Không ở đâu trẻ em bị bắt nạt công nhiên như trong địa hạt Giáo dục! Sự bắt nạt thành thói quen ở tầm vi mô từng gia đình, cứ lớn hơn là mặc nhiên có quyền “dạy dỗ kẻ ít tuổi hơn”. Ở tầm vĩ mô, sự bắt nạt còn được Luật pháp và Lợi ích trụ đỡ cho nữa!

Từ tháng 11 năm 2009 đến nay, nhờ có sự giúp đỡ hoàn toàn vô tư của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, của Nhà xuất bản Tri thức, mỗi khi nhóm Cánh Buồm có sản phẩm mới, chúng tôi đều có cái diễn đàn dân chủ và lịch sự này để chia sẻ với các nhà giáo dục dày thâm niên và các nhà giáo trẻ măng, với các nhà sư phạm chính ngạch và không chính ngạch, với những người con đàn cháu đống và cả những người độc thân…

Cho phép tôi thay mặt nhóm Cánh Buồm gửi tới quý vị và tất cả các bạn lời chào của cuộc Hội thảo này: tổ chức một nền giáo dục CAO HƠN, XA HƠN, VÀ DỄ TỰ HỌC HƠN cho trẻ em, những bé em của gia đình, của tổ quốc, của dân tộc, như nhóm Cánh Buồm vẫn tự nhắc nhở mình trên bìa sách giáo khoa, mong sao công việc của mình sẽ đi theo được định hướng này:

GIÁO DỤC TIỂU HỌC ỔN ĐỊNH VÀ BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG THÌ TOÀN BỘ NỀN GIÁO DỤC MỚI ĐƯỢC ỔN ĐỊNH, MỖI GIA ĐÌNH ỔN ĐỊNH, CẢ XÃ HỘI CÙNG ỔN ĐỊNH.

 

NỖI KHỔ CỦA TRẺ EM

Không ở đâu trẻ em bị bắt nạt công nhiên như trong địa hạt Giáo dục! Sự bắt nạt thành thói quen ở tầm vi mô từng gia đình, cứ lớn hơn là mặc nhiên có quyền “dạy dỗ kẻ ít tuổi hơn”. Ở tầm vĩ mô, sự bắt nạt còn được Luật pháp và Lợi ích trụ đỡ cho nữa!

Một thí dụ dễ thấy nhất về sự thống trị cùa người già trong địa hạt Giáo dục là tâm  lý nhớ nhung cuốn sách có tên “Quốc văn giáo khoa thư” có từ những năm 1920 thế kỷ trước. Một nhà xuất bản lớn ở thủ đô đã in lại cuốn sách giáo khoa vang bóng một thời đó, lại còn in thêm cả bản dịch sang tiếng Pháp nữa! Nhiều người già than thở “thời nay chẳng còn sách hay như “Quốc văn giáo khoa thư” nữa!” Những tiếng thở dài phụ họa “Ôi cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy … sách ngày xưa cả trăm năm vẫn còn nhớ như mới học hôm qua”… Trong sách “Quốc văn giáo khoa thư” ấy còn tích hợp cả những bài dạy về bệnh ghẻ lở và hắc lào, không thấy quý vị cao niên nhắc lại. Cũng không thấy nhắc lại nội dung “kỹ năng sống” của “Quốc văn giáo khoa thư” tích hợp trong bài tập đọc có nhân vật thằng Tèo cho tay vào lọ lấy kẹo, nhưng lấy nhiều quá thì không rút tay ra được, phải lấy bớt đi thì “thành công” liền!

Lạ một điều: bộ sách Ngữ Văn hiện trẻ em đang dùng, được bảo lãnh bởi Luật Giáo dục do Quốc hội bấm nút thông qua hẳn hoi, thì lại bị cả nước nghi ngờ. Bộ sách đó chính là sự nối dài và mở rộng đường lối tích hợp theo kiểu mẫu “Quốc văn giáo khoa thư” thì lại bị cả xã hội phàn nàn. Bộ sách đã làm sinh ra khái niệm giảm tải và giảm tải sâu mà giáo viên thì coi là sự tra tấn đối với nghề dạy Ngữ Văn bậc tiểu học ấy, có những người đang gán cho nó một cái tội thật đáng yêu. Tội gì? Tội hàn lâm, Giời ạ!

