Các lý thuyết về trí khôn như chúng tôi đã bàn đến cho tới nay đều có thể được gọi là các lý thuyết không nhìn trí khôn bằng quan điểm sinh triển [non-génétique”]; ngay cả tâm lý học Gestalt  cũng vậy, bởi vì học phái tâm lý học này vẫn phải cầu viện đến những cấu trúc được tổ chức một cách độc lập với sự phát triển. Các lý thuyết sinh triển, trái lại, giải thích trí khôn như là cái “đang là” kết quả của một sự kiến tạo tăng tiến. Và giả thuyết thứ nhất, giả thuyết đơn giản nhất, tức giả thuyết đang được nghiên cứu hiện nay [năm 1951] mà ta có thể nêu ra, nằm ở việc quan niệm trí khôn như là kết quả của những kinh nghiệm do học được mà có: hiểu theo nghĩa những gì học được là tùy thuộc vào môi trường bên ngoài và sự học tập sẽ xảy ra, có thể nói như vậy, qua việc nó được “ghi lại” ở trong “tinh thần”.

Bài 1: Thuyết duy nghiệm[1] và học thuyết tâm lý học liên kết

Các lý thuyết về trí khôn như chúng tôi đã bàn đến cho tới nay đều có thể được gọi là các lý thuyết không nhìn trí khôn bằng quan điểm sinh triển [non-génétique”]; ngay cả tâm lý học Gestalt[2] cũng vậy, bởi vì học phái tâm lý học này vẫn phải cầu viện đến những cấu trúc được tổ chức một cách độc lập với sự phát triển. Các lý thuyết sinh triển, trái lại, giải thích trí khôn như là cái “đang là” kết quả của một sự kiến tạo tăng tiến. Và giả thuyết thứ nhất, giả thuyết đơn giản nhất, tức giả thuyết đang được nghiên cứu hiện nay [năm 1951] mà ta có thể nêu ra, nằm ở việc quan niệm trí khôn như là kết quả của những kinh nghiệm do học được mà có: hiểu theo nghĩa những gì học được là tùy thuộc vào môi trường bên ngoài và sự học tập sẽ xảy ra, có thể nói như vậy, qua việc nó được “ghi lại” ở trong “tinh thần”.

Đây chính là giải pháp cổ điển của thuyết duy nghiệm [empiricisme] hay là học thuyết tâm lý học liên kết [associationisme] mà hình thức truyền thống của nó nằm ở việc nói rằng trí khôn là một hệ thống những sự liên liên kết, sự liên kết giữa những hình ảnh [hình ảnh tâm trí hay “biểu tượng”] và những sự tri giác [perception] hoặc cảm giác [sensation], bản thân những hình ảnh tâm trí lại được quan niệm như là sự “nối dài” những cảm giác hoặc những tri giác.

Ở hình thức cổ điển này, học thuyết tâm lý học liên kết ngày nay không còn có người ủng hộ nó nữa. Tuy nhiên, thuyết này mới chỉ biến mất gần đây thôi. Khi tâm lý học Gestalt ra đời, một nhà tâm lý học đứng tuổi người Đức, Georg Elias Müller, vẫn còn bênh vực học thuyết tâm lý học liên kết, để chống lại Kœhler [một nhà tâm lý học Gestalt người Đức], chống lại dưới hình thức hầu như vẫn cổ điển, tức là chỉ đơn giản thay thế khái niệm chuỗi liên kết [chaïne d’associations] bằng khái niệm của sự hình thành các chuỗi [constellation] hay các tổ hợp liên kết [complexe d’associations], sự thay thế này hầu như chẳng đem lại sự khác biệt nào cả. Và do đó, Georg Elias Muller phát biểu như sau: cái “tổng thể” [totalité], cái “Gestalt” [hình thái] theo cách hiểu của Kœhler hoặc của Wertheimer chỉ đơn giản là kết quả của một sự chú ý mang tính tập hợp [une attention collective]. Khi chúng ta nhìn một cách đồng thời tới một số lượng nào đó những yếu tố và dừng lại ở đó. Kœhler đáp lại: thế thì tại sao khi chúng ta nhìn thấy một người chúng ta không nhìn thấy trước tiên chẳng hạn cái mũi hay chiếc giày để sau đó “liên kết” chúng với những yếu tố khác? Đáp lại, Georg Elias Müller nói: bởi vì cái mũi và chiếc giày không có những sự sắp xếp có tính tập hợp [disposition collective]. Kœhler vặn lại, và câu hỏi vặn lại này đã chấm dứt cuộc tranh luận: thế nào là một sự sắp xếp có tính tập hợp? Sự sắp xếp này hoặc là một yếu tố tâm lý học và như thế chúng ta rơi vào cái vòng tròn luẩn quẩn, hoặc là một yếu tố sinh lý học, tức yếu tố thuộc “trường” [trường tri giác], thế thì chúng ta rơi trở lại vào giả thuyết của tâm lý học Gestalt.

