ thuật nhớ kiểu thuộc lòng, hạn chế ở việc học các tài liệu ko có nghĩa vốn có trong bản thân nó – chẳng hạn: dân số của 10 thành phố đông dân nhất thế giới… Nhóm 2 áp dụng cho học liệu có nghĩa.

 

Nhớ theo kiểu thuộc lòng

Như tên gọi 10 con số đầu tiên. Sau số 10 thì việc học trở nên có nghĩa vì đã có kiến thức sơ khởi từ 10 số đầu này.

Một ví dụ khác: làm sao HS nhớ chữ viết tắt của các nguyên tố hoá học bằng cách học thuộc lòng chỉ trong kỳ nghỉ cuối tuần? Ta có thể chia danh mục nguyên tố thành nhiều danh sách riêng rẽ và thực hành từng nhóm xen kẽ nhau trong suốt kỳ nghỉ. Cũng có thể nhờ một người bạn nghe mình đọc từng danh sách nhỏ rồi lẩy ra một số yếu tố tình cờ để kiểm tra.

Việc chia nhỏ danh mục là một ví dụ của cách học từng phần. Chuyển thông tin vào trí nhớ dài hạn mất nhiều cố gắng; mỗi thời điểm chỉ có thể chuyển được vài món, nên tập trung vào một số lượng hạn chế là việc có nghĩa lý. Từ quan điểm củng cố, thành công tức thời của việc học từng phần có thể khuyến khích HS tiếp tục.

Nếu ta đã từng thử nhớ một danh mục các món tương tự, ta có thể thấy rằng mình có xu hướng nhớ những mục ở đầu và ở cuối mà quên mất những món nằm giữa. Hiện tượng ấy gọi là hiệu ứng vị trí trong cả dãy (serial-position effect). Học từng phần có thể giúp ta tránh được hiệu ứng này, vì danh sách ngắn sẽ có ít mục nằm giữa.

Chiến lược khác để nhớ một danh mục dài là phép thực hành phân phối (distributed practice). Học các danh mục nguyên tố hoá học chia thành nhóm nhỏ, xen kẽ nhau trong cả kỳ nghỉ có thể nhớ tốt hơn là học toàn bộ danh mục trong một đêm. Học tập trung trong một giai đoạn kéo dài chứ không chia nhiều giai đoạn ngắn có nghỉ giữa chừng, gọi là phép thực hành cả khối (massed practice). Có nhiều lý do khiến phép thực hành phân phối có hiệu quả hơn. Một thời gian học quá dài sẽ gây mệt mỏi và mất động lực. Và nữa, việc quên bắt đầu ngay khi buổi học ngưng. Nếu có nhiều buổi học, cái ta quên trong một buổi học có thể được học lại trong buổi sau. Việc học lại sẽ nhanh hơn là khởi sự từ con số không vì ta mới chỉ quên một phần; một số món sẽ thành quen.

 

Làm cho nó có nghĩa (Make it meaningful)

Có lẽ phương pháp đơn tốt nhất để giúp HS nhớ bài học là làm cho mỗi bài học có nghĩa càng nhiều càng tốt. Các bài học có nghĩa được trình bày bằng những từ ngữ có nghĩa với HS. Các thuật ngữ mới được làm sáng tỏ thông qua việc sử dụng những từ và ý quen thuộc hơn. Các bài học có nghĩa cũng được tổ chức tốt, với những sự kết nối rõ rệt giữa những yếu tố khác nhau của bài học. Cuối cùng, các bài học có nghĩa sử dụng một cách tự nhiên thông tin cũ để giúp HS hiểu thông tin mới bằng cách cho những ví dụ hay so sánh tương tự (loại suy).

Tầm quan trọng của các bài học có nghĩa được nhấn mạnh trong một ví dụ mà Smith đưa ra năm 1975. Hãy xem 3 dòng dưới đây:

  1. KBVODUWGPJMSQTXNOGMCTRSO
  2. READ JUM WHEAT POOR BUT SEEK
  3. KNIGHTS RODE HORSES INTO WAR

Bắt đầu bằng việc che 2 dòng cuối. Nhìn 1 giây, đóng sách lại, và viết ra tất cả các chữ cái mà bạn nhớ. Rồi lặp lại việc này với dòng 2 và 3. Mỗi dòng có cùng số chữ cái, nhưng nhiều cơ may ta nhớ được tất cả các chữ cái ở dòng 3, nhiều chữ ở dòng 2 và rất ít chữ ở dòng 1.

Dòng 1 không có nghĩa gì hết. Không cách nào tổ chức được nó trong một thoáng nhìn. Dòng 2 có nghĩa hơn. Ta không phải nhìn mỗi chữ cái vì ta đem kiến thức đã có về quy tắc ghép chữ thành từ và về từ vựng vào việc. Dòng 3 có nghĩa nhất. Chỉ nhìn thoáng 1 cái, là ta có thể nhớ tất cả, vì ta đem vào kiến thức đã có không chỉ về quy tắc ghép chữ thành từ mà cả các quy tắc về cú pháp học và có thể cả vài thông tin lịch sử về các hiệp sĩ (knight). Câu này có nghĩa vì ta có sơ đồ để đồng hoá nó. Khá dễ dàng liên kết các từ và nghĩa với thông tin khác đã có trong trí nhớ dài hạn.

