Trong vòng một hai thập kỷ qua, việc dạy học đã thay đổi nhiều đến mức trường học dường như không còn giống như trong ký ức tuổi thơ của chúng ta nữa. Những thay đổi này đã mở ra cả cơ hội và thách thức cho nghề dạy học, tác động đến nhận thức, thái độ và kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho một sự nghiệp giáo dục. Những điều đó có ảnh hưởng rất nhiều đến nội dung của cuốn sách này.

Để hiểu về vấn đề này, hãy cùng điểm qua bốn xu hướng mới trong giáo dục, xem những xu hướng này đã thay đổi công việc của giáo viên như thế nào, và vì vậy bạn sẽ cần chuẩn bị những gì cho việc đi dạy:

  • Gia tăng tính đa dạng: có nhiều điểm khác biệt giữa các học sinh hơn so với trước đây. Sự đa dạng đã làm cho công việc giảng dạy trở thành một nghề nghiệp thú vị hơn, nhưng cũng khó khăn hơn ở một số khía cạnh nhất định.
  • Tăng cường áp dụng công nghệ vào dạy học: ngày nay, máy tính được sử dụng thường xuyên hơn trong trường lớp nhằm mục đích nghiên cứu, viết lách, giao tiếp và lưu trữ hồ sơ. Công nghệ đã tạo ra những phương pháp học mới cho học sinh (ví dụ, cuốn sách này sẽ không thể tồn tại nếu không có công nghệ Internet!). Nó cũng đã thay đổi cách giáo viên có thể dạy học hiệu quả nhất, và thậm chí đặt ra các vấn đề về những gì tạo nên việc dạy và học “đúng nghĩa”.
  • Tăng cường trách nhiệm giải trình (accountability)trong giáo dục: so với trước đây, cả xã hội và bản thân các nhà giáo dục ngày nay đều quan tâm nhiều hơn đến cách đánh giá (hoặc cung cấp bằng chứng cho) việc học tập và giảng dạy chất lượng tốt. Sự chú ý này đã nâng cao tầm quan trọng giáo dục đối với cộng đồng (một điều tốt) và cải thiện chất lượng giáo dục cho một số học sinh. Nhưng nó cũng đã tạo ra những hạn chế cho việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh.
  • Nâng cao tính chuyên nghiệp của giáo viên: hơn bao giờ hết, giáo viên có thể tự đánh giá chất lượng công việc của mình cũng như của đồng nghiệp và tiến hành các bước để cải thiện khi cần thiết. Tính chuyên nghiệp nâng cao chất lượng dạy học, nhưng bằng việc đặt ra các tiêu chuẩn thực hành cao hơn, nó cũng tạo ra nhiều lo lắng về việc liệu giáo viên và trường học có “đủ tốt” hay không.

Những thay đổi này thể hiện như thế nào trong môi trường học đường hằng ngày? Câu trả lời một phần vào nơi bạn dạy, bối cảnh cụ thể khác nhau của các trường học, thành phố, thậm chí là toàn xã hội. Tuy nhiên, những bằng chứng cho thấy sự ảnh hưởng của các xu hướng trên trong lớp học có thể được tìm thấy qua việc xem xét một trường hợp cụ thể – những thay đổi đang diễn ra ở Bắc Mỹ.

 

Xu hướng mới #1: Sự đa dạng trong học sinh

Lẽ dĩ nhiên, giữa học sinh luôn tồn tại những sự khác biệt. Dù trong quá khứ hay trong hiện tại, mỗi học sinh luôn học theo cách riêng của mình, với tốc độ khác nhau, thể hiện những cá tính riêng của mình. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, hình thức và mức độ đa dạng đã tăng lên. Hơn bao giờ hết, giáo viên có khả năng phải dạy học sinh với những nền tảng ngôn ngữ khác nhau, nhiều trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt hơn, có nhiều khác biệt về độ tuổi (nhỏ hơn hoặc lớn hơn) trước.