Bây giờ đây, trong không khí chạy đua tìm hướng đi cho một bộ hoặc những bộ sách giáo khoa, cái gọi bằng đường lối tích hợp kia lại đang được tung hô. Lý lẽ rất ngắn gọn. “Các nước đều làm thế”. “Các chuyên gia nước ngoài đều nói thế”. “Với trẻ em chỉ cần thực hành và thực hành”. Và thói quen tư duy lão trị lại tiếp tục giữ ngôi vương: ”Ngày xưa tôi chẳng cần học theo phương pháp nào hết, tôi vẫn biết đọc biết viết, tôi vẫn …” “Trẻ em không cần lý thuyết…”

Năm 2013, nhóm Cánh Buồm đã cử hai thành viên dự chui một cuộc tập huấn cách dùng một cuốn sách tích hợp có số lượng in 20.710 bản. Hai “điệp viên hoàn hảo” này trở về kể cho cả nhóm chuyện giảng viên thuộc một Khoa lớn của một Trường Đại học cũng lớn đã lớn tiếng quát các giáo viên về thủ đô nâng cao trình độ rằng “… thế các chị có định học nữa hay không thì cho tôi biết?” Một em con trai trong nhóm Cánh Buồm cầm cuốn sách dịch với nhiều bài tập còn để nguyên tiếng Bồ Đào Nha, đã phẫn nộ nói (kiểm duyệt bỏ chỗ này…).

CAO HƠN và XA HƠN!

Khi điểm tình hình như thế, thì đã gián tiếp nói nhóm Cánh Buồm coi đường lối soạn sách “tích hợp” cho trẻ em Tiểu học là cách làm việc thiếu tôn trọng trẻ em.

Nhóm Cánh Buồm mở Hội thảo giới thiệu sách với tiêu đề Cao hơn và Xa hơn, lại còn nói tới tính hàn lâm nữa, sao vậy?

Đó là vì mấy lý do vắn tắt sau:

