Trí nhớ ngắn hạn

Một khi đã biến đổi thành các mẫu âm thanh hay hình ảnh (hay có lẽ thành những kiểu mã cảm giác khác), thông tin trong bộ máy cảm thụ có thể đi vào hệ thống trí nhớ ngắn hạn. Sự lưu lại ở đây cũng giống như ở bộ máy cảm thụ, chỉ kéo dài khoảng 20 giây. Thông tin có thể được giữ lại lâu hơn chỉ khi nào ta làm gì đó với nó. Để tránh việc quên đi, phần lớn người ta ôn lại, diễn tập (rehearsal) thông tin thầm trong óc cho đến khi không cần đến nó nữa. Chừng nào ta còn tập chú vào và lặp lại thông tin trong trí nhớ ngắn hạn, nó còn truy cập được. Thực tế, thông tin có thể được duy trì trong trí nhớ ngắn hạn một cách bất định thông qua nhắc lại, diễn tập. Việc nhắc, diễn lại do đó là một tiến trình kiểm soát tác động đến dòng chảy thông tin qua hệ thống xử lý thông tin. Phần lớn trẻ em tự mình khám phá ra việc nhắc, diễn lại ở vào tuổi lên 10.

Trí nhớ ngắn hạn bị hạn chế không chỉ bởi lượng thời gian mà thông tin nhắc, diễn lại có thể được lưu giữ, mà còn bởi số lượng thông tin có thể được giữ trong một lần. Trong các tình huống thực nghiệm, ta thấy chỉ khoảng 5 thông tin mới có thể giữ trong trí nhớ ngắn hạn một lần (Miller, 1956). Hạn chế này dường như cũng đúng trong đời sống hằng ngày. (Hãy nhớ rằng ta nói ở đây là nói về thông tin mới).

Trí nhớ ngắn hạn đôi khi được biết đến như trí nhớ làm việc (working memory), vì dường như nó giữ thông tin mà ta nghĩ về trong bất cứ lúc nào (hay cụ thể hơn là trong vòng 20 giây). Nói cách khác, nếu ta muốn sử dụng bất kỳ thông tin nào, nó phải nằm ở trí nhớ ngắn hạn. Vì lẽ đó, một số nhà TLH cũng đã coi trí nhớ ngắn hạn đồng nghĩa với “ý thức”.

Sức chứa hạn chế của trí nhớ ngắn hạn cũng có thể được khắc phục bằng tiến trình kiểm soát có tên là chunking (chia nhỏ/gộp thông tin thành các đơn vị – chunk). Vì con số bit thông tin chứ không phải kích cỡ của mỗi bit là vấn đề của trí nhớ ngắn hạn, nên các bit thông tin riêng lẻ có thể được kết hợp một cách có ý nghĩa nhất định, để cho năng lực không bị khai thác cạn kiệt và nhiều thông tin hơn có thể giữ lại. Chẳng hạn, nếu ta phải nhớ sáu con số 3,5,4,8,7 và 10, ta có thể gom thành 3 đơn vị gồm 2 con số (35, 48, 70) hay 2 đơn vị 3 con số (354, 870). Như thế, sẽ chỉ có 2 hay 3 bit thông tin phải giữ trong một lần. Ta thường sử dụng phép chunking khi cần nhớ một số ĐT hay số an sinh xã hội chẳng hạn…

Có thể bạn thấy một hệ thống trí nhớ với hạn chế thời gian 20 giây là không hữu dụng lắm. Nhưng không có hệ thống này, ta sẽ quên hết những gì mình đọc ở phần đầu của một câu, trước khi đọc đến những từ cuối của câu. Nhờ thế, ta mới hiểu được những câu thật khó.

 

Trí nhớ dài hạn

Có nột số khác biệt giữa trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Thông tin đi vào trí nhớ ngắn hạn rất nhanh. Còn chuyển vào trí nhớ dài hạn thì đòi hỏi nhiều thời gian và cố gắng hơn. Sức chứa  của trí nhớ dài hạn dường như không hạn chế cho mọi mục đích thực hành. Thêm nữa, một khi thông tin được lưu trữ chắc chắn ở trí nhớ dài hạn, nó dường như được duy trì thường trực. Về lý thuyết, ta có thể nhớ lại khi nào ta muốn và chừng nào ta muốn. Tất nhiên vấn đề là tìm ra đúng thông tin mình cần. Ta truy cập thông tin ở trí nhớ ngắn hạn một cách tức thời. Có một cách định nghĩa:  thông tin ở trí nhớ ngắn hạn là điều mà ta nghĩ đến ngay lúc ấy. Nhưng truy cập thông tin ở trí nhớ dài hạn thì đòi hỏi thời gian và cố gắng.