Song, học thuyết tâm lý học liên kết lại thường xuất hiện trở lại dưới những hình thức “trẻ hóa”, chẳng hạn dưới hình thức rất nổi tiếng của kinh nghiệm tâm trí [hay là sự thực nghiệm ở trong tâm trí: expérience mentale], điều mà cách đây đã lâu Mach cũng đã hình dung ra rồi và sau đó Goblot đã tiếp nhận lại đồng thời đổi mới nó đi trong cuốn “Traité de logique” [luận văn về lôgic] và Rignano thì ở trong cuốn “Psychologie de l’intelligence” [tâm lý học trí khôn]. Rignano cho rằng sự lập luận [raisonnement] đơn thuần chỉ là một kinh nghiệm ở trong tâm trí. Nếu, chẳng hạn, ta phải giải bài toán sau: “Có các cư dân ở London có số lượng tóc bằng nhau hay không, biết rằng có 5 triệu dân tại London và tóc trên đầu của một người mọc tối đa là 3 triệu sợi?” Thế là chúng ta ngay lập tức làm thực nghiệm tâm trí như sau, thực nghiệm ấy rất khó thực hiện trong thực tiễn song lại rất dễ để tưởng tượng. Chúng ta sắp xếp người dân London thành dãy từ người thứ nhất đến người cuối cùng rồi sắp xếp “người” theo tỉ lệ tương quan thêm một sợi tóc theo mỗi đầu người, bắt đầu từ zero, rồi một sợi tóc, hai sợi tóc v.v. cho đến 3 triệu; và chúng ta sẽ thấy ngay là dãy thứ nhất dài hơn dãy thứ hai. Như vậy, thực nghiệm tâm trí này cho phép giải được bài toán.

Claraparère đã trả lời Rignano, theo tôi là rất chính xác, rằng cách giải thích như thế trên thực tế là một cái vòng luẩn quẩn. Thật thế, mọi kinh nghiệm, dù dưới hình thức tồn tại thực sự trong thực tế, chứ không chỉ đơn thuần là “ở trong tâm trí” mà thôi, đều tiền giả định toàn bộ trí khôn. Kinh nghiệm không chỉ đơn giản là nhìn thực tại một cách thụ động[3]. Kinh nghiệm nằm ở việc làm biến đổi thực tại đồng thời làm biến đổi các yếu tố, biến đổi sự sắp xếp các yếu tố và do đó chỉ có thực tại đáp ứng lại [thay vì ý thức chúng ta “đáp ứng” lại thực tại]. Do đó, “Kinh nghiệm” tiền giả định toàn bộ trí khôn, huống hồ là kinh nghiệm ở trong tâm trí. Do đó, chúng ta không giải thích trí khôn bằng cách viện ra kinh nghiệm ở trong tâm trí bởi lẽ khi ấy chúng ta sa vào cái vòng tròn luẩn quẩn.

