CÁC YẾU TỐ CỦA NHẬN THỨC

Quan điểm về nhận thức không phải là một lý thuyết thống nhất. Nên được xem như một sự đồng ý về hướng đi triết học, nghĩa là các nhà lý thuyết nhận thức luận chia sẻ các ý niệm về việc học và trí nhớ, chứ không hề đồng ý về một mẫu học tập. Trái lại, các nhà hành vi luận về căn bản đồng ý nhau về một mẫu học tập cụ thể.

Các nhà lý thuyết nhận thức luận tin rằng học là kết quả các các toan tính cắt nghĩa thế giới. Để làm việc ấy, chúng ta sử dụng tất cả các công cụ trí óc có sẵn trong mình. Những cung cách chúng ta nghĩ về các tình huống, cùng với những niềm tin, sự trông đợi, và cảm nhận của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến việc chúng ta học gì và học thế nào.

Cách tiếp cận hành vi luận cãi rằng vì các sự kiện tâm trí như tư tưởng, hình ảnh và ý thức không thể quan sát được nên chúng không phải là đối tượng chính đáng cho nghiên cứu. Các nhà lý thuyết nhận thức luận thấy luận điểm ấy quá hạn chế. Sự quan tâm của họ với các sự kiện tâm trí được phản ánh trong những chủ điểm được nghiên cứu bởi các nhà tâm lý học nhận thức – trí nhớ, sự chú ý, sự tri nhận, sự giải quyết vấn đề và việc học khái niệm. Các kỹ thuật nghiên cứu nhận thức cũng phụ thuộc vào các sự kiện nội tâm; bản thân các nhà nghiên cứu thường phải suy luận về những tiến trình tâm trí của các chủ thể. Trong khi những cuộc điều tra trong truyền thống hành vi luận ưa thích việc quan sát một cách đơn giản các hành vi.

Cả hai nhóm lý thuyết gia hành vi luận và nhận thức luận đều tin rằng việc củng cố là quan trọng cho việc học, nhưng với những lý do khác nhau. Các nhà hành vi luận nghiêm nhặt khăng khăng rằng việc củng cố làm tăng cường các đáp án tốt; các nhà nhận thức luận thì nhìn việc củng cố như một nguồn phản hồi. Phản hồi này cung cấp thông tin về cái gì dường như xảy ra nếu như các hành vi được lặp lại. Theo quan điểm nhận thức luận, sự củng cố dùng để giảm bớt sự không chắc chắn và do đó dẫn tới sự hiểu rõ và nắm chắc.

Quan điểm nhận thức luận nhìn mọi người như những cái máy xử lý thông tin. Họ nghĩ ra những thí nghiệm dẫn tới việc học, tìm kiếm thông tin để giải các bài toán, và tổ chức lại những gì mình đã biết để đạt tới việc học mới. Thay vì chịu ảnh hưởng thụ động của các sự kiện xung quanh, mọi người chủ động lựa chọn, thực hành, chú ý, bỏ qua và cho nhiều đáp án khác khi theo đuổi các mục tiêu.

Cách tiếp cận nhận thức luận cũng gợi ý rằng một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất trong tiến trình học là cái mà cá nhân đem tới tình huống học. Các nhà tâm lý học nhận thức ngày càng quan tâm tới vai trò của kiến thức đầu tiên trong học tập. Điều chúng ta đã biết xác định phần lớn điều chúng ta sẽ học, sẽ nhớ và quên.

Các nhà nhận thức luận nghiên cứu một giải rộng các tình huống học tập. Vì họ tập chú vào những khác biệt về cá nhân và về sự phát triển trong nhận thức, nên không như các nhà hành vi luận, họ không đi tìm những qui luật chung về việc học áp dụng cho cả con vật và con người trong mọi tình huống. Đó là một trong các lý do không có hình mẫu hay lý thuyết duy nhất về việc học tiêu biểu cho tất cả lĩnh vực. Nhằm tổ chức và xem xét vài phát hiện quan trọng của việc nghiên cứu nhận thức, chúng ta sẽ dùng một trong những hình mẫu có ảnh hưởng và toàn diện nhất đã được nghiên cứu – là việc xử lý thông tin.