Lại nói, ta thấy sự tương tự với máy tính. Thông tin ở trí nhớ ngắn hạn giống như thông tin trong không gian làm việc ở máy tính. Nó là cái mà ta xử lý ngay lúc ấy. Nếu ta muốn “lưu” (save) thông tin, ta phải làm gì đó với nó để đưa nó vào kho nhớ thường trực. Nếu muốn làm việc với thông tin đã lưu giữ trước đó, ta phải truy hồi nó từ kho nhớ và đem nó vào không gian làm việc hiện thời.

Việc phải làm để “lưu” thông tin một cách thường trực là gì? Có thể làm thế nào để sử dụng hữu hiệu nhất sức chứa không hạn chế của ta để học và nhớ lại? Yêu cầu quan trọng là tích hợp vật liệu mới với thông tin đã lưu trữ trong trí nhớ dài hạn. Khi nói về cách lưu trữ thông tin, ta nói về cung cách thông tin được biểu trưng và tổ chức. Trong những trang sau, chúng ta sẽ xem xét một số mô tả về biểu trưng và tổ chức thông tin.

 

Trí nhớ ý nghĩa (semantic) và trí nhớ thời đoạn (episodic)

Endel Tulving (1972) phân biệt hai loại thông tin được lưu trữ trong trí nhớ dài hạn – ý nghĩa và thời đoạn. Thông tin thời đoạn liên kết với thời gian và địa điểm cụ thểthường là ký ức của trải nghiệm cá nhân. Trái lại, trí nhớ ý nghĩa liên quan đến kiến thức về các thực kiện và khái niệm tổng quát không gắn với thời gian và địa điểm cụ thể. Phần lớn vật liệu học ở trường được giữ trong trí nhớ ý nghĩa. Tất nhiên, sự phân biệt hai loại trí nhớ không luôn luôn hiển nhiên, vì kiến thức tổng quát về khái niệm của chúng ta là đạt được qua trải nghiệm cụ thể. Tốt hơn, nên nghĩ là hai loại trí nhớ trên là hai loại thông tin lồng với nhau trong trí nhớ dài hạn.

 

Cấu trúc của kiến thức trong Trí nhớ dài hạn

Một câu hỏi quan trọng khác liên quan đến hình thức cấu trúc mà kiến thức được lưu trong trí nhớ dài hạn. Allan Paivio (1971) gợi ý rằng thông tin được lưu giữ trong các đơn vị hình ảnh thị giác hay các đơn vị ngôn từ, hoặc cả hai. Các nhà TLH đồng ý với quan điểm này cho rằng thông tin có thể được mã hoá cả hai cách, thị giác và ngôn từ, và như thế thì dễ nhớ hơn. (Có thể đó là một lý do giải thích vì sao một ý tưởng diễn đạt bằng lời và thể hiện bằng hình ảnh thị giác như trong các sách giáo khoa thì có lợi cho HS). Cũng có thể thông tin thời đoạn có xu hướng được lưu giữ qua hình ảnh thị giác và thông tin ý nghĩa thì qua các đơn vị ngôn từ dưới hình thức các mạng lưới ý tưởng.

Một mạng lưới mệnh đề (propositional network) là một bộ bít thông tin kết nối với nhau. Một mệnh đề là đơn vị thông tin nhỏ nhất có thể được phán xét là đúng hay sai. Tuyên bố “Tôi đang đi trên con làng xưa” có hai mệnh đề:

  1. Tôi đang đi trên đường
  2. Con đường này là con đường làng xưa

Khi ta muốn nhớ lại một bit thông tin, ta có thể chuyển nghĩa của nó (được biểu trưng trong mạng lưới mệnh đề) thành những câu, hay những hình ảnh tâm trí. Cũng thế, vì mạng lưới này, mà việc nhớ lại một bit thông tin có thể kích hoạt việc nhớ lại bit thông tin khác. Ta không ý thức được những mạng lưới này. Cũng như ta không ý thức được cấu trúc ngữ pháp nằm dưới một câu nói bật ra trong tiếng mẹ đẻ, nhưng biểu đồ của nó có sẵn ở đó.

