Lý thuyết trí khôn đa dạng (Multiple Intelligences) được Tiến sỹ Howard Gardner phát triển vào năm 1983, khi ông là Gíao sư về giáo dục học tại Đại học Harvard. Nó gợi ý rằng ý niệm truyền thống về trí khôn dựa trên đo nghiệm I.Q (chỉ số thông minh) là quá sức hạn chế. Thay vào đó, Gardner đề xuất tám dạng trí khôn khác nhau phải được tính đến trong phổ rộng tiềm năng con người ở trẻ em và người lớn. Những trí khôn này là:

Trí khôn ngôn ngữ (trí thông minh về từ ngữ)
Trí khôn logic-toán (trí thông minh về con số/lập luận)
Trí khôn không gian (trí thông minh về hình ảnh thị giác)
Trí khôn cơ thể-cảm giác vận động (trí thông minh về cơ thể và giác cảm nhạy bén về vận động – ND)
Trí khôn âm nhạc 
Trí khôn liên cá nhân (Interpersonal intelligence: trí khôn về mặt giao tiếp giữa người và người – ND)
Trí khôn tự thức (Intrapersonal intelligence: trí khôn về bản thân mình)
Trí khôn về tự nhiên (Naturalist intelligence)

Tiến sỹ Gardner nói rằng nhà trường và nền văn hoá của chúng ta tập chú phần lớn vào trí khôn ngôn ngữ và logic-toán, đánh giá cao những người ăn nói mạch lạc và logic. Tuy nhiên, ông cho rằng ta cũng nên chú ý một cách công bằng đến các cá nhân thể hiện thiên bẩm về những dạng trí khôn khác: các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ, nhà tự nhiên học, nhà thiết kế, vũ công, người chữa bệnh, thầu khoán, và những người khác, những người làm giàu cho thế giới ta sống. Bất hạnh là nhiều trẻ em có những thiên bẩm như thế lại không nhận được sự củng cố của nhà trường. Nhiều em rốt cuộc còn bị gán cho cái nhãn “thiểu năng về học tập”, “ADD” (attention deficit disorder: rối loạn năng lực chú ý), hay đơn giản là học sinh yếu kém (ở Việt Nam gọi là “học sinh cá biệt” – ND) khi những cung cách suy nghĩ và học hành của các em không được đề cập tới trong các lớp học nặng về ngôn ngữ hay logic-toán.

Lý thuyết trí khôn đa dạng đề nghị một chuyển biến trọng yếu trong cung cách điều hành trường học. Các giáo viên nên được huấn luyện để trình bày bài học theo nhiều cách, sử dụng âm nhạc, việc học tập thể, các hoạt động nghệ thuật, đóng kịch, đa phương tiện, điền dã, suy ngẫm nội tâm, và hơn thế nữa. Lý thuyết này đã thu hút được sự chú ý của nhiều giáo viên trong khắp nước, và hằng trăm nhà trường đang sử dụng triết lý này để thiết kế lại cung cách giáo dục trẻ em.

Dạy/học theo tám cách khác nhau

Một trong những nét đáng lưu ý nhất của lý thuyết trí khôn đa dạng là nó cung cấp tám con đường tiềm năng khác nhau của việc học.

Không cần dạy hay học một bài theo cả tám cách, chỉ cần xem có những khả năng nào cho việc áp dụng, và quyết định con đường nào hứng thú nhất hoặc có vẻ là công cụ dạy/học hiệu quả nhất. Lý thuyết trí khôn đa dạng thật hấp dẫn vì nó mở rộng chân trời của chúng ta về những phương pháp dạy/học có thể có được ngoài những phương pháp qui ước sử dụng ngôn ngữ và logic (như giảng bài, sách giáo khoa, các công thức…).

Hãy bắt đầu bằng việc viết ra chủ điểm ta muốn dạy/học vào giữa một trang giấy trắng, và vẽ 8 đường thẳng toả ra xung quanh. Mỗi đường là một kiểu trí khôn khác nhau. Rồi động não để tìm ra ý tưởng dạy/học theo mỗi đường (viết ý tưởng bên mỗi vạch). Đây là cách động não theo lối không gian-ngôn ngữ. Ta cũng có thể sử dụng những cách khác.

Bản dịch của Tâm lý học Giáo dục 

Nguồn bản gốc tiếng Anh: http://www.institute4learning.com/…/articles/multiple-inte…/

VỀ HOWARD GARDNER:

Howard Earl Gardner (sinh 11 tháng 7, 1943) là nhà Tâm lý học phát triển, GS về Nhận thức và Giáo dục tại Đại học Harvard. Hiện là giám đốc Dự án Zero của Harvard (có sứ mệnh tìm hiểu và cải thiện việc học, suy nghĩ và sáng tạo trong các môn nghệ thuật cũng như khoa học nhân văn ở trình độ cá nhân và thiết chế); đồng giám đốc dự án Good Project (nghiên cứu về bản chất của kiểu lao động trí tuệ vừa xuất sắc về chuyên môn, vừa mang tính dấn thân và được thực hiện một cách có đạo lý).
(theo Wikipedia)

SÁCH VỀ TRÍ KHÔN ĐA DẠNG ĐÃ XUẤT BẢN Ở VIỆT NAM:

“Cơ cấu trí khôn” (Phạm Toàn dịch), Tủ sách TLHGD Cánh Buồm, NXB Tri thức:
http://www.nxbtrithuc.com.vn/…/265…/334/Co-cau-tri-khon.html