Thử thách với các GV là làm sao cho bài học ít giống như dòng 1 và giống dòng 3 hơn.

Những năm gần đây, các nhà giáo dục đã trở nên quan tâm hơn đến việc khai thác thuật ghi nhớ (mnemonics). Thuật ghi nhớ là những qui trình có hệ thống để cải thiện trí nhớ. Các kỹ thuật mnemonic đã chứng tỏ hiệu quả với HS mọi lứa tuổi, từ mẫu giáo tới cao đẳng.

Trong các hệ thống hữu dụng, có các hệ thống peg (cọc tiêu) như loci (địa điểm) và những chữ cái đầu tiên; các hệ thống chuỗi như các câu chuyện; các hệ thống dựa trên nghĩa của từ, như phương pháp từ khoá. Nhiều chiến lược sử dụng trí tưởng tượng.

 

Thuật nhớ kiểu Cọc tiêu (Peg-Type Mnemonics)

Các phương pháp kiểu cọc tiêu đòi hỏi ta nhớ một danh sách chuẩn của các địa điểm hay từ. Rồi, bất cứ khi nào ta muốn học một danh mục các món, ta liên kết thông tin ấy với các “cọc tiêu” đã có trong ký ức.

Một cách tiếp cận kiểu cọc tiêu là phương pháp loci, tên gọi của nó xuất phát từ tiếng Latin (locus = địa điểm). Thoạt tiên, ta phải hình dung một địa điểm rất quen thuộc, như ngôi nhà ta ở. Ta điểm những chỗ cụ thể mà ta có thể ghi nhớ khi đi qua suốt ngôi nhà. Chẳng hạn, lối vào nhà dẫn vào phòng sinh hoạt. Bên tay phải phòng sinh hoạt là phòng ăn. Sau tủ lạnh là nhà bếp. Mỗi khi phải nhớ 1 danh sách các món, ta chỉ cần đặt từng món vào từng chỗ trong nhà. Chẳng hạn, ta muốn nhớ mua sữa, bánh mì, bơ, và ngũ cốc ở siêu thị. Hãy hình dung một chai sữa lớn che kín lối vào nhà, một ổ bánh mì nằm trên sofa phòng sinh hoạt, một người trượt vào một đống bơ và vấp vào bàn ăn khiến ngũ cốc rơi xuống phủ đầy sàn nhà bếp. Khi cần nhớ các món phải mua, ta chỉ cần tưởng tượng đi qua suốt ngôi nhà và nhìn thấy cái gì ở lối vào, phòng sinh hoạt, phòng ăn và nhà bếp.

Phương pháp dùng từ cọc tiêu (pegword): chẳng hạn, ta đặt ra mấy câu văn vần

Một là cột

Hai là vai

Ba là gia

Bây giờ, ta cần nhớ phải đi ký hợp đồng mua bán gì đó, rồi đi mua áo, và đi ăn mì… ta có thể tưởng tượng mình “cột chặt giao kèo” với đối tác, mua cái gì phủ lên vai, rồi đến tiệm Hải Ký mì gia…

Trên đây là những từ cọc tiêu giúp trí nhớ ngắn hạn. Còn với trí nhớ dài hạn, thì có kiểu thông thường là viết tắt chữ cái đầu tiên (Acronyms). Như ASEAN (Association of South-East Asian Nations), UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural)… Một phương pháp khác là đặt ra những câu hay ngữ đoạn bằng những chữ cái đầu tiên của mỗi từ hay món trong danh mục…

Vì các từ phải làm thành nghĩa trong một câu, nên phương pháp này cũng có một số đặc điểm của các phương pháp chuỗi (chain methods) – mỗi món liên kết với món tiếp theo theo thứ tự.

 

Phương pháp chuỗi (Chain Methods)

Thuật ghi nhớ chuỗi kết nối món thứ nhất phải nhớ với món thứ hai, thứ 2 với thứ 3, thứ 3 với thứ 4… Trong một kiểu chuỗi, mỗi món trong danh mục được liên kết với món tiếp theo thông qua liên kết thị giác. Một cách tiếp cận kiểu chuỗi khác là nhập tất cả các món phải nhớ vào một đoạn văn vần. (VD: các đoạn văn vần để nhớ công thức toán ở trường học VN – ND)

 

Phương pháp từ khoá (Keyword Method)

Đây là hệ thống thuật ghi nhớ được áp dụng nhiều nhất trong giảng dạy. Nó có lịch sử lâu năm, nhưng được quan tâm nghiêm túc sau nghiên cứu của Atkinson và đồng nghiệp vào giữa thập niên 1970, đặc biệt trong việc dạy ngoại ngữ.

Có hai bước. Để nhớ 1 từ ngoại ngữ, trước tiên ta phải chọn 1 từ tiếng mẹ đẻ nghe giống hay có phần giống từ đó. Rồi, ta liên kết nghĩa của từ ngoại ngữ với từ tiếng mẹ đẻ thông qua 1 hình ảnh hay 1 câu…

Nhìn chung, các kỹ thuật đòi hỏi việc hình ảnh hoá tự sinh thì thích hợp hơn cho HS cuối cấp 1 và cấp 2.

ANITA E.WOOLFOLK

Bản dịch của Hoàng Hưng