Khi đọc sách “Sự ra đời trí khôn của trẻ em”[1] và “Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em”[2] của Jean Piaget, bỗng nhiên tôi nhớ đến câu thơ rất thú vị của Xuân Diệu: “ÔI! TỪ KHÔNG ĐẾN CÓ/ XẢY RA NHƯ THẾ NÀO”?… trong bài “Quả sấu non trên cao”. Không gì thích hợp hơn là mượn câu thơ đó làm tựa đề cho bài viết về những nghiên cứu Tâm lý học phát triển của Jean Piaget.
Bằng phương pháp quan sát trường diễn cuộc sống tự nhiên của trẻ trong quá trình phát sinh, phát triển, trước hết là các con của ông, Piaget đã ghi chép tỉ mỉ, mô tả cặn kẽ từ các phản xạ sinh lý đến sự nảy sinh ra hiện tượng tâm lý diễn ra như thế nào. Quả là kỳ thú khi quan sát được cái “từ không đến có” diễn ra như thế nào trong đời sống tâm lý của đứa trẻ… Trên cơ sở đó Piaget phát hiện ra tính quy luật của các hiện tượng tâm lý, xác lập các quan điểm tâm lý học của ông.
Có thể nêu ví dụ từ trong cuốn “Sự ra đời trí khôn của trẻ em”. Quan sát 1:… “ Bé Luciene sau 15 phút và bé Laurent sau nửa giờ sinh ra đã mút bàn tay. (…) Ở Luciene, vì bàn tay được giữ yên trong tư thế của nó, việc mút ngón tay kéo dài hơn 10 phút”…(tr.42). Sau khi sinh vài giờ trẻ mút vú mẹ lần đầu tiên, và quan sát cho thấy mỗi bé bú mẹ với những phản ứng rất khác nhau… Từ đó bằng việc quan sát liên tục, hàng trăm lần mỗi lần bé thèm bú, cử động tìm vú và đến 29 ngày bé thích nghi với việc bú ra sao… Từ đó Piaget thu được kết quả “mang một tầm quan trọng lớn về lý thuyết, cho phép hiểu được một hệ thống các phản xạ thuần túy có thể tạo thành thái độ tâm lý ở điểm nào, ngay khi có sự hệ thống hóa sự vận hành của chúng. Chúng ta hãy tìm cách phân tích quá trình ấy bằng việc xem xét liên tiếp nó với tư cách sự thích nghi và với tư cách sự tổ chức tăng dần” (tr.47- MVT in nghiêng). Như vậy từ cơ chế phản xạ thuần túy sinh lý – di truyền sơ khai, đứa trẻ đã “học” bằng tích lũy dần các phản xạ để thích nghi với vận động bú và hình thành nên cơ chế đồng hóa, điều tiết và tổ chức cùng với quá trình đó là sự nảy sinh ra cấu trúc cảm giác vận động sơ khai…(một hiện tượng tâm lý).
Quá trình đó trải qua 6 giai đoạn hình thành, phát triển (trong vòng 1 năm 6 tháng) cái cấu trúc cảm giác vận động sơ khai được áp dụng vào các tình huống mới; được liên kết giữa các vận động cầm nắm, nghe, nhìn, phát âm…trở thành những cái “sơ đồ” (schème) ngày càng được đồng hóa, phổ cập hóa phong phú và có khả năng điều tiết linh hoạt ứng với các tình huống khác nhau. Và khi một đồ chơi trong tầm nhìn của trẻvắng mặt, trẻ ngơ ngác, bập bẹ gọi tên đồ vậtvà đi tìm kiếm nó (quan sát 181). Như vậy là biểu trưng về đồ vật vắng mặt (cái sơ đồ biểu trưng trong não) đã điều khiển hành vi tìm kiếm của đứa trẻ. Một nấc thang phát triển có chất lượng mới về trí khônđược ra đời ở đứa trẻ (tr.415). Ta đã thấy, trí khôn đã ra đời từ phản xạ sinh lý chuyển thành cảm giác vận động, và từ cảm giác vận động đến biểu trưng về sự vật, trong quá trình phát triển tự nhiên diễn ra suốt 18 tháng đầu đời của đứa trẻ. Từ không đến có đã diễn ra như thế đấy!