  1. Trẻ em khi đã đi học lớp Một trường Phổ thông là bắt đầu một chu kỳ học tập mới khác hẳn giai đoạn học tập ở gia đình và ở bậc Mẫu giáo. Trước lớp Một, đó là giai đoạn hoàn thiện cơ bắp, hoàn thiện giác quan, giai đoạn ăn và ngủ, nếu có học thì chỉ là học chơi, chơi để hoàn thiện cơ bắp, hoàn thiện giác quan. Những bài học Mẫu giáo cho trẻ em học chữ cái và con số là kết quả của những đầu óc sư phạm thiếu tưởng tượng. Nếu thực sự cơ quan nào đó định bụng có nhiều bộ sách giáo khoa Mẫu giáo, xin hãy tổ chức thi soạn trò chơi Mẫu giáo để “trò chơi hóa” những khái niệm cần cho trẻ ở lứa tuổi này.
  2. Khi bắt đầu vào học lớp Một, trẻ em cũng bắt đầu giai đoạn học có ý thức. Cái ý thức này trong suốt bậc Tiểu học cần được gửi ngay trong sách giáo khoa ở đó trẻ em biết: cả năm học này, suốt bài học này, trong tiết học này, em học điều gì và học theo cách gì. Cái lý tưởng gọi bằng Công nghệ Giáo dục của Hồ Ngọc Đại ở đây có thể coi là đúng: đó là một quy trình học trẻ em phải biết mình đang làm gì và mình có sản phẩm gì, mình đi từ cái chưa biết đến cái đã biết để sang cái sẽ biết như thế nào, nghĩa là, ở trình độ lý tưởng, trẻ em có thể đoán biết sau điều mới biết này mình sẽ học cái gì khác nữa, để chủ động đón nhận cái mới sẽ được chính mình tạo ra rồi cùng các bạn đón nhận.
  3. Trong quy trình học đó, nhà sư phạm phải giúp học sinh gọi tên được cái mới các em đang được thày cô giáo dắt tay đi tìm – và cái tên gọi hoặc những tên gọi đó không thể thoát khỏi là những khái niệm không thể lẫn lộn. Bậc Tiểu học là bậc học phương pháp. Phương pháp nằm trong các khái niệm. Khái niệm là những kết quả trẻ em tự làm ra có thể kiểm soát được ngay cả khi chúng nằm kín trong tâm lý trẻ em. Muốn cho trẻ em đến được với khái niệm, thì ít nhất trong năng lực nhà sư phạm cũng phải có hệ thống những khái niệm định dắt dẫn cho trẻ em làm ra. Không bao giờ nên tự bịt mắt mình rồi dắt dẫn trẻ em theo lối thả cho các em cứ đi … đi đâu, mặc! đi như thế nào, mặc! và khi thất bại thì đổ vạ cho … tính hàn lâm!
  4. Sách giáo khoa sẽ được dùng không như là cái “quyển sách lòe loẹt” đem ra tụng niệm hằng ngày. Sách giáo khoa trước hết nằm trong những việc làm do chính học sinh thực hiện để tạo ra kết quả chứa đựng khái niệm (bao gồm cả sự thay đổi trong tư duy của trẻ em). Trừ những chỗ ghi rõ cho học sinh đọc trước, nói chung trang sách giáo khoa sẽ được mở ra vào cuối tiết để kiểm tra lại xem trong tiết học các em đã tìm ra những điều ghi trong cái “biên bản cho trước” gọi tên là “sách giáo khoa” hay không. Khi đó, các em còn có quyền bổ sung, sửa đổi cái biên bản cho trước.
  5. Điều vừa nói trên đây chính là công việc kiểm tra-đánh giá, một mục tiêu mà nhà sư phạm tử tế nào cũng muốn nắm được cái cơ chế bí mật của nó. Thực ra, nếu chúng ta thực sự tổ chức được việc “làm mà học – làm thì học” cho học sinh, thì việc tự kiểm tra – tự đánh giá có thể do học sinh thực hiện sau từng việc làm, sau từng tiết học, sau từng bài học. Đổi mới cách kiểm tra phải là tổ chức được việc học sao cho trẻ em tự kiểm tra, chứ không thay việc kiểm tra đánh giá bằng điểm số bằng việc kiểm tra đánh giá bằng lời (trước sau vẫn do bề trên ban phát xuống trẻ em).

Đó là năm lý do nêu ra vừa đủ để lý giải bộ sách Tiếng Việt và Văn của nhóm Cánh Buồm lần này là thực sự hàn lâm, thực sự cao và xa so với tất cả những thứ tích hợp lùn tè.

DỄ TỰ HỌC!

Tất cả những nguyện ước to tát, cao hơn và xa hơn, sẽ vấp phải một thực tiễn mà “giới bảo thủ” sẽ vin vào để chống lại: cứ cho đó là chuyện đúng đi, nhưng khó thế, ai làm được?

Nhóm Cánh Buồm trả lời bằng chỉ một chữ LÀM. Chẻ nhỏ cái hệ thống việc làm của người học, ta có:

  1. Giao việc cho trẻ em làm, không giảng giải kiến thức rồi bắt trẻ em nhớ và nhắc lại. Trong sách giáo khoa Cánh Buồm tái bản lần này, nói chung cứ 1 trang sách là 1 tiết học, trên đại thể mỗi tiết học có 3 việc làm: (a) Làm để ôn cái đã biết;  (b) Làm để tìm ra cái mới (tiết học khái niệm) hoặc thực hành cái mới (tiết bài tập); (c) Làm để tự sơ kết (tự kiểm tra, tự đánh giá).
  2. Nếu trẻ em chưa làm được, thì giáo viên làm mẫu và các em sẽ tiếp tục tự làm lấy. Làm xong thì rút ra khái niệm có thể gọi thành tên, và có thể vẽ thành sơ đồ như là hình thù “bên ngoài” của cái ý thức nằm “bên trong” con người. (Việc làm “a” bên trên).
  3. Thực hành việc làm vận dụng khái niệm (và sơ đồ tư duy) vào các loại bài tập khác nhau (Việc làm “b” bên trên). Có bài tập cho sẵn trong sách. Có bài tập giáo viên giao tùy theo năng lực học sinh của mình. Có bài tập do học sinh tự giao cho mình làm (Việc làm “b” và “c” bên trên).