Đa dạng về ngôn ngữ

Lấy trường hợp về sự đa dạng ngôn ngữ làm ví dụ. Tại Hoa Kỳ, khoảng 40 triệu người, hay 14% dân số là người gốc Tây Ban Nha. Khoảng 20% ​​trong số này chủ yếu nói tiếng Tây Ban Nha và khoảng 50% khác chỉ nói tiếng Anh ở mức độ hạn chế (Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, 2005). Bằng cách nào đó, các nhà giáo dục phải cung cấp chương trình giảng dạy cho đối tượng học sinh trong nhóm này. Một phần của giải pháp, đương nhiên, là bố trí các lớp học và giáo viên dạy ngôn ngữ thứ hai chuyên biệt. Nhưng sự điều chỉnh này cũng phải xảy ra trong các lớp học “thông thường” ở các khối lớp và môn học khác nhau. Các giáo viên phải học cách giao tiếp với những học sinh có trình độ tiếng Anh hạn chế, đồng thời họ phải hiểu rằng những học sinh đó đang học cách sử dụng tiếng Anh thành thạo hơn (Pitt, 2005). Vì số lượng giáo viên là người Tây Ban Nha hoặc nói thông thạo tiếng Tây Ban Nha tương đối ít, nên việc điều chỉnh đôi khi có thể là một thách thức. Giáo viên phải chuẩn bị những bài học và các nhiệm vụ phù hợp với đối tượng học sinh này trong khi vẫn phải theo sát các mục tiêu học tập chính của chương trình học. Trong quá trình giảng dạy, bạn chắc chắn sẽ tìm thấy các chiến lược và tài nguyên dạy học bổ trợ (Gebhard, 2006), đặc biệt nếu người học ngôn ngữ thứ hai trở thành một phần quan trọng trong các lớp học của bạn.

Đa dạng về nhu cầu giáo dục đặc biệt

Một yếu tố khác khiến lớp học ngày càng đa dạng là việc để học sinh khuyết tật học chung với các bạn không khuyết tật. Tại Hoa Kỳ, xu hướng này bắt đầu từ những năm 1970, nhưng đã gia tăng khi Đạo luật Giáo dục cho Người khuyết tật được thông qua vào năm 1975, và tiếp tục tăng khi Đạo luật được sửa đổi vào năm 2004 (Văn phòng In ấn Chính phủ Hoa Kỳ, 2005). Cũng trong khoảng thời gian ấy, các đạo luật tương tự đã được thông qua ở nhiều tỉnh tại Canada. Các luật này đảm bảo trẻ em dù gặp bất cứ khó khăn nào về thể chất, nhận thức, cảm xúc hay hành vi nào cũng đều được hưởng giáo dục miễn phí và phù hợp. Luật cũng xác nhận rằng những học sinh như vậy cần được hỗ trợ đặc biệt để học tập hoặc hoạt động hiệu quả trong lớp học với các bạn khác, vì vậy họ cung cấp các dịch vụ đặc biệt (ví dụ trợ giảng) và các quy trình phát triển việc cá nhân hóa lộ trình học tập cho đối tượng học sinh này.

Kết quả của những thay đổi này là hầu hết các giáo viên người Mỹ và Canada có thể có ít nhất một vài học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt, kể cả khi họ không được đào tạo như những giáo viên giáo dục đặc biệt hoặc chưa có kinh nghiệm cá nhân trước đó với người khuyết tật. Các giáo viên bộ môn cũng có khả năng phải xây dựng thành một đội nhóm chuyên nghiệp tập trung vào việc hỗ trợ một cách tốt nhất có thể cho những học sinh này tham gia vào môi trường học đường. So với bối cảnh xã hội và giáo dục chỉ cách đây khoảng một hoặc hai thế hệ, đây là xu hướng hòa nhập là hoàn toàn mới. Nó đặt ra những thách thức mới cho việc xây dựng kế hoạch dạy học (chẳng hạn như làm thế nào để một giáo viên có thời gian để lập kế hoạch cho các cá nhân?), và những câu hỏi triết học về bản chất của giáo dục (chẳng hạn như những gì thực sự quan trọng để học trong chương trình học?).

