Tập chú y· vào hành vi tích cực

Kỹ thuật này dường như dễ áp dụng nhưng thực tế cần có nỗ lực lớn. Hành vi xấu thì dễ nhận ra, ngược lại, hành vi tích cực thường bị bỏ qua. Chúng ta ai cũng có xu hướng muốn làm người phê bình giỏi, nên thường dễ chỉ ra cái sai hơn là cái đúng.

Củng cố với sự chú ý của GV

Hãy xem một nghiên cứu thử nghiệm của Madsen, Becker và Thomas (1968).

Nghiên cứu này tập chú vào 2 HS có vấn đề ở lớp 2. Các em dùng một nửa thời gian ở trường để đánh lộn, phá hoại tài sản nhà trường, chạy rông quanh lớp và phá phách những em khác. Nhiều cách tiếp cận đã được thử một cách hệ thống xem có cải thiện được không. Thiết lập nội quy rõ rệt trong lớp học và lặp đi lặp lại việc nhắc nhở HS về nội quy không giải quyết được vấn đề. Bỏ qua hành vi xấu và cường điệu luật lệ cũng ít kết quả. Nếu không làm gì, thì hành vi xấu gia tăng.

GV bắt đầu khen ngợi và chú ý đến 2 HS này khi các em làm việc hay chơi đùa một cách xây dựng. GV nói, chẳng hạn: “Thầy thích cách các em làm việc rất lặng lẽ!”. GV cũng tiếp tục giảng giải rõ ràng về nội quy và bỏ qua những vi phạm. Sự kết hợp giữa việc thiết lập và giữ nội quy rõ ràng, bỏ qua hành vi có vấn đề, và khen ngợi hành vi tích cực dường như hiệu quả. Lần đầu tiên, có sự giảm bớt hành vi xấu.

Rồi GV quay lại cách làm trước khi thử nghiệm. Lập tức tỷ lệ hành vi xấu quay lại như trước, và khi tiếp tục qui trình thử nghiệm, 2 HS lập tức bớt phá phách. Cho thấy rõ là việc kết hợp giữa luật lệ, khen ngợi và bỏ qua là hữu hiệu.

Khen ngợi-và-bỏ qua như phương thuốc trị bách bệnh

Dựa trên các kết quả nghiên cứu như thế, một số nhà TLH khuyến khích GV “nhấn mạnh cái tích cực” – sử dụng việc khen ngợi hành vi tốt trong khi bỏ qua lỗi lầm và hành vi xấu. Cách tiếp cận này có thể hữu dụng, nhưng ta không nên trông đợi nó giải quyết được mọi vấn đề. Chẳng hạn, khi một GV làm việc với 8 HS có vấn đề, bỏ đi mọi phương cách dẫn đến hậu quả tiêu cực (trách mắng, tước bỏ quyền lợi, v.v…) và thử chỉ dùng những đáp ứng tích cực, thì HS trở nên phá phách nhiều hơn và bớt hăng hái làm việc. Cách duy nhất để GV có thể giữ HS nhập cuộc mà không dùng những hậu quả tiêu cực là thiết lập một chương trình củng cố cá biệt với những phần thưởng mới mẻ và thật hấp dẫn. Cách tiếp cận khen ngợi-và-bỏ qua có thể là tốt nhất để đối phó với những lỗi nhỏ hay là một lựa chọn đi cùng những chiến lược khác.

Có một cách nhìn nhận thứ hai đối với việc khen ngợi. Những kết quả tích cực tìm thấy trong nghiên cứu dựa trên những tình huống GV khen ngợi HS một cách cẩn trọng và hệ thống. Chẳng may, việc khen ngợi không luôn luôn được đưa ra một cách thích đáng và hữu hiệu. “Đưa ra những lời khen” một cách đơn giản sẽ không cải thiện được hành vi. Lời khen phải (1) tuỳ thuộc hành vi cần củng cố, (2) nêu rõ hành vi cần củng cố, và (3) có thể tin tưởng (O’Leary & O’Leary, 1977). Nói cách khác, việc khen ngợi nên là sự thừa nhận chân thành một hành vi được định nghĩa rõ ràng, để HS hiểu rằng mình đã làm gì để bảo đảm được thừa nhận.

Các GV không được huấn luyện đặc biệt thường vi phạm những điều kiện này. Nghiên cứu chỉ ra rằng GV ít khi nêu rõ những hành vi mà mình khen ngợi (chỉ có 5%, theo một nghiên cứu). Nhiều khi GV không khen đúng hành vi thích đáng mà ngược lại. Cuối cùng, GV dường như không chân thành khi nói những lời tích cực, nét mặt và giọng nói lộ ra điều ấy.

Một số nhà TLH đã gợi ý rằng việc sử dụng lời khen có khuynh hướng hướng HS vào việc học để được khen hơn là học vì lợi ích của việc học. Cần nhận thức được những mối nguy tiềm ẩn của việc lạm dụng lời khen.