 

HÌNH MẪU XỬ LÝ THÔNG TIN CỦA VIỆC HỌC

Cách tiếp cận xử lý thông tin liên quan đến máy tính như một hình mẫu của việc học của con người. Giống như cái máy tính, trí óc người lấy thông tin vào, thực hiện các thao tác để thay đổi hình thức và nội dung của thông tin, lưu trữ và khu trú nó, và sản sinh các đáp án cho nó. Từ đó, việc xử lý bao gồm thu thập và biểu trưng thông tin, hay là mã hoá (encoding); giữ thông tin, hay lưu giữ (retention); và truy cập thông tin khi cần, hay truy xuất (retrieval). Các nhà lý thuyết theo thuyết xử lý thông tin tiếp cận việc học trước tiên là thông qua một nghiên cứu về trí nhớ.

Hình sau đây là một sơ đồ của hình mẫu xử lý thông tin, rút ra từ ý tưởng của nhiều nhà lý thuyết. Những hình mẫu khác bao gồm sự kết hợp các nét nổi bật của hình mẫu này với những thành tố khác. Tất cả các hình mẫu, dù khác nhau, đều giống như các biểu đồ được dùng để biểu trưng các chương trình máy tính. Ba khối mô tả các cấu trúc nhận thức ở đó thông tin có thể được giữ và biến đổi. Các mũi tên chỉ dòng chảy thông tin. Hình oval lớn trên đầu biểu trưng các tiến trình kiểm soát tác động đến dòng chảy thông tin suốt trong cả hệ thống.

Các tiến trình điều hành kiểm soát

(Chú ý, chiến lược lựa chọn, giám sát, trông đợi, v.v. )

Kích thích bên ngoài Bộ máy cảm thụ Xử lý ban đầu Trí nhớ ngắn hạn Kiến tạo và tổ chức Trí nhớ dài hạn
(Trí nhớ làm việc) Truy hồi và tái dựng
Hư, mất Hư, mất và giao thoa Quên
Mất đi thường trực Mất đi thường trực

Mất hay không lấy ra được nhưng có thể phục hồi

 

Bộ máy cảm thụ (sensory register)

Kích thích từ môi trường (hình sắc, tiếng động, hương vị, v.v.) luôn dội vào các cơ quan tiếp nhận của ta. Cơ quan tiếp nhận (receptor) là các thành phần của hệ thống giác quan để nhìn, nghe, nếm, ngửi và cảm. Tổng thể hệ thống tiếp nhận gọi là Bộ máy cảm thụ.

Các mẫu hoạt động thần kinh sinh ra khi sự kích thích đi vào các cơ quan tiếp nhận chỉ kéo dài một thời gian rất ngắn (1-2 giây). Nhưng trong những thời điểm này, chúng ta có cơ may lựa chọn thông tin để xử lý tiếp. Có nhiều hoạt động ta có thể sử dụng để trải nghiệm việc giữ thông tin cảm giác (giác cảm) trong bộ máy cảm thụ của mình. Hãy đập ngón tay vào cánh tay. Hãy cảm nhận những cảm giác (giác cảm) tức thời. Rồi ngưng đập và ghi nhận cảm giác (giác cảm) phai mờ ra sao. Trước tiên, ta giữ cảm nhận ngay lúc đó của sự đập, nhưng sau đó chỉ nhớ rằng cánh tay đã bị đập. Hãy đưa một cây bút chì (hay ngón tay) lui tới trước mắt trong khi nhìn thẳng ra phía trước. Hãy nhìn hình bóng di chuyển phía sau vật.

Trong mỗi trường hợp, cảm giác đi vào đều ở lại rất ngắn sau khi không còn kích thích. Ta có thể cảm nhận một dấu vết của cái đập và nhìn thấy một dấu vết của cây bút chì sau khi hết kích thích. Do đó, trong 1-2 giây, dữ liệu của một trải nghiệm cảm giác (giác cảm) vẫn nguyên vẹn. Dường như thông tin cảm giác (giác cảm) được giữ bởi bộ máy cảm thụ trong một hình thức giống như cảm giác từ kích thích nguyên bản. Các cảm giác thị giác được mã hoá rất ngắn ngủi bởi bộ máy cảm thụ thành những hình ảnh, và các cảm giác thính giác thành các mẫu âm thanh. Có thể các giác quan khác cũng có những mã riêng của chúng.