Học tập suốt đời

Sự đa dạng của các lớp học hiện đại không chỉ giới hạn ở rào cản ngôn ngữ hoặc các vấn đề về thể chất và tinh thần của học sinh. Một thay đổi khác gần đây là sự mở rộng lứa tuổi của những cá nhân được coi là “học sinh”. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, một nửa hoặc hầu hết trẻ em ba và bốn tuổi đã được gửi đến trường, có thể cả ngày hoặc nửa ngày (Viện Nghiên cứu Giáo dục mầm non Quốc gia, 2006). Ở Bắc Mỹ, một số trường công lập đã tiến hành tích hợp các chương trình mầm non hoặc nuôi dạy trẻ nhỏ như một “khối lớp” mới trước mẫu giáo. Những cơ sở khác đã mở rộng giờ học cho trẻ mầm non (bản thân nó được coi là một chương trình “mới” vào đầu thế kỷ 20) để kéo dài thành chương trình toàn thời gian.

Sự khác biệt rõ ràng về mức độ trưởng thành giữa học sinh mẫu giáo và học sinh lớn hơn dẫn đến việc các kế hoạch và chiến lược giảng dạy dành cho các bạn nhỏ cần được thiết kế linh hoạt và có tính mở cao hơn, đồng thời mối quan hệ giữa giáo viên với trẻ mầm non phải mang tính cá nhân hoặc giống gia đình hơn so với mối quan hệ với học sinh tiểu học trở lên (Bredekamp & Copple, 1997). Bên cạnh đó, những vấn đề về triết lý và giáo dục mầm non cũng quan trọng không kém, thu hút rất nhiều sự chú ý của công chúng. Một câu hỏi được các nhà phê bình giáo dục đặt ra là liệu các chương trình chăm sóc và giáo dục mầm non có phải là sự thay thế thích đáng cho chăm sóc và giáo dục gia đình hay không. Ngược lại, một số nhà giáo dục khác gợi ý rằng giáo viên dạy các học sinh lớn tuổi cũng có thể học hỏi từ cách tiếp cận linh hoạt và cởi mở trong giáo dục mầm non. Đối với giáo viên ở bất kỳ cấp lớp nào, đó là một cuộc tranh luận không thể tránh khỏi hoàn toàn hoặc vĩnh viễn. Điều này sẽ được đề cập trở lại ở Chương 3 của cuốn sách này, chương tôi dành để thảo luận về sự phát triển của học sinh — những thay đổi chính về kỹ năng, kiến thức và thái độ của học sinh diễn ra trong thời gian dài.

Đầu còn lại của phổ độ tuổi cũng đã mở rộng. Nhiều người tham gia các khóa học ở tuổi trưởng thành ngay cả khi họ không theo học bậc đại học hoặc cao đẳng chính thức. Giáo dục người lớn, như người ta thường gọi, thường diễn ra ở nơi làm việc, nhưng nó cũng thường xuất hiện ở các trường trung học công lập hoặc tại các trường đại học hoặc cao đẳng cộng đồng địa phương. Một số người học ở độ tuổi trưởng thành có thể hoàn thành chứng chỉ trung học mà họ đã bỏ lỡ trước đó, nhưng thường thì những người học này có những mục tiêu khác, có thể chuyên sâu hơn, chẳng hạn như học một kỹ năng liên quan đến thương mại. Giáo viên dạy các học sinh trưởng thành phải điều chỉnh các chiến lược giảng dạy và mối quan hệ với học sinh để thử thách và đồng thời thể hiện sự tôn trọng những điểm mạnh và hạn chế riêng biệt của người học lớn tuổi (Bash, 2005). Sự trưởng thành của học sinh thường có nghĩa là họ đã có những kinh nghiệm sống giúp nâng cao và thúc đẩy việc học của họ. Nhưng nó cũng có thể có nghĩa là họ có những trách nhiệm cá nhân quan trọng – chẳng hạn như nuôi dạy con cái hoặc công việc toàn thời gian – cạnh tranh về thời gian học tập và khiến họ thiếu kiên nhẫn với việc giảng dạy không liên quan đến mục tiêu hoặc nhu cầu cá nhân của họ. Những thuận lợi và hạn chế này cũng xảy ra ở mức độ ít hơn đối với học sinh trung học “bình thường”. Ngay cả giáo viên trung học cũng phải đặt câu hỏi làm thế nào họ có thể đảm bảo rằng hướng dẫn đó không làm lãng phí thời gian của học sinh, và làm thế nào để họ có thể làm cho nó thực sự hiệu quả, hiệu quả và có giá trị.