Trong cuốn “Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em”, Piaget lại trả lời câu hỏi: Biểu tượng từ đâu mà có? Đó là từ sự bắt chước và từ trò chơi. Theo Wallon, nhà tâm lý học Pháp thì bắt chước không thể xảy ra ở đứa trẻ trước nửa sau của năm tuổi thứ hai[3]. Nhưng Piaget không tin vào điều đó, ông quan sát trẻ sơ sinh từ đầu và thử nghiệm phát lại những âm đứa trẻ 2 tháng 11 ngày, trẻ tỏ ra “chú ý” nghe; rồi khi nó 2 tháng 17 ngày, khi ông phát âm lại những âm quen thuộc (ví dụ arr..), bé đã bắt chước ngay và arr… theo…Rồi lúc bé được 1 tháng 26 ngày, ông làm động tác quay đầu sang bên phải, bên trái, bé nhìn và cũng bắt chước quay đầu theo… Ông gọi đó là giai đoạn bắt chước lẻ tẻ. Giai đoạn tiếp theo là “Bắt chước có hệ thống những âm thanh trẻ đã phát âm và những động tác trẻ đã thực hiện trước đó và được trẻ nhìn thấy”, (như bắt chước những âm thanh, những cử động tay, chân… ở trẻ 7 – 9 – 10 tháng). Giai đoạn 4 và 5: “Bắt chước những vận động không nhìn thấy trên cơ thể và những hình mẫu” (như bắt chước chớp mắt; bắt chước lấy mùi soa phủ lên đồ vật – 11 tháng 28 ngày). Vào lúc 1 năm 3 tháng 15 ngày trẻ biết chủ động bắt chước những âm thanh có nghĩa, như Mama. Papa… Như vậy những cấu trúc sơ khai ngày càng được đồng hóa và điều tiết cao hơn để đáp ứng những hành vi ngày một phức tạp hơn.
Giai đoạn 6: Bắt đầu sự bắt chước có tính biểu trưng và sự tiến hóa của bắt chước. Từ bắt chước tức thời đến bắt chước trì hoãn (sau mới lặp lại), rồi bắt chước có tính biểu trưng ở trẻ vào lúc 2 tuổi, là một trong những cơ sở hình thành biểu tượng ở trẻ.
Cùng với bắt chước là trò chơi, có ý nghĩa quyết định tới hình thành biểu tượng. “Sự sinh ra trò chơi” ở trẻ cũng bắt đầu từ cảm giác vận động khi trẻ ném quả bóng cho nảy lên, kéo cái xe bằng sợi giây … Đó là bắt đầu những trò chơi thực hành đơn giản(lúc hơn 2 tuổi); tiếp đó làtrò chơi tượng trưng (chăm sóc búp bê, nấu ăn…); rồi trò chơi có quy tắc…Cùng với phát triển ngôn ngữ, trò chơi phát triển với nhiều kiểu dạng phong phú, cho đến trẻ 7 – 8 tuổi vẫn phát triển các trò tượng trưng, trò chơi có quy tắc… với biểu tượng ngày càng phong phú, đa dạng và có tinh khái quát cao hơn.
Quá trình bắt chước và trò chơi là cơ sở hình thành nên thế giới biểu tượng ở trẻ. Các biểu tượng tạo nên các liên tưởng, là cơ sở cho phát triển trí tưởng tượng, tư duy hình tượng ở trẻ.
Cùng với sự phát triển ngôn ngữ, các biểu tượng là tiền đề phát triển tư duy, từ giai đoạn “tiền thao tác” (2 đến 6 tuổi); giai đoạn “thao tác cụ thể” (7 đến 11 tuổi); giai đoạn “thao tác hình thức” (trên 12 tuổi); vân vân…
Có những ý kiến phản biện cho rằng, dưới tác động của giáo dục, quá trình hình thành biểu tượng, phát triển tư duy có thể diễn ra sớm hơn ở trẻ, chứ không cứng nhắc như Piaget mô tả…
Nhưng ở đây Piaget muốn mô tả sự phát triển tự nhiên của trẻ để thấy được tính quy luật của sự sinh thành, phát triển của các hiện tượng tâm lý từ không đến có diễn ra như thế nào trong mối quan hệ của trẻ với môi trường sống…
Sách của Piaget rất khó đọc, vì ông quan sát, mô tả rất tỉ mỉ, chi tiết từng cử động, từng biểu hiện của đứa trẻ, lặp đi lặp lại, ngày nay qua ngày khác, năm này qua năm khác, với những thuật ngữ riêng của ông, không giống ai!
Chỉ những người thực sự quan tâm đến trẻ em, hứng thú khám phá quy luật hình thành, phát triển tâm lý của trẻ và từ đó tìm ra phương thức giúp trẻ phát triển trong hạnh phúc, mới thích thú đọc Piaget.
Những người làm giáo dục bằng ảo tưởng, áp đặt ý chí chủ quan lên trẻ em, với phương thức “Chỉ đạo quyết liệt”, “Dấy lên phong trào thi đua”, “Đồng loạt ra quân” tiến hành “Những trận đánh lớn”, “Sách giáo khoa là vũ khí”, “Giáo viên là chiến sĩ”… theo hiệu lệnh từ “Tổng tư lệnh ngành”, nhất loạt xông lên…. thì làm sao đọc được Piaget!
19/2/2016.
Mạc Văn Trang.