Chúng tôi nói thêm, rằng kinh nghiệm tâm trí không phải, như Mach nói và phần nào như Rignano nói, là một sự tưởng tượng về thực tại. Kinh nghiệm tâm trí là hơn thế nhiều: nó đúng là một sự tưởng tượng, nhưng không phải là tưởng tượng về cái thực tồn [tồn tại có thực, thực tại: le réel], mà là tưởng tượng ra những thao tác mà ta có thể làm, mà ta có thể thực hiện đối với cái thực tồn, tức kinh nghiệm ở trong tâm trí là việc chủ thể tưởng tượng về những hành vi của mình, điều này đưa chúng tôi rời rất xa khỏi các nhà duy nghiệm.

Vậy, trong ví dụ vui mà tôi vừa nêu về dân London, chúng tôi đã giải bài toán như thế nào?  Chúng tôi giải bằng cách thao tác hay thực hiện hai dãy rồi sau đó đặt hai dãy này trong mối quan hệ tương ứng với nhau và nhận ra rằng sự tương ứng không phải là một-đối-một giữa từng cặp các yếu tố tương quan ở hai dãy với nhau. Nói khác đi, những gì “trước đó” chúng tôi đã tưởng tượng không chỉ là con số về một người dân nào đó ở London hoặc tóc trên đầu của một người – tưởng tượng này thật dễ song không dẫn đến đâu. Những gì chúng tôi tưởng tượng trong đầu để giải bài toán là những thao tác phải thực hiện.

Và ở đây chúng ta thấy không phải là một cái vòng luẩn quẩn, như Claparède đã nói, mà thấy rõ là tư duy không phải là một sự đơn giản sao chép thực tại, bởi tư duy trước hết là sự thao tác – thao tác thực sự hay thao tác trong đầu hoặc thao tác tưởng tượng là hầu như không quan trọng, rốt cuộc cũng đều là như nhau.

Một hình thức tinh vi hơn rất nhiều của thuyết duy nghiệm (và người ta gần như ngần ngại gọi đó là thuyết duy nghiệm), đó là lý thuyết nổi tiếng của Spearman. Tôi không bàn tới những công trình tuyệt vời của Spearman về phân tích nhân tố trí khôn [analyse factorielle], tức phân tích các nhân tố can thiệp vào trí thông minh của một cá nhân, mà tôi nói tới lý thuyết tổng quát của ông về các giai đoạn của sự cấu tạo trí khôn, của sự sinh triển trí tuệ [noogenèse], như cách nói của Spearman. Theo ông có ba giai đoạn:

Đầu tiên là có sự nắm bắt đối với kinh nghiệm [hay là “tiếp thu” thực tại bằng các giác quan: appréhension de l’expérience]. Tức là chúng ta “nhận thấy” những gì đang tồn tại thực tế. Chúng ta tiếp xúc với chúng theo cách trực tiếp nhất[4].

Giai đoạn thứ hai: có một sự diễn dịch các mối tương quan, tức là rút ra từ thực tại, từ kinh nghiệm được đem lại [donnée tiếng Pháp hay “given” tiếng Anh] một mối tương quan nào đó, chẳng hạn A thì nhỏ hơn B.

Giai đoạn thứ ba: có một sự diễn dịch song lần này không phải là sự diễn dịch về những mối tương quan đơn thuần, mà những sự đối ứng [corrélat hay correlation trong tiếng Anh], như cách gọi của Spearman, tức các mối tương quan giữa các mối tương quan. Ví dụ: Paris đối với nước Pháp giống như London đối với Vương quốc Anh”. Ở đây chúng ta có hai mối tương quan được chúng ta đặt trong mối quan hệ giữa chúng với nhau, đó chính là một sự đối ứng. Đấy, tôi vừa nói vắn tắt về cái lược đồ của Spearman.