 

Sơ đồ (schema)

Như Anderson (1985) đã ghi chú: “Các mệnh đề thì tốt cho việc thể hiện những đơn vị nghĩa nhỏ, nhưng thất bại khi phải thể hiện những bộ thông tin có tổ chức lớn mà chúng ta biết về các khái niệm cụ thể”. Để làm nhiệm vụ lớn hơn, phức hợp hơn này, ta cần các cấu trúc dữ liệu tổ chức lượng thông tin lớn thành một hệ thống có nghĩa. Các cấu trúc dữ liệu này được gọi là sơ đồ. Sơ đồ trở thành một mẫu hay bản hướng dẫn để hiểu một sự kiện. Sơ đồ cho ta biết thông tin chuyên biệt nào cần tìm trong một tình huống cụ thể, điều gì cần trông đợi. Sơ đồ giống như một khuôn mẫu, nói cụ thể những quan hệ và chuỗi sự kiện “chuẩn” dính líu đến một đối tượng hay sự kiện.

Khi đọc câu “Tôi đang đi trên con đường làng xưa”, phần lớn chúng ta biết mà không cần được nói đến, rằng “con đường” mà “tôi” đang đi không phải là con đường bê tông hay đường nhựa, thông tin này không được hiển ngôn nhưng vẫn là một phần của sơ đồ để hiểu nghĩa của “con đường làng xưa”…

Nhiều nhà TLH nhận thức tin rằng sơ đồ là “các đơn vị then chốt của tiến trình hiểu”. Để hiểu một câu chuyện, chúng ta chọn một sơ đồ có vẻ thích đáng. Rồi ta sử dụng khung khổ ấy để quyết định những chi tiết nào là quan trọng, thông tin nào phải tìm kiếm, và điều gì phải nhớ. Vậy sơ đồ là lý thuyết về cái gì nên diễn ra trong câu chuyện. Sơ đồ hướng dẫn ta “chất vấn” văn bản, điền thông tin cụ thể mà ta trông đợi tìm thấy để cho câu chuyện có nghĩa. Không có sơ đồ thích đáng, thì việc tìm hiểu một câu chuyện, một cuốn sách giáo khoa, hay bài học trên lớp là rất chậm và khó khăn, giống như tìm đường ở xứ lạ mà không có bản đồ.

Lưu trữ kiến thức về thế giới trong các sơ đồ có cái lợi và cái hại. Có một sơ đồ phát triển đầy đủ về một con người giúp ta nhận ra người ấy dễ dàng, nhớ được các đặc điểm và có thể đoán biết hành vi của người ấy. Nhưng cũng cho ta sai lầm vì có thể tích nhập thông tin không đúng hay thiên kiến vào đó. Chẳng hạn thiên kiến về xuất thân của người ấy (sắc tộc, tôn giáo, chính kiến, giai tầng…)

Không phải tất cả các nhà TLH nhận thức đều tin rằng trí nhớ của con người có thể được giải thích hoàn toàn bằng quan điểm trí nhớ đa trữ (multistore – cảm giác/ngắn hạn/dài hạn). Craik và Lockhart (1972) đề xướng lý thuyết về các trình độ xử lý. Hai ông cho rằng điều xác định độ lâu bền của thông tin được nhớ không phải là do nơi nó được lưu trữ mà là do thông tin được phân tích đầy đủ mức nào và được kết nối với những thông tin khác ra sao. Thông tin càng được xử lý đầy đủ, ta càng có cơ may nhớ lại.

Gần đây hơn, Craik (1979) gợi ý rằng hình mẫu đa trữ và quan điểm về các trình độ xử lý không hoàn toàn bất tương thích. Có thể có những thành tố cấu trúc khác nhau hay các kho chứa trí nhớ tương tự bộ máy cảm thụ, sự phân biệt ngắn hạn/ dài hạn, cũng như những chiến lược hay trình độ khác nhau “di chuyển” thông tin từ giai đoạn này sang giai đoạn kế tiếp. Dù thế nào, cả hai cách giải thích đều đồng ý rằng con người có một năng lực đáng kể về xử lý, tổ chức và nhớ lại khối lượng thông tin lớn lao.

ANITA E.WOOLFOLK

Bản dịch của Hoàng Hưng