 

Xu hướng mới #2: Sử dụng công nghệ hỗ trợ cho việc học

Đối với hầu hết giáo viên, “công nghệ” có nghĩa là sử dụng máy tính và Internet như một nguồn tài nguyên dạy và học. Những công cụ này đã làm gia tăng đáng kể số lượng và phạm vi thông tin có sẵn cho người học, ngay cả khi lợi ích của chúng đôi khi bị phóng đại trên các báo cáo truyền thông (Cuban, 2001). Với Internet, giờ đây việc truy cập vào các nguồn thông tin được cập nhật liên tục về bất kỳ chủ đề nào có thể tưởng tượng được là tương đối dễ dàng, thậm chí chúng thường có hình ảnh, video clip và âm thanh đi kèm. Dường như khả năng Internet và các công nghệ liên quan của nó có có thể thay đổi cách học truyền thống ở các nhà trường không còn chỉ là một tiềm năng, mà đã thực sự diễn ra trong thực tế cuộc sống.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, công nghệ không phải lúc nào cũng được tích hợp vào việc giảng dạy của giáo viên một cách triệt để (Haertel & Means, 2003). Một trong số các nguyên nhân đó là ở nhiều nơi, các lớp học chỉ có tối đa một hoặc hai máy tính, và khả năng truy cập Internet của nhiều trường học rất hạn chế. Việc phải chờ đến lượt sử dụng máy tính hoặc sắp xếp đến phòng máy tính hay thư viện trường sẽ giới hạn mức độ sử dụng Internet của học sinh, bất kể Internet có giá trị đến đâu. Hơn nữa, trong những trường hợp như vậy, máy tính có xu hướng hoạt động theo những cách tương đối truyền thống mà không tận dụng được hết lợi thế của Internet: chẳng hạn như một bộ xử lý văn bản (một “máy đánh chữ ưa thích”), hoặc như một cuốn sách tham khảo tương tự như một cuốn bách khoa toàn thư.

Mặc dù vậy, các lớp học một máy tính vẫn tạo ra những khả năng và cả thách thức mới cho giáo viên. Ví dụ, một máy tính có thể được sử dụng để trình bày các nhiệm vụ học tập sắp tới hoặc tài liệu bổ sung cho học sinh, theo từng bạn hoặc từng nhóm nhỏ. Khi hoạt động theo cách này, máy tính giúp học sinh linh hoạt hơn về thời điểm hoàn thành các nhiệm vụ cũ hoặc bắt đầu các nhiệm vụ mới. Một máy tính duy nhất cũng có thể làm phong phú thêm việc học của những bạn có sở thích hoặc động lực đặc biệt và nó có thể cung cấp thêm đánh giá cho những học sinh cần trợ giúp thêm. Những thay đổi này không sâu sắc, nhưng chúng tạo ra những thay đổi quan trọng trong việc nhìn nhận về vai trò của giáo viên: giáo viên không chỉ đơn giản là người cung cấp thông tin cho học sinh, đồng thời chúng cũng hướng tới việc tạo điều kiện cho học sinh tự kiến tạo tri thức cho mình.

Việc chuyển đổi từ phương pháp “giảng dạy toàn bộ trực diện” (full-frontal teaching – giáo viên đứng trước lớp và truyền đạt kiến thức/tương tác với tất cả các học sinh cùng một lúc) sang “hướng dẫn bên cạnh” trở nên dễ dàng hơn khi số lượng và việc sử dụng các công nghệ máy tính và Internet tăng lên. Nếu một trường học (hoặc tốt hơn là một lớp học) có nhiều máy tính với khả năng truy cập Internet đầy đủ, thì về nguyên tắc, học sinh có thể tự tổ chức việc học của mình một cách độc lập hơn so với trường hợp ngược lại. Với công nghệ phong phú hiện có, giáo viên có thể tập trung nhiều hơn vào việc giúp đỡ các cá nhân trong việc phát triển và thực hiện các kế hoạch học tập, cũng như hỗ trợ các cá nhân có các vấn đề học tập đặc biệt. Theo những cách này, sự chuyển dịch mạnh mẽ sang máy tính và Internet có thể thay đổi đáng kể vai trò của giáo viên và làm cho giáo viên dạy học hiệu quả hơn.