Do đâu, dựa trên cơ sở nào, mà nhóm Cánh Buồm dám cam đoan với xã hội rằng những việc làm nằm trong hệ thống việc làm gửi trong sách giáo khoa Cánh Buồm là đáng tin cậy? Xin thưa:

  1. Căn cứ thứ nhất là một lý thuyết tâm lý học khả dĩ thuyết phục được chúng tôi. Cho tới bây giờ, cái lý thuyết mang tính hoạt động như  Jean Piaget đề xuất (và Lev Vygotsky “đồng ý trên nhiều điểm) có vẻ hấp dẫn chúng tôi. Lý thuyết của Piaget nói đến hoạt động và việc làm của trẻ nhỏ – từ hành vi bú mút ngón tay cho tới thao tác bằng tay khi tạo ra các khái niệm Toán học – đó thảy là những thích nghi, những điều tiết để trẻ nhỏ đến với tiền khái niệm rồi sang những cái học được và củng cố thành nhận thức – tư duy logic. Nhóm Cánh Buồm cho rằng, nếu chúng ta coi Tâm lý học như một triết học hướng dẫn trả lời những cái tại sao cuối cùng về sự phát triển (trong đó có việc học) của trẻ em, thì chắc là chúng ta khó có thể bỏ qua những bậc thang đầu tiên nhưng không là những bậc thang duy nhất Piaget – Vygotsky – Gardner.
  2. Căn cứ thứ hai là bề dầy của việc triển khai một ý tưởng Giáo dục Hiện đại của nhóm Cánh Buồm. Những gì nhóm Cánh Buồm có hôm nay không hề là sự “vụt hiện” của một trực giác nhà thơ hoặc người nghệ sĩ. Khi nhóm Cánh Buồm soạn một cuốn sách 200 trang trong một thời gian kỷ lục là một tháng chẳng hạn, xin hãy hiểu cho rằng, chúng tôi đã hoàn thành cuốn sách đó trong 45 năm và 1 tháng, không ngắn hơn. Trong sự nghiệp Giáo dục, không có đất cho những điều ăn gian. Hễ ăn gian là lòi ra ngay. Thể hiện một tư tưởng mới mẻ đẹp đẽ của mình qua việc biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em cũng là viết sách đấy, nhưng hoàn toàn không chỉ là viết sách rồi in sách và lobby để bán sách.
  3. Căn cứ thứ ba là hiệu quả của công việc dùng sách giáo khoa mới. Dùng sách mới mà dễ dàng khi huấn luyện giáo viên, đó có thể coi là chuẩn mực đầu tiên, vì có lọt qua được bộ “máy cái” đó, có được các nữ thiên thần từng “ăn như sư ở như phạm” rồi đến khi ra đời thì vị trí xã hội bao giờ cũng chỉ có thể ở mức khiêm nhường, chỉ khi nào những con người vĩ đại đó chấp nhận rồi biến thành tài sản tinh thần của riêng họ và mỗi cô giáo sẽ tự có một cây đũa thần riêng gõ vào từng việc làm tự tạo ra trí tuệ của những cô cậu học trò tiểu học thời nào thì cũng là bọn thò lò mũi xanh… khi đó sẽ bảo đảm bộ sách giáo khoa ấy có giá trị.

KẾT LUẬN 

Nhóm Cánh Buồm xin cam đoan với đồng bào toàn xã hội rằng chúng tôi đã nếm trải cái hạnh phúc có những giáo viên đồng hành. Có ít hay có nhiều, điều đó không quan trọng. Noi theo cụ Lạc Long Quân ban đầu cũng chỉ có một bà Âu Cơ, thế mà cái nội dung bên trong cái bọc sinh ra những người í ới gọi nhau là đồng bào cũng đông ra dáng. Nhóm Cánh Buồm qua bộ sách giáo khoa 2014 này  xin cam kết một điều và chỉ một: đây là mặt hàng mẫu của tập thể sư phạm bé nhỏ này kính dâng vào việc gợi ý cho đồng bào Việt Nam bậc tiểu học đi vào con đường hiện đại hóa. Chỉ một con đường hiện đại hóa thôi!

Hà Nội, 12 tháng 10 năm 2014.