Vâng, điều tôi muốn nhận xét là, ngay từ đầu đã không bao giờ có sự nắm bắt thuần túy và giản đơn đối với kinh nghiệm. Kinh nghiệm là một sự có tổ chức. Ngay cả trường hợp kinh nghiệm thụ động nhất, có tính tri giác nhất thì bao giờ trong kinh nghiệm cũng có những sự chủ động đặt ra các mối tương quan. Sự tiếp xúc tri giác với thực tại là làm biến đổi hình thức [của thực tại] mà bản thân khi ta tri giác thì cũng tức là ta đã phản ứng chống lại sự tiếp xúc này[5]. Và, do đó khi Spearman sau đó [giai đoạn hai] nói tới một sự diễn dịch các mối tương quan thì [thực ra] lúc này đã có một sự “cấu tạo” rồi [ý thức “cấu tạo” nên “đối tượng”]. Không phải là mối tương quan được “rút ra”,  trước đó nó không phải là đã được “đem lại” ở trong kinh nghiệm [thực tại] , không phải là nó đã được đem lại ở trong cái tồn tại có thực, mà nó được cấu tạo nên [elle est construite] – và đó là một sự cấu tạo bằng lao động [laborieux], như chúng ta đã thấy khi nghiên cứu trẻ em, một sự cấu tạo giả định, xét như là giai đoạn cuối, sự “cải tiến” [élaboration] những cấu trúc tổng thể theo cách sao cho những mối tương quan nguyên thủy vẫn chưa phải là các mối quan hệ lôgic, tức những mối quan hệ của trí khôn dưới hình thức đã hoàn tất.

Cuối cùng, ta có lý do để khẳng định một cách càng thuyết phục hơn, đó là sự diễn dịch các mối tương ứng tiền-giả định là phải có các thao tác. Mỗi một quan hệ tương ứng đều giả định có một “bảng nhập dữ liệu đầu vào kép”, một sự phân loại kép, hiểu theo nghĩa có sự tập hợp thành nhóm. Do đó, ở lược đồ này, được Spearman trình bày rất đúng xét trong những nét đại cương, song từ đầu đến cuối, theo chúng tôi là có một sự hoạt động, một sự hoạt động “phát triển”, thoạt đầu là hoạt động có tính tri giác, nhưng sau đó là sự hoạt động có tính thao tác để ngày càng được cấu trúc tốt hơn.

Do đó, chúng tôi không thể kết luận bằng thuyết duy nghiệm được rằng nhận thức là một sự sao chép thực tại. Nhận thức là một hành động lên thực tại, là toàn bộ những thao tác mà chúng ta thực hiện lên thực tại, điều này đưa chúng tôi rời rất xa khỏi luận điểm duy nghiệm nguyên thủy.

 

PHẠM ANH TUẤN  dịch từ nguyên bản tiếng Pháp.

Chú thích:

[1] Thuyết duy nghiệm (empiricism) là thuyết cho rằng nguồn gốc của nhận thức là từ kinh nghiệm, hay chính xác là từ “kinh nghiệm giác quan (sense experience). Triết học duy nghiệm Tây phương ra đời chủ yếu tại nước Anh giai đoạn thế kỷ 17-18. Có thể kể tên ba triết gia lớn: John Locke, Georges Berkeley, David Hume. Các nhà duy nghiệm chống lại thuyết duy lý (rationalism) là thuyết coi nguồn gốc duy nhất của nhận thức là ở lý tính. Triết học duy lý bắt đầu từ Descartes. Hai triết gia Tây phương quan trọng khác thường được nhắc tới như là triết gia theo thuyết duy lý là Spinoza và Leibniz. Immanuel Kant là người đã hòa giải cuộc tranh chấp gay go giữa hai triết học này: ông đặt ra các phạm trù của tư duy (thuyết duy lý) và chỉ ra những giới hạn của thuyết duy nghiệm (bất cứ cái gì không thể nắm bắt được bằng các giác quan của cơ thể chúng ta thì chúng ta không bao giờ có thể “kinh nghiệm” được nó). Một người mù từ nhỏ vẫn có thể thưởng thức một bản nhạc hay, có thể cầm tay một người và cảm nhận được sự âu yếm, có thể ngửi hương thơm một bông hoa, song không thể “kinh nghiệm” được chẳng hạn mặt trăng ngày rằm). Tâm lý học liên kết (associanism) đi từ thuyết duy nghiệm, cho rằng mọi thứ đều từ kinh nghiệm mà ra, trí óc con người lúc sinh ra giống như một tấm bảng trắng (tabula rasa, tiếng La Tinh), không có những “ý niệm bẩm sinh” như nơi Descartes. Những gì có được từ kinh nghiệm thì được tích lũy dần ở trong trí nhớ dưới dạng những ý niệm, biểu tưởng hay ký ức. Hoạt động tâm trí là một quá trình liên kết, liên tưởng v.v. những ý niệm được tích lũy ấy.