Nhưng công nghệ cũng mang lại một số thách thức, hay thậm chí tạo ra các trở ngại. Trang bị đầy đủ nền tảng công nghệ cho trường học và các lớp học là một việc hết sức tốn kém, trong khi vốn tiền lại ít ỏi, và do đó nó có thể đồng nghĩa với việc tước đoạt các nguồn lực quý giá khác của học sinh, như giáo viên, nhân viên hoặc sách và học liệu bổ sung. Những thách thức khác ít hữu hình hơn. Ví dụ, khi sử dụng Internet, học sinh cần được giúp đỡ trong việc phân loại thông tin hoặc trang web đáng tin cậy khỏi các trang web “trôi nổi”, không đáng tin cậy hoặc thậm chí độc hại (Seiter, 2005). Việc cung cấp sự trợ giúp này đôi khi có thể là một khó khăn ngay cả đối với những giáo viên có kinh nghiệm. Một số hoạt động giáo dục chỉ đơn giản là không cho phép học trên máy tính — thể thao, chẳng hạn như giáo dục lái xe, hoặc luyện tập hợp xướng. Do đó, là một giáo viên mới, bạn sẽ không chỉ cần đánh giá xem những công nghệ nào có thể thực hiện được trong lớp học cụ thể của bạn, mà còn cả những gì thực sự sẽ được hỗ trợ bởi các công nghệ mới. Sau đó, hãy chuẩn bị cho các quyết định của bạn ảnh hưởng đến cách bạn giảng dạy — cách bạn làm việc với học sinh.

 

Xu hướng mới #3: Trách nhiệm giải trình trong giáo dục 

Trong những năm gần đây, cộng đồng và các nhà lãnh đạo ngày càng mong đợi giáo viên và học sinh có trách nhiệm (accountable)với công việc của họ, nghĩa là nhà trường và giáo viên có trách nhiệm thực hiện các chương trình và mục tiêu giáo dục cụ thể, học sinh có trách nhiệm học những kiến ​​thức cụ thể. Xu hướng hướng tới trách nhiệm giải trình đã nâng cao các yêu cầu pháp lý để trở thành và (đôi khi) được chứng nhận là giáo viên. Đặc biệt, ở Hoa Kỳ, các giáo sinh (pre-service teachers – sinh viên sư phạm, người đang theo học các chương trình sư phạm, chuẩn bị được cấp chứng chỉ hành nghề sư phạm) cần học thêm các khóa học liên quan đến chủ đề và giáo dục nhiều hơn so với trước đây. Họ cũng phải dành nhiều thời gian thực hành giảng dạy hơn, và phải vượt qua một hoặc nhiều kỳ kiểm tra kiến ​​thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Các nội dung cụ thể của những yêu cầu này khác nhau giữa các khu vực, nhưng xu hướng chung — hướng tới nhiều mức độ yêu cầu hơn và “cao hơn” — đã diễn ra rộng rãi trên khắp các quốc gia nói tiếng Anh. Những thay đổi này rõ ràng có ảnh hưởng đến quá trình trở thành giáo viên của các cá nhân – đặc biệt là tốc độ và chi phí cho việc đó.

Trách nhiệm giải trình công khai đã dẫn đến việc tăng cường sử dụng các bài kiểm tra tiêu chuẩn cao (high-stakes testing) dành cho tất cả học sinh trong một học khu hay khu vực, kết quả của chúng sẽ có tác động lớn đến con đường học vấn cao hơn của các em (Fuhrman & Elmore, 2004). Chúng có thể ảnh hưởng đến điểm số mà học sinh nhận được trong các khóa học hoặc là căn cứ quyết định liệu học sinh có đủ điều kiện tốt nghiệp hay tiếp tục lên cấp học tiếp theo hay không. Những bài kiểm tra này thường là bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, chúng nêu ra những nội dung quan trọng mà giáo viên nên dạy, cũng như cách thức (và liệu) giáo viên có nên giúp học sinh vượt qua các kỳ thi hay không. Một vấn đề khác được đưa ra ở đây là liệu các kỳ thi tiêu chuẩn cao có công bằng cho tất cả học sinh và phù hợp với các lý tưởng khác của giáo dục cộng đồng hay không, chẳng hạn như mang lại cho học sinh một khởi đầu tốt nhất có thể trong cuộc sống thay vì loại chúng khỏi các cơ hội học tập. Hơn nữa, vì kết quả của các bài kiểm tra này đôi khi cũng được sử dụng để đánh giá thành tích của giáo viên, trường học hoặc khu học chánh, việc đảm bảo thành công của học sinh trở thành mối quan tâm rõ ràng đối với giáo viên – điều này ảnh hưởng đến các quyết định giảng dạy hàng ngày.

