Khi người lớn nhìn một em nhỏ “vẽ”, họ khen chê, bình phẩm xấu đẹp, nhận xét đại loại chỗ này chỗ kia chưa được, thậm chí theo đà hứng khởi có thể ngợi ca một bức vẽ nào đó là thuộc hàng “kiệt tác”, thì suy cho cùng đều là nhìn hoạt động của trẻ em bằng con mắt của người lớn và đánh giá kết quả hoạt động của chúng bằng những chuẩn mực của người lớn.

Sau bài  “ Hi hi … không khóc nữa” của nhà giáo Phạm Toàn thay mặt nhóm Cánh Buồm viết tặng các thầy cô bị điều chuyển xuống dạy bậc mầm non, có nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc, trong đó có ý kiến cho rằng vẽ thì phải có năng khiếu, vì thế có phải em nào cũng vẽ được đâu. Rồi lại có bài viết kể chuyện một cô giáo bảo một em học sinh vẽ cái này thì em lại vẽ … cái khác. Rồi bài viết về phương pháp “bàn tay nặn bột”, một phương pháp đang gây lúng túng cho nhiều giáo viên v.v. Vấn đề tuy nhỏ song từ đây có thể xới lên một vấn đề rất lớn, đó là vấn đề liên quan đến cách trẻ em “vẽ” và người lớn nên dạy vẽ cho trẻ em như thế nào. Bài viết thử cung cấp một cách nhìn về trẻ em vẽ thế nào. Có một thứ mà trẻ em không cần đến giáo dục mà chúng vẫn có – một món quà của Chúa – bản năng hoạt động theo kiểu sử dụng đôi bàn tay (manipulation) và sự khéo léo dần lên của đôi tay, trong đó có việc dùng đôi tay vào việc mà người lớn vẫn quen gọi là “vẽ”[1].

Khi người lớn nhìn một em nhỏ “vẽ”, họ khen chê, bình phẩm xấu đẹp, nhận xét đại loại chỗ này chỗ kia chưa được, thậm chí theo đà hứng khởi có thể ngợi ca một bức vẽ nào đó là thuộc hàng “kiệt tác”, thì suy cho cùng đều là nhìn hoạt động của trẻ em bằng con mắt của người lớn và đánh giá kết quả hoạt động của chúng bằng những chuẩn mực của người lớn.

Người đầu tiên nhìn trẻ em đúng như là trẻ em, có lẽ là Jean-Jacques Rousseau. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, trẻ em cũng không phải là cái rồi sẽ trở thành người lớn. Tức là Rousseau đã bắt đầu nhận ra trẻ em là khác với người lớn.

Người đầu tiên đặt ra khái niệm trẻ em phát triển theo các độ tuổi cố định, có lẽ là Jean Piaget. Không chỉ phát triển theo theo các giai đoạn, trẻ em còn tư duy, yêu ghét, phán xét đạo đức v.v. khác với cách của người lớn. Phát hiện nền tảng này của tâm lý học (giáo dục) phát triển, đã làm đảo lộn lĩnh vực giáo dục trẻ em.

Trong lĩnh vực “vẽ” cũng vậy, nhưng thực ra các nhà tâm lý học bắt đầu quan tâm nghiên cứu lĩnh vực này muộn hơn so với giới họa sĩ và các nhà triết học, hoạt động vẽ hay năng lực vẽ của trẻ em cũng phát triển theo các giai đoạn độ tuổi.

Trẻ em Vẽ

Trước hết, nói rộng ra một chút, ở cấp độ giống loài, “vẽ” là hoạt động ra đời rất sớm. Georges Bataillle, nằm trong số những người đầu tiên nghiên cứu tranh hang động của người tiền sử ở Lascaux (nằm ở tây nam nước Pháp) cho rằng vẽ ra đời cùng với sự xuất hiện con người hay nói cho đúng là xuất hiện vào lúc “ý thức” xuất hiện ở người (loài người). Trước đó, con người là con vật giữa muôn loài. Nó sống tự nhiên giữa muôn loài, không có sự phân biệt giữa nó với các loài vật khác. Một ngày nó bắt đầu nhận ra con vật khác. Tức là ở người bắt đầu xuất hiện ý thức hay nói cho đúng là “tự-ý thức”, tức là ý thức về mình (người), về người khác (loài vật). Lúc này (tranh hang động) là “tôi” vẽ tôicon vật khác. Vậy, vẽ là “tư duy”, có lẽ là hình thái tư duy đầu tiên (đón đọc La Naissance de l’art của Georges Bataille, bản dịch tiếng Việt của Phạm Anh Tuấn do Sao Bắc Media ấn hành nay mai). Tâm phân học Lacan cũng đặt mốc (quãng 18 tháng tuổi) là thời điểm đứa trẻ bắt đầu biết nhận ra người khác (giai đoạn soi gương: mirror stage).