Những cách khác cho các hành vi có vấn đề

Bất kỳ một hành vi tiêu cực nào cũng có thể nhìn như việc thiếu vắng một hành vi tích cực. Nói cách khác, chẳng hạn, nếu HS đang vui chơi một cách hoà hợp thì các em không thể đánh lộn trong lúc ấy. Một cách xử lý bất kỳ hành vi có vấn đề nào nên là củng cố những hành vi đáng mong muốn hơn khi chúng diễn ra. Nếu ta chỉ đơn giản tìm cách ngưng những hành vi tiêu cực mà không cung cấp những chọn lựa thay thế, HS sẽ dễ tìm ra cách của mình. Khi ấy, tình huống mới có thể tồi bằng hoặc hơn tình huống cũ.

Phương pháp thực hành tích cực là một chiến lược giúp HS thay đổi hành vi. Tiếp cận này đặc biệt thích hợp để xử lý những sai lầm về kiến thức học ở lớp. Khi HS mắc một sai sót, các em phải sửa ngay lập tức và tìm đáp án đúng. Các nhà giáo dục đã dùng qui trình này, kết hợp với sự củng cố tích cực, để cải thiện kỹ năng ghép chữ thành từ (spelling). HS được thưởng vì những từ chúng ghép chữ đúng và phải thực hành các từ ghép chữ sai theo nhiều cách (đưa vào các câu, ghép âm, viết ra cả một định nghĩa theo từ điển, v.v.). Việc kết hợp sự củng cố tích cực và thực hành đưa tới 100% HS ghép chữ đúng và được HS ưa thích hơn mọi cách truyền thống. Nguyên lý này cũng có thể áp dụng khi HS vi phạm nội quy lớp học. Thay vì bị phạt, HS có thể được yêu cầu thực hành hành động đúng đắn.

Một cách tiếp cận khác để giảm bớt hành vi tiêu cực là cung cấp một sự củng cố tiêu cực. Về cơ bản, điều này nghĩa là nói với HS, nếu em ngưng làm chuyện x và bắt đầu làm chuyện y, em có thể thoát khỏi tình huống khó chịu.

Lựa chọn những nhân tố củng cố tốt nhất

Một hướng dẫn để lựa chọn những nhân tố củng cố hữu hiệu nhất là Nguyên tắc Premack, lấy tên David Premack (1965). Theo đó, một hành vi có tần suất cao (một hoạt động ưa thích) có thể là nhân tố củng cố đặc biệt hữu hiệu cho một hành vi có tần suất thấp (hoạt động ít được ưa thích). Đôi khi nó được gọi là “Qui tắc của Bà” (Grandma’s rule): Hãy làm điều bà muốn con làm, rồi con có thể làm điều con muốn làm.

Nếu không có yêu cầu làm việc nào được đưa ra cho HS, thì các em sẽ làm gì? Với phần lớn HS, là nói chuyện, đi quanh lớp, ngồi cạnh bạn, vắng mặt trong giờ kiểm tra, đọc truyện, chơi game… Cách tốt nhất để xác định các nhân tố củng cố đối với HS là quan sát xem các em làm gì trong giờ giải lao.

Một phương pháp khác là hỏi ý kiến cả lớp. Như bảng câu hỏi sau:

  1. Những môn học em thích nhất
  2. Ba việc em thích làm ở trường
  3. Nếu có 30 phút giải lao mỗi ngày để làm việc mình thích, em sẽ làm gì
  4. Ba việc em thích làm ở nhà

Một số nhà nghiên cứu tìm thấy rằng những HS trung bình và khá giỏi có xu hướng thích được khen ngợi hơn là HS yếu kém. HS có vấn đề về học tập thích phần thưởng cụ thể, các hoạt động và đặc quyền hơn.

Hướng dẫn cho việc nhấn mạnh cái tích cực

  • Bảo đảm rằng tất cả HS, kể cả những em thường gây chuyện, sẽ nhận được lời khen, đặc quyền hay phần thưởng khác khi làm một việc tốt

VD: 1. Thỉnh thoảng lại xem lại danh sách HS để bảo đảm tất cả sẽ có cơ may được thưởng

2. Thiết lập quy chuẩn củng cố để tất cả HS sẽ có cơ may được thưởng

  • Thiết lập nhiều nhân tố củng cố đa dạng

VD: Cho HS gợi ý những nhân tố củng cố của chính mình hay chọn trong một “menu” với “những cái đặc biệt hằng tuần”

  • Dùng nguyên tắc Premack để nhận dạng những nhân tố củng cố hữu hiệu

VD: 1. Quan sát xem HS làm gì trong giờ giải lao

2. Lưu ý em nào thích làm việc chung. Cơ may làm việc với bạn thường là nhân tố củng cố tốt.

Anita E.woolfolk

Bản dịch của Hoàng Hưng