Vì bộ máy cảm thụ giữ mọi thứ một thời gian ngắn, nên ta có cơ may giải nghĩa nó – tổ chức nó. Việc tổ chức là cần thiết, vì có rất nhiều thông tin có được trong bộ máy cảm thụ hơn là những cái có thể đi vào hệ thống tiếp theo – trí nhớ ngắn hạn. Thay vì tri giác (giác tri, tri nhận) mọi thứ, ta chỉ chú ý đến một số điểm nổi bật của toàn bộ nội dung có trong bộ máy cảm thụ và đi tìm các mẫu. Những tiến trình tri giác (giác tri, tri nhận) và chú ý là có tính quyết định trong giai đoạn này.

 

Ảnh hưởng của tri giác (giác tri, tri nhận)

Tri giác (giác tri, tri nhận) là nói đến cái nghĩa mà ta gán cho thông tin ta nhận được qua các giác quan. Nghĩa này được cấu trúc một phần từ thực tại khách quan và một phần từ cách ta tổ chức thông tin. Smith (1975) đã tóm lược như sau:

Quan trọng là nắm được rằng con mắt chỉ nhìn và trí óc thấy. Và cái mà trí óc thấy có thể được xác định bởi cấu trúc nhận thức cũng như bởi thông tin từ thế giới bên ngoài. Chúng ta tri giác (giác tri, tri nhận) cái mà trí óc quyết định ở trước mắt mình.

Smith minh hoạ hiện tượng này với bài tập sau. Hãy nhìn dấu hiệu này:

I3

Nếu được hỏi đó là chữ gì, bạn sẽ trả lời “chữ B”. Nếu được hỏi là số gì, bạn sẽ nói “số 13”. Dấu hiệu vẫn như thế, nhưng tri giác (giác tri, tri nhận), nghĩa của nó, thay đổi dựa trên sự trông đợi của ta nhận ra nó là con số hay chữ. Với một đứa bé không có các cấu trúc nhận thức thích đáng để tri nhận nó là số hay chữ, thì các dấu hiệu sẽ có thể vô nghĩa.

 

Những quan điểm trước kia về Tri giác (Giác tri)

Một số cách hiểu ngày nay của chúng ta về tri giác dựa trên những nghiên cứu đầu thế kỷ XX của các nhà tâm lý học Đức gọi là các lý thuyết gia Gestalt. Gestalt, nghĩa là mẫu hay dạng thức, là nói đến khuynh hướng của con người tổ chức thông tin cảm giác (giác cảm) thành các mẫu hay các quan hệ nhằm cắt nghĩa thế giới. Nguyên lý căn bản của tâm lý học Gestalt gọi là Pragnanz, cho rằng chúng ta nhận ra các mẫu bằng cách tổ chức các kích thích để làm cho chúng đơn giản hơn, hoàn chỉnh hơn, và có qui tắc hơn thực tế của chúng. Hãy xem, chẳng hạn, những dấu hiệu sau:

Những dấu hiệu này có vẻ được tri nhận như từ book bởi vì tri giác như thế đơn giản hơn, hoàn chỉnh hơn và có qui tắc hơn là một loạt các dấu hiệu không liên quan nhau của những hình dáng, kích cỡ khác nhau.

Hình-nền (Figure-ground) là một khái niệm then chốt khác của tâm lý học Gestalt. Nhìn bất cứ một cảnh nào – trong thực tại hoặc trong bức tranh vẽ, bức hình chụp hay phim ảnh – ta có xu hướng tập chú vào một hình cơ bản và ghi nhận các chi tiết của hình này. Phần còn lại của cảnh trở thành kém quan trọng và bị gò thành một cái nền mơ hồ hơn, không được phân biệt. Một ví dụ có thể thấy trong hình sau. Ta thấy gì khi thoạt nhìn? Nếu thấy các con quỷ, là ta nhìn các hình màu đen trên nền trắng. Nếu thấy các thiên thần, là ta đã nhìn ra hình màu trắng và nền màu đen. Tri giác nào đúng? Không cái nào? Cả hai? Điều đó phụ thuộc vào tri giác của ta.

Là một giáo viên, bạn có thể ghi nhớ rằng một hành vi cụ thể của một học sinh đã trở thành “hình” đối với mình, trong khi cũng hành vi ấy ở các học sinh khác thì là “nền”. Có thể dường như có một học sinh luôn luôn nộp bài chậm, hay mất bút, hay trả lời đúng, trong khi thực ra một số học sinh cũng như thế. Nếu điều này xảy ra, việc nên làm là kiểm tra lại tri giác của bạn, bằng cách đánh giá một cách khách quan hành vi của tất cả học sinh. Vì sao bạn ghi nhận hành vi tốt hay xấu của một học sinh? Bạn có để cho thái độ và sự trông đợi của mình về một học sinh tô màu cho tri giác của mình?