Trở lại việc nghiên cứu về hoạt động vẽ của trẻ em. Kể từ đầu thế kỷ 20 người ta đã bắt đầu nghiên cứu về các bức vẽ của trẻ em, thậm chí “hội họa trẻ em”. Georges-Henri Luquet, học trò của triết gia Pháp Henri Bergson (Bergson có ảnh hưởng rất lớn tới Maria Montessori, “bà cô tổ” của giáo dục mầm non), đã nghiên cứu hoạt động vẽ của trẻ em dưới góc độ phát triển. Có hai kết luận bao trùm: (1) ở trẻ em vẽ là “chơi” song là hoạt động nghiêm túc, tức là có nguyên tắc, có luật chơi nghiêm chỉnh; (2) trẻ em vẽ cái nó nghĩ trong đầu chứ không vẽ cái nó nhìn thấy (điều này lý giải tại sao các bức vẽ của trẻ thơ lại hấp dẫn các họa sĩ tiền phong ở đầu thế kỷ 20). Vì thế đừng bao giờ hỏi “em vẽ cái gì thế?”. Đứa trẻ (dưới 7-8 tuổi) không thể trả lời được hay nói các khác nó vẽ xong thì mới biết mình vẽ cái gì.

Luquet phân sự phát triển năng lực vẽ của trẻ em theo 4 giai đoạn như sau:

  • Cho tới 2 tuổi: trẻ em có bản năng vẽ nguyệch ngoại (gribouillage). Nó cứ “vẽ” vậy thôi, nó vẽ bằng bất cứ vật gì có trong tay. Đầu tiên nó nguyệch một nét, nó bỗng thấy thích thú với “sản phẩm” của mình, nó nguyệch tiếp nét nữa, và cứ tiếp tục như thế nếu nó có điều kiện được vẽ.
  • Giai đoạn từ 3-4 tuổi là giai đoạn “hiện thực thất bại” (réalisme manqué): đứa trẻ muốn vẽ một vật (có thể do thầy cô đề nghị vẽ) song nó không thể vẽ được theo ý mình do chưa có đủ sự khéo léo và sự chắc chắn của bàn tay và các cơ vận động liên quan đến bàn tay. Vì lẽ đó bức vẽ của trẻ em ở giai đoạn này thường “khó hiểu” đối với người lớn.
  • Giai đoạn từ 4-8 tuổi là giai đoạn “hiện thực trí tuệ” (réalisme intellectuel): trẻ vẽ cái gì nó biết chứ không vẽ cái nó nhìn thấy. Ví dụ: trẻ vẽ một chiếc xe hơi có người lái ngồi ở bên trong với đầy đủ hai chân. Nếu được hỏi tại sao em lại vẽ cả chân của người lái xe thì có thể nó sẽ trả lời là bởi vì người (có thể nó nhớ lại bố, mẹ nó) phải có chân. Đứa trẻ chưa hiểu được (nguyên tắc tri giác) là chỉ có thể nhìn thấy đầu (qua cửa kính) chứ không thể nhìn thấy đôi chân (bị cánh cửa xe che khuất).
  • Giai đoạn từ 8-9 tuổi là giai đoạn “hiện thực thị giác” (réalisme visuel): trẻ bắt đầu biết vẽ hiểu theo nghĩa biểu hình (représentation). Các bức vẽ lúc này mới có hình thù rõ ràng cho nên “dễ hiểu” đối với người lớn. Trẻ bắt đầu biết sử dụng luật viễn cận (điều này cũng lý giải tại sao các bức vẽ của trẻ em sau 5-6 tuổi không còn hấp dẫn các họa sĩ “hiện đại” vốn đã từ bỏ lối vẽ hàn lâm kiểu thời Phục Hưng là thời kỳ khai sinh và sử dụng nhiều luật viễn cận.
  • Tóm lại, có thể thấy vẽ là hoạt động tự nhiên của con người và nó xuất hiện rất sớm ở con người. Và năng lực vẽ, giống như tư duy, hay nói cho đúng vẽ tư duy, phát triển theo các giai đoạn. Thầy cô có muốn can thiệp cũng không được. Song thầy cô có thể, nói như phương châm giáo dục của nhóm Cánh Buồm, hiểu trẻ em để giúp trẻ em học tập. Hoặc, nói như Bà Montessori, người giáo viên sau khi đã chuẩn bị xong môi trường làm việc cho trẻ em thì hãy ngưng can thiệp, và để phòng xa thói quen thích can thiệp thì hãy  “tự trói mình vào cột” (lời của Montessori).

 

PHẠM ANH TUẤN.

[1] Trong tác phẩm La Pensée et le Mouvant của Henri Bergson, một nhà triết học có ảnh hưởng lớn tới “bà cô tổ” của giáo dục mầm non là Maria Montessori, có hẳn một chương bàn về “đôi tay” (đón đọc bản dịch tiếng Việt do Phạm Anh Tuấn thực hiện, Sao Bắc Media ấn hành nay mai), xin được trích dẫn một đoạn: “… Không ở nơi nào tại nước Pháp hiện nay người dạy học biết khuyến khích tính sáng kiến chủ động của người học, ngay cả với học trò phổ thông … ai cũng chỉ nhìn thấy ở hoạt động chân tay sự giải trí. Người ta quên rằng trí thông minh về bản chất [hay một cách cốt yếu] là năng lực hành xử kiểu sử dụng đôi tay [manipuler] đối với vật chất, chí ít trí thông minh cũng bắt đầu bằng việc như vậy, đó là ý đồ của Tự nhiên … Trí thông minh khởi nguồn từ đôi tay rồi đến cái đầu.