 

Xu hướng mới #4: Nâng cao tính chuyên nghiệp của giáo viên

Dù phản ứng của bạn với ba xu hướng đầu tiên là gì, thì quan trọng là chúng ra đều nhận ra rằng chúng đã góp phần vào xu hướng thứ tư, đó là sự gia tăng tính chuyên nghiệp của giáo viên. Theo hầu hết các định nghĩa, một nghề nghiệp (như nghề y hoặc nghề luật – hoặc trong trường hợp này là giảng dạy) được xem là một nghề nếu các thành viên của nó chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng công việc của họ, chia sẻ trách nhiệm đối với chất lượng công việc nói chung, thừa nhận và yêu cầu các khóa đào tạo chuyên biệt để thực hành các nhiệm vụ.

Theo định nghĩa này, việc dạy học chắc chắn đã trở nên chuyên nghiệp hơn so với trước đây (Cochran-Smith & Fries, 2005). Kỳ vọng về thành tích học tập của học sinh ngày càng tăng có nghĩa là giáo viên đã nâng cao trách nhiệm không chỉ đối với thành công trong học tập của học sinh mà còn đối với sự phát triển của chính bản thân họ với tư cách là giáo viên. Hiện nay, để trở thành một giáo viên mới, họ phải đáp ứng được nhiều đòi hỏi về công việc chuyên môn hơn so với trước đây, điều đó thể hiện ở việc nhiều cộng đồng và khu vực ngày càng có thêm yêu cầu đối với chứng chỉ và giấy phép hành nghề. Một phần nào đó, sự gia tăng các yêu này là một phản ứng đối với sự phức tạp được tạo ra bởi sự đa dạng ngày càng tăng của học sinh và việc sử dụng ngày càng nhiều công nghệ trong lớp học.

Nâng cao tính chuyên nghiệp cũng là điều được khuyến khích bởi các sáng kiến đến từ chính các nhà giáo dục muốn nghiên cứu và cải thiện nghề nghiệp của họ. Ví dụ một cách để làm như vậy là thông qua nghiên cứu hành động (action research) (đôi khi còn được gọi là nghiên cứu giáo viên), một hình thức nghiên cứu do giáo viên tiến hành về học sinh hoặc phương pháp giảng dạy của chính họ. Các nghiên cứu hành động dẫn đến các quyết định cụ thể nhằm cải thiện việc dạy và học trong các bối cảnh giáo dục cụ thể (Mertler, 2006; Stringer, 2004). Các nghiên cứu có thể có nhiều dạng, nhưng đây là một vài ví dụ ngắn gọn:

  • Làm thế nào để mỗi học sinh học được cách đọc chính xác? Trong một nghiên cứu nghiên cứu hành động, giáo viên có thể quan sát và theo dõi cẩn thận tiến trình đọc của một đứa trẻ trong một thời gian dài. Từ những quan sát, cô ấy có thể có được manh mối về cách thức giúp không chỉ em học sinh cụ thể đó đọc tốt hơn mà còn có thể áp dụng cho những học sinh khác trong lớp của cô ấy hoặc thậm chí trong lớp của đồng nghiệp.
  • Việc giáo viên khoa học xã hội sử dụng nhiều hơn hoặc ít hơn các câu hỏi mở có thực sự quan trọng? Một hoạt động nghiên cứu mà giáo viên có thể thực hiện là quay video các bài học của chính mình và so sánh một cách có hệ thống các câu trả lời của học sinh đối với các câu hỏi mở so với câu trả lời của các em cho các câu hỏi đóng (những câu có câu trả lời cố định hơn). Phân tích có thể gợi ý thời điểm và mức độ thực sự mong muốn trong việc sử dụng các câu hỏi mở.
  • Giáo viên mỹ thuật có thể thực sự khơi gợi học sinh mạo hiểm sáng tạo hơn trong các bức vẽ của họ không? Để tiến hành một nghiên cứu hành động, giáo viên có thể kiểm tra kỹ các bản vẽ của học sinh để tìm các dấu hiệu của sự mới lạ và đổi mới về hình ảnh, sau đó xem các dấu hiệu đó có tăng lên không nếu cô ấy khuyến khích tính mới và sáng tạo một cách rõ ràng.