[2] Tâm lý học Gestalt (đón đọc phần sau) do các nhà tâm lý học người Đức sáng lập (Max Wertheimer, Kurt Kopffka, Wolfgang Kœhler). Gestalt là “hình thái” (gần với chữ “shape” hoặc “configuration” trong tiếng Anh). Tiếng Đức cũng có từ “Form” tương đương với “form” của tiếng Anh hoặc “forme” của tiếng Pháp, để phân biệt với “nội dung” (hình thức/nội dung). Hình thái là hình thức xuất hiện ra cho ý thức của ta. Một “hình thức” có thể có nhiều “hình thái”. Tôi nhận ra một người quen ngay tức khắc, nhận ra ngay cái “diện mạo tổng thể”, mà không bắt ngay vào các “yếu tố” cụ thể (mắt, mũi, đội mũ hay để đầu trần v.v.) bất kể người ấy lúc ấy ăn vận thế nào, hình thức có thể thay đổi thế nào (gày đi hoặc béo lên v.v miễn là người ấy đừng “cải trang” thái quá …). Vậy, theo chúng tôi tâm lý học Gestalt có thể dịch thành “tâm lý học hình thái” hoặc tốt nhất là giữ nguyên chữ “Gestalt” (viết hoa theo luật chính tả của tiếng Đức).

[3] “Kinh nghiệm” được hiểu là “thực tại” ở bên ngoài được ý thức của ta tiếp nhận thông qua các giác quan. Kinh nghiệm chỉ trở thành kinh nghiệm (tức nhận thức của ta) sau khi được tiếp nhận và được làm biến đổi ở trong ý thức để trở thành “kinh nghiệm”.

[4] Quy luật của ý thức là đi từ cái trừu tượng tới cái cụ thể. “Kinh nghiệm” hay thực tại là cái gì chính mắt chúng ta thấy. Nhưng chúng ta đâu có “nhìn thấy” cái không thể nhìn bằng năm giác quan. Hay nói cách khác, nếu chỉ tin vào ngũ quan thôi thì chắc sẽ khó “hiểu” được những gì “cao xa”. Song, sự nhìn thấy trực tiếp đầu tiên này là khởi đầu của quá trình nhận thức. Ở giai đoạn này mới chỉ là cái biết cảm tính, “biết” nhưng chưa “hiểu”, chưa phải ở mức độ của giác tính (“understanding” theo tiếng Anh, “entendement” hay “intellection” theo tiếng Pháp). Tham khảo chương nói về “Sự xác tín cảm tính” trong Hiện tượng học tinh thần của Hegel (bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn). Cái được nhìn thấy trực tiếp đầu tiên này [khởi điểm của nhận thức] là trừu tượng bởi lẽ nó là mang tính chung chung hay “phổ biến”, còn thiếu mọi tính đặc thù và cá biệt. Cho nên “appréhension” ngoài nghĩa triết học là “tổng giác” còn có nghĩa “e sợ” vì bị “dội bom” phủ đầu bằng những ấn tượng của tri giác.

[5] Có thể thấy ở đây dấu ấn của Kant, triết gia có thể được coi là duy nhất mà tâm lý học sau này không thể bỏ qua. Bộ não (mối quan tâm chủ yếu của tâm lý học Gestalt) được cấu trúc như thế nào đấy để qui định đối tượng được nó tri giác. Tri giác không bao giờ là một quá trình “thụ động” thực sự cả.