 

Những ý tưởng hiện hành về Tri giác (Giác tri)

Các nguyên lý Gestalt là sự giải thích có hiệu lực cho một số khía cạnh của tri giác, nhưng không phải là tất cả câu chuyện. Chẳng hạn, bạn chưa hề nhìn thấy các dấu hiệu ban nãy là chữ book nếu bạn không quen thuộc với tiếng Anh. Có hai cách giải thích hiện hành cho cách chúng ta nhận ra các mẫu và gán nghĩa cho các sự kiện cảm giác. Một là phân tích nét nổi bật (feature analysis) hay tiến trình xử lý từ dưới lên (bottom-up processing). Cách này cho rằng chúng ta tìm một kích thích mới làm các yếu tố hay nét căn bản nhằm nhận ra nó. Anderson (1980) đưa ra ví dụ sau: Một chữ A gồm có 2 đường thẳng có góc liên kết là 45 độ (^) và một đường ngang (-) kết hợp theo một cách riêng. Mỗi khi nhìn thấy các nét này, hay cái gì đó gần gụi, ta nhận ra chữ A. Điều này giải thích cách chúng ta có thể đọc các chữ viết tay bởi những người khác. Việc phân tích nét nổi bật thường được gọi là tiến trình xử lý từ dưới lên vì kích thích phải được phân tích thành các nét chuyên biệt hay những khối xây dựng và ghép thành một mẫu có nghĩa “từ cuối lên đầu”.

Nếu tất cả tri giác đều liên quan đến việc phân tích nét nổi bật, việc học sẽ rất chậm. Thực ra, nếu việc đọc dựa hoàn toàn trên tiến trình xử lý từ dưới lên này, ta sẽ phải phân tích và kết hợp khoảng 1500 nét nổi bật để đọc một trang sách, vì mỗi chữ có vào khoảng 5 nét. May thay, con người có được một kiểu tri gíac khác dựa trên văn cảnh, thường gọi là tiến trình xử lý từ trên xuống (top-down processing). Chúng ta không cần phân tích từng nét nổi bật trong một kích thích cụ thể để cắt nghĩa nó. Phần lớn trong thông tin là dư thừa. Để nhận ra các mẫu một cách nhanh chóng, ngoài việc ghi nhận các nét nổi bật, chúng ta sử dụng văn cảnh của tình huống – điều ta biết về các từ hay bức tranh, hay cách mà thế giới tiến hành nói chung. Ta chỉ cần thoáng thấy một con vật kích cỡ vừa phải, có 4 chân, chạy trên phố, ta có thể tri nhận một con chó, dựa trên văn cảnh và điều ta biết về tình huống. Tất nhiên ta có thể nhầm, nhưng không quá thường nhầm.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta sử dụng cả hai tiến trình xử lý từ trên xuống và từ dưới lên, thường là đi đôi. Chẳng hạn, nếu nghe thấy câu “Bữa tối ta sẽ ăn t… nướng” nhưng để lọt mất một tiếng, ta sẽ sử dụng phân tích nét nổi bật để nhận dạng một loạt từ có thể có (bắt đầu bằng t). Ta cũng biết văn cảnh, nên các từ như “tông”, “tô” sẽ bị loại khỏi thực đơn. Kết hợp điều ta biết về các nét nổi bật của các từ (xử lý từ dưới lên), ta sẽ có thể hoàn chỉnh câu nói với từ “tôm”.

Các mẫu mà người ta tri giác được dựa trên kiến thức có trước của chính người ấy, cái mà người ấy trông đợi nhìn thấy, các khái niệm mà người ấy hiểu, và nhiều nhân tố khác nữa. Chẳng hạn, một cô hàng xóm chưa bao giờ nhìn thấy tôi (tác giả bài này – ND) trong trường học, chỉ quen thấy tôi ở khu phố. Khi cô ấy đi học một khoá gì đó ở trường, và gặp tôi ở đó, cô sẽ mất một lúc để nhận ra tôi. Cuối cùng cô hỏi “Bà Woodfolk, bà làm gì ở đây thế ạ?” Sự trông đợi của cô tác động tới năng lực sử dụng việc nhận ra mẫu để nhận dạng một gương mặt quen thuộc.

ANITA E.WOOLFOLK

Bản dịch của Hoàng Hưng