Bảng 1: Ví dụ về các dự án nghiên cứu hành động

Các bước tiến hành một dự án nghiên cứu hành động Ví dụ 1: việc sử dụng Internet của học sinh Ví dụ 2: Sự hỗ trợ của giáo viên đối với các học sinh ESL (học sinh sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai)
Mục đích của nghiên cứu (được tuyên bố bởi giáo viên tiến hành nghiên cứu) “Khi thực hiện các nhiệm vụ, học sinh của tôi thành công như thế nào trong việc tìm kiếm thông tin liên quan có chất lượng cao?” “Tôi có phản hồi một cách đầy đủ và hữu ích cho các học sinh ESL của mình như với các học sinh nói tiếng Anh của tôi không, và tại sao có hoặc tại sao không?”
Người nghiên cứu Giáo viên chủ nhiệm lớp (cấp tiểu học) và giáo viên chuyên môn tin học của trường Giáo viên chủ nhiệm (lâu năm) – tự nghiên cứu;Có thể cộng tác với các giáo viên khác hoặc với chuyên gia ESL..
Cách thu thập và lưu trữ thông tin Đánh giá sản phẩm học tập của học sinh;Quan sát học sinh khi họ tìm kiếm trên Internet;Phỏng vấn học sinh về trải nghiệm tìm kiếm của họ. Quay video về tương tác của bản thân trong các cuộc thảo luận trên lớp;Ghi lại nhật ký của giáo viên về kinh nghiệm với học sinh ESL và các học sinh khác;Phỏng vấn học sinh ESL.
Cách xử lý thông tin Tìm hiểu các khó khăn và “mẹo tìm kiếm” do một số học sinh chia sẻ;Tìm hiểu những điểm mạnh và vấn đề chung với nghiên cứu được trích dẫn trong sản phẩm học tập. Tìm hiểu sự khác biệt về loại hình và hiệu quả tương tác với học sinh ESL so với các sinh viên khác;Tìm hiểu các mẫu về sự khác biệt;Thử thay đổi các mô hình tương tác và quan sát kết quả.
Cách báo cáo và truyền đạt thông tin Viết một báo cáo ngắn gọn về kết quả nghiên cứu cho đồng nghiệp;Thuyết trình ngắn gọn về kết quả nghiên cứu với các đồng nghiệp. Viết tóm tắt kết quả trong nhật ký giáo viên;Chia sẻ kết quả với đồng nghiệp;Chia sẻ kết quả với học sinh của giáo viên.

Hai ví dụ khác đầy đủ hơn về nghiên cứu hành động được tóm tắt trong Bảng 1. Mặc dù những ví dụ này, cũng như nhiều nghiên cứu nghiên cứu hành động, giống như “thực hành giảng dạy đặc biệt tốt”, chúng được lập kế hoạch chu đáo hơn bình thường, được thực hiện và ghi lại một cách có hệ thống hơn, và được chia sẻ với các giáo viên đồng nghiệp một cách thấu đáo và cởi mở hơn. Như vậy, họ mang lại những lợi ích đặc biệt cho giáo viên với tư cách là những người làm việc chuyên nghiệp, mặc dù họ cũng mất rất nhiều thời gian và nỗ lực. Ở thời điểm hiện tại, điều quan trọng là việc sử dụng nghiên cứu hành động một mặt phản ánh tính chuyên nghiệp ngày càng cao của giáo viên, nhưng mặt khác tạo ra tiêu chuẩn cao hơn cho giáo viên khi họ giảng dạy.

 

Trinh Phương dịch

27/05/2022